Thái Nguyên trong dòng chảy lịch sử đất nước (Bài 16): Bảo vệ hậu phương, chi viện chiến trường
Bia tưởng niệm 15 chiến sĩ Đại đội tự vệ khu Hoàng Văn Thụ hy sinh trong trận đánh máy bay Mỹ để bảo vệ T.P Thái Nguyên ngày 17/10/1965 được đặt tại khu vực đầu cầu Gia Bẩy. Ảnh: Lăng Khoa |
Hòa bình lập lại, cùng với các tỉnh, thành khác trên miền Bắc, nhân dân Thái Nguyên bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, tăng cường tiềm lực kinh tế, quốc phòng, góp phần xây dựng và củng cố miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc; chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.
Trong lúc Đảng bộ, nhân dân các dân tộc và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thái Nguyên cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân miền Bắc ra sức phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng cơ sở vật chất xây dựng chủ nghĩa xã hội thì đế quốc Mỹ đưa quân viễn chinh vào miền Nam trực tiếp tham chiến và liều lĩnh gây chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân trên toàn bộ lãnh thổ miền Bắc nước ta.
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Trung ương Đảng và Chính phủ đã cho xây dựng nhiều cơ sở kinh tế và quốc phòng quan trọng; đặc biệt là Khu Liên hợp Gang thép Thái Nguyên - cơ sở công nghiệp luyện kim đầu tiên của miền Bắc nước ta, cùng với hệ thống các nhà máy chuyên sản xuất, sửa chữa vũ khí, khí tài phục vụ nhiệm vụ quốc phòng. Thái Nguyên cũng là đầu mối giao thông quan trọng nối thủ đô Hà Nội, các tỉnh đồng bằng với các tỉnh Việt Bắc, lên biên giới Việt - Trung. Nhận định vị trí quan trọng, có ý nghĩa chiến lược cả về kinh tế và quốc phòng, từ đầu năm 1965, đế quốc Mỹ đã nhiều lần huy động máy bay vào trinh thám vùng trời Thái Nguyên.
Trong bối cảnh đó, xây dựng, phát triển kinh tế đi đôi với củng cố quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, kịp thời chi viện sức người, sức của cho miền Nam trở thành nhiệm vụ trong tình hình mới của cấp ủy Đảng và chính quyền tỉnh. Các hoạt động phục vụ cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu ngày càng trở nên khẩn trương. Công tác phòng không nhân dân được triển khai rộng khắp. Lực lượng dân quân, tự vệ tăng cường tuần tra canh gác, giữ gìn trật tự, trị an bảo vệ xóm làng. Kế hoạch hiệp đồng chiến đấu giữa bộ đội địa phương, dân quân, du kích, tự vệ với các đơn vị bộ đội chủ lực được xây dựng và tổ chức diễn tập thường xuyên. Đầu tháng 8-1965, các cơ quan hành chính tại trung tâm sơ tán gần nhất là 8km, 80% dân trung tâm thành phố phải đi sơ tán. Toàn tỉnh xây dựng 146 trận địa phòng không, 200 nghìn hầm hào trú ẩn, 1.570 tự vệ luân phiên trực chiến…
Ngày 17/10/1965, máy bay Mỹ ném bom, bắn phá khu vực cầu Gia Bẩy và xóm Xuân Quang, xã Gia Sàng (T.P Thái Nguyên) làm 147 người bị chết và bị thương, 45 ngôi nhà cháy, đổ; 3 cơ sở sản xuất tiểu công nghiệp bị phá hỏng… Chỉ sau 1 giờ máy bay Mỹ ném bom, Ty Giao thông đã điều 20 xe ô tô tải chở đá làm đường ngầm Sơn Cẩm. Hợp tác xã Thuyền (T.P Thái Nguyên) ghép 3 thuyền thành 1 phà trọng tải 2,5 tấn để chở ô tô con qua sông. 1.400 dân quân, tự vệ và dân công ở T.P Thái Nguyên và huyện Đồng Hỷ được huy động phối hợp với 200 cán bộ, chiến sĩ, bộ đội công binh Quân khu Việt Bắc đào, phá bom nổ chậm ở khu vực cầu Gia Bẩy; làm đường ngầm và ghép phà Sơn Cẩm. Đến 16 giờ ngày 19/10/1965, đường ngầm Sơn Cẩm được khai thông; cầu phà Bến Oánh được hợp tác xã Thuyền lắp ghép xong. Giao thông vận tải được khôi phục, đáp ứng kịp thời nhu cầu phục vụ chiến đấu và đi lại của nhân dân.
Nhà máy Điện Cao Ngạn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: T.L
Ngay trong ngày 17-10, Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu Việt Bắc đã gửi điện kêu gọi quân và dân T.P Thái Nguyên “Chuẩn bị tốt hơn nữa để chiến đấu và phục vụ chiến đấu, kiên quyết bảo vệ khu công nghiệp lớn của Tổ quốc và cửa ngõ của hậu phương căn cứ địa Việt Bắc”. Để có đủ lực lượng sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ đảm bảo giao thông - vận tải trong tình huống bị máy bay địch đánh phá ác liệt, 1 đại đội và 2 trung đội bộ đội công binh được thành lập. Tỉnh Đoàn Thanh niên thành lập Đội 91 Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước với 600 cán bộ, đội viên, biên chế thành 4 đại đội.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mỗi người làm việc bằng hai”, quân và dân Thái Nguyên đẩy mạnh nhịp độ sản xuất, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ quê hương. Cán bộ, đảng viên, công nhân Nhà máy Điện Cao Ngạn thực hiện khẩu hiệu "Giặc đến là bám máy, bám lò, xử lý sáng tạo. Giặc đi lại sản xuất với năng suất lao động cao hơn”. Năm 1966, do hai tầng nhà bị bom phá sập, Đảng bộ Nhà máy đã lãnh đạo cán bộ, công nhân dồn máy móc, thiết bị xuống tầng hầm, nhanh chóng phục hồi sản xuất, bảo đảm vận hành máy móc, kịp thời cung cấp điện cho các nhà máy, xí nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh hoạt động.
Cũng từ giữa năm 1966, đế quốc Mỹ tập trung máy bay, bom đạn đánh phá có tính chất hủy diệt Khu Gang thép Thái Nguyên. Đảng bộ Công ty Gang thép đã lãnh đạo cán bộ, công nhân thực hiện tốt lời thề "Tổ quốc cần thép, cán bộ, công nhân Gang thép sẵn sàng đổi máu lấy thép". Gần 2 năm sản xuất dưới làn bom đạn ác liệt của giặc Mỹ, thép và gang vẫn tiếp tục ra lò, công suất bình quân 170 tấn/ngày. Năm 1966, Công ty Gang thép Thái Nguyên sản xuất vượt kế hoạch 5,1%; hai tháng đầu năm 1967 (trước khi sơ tán), sản xuất vượt kế hoạch từ 2% đến 5%. Đảng bộ, công nhân Mỏ than Khánh Hoà cũng nêu cao ý chí, quyết tâm làm nhiều, làm tốt, làm cho Khánh Hoà - Kon Tum ruột thịt, làm cho cả miền Nam anh hùng.
Trong bom đạn ác liệt của giặc Mỹ, cán bộ, công nhân Tổ 7, Công trường khai thác 1 (tổ lao động XHCN), gồm 16 cán bộ, công nhân là phụ nữ, có con nhỏ, đã liên tục phấn đấu đạt giờ công và năng suất lao động cao. Tổ máy xúc đã nâng năng suất xúc than từ 300m³ lên 528m³/ca. Đội xe tải đã nâng năng suất vận chuyển từ 80 chuyến lên 126 chuyến/ngày. Tại Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ, cán bộ, công nhân đã tháo dỡ hàng trăm tấn thiết bị, có thiết bị nặng hàng chục tấn, đưa đến nơi sơ tán lắp đặt để tiếp tục sản xuất. Máy bay Mỹ ném bom làm hỏng lò hơi, cán bộ, công nhân khôi phụ lại để bảo đảm sản xuất.
Trong 3 năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1965-968), thu ngân sách địa phương tăng bình quân mỗi năm 6,1%. Phong trào gửi tiền tiết kiệm nhiều tiến bộ. Cuối năm 1967, bình quân mỗi người dân trong tỉnh có số tiền gửi tiết kiệm 17 đồng, tăng 4 lần so với năm 1964. Các khối Giáo dục phổ thông, bổ túc văn hóa, đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề không ngừng phát triển. Số trường học tăng từ 30% đến 57% so với trước chiến tranh. Mạng lưới y tế phòng không được tổ chức rộng khắp, giải quyết kịp thời hậu quả do chiến tranh gây ra. Công tác phòng và khám chữa bệnh cho nhân dân ngày càng được tăng cường. Năm 1968, toàn tỉnh có 18 bệnh viện, 236 trạm y tế với 1.628 giường bệnh, 320 bác sĩ, y sĩ, tăng 37,4% so với năm 1965.
Sau cuộc tập kích chiến lược của ta Tết Mậu Thân 1968, công tác động viên tuyển quân chi viện chiến trường của các tỉnh, thành phố miền Bắc trở nên hết sức cấp bách. Chỉ tiêu tuyển quân với Thái Nguyên trong năm 1968 bằng 91% chỉ tiêu tuyển quân 3 năm trước cộng lại. Nhưng nhờ có quyết tâm cao nên kết quả tuyển quân đợt 1, tỉnh đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu quân số được giao. Các phong trào: Ngày hội thanh niên tòng quân chống Mỹ, cứu nước; vượt Trường Sơn đánh Mỹ; Con em Đại Từ ra đi là chiến thắng… được phát động. Chỉ tính riêng năm 1968, tỉnh đã thực hiện 4 đợt tuyển quân đều vượt kế hoạch.
Giữa lúc nhân dân đang tập trung khôi phục kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội, thì tháng 4-1972, đế quốc Mỹ huy động hàng trăm lượt máy bay và tàu chiến quay trở lại đánh phá miền Bắc với thủ đoạn tàn bạo hơn nhiều so với cuộc chiến lần thứ nhất. Nhiều nhà cửa, đường xá, kho tàng, trường học, xí nghiệp và nhà máy của Thái Nguyên bị phá hủy. Lúc này, Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh đã lãnh đạo quân và dân làm tốt công tác chiến đấu và chỉ đạo chiến đấu, đóng góp vào thành tích bắn rơi máy bay Mỹ trên bầu trời miền Bắc.
Trong khi cuộc chiến cam go nhất, Thái Nguyên được Trung ương giao nhiệm vụ tiếp nhận hàng hóa từ các tỉnh để chuyển cho chiến trường miền Nam và khu vực. Tính từ tháng 6 đến tháng 12-1972, Thái Nguyên đã trung chuyển 70.000 tấn lương hực, hàng hóa. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giải tỏa hàng ở ga Lưu Xá, đêm Noel 1972, 60 cán bộ, đội viên và 2 nhân viên thủ kho lương thực Lưu Xá đã hy sinh, trở thành khúc tráng ca bất tử trong lòng thành phố Thép. Năm 1972, tỉnh được giao chỉ tiêu tuyển quân cao gấp 1,81 lần so với năm 1971. Với tinh thần tất cả vì miền Nam đánh thắng giặc Mỹ, tỉnh đã hoàn thành cả 4 đợt tuyển quân, vượt quân số 2,42%.
Cả giai đoạn 1965-1975, Thái Nguyên đã chi viện 43.800 chiến sĩ cho chiến trường (7.790 người hy sinh, 7.800 bị thương). Bình quân mỗi năm, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đóng góp cho Nhà nước gần 20 nghìn tấn lương thực, hàng nghìn tấn thực phẩm, đảm bảo “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Tỉnh được tặng 1 Huân chương Sao Vàng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, 16 tập thể, 7 cá nhân được tuyên dương Anh hùng...
(Còn nữa)