Thái Nguyên trong dòng chảy lịch sử đất nước (Bài 20): Đi lên cùng cả nước

Cập nhật: Thứ tư 27/10/2021 - 07:39
 Qua 9 tháng của năm nay, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 610 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất mô-đun camera của Công ty TNHH Sunny Opotech Việt Nam tại Khu công nghiệp Yên Bình. Ảnh: Lan Anh
Qua 9 tháng của năm nay, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 610 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất mô-đun camera của Công ty TNHH Sunny Opotech Việt Nam tại Khu công nghiệp Yên Bình. Ảnh: Lan Anh

Qua 9 tháng của năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 610 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước; giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt trên 21,3 tỷ USD, tăng 7,3%; thu ngân sách Nhà nước đạt trên 11.600 tỷ đồng, tăng 12,1%. Thái Nguyên tiếp tục được đánh giá là một trong những điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư… Thành quả này là sự kế thừa, kết tinh của các thế hệ cán bộ lãnh đạo và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên trong suốt nhiều năm qua. Đó cũng là nền tảng, cơ sở quan trọng để vùng “Thủ đô kháng chiến” năm xưa đi lên cùng cả nước.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khẳng định: Thời gian qua, Thái Nguyên đã có nhiều khâu đột phá quan trọng trong cải cách hành chính, quy hoạch, phát triển hạ tầng cơ sở và có nhiều quyết sách quan trọng trong phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Biết phát huy sức mạnh nội sinh và năng lực liên kết với các vùng, miền; tranh thủ thời cơ, mở rộng quan hệ hợp tác với bạn bè quốc tế để tạo nên sức mạnh tổng hợp trong xây dựng, phát triển. Qua đó nâng cao được vị thế, uy tín trong thu hút đầu tư. Đó cũng là cơ sở cho Thái Nguyên có bước đi vững chãi trên tiến trình trở thành vùng đất thân thiện, đi lên cùng cả nước.

Trong 3 năm gần đây, toàn tỉnh có tổng số vốn đầu tư đạt gần 30.000 tỷ đồng, trong đó hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung gần 4.000 tỷ đồng; hệ thống đô thị gần 24.000 tỷ đồng. Nguồn vốn Nhà nước chiếm 16,54%, nguồn vốn theo hình thức BOT, BT, vốn của doanh nghiệp, vốn xã hội hoá và vốn vay chiếm 71,61%; nguồn vốn ODA và các nguồn vốn khác 11,84%... Đô thị Thái Nguyên đang từng bước được thiết lập bài bản, phù hợp với sự phát triển chung của xã hội. 

Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Năm 2020, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 4,24%, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt trên 11%/năm, cao gấp 1,5 lần trung bình cả nước. GRDP bình quân đạt 88,7 triệu đồng/người/năm; tổng thu ngân sách Nhà nước đạt trên 19.400 tỷ đồng; Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020 xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số hài lòng của người dân - SIPAS đạt trên 80%.

Cùng phát triển kinh tế, Thái Nguyên còn là trung tâm y tế với Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên và 25 bệnh viện, trung tâm y tế trực thuộc tỉnh. Là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn thứ 3 trong cả nước, với 9 trường đại học, 52 trường cao đẳng, trung học và dạy nghề. Với nền tảng sẵn có và tốc độ tăng trưởng cao, Thái Nguyên đã và đang là điểm sáng cho các nhà đầu tư đến hợp tác phát triển.

Thu hút đầu tư là một trong các ưu tiên hàng đầu của tỉnh. Điều đó được thể hiện thông qua các chính sách ưu đãi về mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp; thuế xuất nhập khẩu; miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất; hỗ trợ kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đào tạo nghề và ưu đãi hỗ trợ các thủ tục hành chính cần thiết trong suốt quá trình tiến hành đầu tư. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Thái Nguyên được hỗ trợ tuyển dụng lao động, như việc tỉnh thực hiện hỗ trợ theo thỏa thuận với Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên. 5 năm gần đây đã có gần 10.000 lao động được hỗ trợ đào tạo nghề và bố trí việc làm, với tổng kinh phí hỗ trợ gần 5 tỷ đồng. 

Năm 2020, tổng số vốn huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đạt gần 850 tỷ đồng. Trong ảnh: Tuyến đường từ xóm Mỏ Sắt đi xóm Bãi Vàng, xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) dài 3,1km được cải tạo, nâng cấp theo Chương trình. Ảnh: T.L

Để những khu đô thị mang kiến trúc hiện đại được xây dựng bài bản, có quy hoạch, phù hợp lâu dài, tỉnh quyết liệt triển khai, thực hiện Chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2035. Chương trình được xây dựng với mục đích tăng cường sức cạnh tranh giữa các đô thị của tỉnh với các đô thị trong vùng Trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội. Từ triển khai bài bản, mang tính đột phá nên trong những năm gần đây hạ tầng kỹ thuật cơ sở từ tỉnh lị đến các thôn bản được đầu tư xây dựng. Đường về các xóm, bản đặc biệt khó khăn đã bê tông hóa. Nhiều tuyến phố mới có trục đường rộng hơn 30m, trên dọc phố là công trình nhà cao tầng, siêu thị, hệ thống mua sắm. Hạ tầng xã hội, kiến trúc cảnh quan phù hợp, đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của đại bộ phận nhân dân. 

Tốc độ đô thị hóa đã làm cho Thái Nguyên lột xác hoàn toàn. Bởi chỉ ít năm trước, nhắc đến Thái Nguyên, người ta nghĩ ngay đến Nhà máy Gang thép và chè. Song chừng hơn 5 năm trở lại đây, hình ảnh các khu công nghiệp (KCN), khu dân cư sầm uất choáng ngợp trong tư duy mỗi người. Đây là kết quả tỉnh triển khai thực hiện Chương trình phát triển đô thị với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Cụ thể là việc xây dựng kết cấu hạ tầng diện rộng; xây dựng mạng lưới đô thị; xây dựng đô thị tập trung; xây dựng hạ tầng các khu kinh tế trọng điểm như Tổ hợp KCN - đô thị Điềm Thụy (Phú Bình); Tổ hợp KCN - đô thị và dịch vụ Yên Bình (T.X Phổ Yên); KCN Sông Công I, Sông Công II (T.P Sông Công); KCN Nam Phổ Yên (T.X Phổ Yên) và Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên)… 

Nhằm mở ra cho Thái Nguyên nhiều hơn những cơ hội trong phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt kết nối từ Thái Nguyên - Núi Hồng, qua Đèo Khế sang tỉnh Tuyên Quang. Mở rộng Cụm cảng Đa Phúc, cảng sông Mom Kiệu (Phổ Yên). Xây dựng các bến tàu thủy phục vụ nhân dân, du khách tại Khu du lịch hồ Núi Cốc. Các tuyến đường cao tốc Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng; đường vành đai 5 xây dựng hoàn thiện. Rồi Quốc lộ 3 cũ, Quốc lộ 37, Quốc lộ 17 được cải tạo, nâng cấp. Hạ tầng giao thông kết nối 3 đô thị lớn là T.P Thái Nguyên, T.P Sông Công và T.X Phổ Yên với các trung tâm huyện lỵ đã rút ngắn khoảng cách về địa lý, đồng thời mở ra nhiều cơ hội mới cho tỉnh và các nhà đầu tư. Các tuyến giao thông kết nối những khu vực tập trung đô thị và KCN như tuyến đường vành đai vùng tỉnh Thái Nguyên, các tuyến đường tỉnh 266, 261. 

Hiện nay, trên địa bàn của tỉnh đã có 160 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký đạt gần 8.500 triệu USD. Riêng trong thời gian cuối năm 2020, tỉnh có thêm 16 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới, với tổng số vốn đầu tư đăng ký gần 268 triệu USD. Từ cuối năm 2020, Trung tâm Dịch vụ Hành chính công của tỉnh khai trương, đưa vào sử dụng. Đây là đầu mối duy nhất trong việc tiếp nhận và trả kết quả, giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị ở tỉnh. “Cánh cửa” thủ tục hành chính mở rộng, chuyện “hành là chính” không còn, thái độ làm việc của cán bộ, viên chức thân thiện, trách nhiệm hơn. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo lập thêm cơ hội hợp tác, phát triển mọi mặt. 

Cùng với đô thị hóa, Chương trình xây dựng nông thôn mới được các cấp, ngành quan tâm. Tổng số vốn huy động thực hiện năm 2020 đạt gần 850 tỷ đồng. Kết quả đến nay có 108 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Trong giai đoạn 2016-2020, tổng nguồn lực ngân sách Trung ương được Chính phủ cấp cho tỉnh gần 549 tỷ đồng cho thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. 

Như các tỉnh, thành phố khác trên cả nước và các quốc gia trên thế giới, trong những tháng đầu năm 2021, tỉnh Thái Nguyên cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch COVID-19. Tuy nhiên, tỉnh đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và quyết liệt triển khai những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Do triển khai thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” là vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, qua 9 tháng của năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 610 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước; giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt trên 21,3 tỷ USD, tăng 7,3%; thu ngân sách Nhà nước đạt trên 11.600 tỷ đồng, tăng 12,1%; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 30,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5%. Thái Nguyên duy trì ở tốp 4 địa phương có giá trị xuất khẩu cao nhất cả nước… 

Chưa bằng lòng với những kết quả đạt được, Thái Nguyên đặt ra mục tiêu là xây dựng Thái Nguyên trở thành Trung tâm chuyển đổi số; Trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực Trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội. Sẽ không còn là việc khó, bởi trên nền truyền thống cùng sự quyết tâm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận vào cuộc của người dân, Thái Nguyên chắc chắn trở thành tỉnh có nền kinh tế ngày càng năng động. 

(Hết)

Phạm Ngọc Chuẩn
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: