Thái Nguyên trong dòng chảy lịch sử đất nước (Bài 13): Nơi ghi dấu ấn nền ngoại giao nước nhà
Phát huy truyền thống của một vùng quê cách mạng, xã Tiên Hội (Đại Từ) ngày càng phát triển nhanh, mạnh. Ảnh: T.H |
Địa chí Thái Nguyên ghi: ...Sau Hiệp định Giơnevơ được ký kết và có hiệu lực, từ tháng 8-1954, các cơ quan đầu não kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Mặt trận, quân đội chuyển về ở và làm việc tại xã Hùng Cường (xã La Bằng, Bản Ngoại, huyện Đại Từ ngày nay). Về đây là để chuẩn bị mọi điều kiện cho tiếp quản Thủ đô… Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ trình Quốc thư đầu tiên tại Trụ sở đóng ở Đồi Giang, xã Tiên Hội (Đại Từ)…
Khu di tích Đồi Giang, xã Tiên Hội đã ghi một dấu ấn quan trọng trong lịch sử, ngày 01/9/1954, Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Hồ Chí Minh đã nhận Quốc thư của Nước CHND Trung Hoa do đại sứ đặc mệnh toàn quyền La Qúy Ba dâng. Đây cũng là lễ trình quốc thư đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ khi thành lập…
Những năm gần đây, Chính phủ, ngành Ngoại giao, tỉnh đã quan tâm đầu tư, lưu danh sự kiện chính trị ngoại giao đặc biệt quan trọng này, do vậy, di tích Đồi Giang không còn là một quả đồi ẩn khuất, tĩnh mịch thuở nào. Lối lên Đồi Giang đã được sửa sang rộng rãi, tạo điều kiện để du khách thập phương tìm về ngôi nhà đơn sơ, gắn liền với những trang sử vẻ vang, đầy tự hào của ngành Ngoại giao nước nhà.
Ông Tạ Quang Chiến, lão thành cách mạng kể: “Tôi làm việc ở Vụ Lễ Tân (Bộ Ngoại giao lúc đó có 3 vụ: Vụ Chính trị, Vụ Văn Phòng và Vụ Lễ tân), nên có mặt và chứng kiến sự kiện này. Ngày 01/9/1954, trời mưa to, Bác vẫn đến đúng giờ. Nhà hội trường trình Quốc thư, trước cửa là một lá cờ Tổ quốc trang nghiêm. Đặc biệt, phòng hội trường, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận Quốc thư là một căn phòng đơn sơ, được dựng bằng gỗ và tre nứa, mái lợp lá cọ nhưng cũng khá trang trọng, nền được đầm kỹ, sàn lát gỗ. Ngoài ra có rất nhiều cửa sổ được nẹp bằng tre và trúc.
Trường Tiểu học Tiên Hội tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm tại Di tích lịch sử Đồi Giang - nơi diễn ra Lễ nhận Quốc thư đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 1/9/1954. Ảnh: T.L
Theo thông lệ quốc tế, trong lễ nhận Quốc thư, nguyên thủ Quốc gia sẽ nhận thư và tiếp Đại sứ, không đọc diễn văn. Song, đây là lễ nhận Quốc thư đầu tiên và cũng là một mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển của mối quan hệ hữu nghị Việt - Trung, nên phần nghi lễ có diễn văn chào mừng của Đại sứ La Quý Ba và đáp từ của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên thì kể lại: “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tiếp sau đó là Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương được ký kết mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc, chấm dứt sự có mặt của hệ thống thực dân cũ ở nước ta. Trong không khí đó, bạn bè năm châu bày bỏ tình đoàn kết với chúng ta, Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa chuẩn bị để sau khi tiếp quản Thủ đô Hà Nội, các nước xã hội chủ nghĩa anh em sẽ mở cơ quan đại diện ngoại giao. Liên Xô và Trung Quốc đã cử đại sứ ngay khi chúng ta chuẩn bị ký Hiệp định Giơvenơ năm 1954.
Trong khi các cơ quan Chính phủ còn trên Việt Bắc, Đại sứ Trung Quốc và Liên Xô đã đến. Ngày 1/9/1954, chúng ta tổ chức Lễ trình Quốc thư đầu tiên của nước Việt Nam độc lập tại Tiên Hội, Đại Từ. Đây là lễ trình Quốc thư đặc biệt vì lúc đó chúng ta không có những biệt thự đẹp, không có những ngôi nhà hoành tráng để tổ chức. Hồ Chủ tịch quyết định tổ chức Lễ trình Quốc thư thật trang trọng tại Khu giải phóng Đại Từ, trên 1 đồi sim rất đẹp thuộc xóm Thắng Lợi, xã Tiên Hội”.
Sử sách ghi lại: Lễ trình Quốc thư diễn ra vào chiều 1/9/1954. Về phía ta có Chủ tịch nước Hồ Chí Minh; Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng; Đại tướng Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp; Nguyễn Cơ Thạch - Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao; Vũ Đình Huỳnh - Lễ nghi kiêm Xứ trưởng Giao tế Bộ Ngoại giao… Về phía Trung Quốc có Đại sứ La Quý Ba, Tham tán Tạ Sản Thu, Bí thư thứ hai Tào Quế Sinh; Bí thư thứ ba Lý Tô Quang… một số quan chức ngoại giao và các chuyên gia…
Khi trình Quốc thư xong, Bác Hồ dẫn Đại sứ La Quý Ba duyệt binh ngay sườn đồi gần đó, có đội kèn cử Quốc thiều hai nước. Những nghi lễ tối thiểu của một Lễ trình Quốc thư đều có đầy đủ. Sau đó, có một chi tiết rất thú vị, Bác Hồ không tiếp đại sứ La Quý Ba trong phòng khánh tiết mà ngồi ngay ở vạt đồi, mọi người cùng nói chuyện rất thân mật và vui vẻ. Bác Hồ lấy hai đĩa kẹo chia cho các tiêu binh mỗi người một chiếc…
Vinh dự là mảnh đất đã chứng kiến bao biến đổi quan trọng của dòng chảy lịch sử dân tộc, người dân Tiên Hội luôn nhắc nhở mình không thể quên vai trò khởi nguồn trong đường lối ngoại giao, đối ngoại của dân tộc, không thể quên nhiệm vụ gìn giữ và tôn vinh giá trị lịch sử của di tích Đồi Giang, ngọn đồi mà từ đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định hướng đi và đường lối đối ngoại cho dân tộc Việt Nam.