Thái Nguyên trong dòng chảy lịch sử đất nước (Bài 18): Dấu ấn qua những kỳ đại hội

Cập nhật: Thứ hai 25/10/2021 - 10:00
 Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, những năm qua, tỉnh ta đã giành được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Khu công nghiệp Điềm Thụy đã và đang thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn trong nước, nước ngoài. Ảnh: M.H
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, những năm qua, tỉnh ta đã giành được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Khu công nghiệp Điềm Thụy đã và đang thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn trong nước, nước ngoài. Ảnh: M.H

Khởi đầu từ 1 cơ sở Đảng chỉ có 4 đảng viên, trải qua 85 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã phát triển nhanh chóng cả về quy mô đảng viên và số lượng cơ sở Đảng; hoàn thành xuất sắc việc lãnh đạo các nhiệm vụ chính trị ở từng thời kỳ, từng bước xây dựng Thái Nguyên phát triển trở thành một trong những tỉnh giàu mạnh ở miền Bắc đúng như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngược dòng lịch sử, thời điểm sau Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ nhất (năm 1935) ở Ma Cao (Trung Quốc), Chi bộ hải ngoại Long Châu quyết định đưa cán bộ về nước phát triển tổ chức cơ sở Đảng ở những vùng rừng núi hẻo lánh, nhằm xây dựng lực lượng nòng cốt cho cách mạng. Cuối năm 1936, trong ngôi nhà lá ba gian của đồng chí Đường Văn Hon (tức Nhất Quý) ở xóm Lau Sau, xã La Bằng (Đại Từ), cơ sở Đảng đầu tiên ở Thái Nguyên chính thức được thành lập, với 4 đảng viên đều là người dân tộc Nùng. 

Từ “đốm lửa” đầu tiên ấy, ánh sáng cách mạng của Chủ nghĩa Mác - Lênin đã bùng lên trên mảnh đất Thái Nguyên, lan tỏa thành cao trào cách mạng suốt thời kỳ 1936-1939 ở Thái Nguyên cũng như cả vùng Việt Bắc, tạo nên cuộc khởi nghĩa lật đổ chính quyền phong kiến, thực dân, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945... 

Ngay sau khi thành lập chính quyền cách mạng, giữa tháng 9-1945, Hội nghị cán bộ Đảng toàn tỉnh được tổ chức tại xóm Trường Xô, xã Phấn Mễ (Phú Lương). Hội nghị công bố Nghị quyết của Xứ ủy Bắc Kỳ chỉ định Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên gồm 8 đồng chí, đồng chí Ngô Nhị Quý làm Bí thư Tỉnh ủy; Lê Trung Đình làm Chủ tịch UBND tỉnh lâm thời. 

Đến tháng 8-1947, giữa lúc mọi hoạt động chuẩn bị cho kháng chiến chống Pháp diễn ra khẩn trương, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã triệu tập Đại hội đại biểu lần thứ nhất tại đình An Mỹ, huyện Đại Từ. Tham dự có hơn 100 đại biểu, đại diện cho trên 1.000 đảng viên trong toàn đảng bộ. Đồng chí Lê Đức Thọ, đại diện Ban Chấp hành Trung ương Đảng về dự và chỉ đạo. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ (nhiệm kỳ 1947-1948) gồm 11 đồng chí. Đồng chí Lê Trung Đình được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Với Đại hội Đảng bộ lần thứ nhất, Tỉnh ủy Thái Nguyên được kiện toàn một bước, đảm bảo cho Đảng bộ đủ năng lực lãnh đạo nhân dân các dân tộc chuẩn bị ứng phó với âm mưu và hành động của thực dân Pháp. 

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ II (tháng 6-1948) và Đại hội lần thứ III (tháng 7-1949) được tổ thức tại Đại Từ. Đại hội lần thứ IV (tháng 4-1951); Đại hội lần thứ V (tháng 2-1959); Đại hội lần thứ VI (tháng 3-1961) và Đại hội lần thứ VII (tháng 2-1963) được tổ chức tại T.X Thái Nguyên đã xây dựng nghị quyết, tập trung vào nhiệm vụ chỉ đạo tăng cường đoàn kết toàn dân, củng cố chính quyền cách mạng, phát triển đảng viên, xây dựng cơ sở đảng; quyết tâm xây dựng Thái Nguyên là căn cứ địa, hậu phương vững chắc, chi viện sức người, sức của “tất cả vì tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. 

Năm 1965, thực hiên nghị quyết của Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn sáp nhập để thành lập tỉnh Bắc Thái với 14 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc. Tại hội nghị từ ngày 4 đến 6/6/1965 đã thống nhất hai Tỉnh ủy Thái Nguyên và Bắc Kạn làm một, lấy tên chung là Tỉnh ủy Bắc Thái; bầu Ban Thường vụ gồm 11 đồng chí. Đồng chí Lê Hoàng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Khu ủy Khu Tự trị Việt Bắc được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. 

Hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh phát triển ngày càng đồng bộ, hiện đại. Trong ảnh: Tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đoạn qua địa phận xã Đông Cao (T.X Phổ Yên). Ảnh: N.H

 

Sau 7 năm sáp nhập, từ ngày 21-5 đến 3/6/1970, tại T.P Thái Nguyên đã diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Thái lần thứ I. Đại hội diễn ra trong khí thế sôi nổi học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 1970-1977) gồm 23 ủy viên chính thức và 4 ủy viên dự khuyết, đồng chí Lê Hoàng được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ được nhấn mạnh là: “…Nêu cao tinh thần tự lực gánh sinh, hăng hái tham gia xây dựng phong trào lao động sản xuất và tiết kiệm phát triển kinh tế toàn diện hơn, nhằm đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp chống Mỹ cữu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

Các Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Thái từ lần thứ II tới thứ VII đều diễn ra ở T.P Thái Nguyên đã xây dựng nghị quyết, đề ra chiến lược phát triển tỉnh Thái Nguyên phù hợp với từng giai đoạn, trong bối cảnh đất nước đã thống nhất và tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa. Ngày 6/11/1996, Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX ra nghị quyết chia tách tỉnh Bắc Thái để tái lập tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên sau hơn 30 năm hợp nhất.

Trong bối cảnh lịch sử ấy, theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XV từ ngày 11 đến 14/11/1997. Đây là đại hội vừa có ý nghĩa kế thừa 7 nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên trước đây; 31 năm xây dựng, trưởng thành của Đảng bộ tỉnh Bắc Thái, vừa là đại hội mở đầu thời kỳ tiến vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Tại Đại hội XV đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 47 ủy viên. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 12 đồng chí; đồng chí Nguyễn Ngô Hai được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên. Đại hội cũng đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 200 là: “Tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ thời cơ, đẩy mạnh công cuộc đổi mới một cách toàn diện và đồng bộ, tạo sự phát triển về kinh tế - xã hội với tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững, xây dựng tỉnh Thái Nguyên giàu đẹp với cơ cấu kinh tế công - nông - lâm nghiệp - dịch vụ; cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đảm bảo quốc phòng an ninh; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh để cùng cả nước tiến vào thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tạo tiền đề vững chức cho bước phát triển cao hơn sau năm 2000”.

Với sự chỉ đạo đúng hướng của Đảng bộ tỉnh, điều hành sáng tạo, linh hoạt của chính quyền cùng sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Thái Nguyên đã tạo được những bước tiến dài trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đó là tiền đề vững chắc để tỉnh bước vào nhiệm kỳ 2020-2025. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX diễn ra từ ngày 11 đến 13/10/2020 với chủ đề: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm quốc phòng, an ninh; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao toàn diện đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh; xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030”.

Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 51 ủy viên. Tại phiên họp thứ nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã bầu 15 ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng chí Nguyễn Thanh Hải được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025; các đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phạm Hoàng Sơn được bầu giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Với 20 kỳ đại hội, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã từng bước lớn mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, đạt được nhiều thành tựu to lớn và vẻ vang. Đó là cơ sở để có niềm tin vững chắc rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Thái Nguyên sẽ đạt được những bước phát triển đột phá hơn nữa, sớm trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội như mục tiêu nghị quyết lần thứ XX đã đề ra.

 

Hồng Tâm
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: