Hoạt động vận tải hành khách sau khơi thông: Vẫn còn gặp khó

Cập nhật: Thứ năm 14/10/2021 - 08:40
 Nhiều xe vận tải hành khách liên tỉnh vẫn thưa khách, các nhà xe phải nhận vận chuyển hàng để duy trì hoạt động.
Nhiều xe vận tải hành khách liên tỉnh vẫn thưa khách, các nhà xe phải nhận vận chuyển hàng để duy trì hoạt động.

Nhằm đáp ứng yêu cầu phục hồi kinh tế và nhu cầu đi lại của người dân, ngày 10-10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 1322/CĐ-TTg về tổ chức hoạt động vận tải hành khách đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Tuy nhiên, trước những yêu cầu nghiêm ngặt về phòng chống dịch bệnh được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đưa ra, nhiều địa phương và đơn vị vận tải vẫn gặp khó.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT, ngay trong đêm 11-10, Sở GTVT tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch triển khai thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đối với các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh từ Thái Nguyên đi/đến các địa phương có nguy cơ cao/rất cao và ngược lại, các đơn vị vận tải thực hiện tối thiểu 5% và tối đa không vượt quá 30% số chuyến trong 7 ngày, có giãn cách chỗ ngồi trên xe và không áp dụng giãn cách đối với xe giường nằm. Tổ chức hoạt động vận tải bình thường đối với tuyến cố định đi/đến khu vực/địa phương có nguy cơ thấp, nguy cơ bình thường và ngược lại. 

Ông Trần Văn Long, Phó Giám đốc Sở GTVT thông tin: Ngoài 3 tuyến đã khôi phục hoạt động vận tải từ ngày 29-9, Sở đang kết nối với các địa phương để chủ động phương án liên kết giao thông. Đến nay, đã có 5 tỉnh cho phép 100%  phương tiện hoạt động bình thường trở lại.

Sau khi các văn bản trên được thi hành, ghi nhận tại Bến xe khách Trung tâm T.P Thái Nguyên, trung bình mỗi ngày có khoảng 100 xe xuất bến, tăng 40 chuyến so với thời điểm cuối tháng 9. Ông Trịnh Văn Quyến, Phó Giám đốc Bến xe cho biết: Khi hoạt động vận tải được “nới lỏng” lượng phương tiện sẽ tăng dần. Để đảm bảo an toàn phòng dịch, chúng tôi đang đầu tư hệ thống bán, soát vé tự động, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, tiếp nhận các doanh nghiệp đăng ký số lượng xe hoạt động để bố trí khu vực dừng/đỗ hợp lý, đảm bảo an toàn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn các hãng vận tải hành khách đều mong muốn được hoạt động trở lại nhưng các đơn vị này còn khá băn khoăn với các điều kiện theo quy định. Chị Đỗ Thị Hòa, đại diện Công ty CP Ngọc Tuấn Kiệt, tổ 6, phường Đồng Quang (T.P Thái Nguyên) cho rằng: Hiện, Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa đồng ý cho các xe vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh hoạt động nên Công ty vẫn đang phải đợi 2 tỉnh Thái Nguyên và Quảng Ninh thống nhất phương án thì mới có thể chạy xe. 

Còn theo đại diện HTX Vận tải Chùa Hang (T.P Thái Nguyên): Theo thí điểm của Bộ GTVT, tài xế, nhân viên phải tiêm đủ 2 mũi vắc-xin mới được tham gia vận tải, song đến nay đa phần lái, phụ xe của HTX mới chỉ tiêm 1 mũi. Chưa kể đến hành khánh đến từ vùng cam, vùng đỏ cũng phải tiêm 2 mũi vắc-xin và xét nghiệm âm tính với vi-rút SARS-CoV-2 trong 72 giờ nên HTX vẫn chưa thể hoạt động trở lại.

Việc khơi thông hoạt động vận tải được coi là tiền đề để khôi phục nền kinh tế. Tuy nhiên, theo ý kiến của số đông các đơn vị vận tải hành khách liên tỉnh, để làm được điều này, cần có sự phối hợp và đồng thuận từ các địa phương. Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn phòng dịch cần đẩy mạnh kiểm soát người và phương tiện tham gia vận tải hành khách liên tỉnh tuyến cố định, điểm đầu và điểm cuối của hành trình thông qua các giải pháp công nghệ như: Định vị, thiết bị kiểm soát hành trình; bảo đảm lái xe đi đúng lộ trình đã được cấp, không tùy tiện dừng, đỗ dọc đường, không rời khỏi cabin trong quá trình giao nhận hàng hóa; tổ chức điểm dừng nghỉ, đổ nhiên liệu hợp lý…

Hoài Anh
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: