"Khát" lao động, công nghiệp vẫn khởi sắc

Cập nhật: Thứ sáu 01/04/2022 - 08:31
 Sản xuất linh kiện điện tử và tai nghe thông minh tại Công ty TNHH Glonics Việt Nam (phường Phú Xã, T.P Thái Nguyên). Ảnh: X.H
Sản xuất linh kiện điện tử và tai nghe thông minh tại Công ty TNHH Glonics Việt Nam (phường Phú Xã, T.P Thái Nguyên). Ảnh: X.H

Quý I vừa qua, mặc dù chịu tác động lớn của dịch COVID-19, lượng lao động, nhất là lao động tại các khu công nghiệp thiếu hụt, nhưng tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vẫn tăng trưởng khá. Đó là tín hiệu vui ngay từ đầu năm, góp phần tạo sức bật tăng trưởng công nghiệp cho quý II và cả năm 2022.

Số ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng từ đầu năm đến nay của Thái Nguyên tăng gấp nhiều lần so với năm trước. Trong đó, tỷ lệ ca F0 là công nhân, người lao động các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm khá cao. Từ đó dẫn đến nguồn cung lao động bị thiếu hụt, công nhân trong khối sản xuất công nghiệp có xu hướng giảm mạnh. 

Số liệu thống kê cho thấy, lao động trong doanh nghiệp công nghiệp quý I vừa qua giảm 11,3 nghìn lao động, tương đương với 4,2% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 8,4%. Nếu chia theo ngành hoạt động thì khu vực khai khoáng giảm 5,7%, chế biến, chế tạo giảm 4,3%, sản xuất, phân phối điện giảm 2,7%...

Tuy nhiên, nhờ nhanh chóng triển khai các biện pháp thích ứng linh hoạt, đẩy mạnh các giải pháp cơ cấu, tổ chức lại sản xuất trong từng ngành, từng đơn vị, doanh nghiệp nên đến thời điểm này, công nghiệp toàn tỉnh vẫn duy trì mức tăng trưởng khá. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I tăng 5,92% so với cùng kỳ, trong đó ghi nhận sự gia tăng đáng nể của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - động lực tăng trưởng chính toàn Ngành (tăng 6,27%).  

Trước sức ép thiếu hụt lao động, bản thân các doanh nghiệp đã thực hiện nhiều biện pháp, vừa tăng cường tuyển dụng, thu nhận lao động, thay đổi ca kíp, tổ chức sản xuất linh hoạt vừa có các chế độ đãi ngộ để thu hút công nhân. 

Chính quyền các địa phương có nhiều khu công nghiệp như T.X Phổ Yên, huyện Phú Bình, T.P Sông Công luôn đồng hành giúp đỡ doanh nghiệp về thủ tục đầu tư, mở rộng sản xuất, lao động... giúp các doanh nghiệp lấy lại “phong độ”.

Do nhanh chóng lấy lại thị trường, đơn hàng và duy trì ổn định sản xuất nên chỉ số tiêu thụ hàng hóa tăng, hàng tồn kho toàn ngành Công nghiệp giảm rất sâu (35,7%) so với cùng kỳ. Chính hai chỉ số này cân đối đã tạo bước chuyển biến đáng kể cho khối công nghiệp, nhất là công nghiệp FDI. Hàng hóa mũi nhọn của tỉnh như thiết bị điện tử, sản phẩm chế biến sâu khoáng sản, hàng may mặc… đều tăng cả về sản lượng và giá trị tiêu thụ so với cùng kỳ. 

Cụ thể: Nhóm sản phẩm và thiết bị điện tử tăng 14,1%; vonfram và sản phẩm vonfram tăng 98,4%; sản phẩm may tăng 14,6%; thiết bị và dụng cụ khác trong y khoa tăng 14,3%; than nguyên khai tăng 3,1%…

Tiêu biểu về sự gia tăng sản phẩm ngay từ quý I của doanh nghiệp thuộc về Samsung Thái Nguyên và các đơn vị phụ trợ cho Samsung. Số liệu mới nhất cho thấy, số lượng camera truyền hình đạt 22,7 triệu sản phẩm, tăng 32,4% so với cùng kỳ; điện thoại thông minh đạt 24,7 triệu sản phẩm, tăng 11,8%; tai nghe khác đạt 13,2 triệu sản phẩm, tăng 2,7%...

Kết quả sản xuất quý I cho thấy, dù khó khăn nhưng ngành Công nghiệp của tỉnh vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định. Dự báo, trong quý II, khi sản xuất của toàn Ngành thích ứng đầy đủ với điều kiện mới, chỉ số sản xuất công nghiệp sẽ đảm bảo kế hoạch đề ra, tạo tiền đề quan trọng để về đích cả năm đúng hẹn.

Nguyễn San
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: