Thái Nguyên trong dòng chảy lịch sử đất nước (Bài 5): Tể tướng Lưu Nhân Chú - chí như tùng bách, chất người như ngọc
Lễ hội núi Văn - núi Võ được tổ chức vào ngày mùng 4 tháng Giêng hằng năm để tưởng nhớ công đức của Tể tướng Lưu Nhân Chú - người con của quê hương Văn Yên (Đại Từ) và là một trong nhưng vị khai quôc công thần của triều Hậu Lê cuối thế kỷ XV. Ảnh: Tư liệu |
“Lưu Nhân Chú - tài năng như cây tùng, cây bách; chất người như ngọc, ngọc dư...” - Đó là câu ban của vua Lê Thái Tổ trong bài Văn chế dành cho Lưu Nhân Chú, người xã Thuận Thượng, nay là xã Văn Yên, huyện Đại Từ, đã tham gia Hội thề Lũng Nhai, đi cùng Bình Định Vương Lê Lợi suốt cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, lại có mặt trong Hội thề Đông Quan chấp nhận sự đầu hàng của quân nhà Minh; được phong chức Tể tướng…
Lưu Nhân Chú sinh cuối thế kỷ XIV, mất năm 1433. Cha ông là Lưu Trung, một thương gia giầu có, giỏi võ, trọng văn. Lưu Nhân Chú có một người em rể tên Phạm Cuống. Một người anh cùng mẹ, cũng tham gia khởi nghĩa Lam Sơn rồi làm quan nhà Lê là Trịnh Khắc Phục. Theo sách “Đại Việt thông sử” của Lê Quý Đôn thì Lưu Nhân Chú thời trẻ làm nghề buôn bán.
Năm 1416, ông cùng cha, em rể và các hào kiệt vào Lam Sơn tham dự Hội thề Lũng Nhai cùng với Lê Lợi. Những ngày đầu khởi nghĩa Lam Sơn, ông theo Lê Lợi chiến đấu ở vùng núi Chí Linh “Xông pha tên đạn, ra vào trận mạc đem hết sức ra giúp” (theo Đại Việt thông sử). Năm 1424, để phá thế bao vây của quân Minh, phát triển cuộc khởi nghĩa, theo kế sách của Nguyễn Chích, Lê Lợi chuyển hướng địa bàn chiến lược vào Nghệ An… Quân địch bại trận phải rút về thành Nghệ An cố thủ.
Lưu Nhân Chú là một trong các tướng cầm quân, chiến đấu rất tài trí và dũng mãnh; “Ông xông lên trước hãm trận, thu được toàn thắng, nổi tiếng một thời” (Đại Việt thông sử)... Năm 1425, Lê Lợi phái các tướng: Lý Triện, Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Bùi Bị đem 2.000 quân tinh nhuệ và 3 voi chiến tiếp ứng cho Đinh Lễ, cùng đánh úp thành Tây Đô. Tháng 9-1426, Lê Lợi quyết định đưa 3 đạo quân tiến ra Bắc theo 3 hướng. Đạo quân thứ 2 do Lưu Nhân Chú, Bùi Bị chỉ huy, tiến ra vùng Thiên Trường, Tân Hưng, Kiến Xương…
Tháng 3-1427, Lưu Nhân Chú được phong chức Hành quân đô đốc tổng quản, Nhập nội đại tư mã, lĩnh 4 vệ Tiền, Hậu, Tả, Hữu, kiêm coi việc quân Tân vệ. Tháng 6 năm đó, Lê Lợi phong cho ông chức Tư không và dặn rằng: "Chức tước đã cao thì sớm hôm phải chăm chỉ, không nên trễ nải, biếng nhác, khiến uổng phí cả công lao". Nói rồi, ban cho ông một cái tán (theo Đại Việt thông sử).
Tuyến đường liên xã Ký Phú - Văn Yên (Đại Từ) đã được đầu tư nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy kinh tế - xã hội của các địa phương phát triển. Ảnh: T.H
Mùa Thu năm 1427, nhà Minh sai Liễu Thăng mang 10 vạn quân kéo sang giải vây cho Vương Thông. Lưu Nhân Chú được lệnh cùng Lê Sát mang 1 vạn quân, 5 thớt voi đực lên trước ải Chi Lăng đợi đánh. Ông cùng hợp mưu với Lê Sát, sai Trần Lựu giả thua để nhử Liễu Thăng ở Chi Lăng rồi tung quân mai phục ra đánh úp. Liễu Thăng, Lương Minh bị chém chết. Hai tướng Minh còn lại là Hoàng Phúc và Thôi Tụ cố mở đường tiến về Xương Giang. Lưu Nhân Chú và Lê Sát chặn đánh, giết được 2 vạn quân địch..
Sau đó, khi Phúc và Tụ kéo tới Xương Giang mới biết thành này đã bị quân Lam Sơn hạ, phải đóng quân giữa đồng không. Lê Lợi sai Lê Lý cùng Lê Văn An, Lê Khôi mang quân tới tiếp ứng cho Lưu Nhân Chú tổng tiến công quân Minh ở Xương Giang, giết và bắt sống toàn bộ quân địch. Tướng Hoàng Phúc cũng bị bắt. Mộc Thạnh cầm một cánh quân viện binh khác, nghe tin Liễu Thăng bại trận nên bỏ chạy về. Vương Thông bị vây ngặt ở Đông Quan không còn quân cứu ứng phải xin giảng hoà để rút về nước. Ngày 22 tháng 11 năm Đinh Mùi (10/12/1427), Lưu Nhân Chú phò Lê Lợi và 13 tướng lĩnh tham gia Hội thề Đông Quan với tướng Vương Thông nhà Minh. Vương Thông cam kết rút hết quân về nước, không dám ngoan cố chờ đợi viện binh và trên đường rút quân không được cướp bóc của nhân dân.
Lưu Nhân Chú là “Người phò tá có tài, là bề tôi tận trung của nước”. Lê Lợi tức Lê Thái Tổ lên ngôi vua ngày 15 tháng 4 năm Mậu Thân (tức ngày 29/4/1428), Lưu Nhân Chú được ban quốc tính (họ Lê) và được phong làm Suy trung Tán trị Hiệp mưu Dương vũ công thần, nhập nội kiểm hiệu, Bình chương quân quốc trọng sự, đứng đầu hàng võ trong triều đình, kiêm coi chính sự Nhà nước.
Dịp này, vua Lê Thái Tổ ban bài chế cho ông, có đoạn: "Trẫm nghĩ: Vua tôi một thể, chân tay giỏi thì đầu được tôn. Giúp đỡ có người, rường cột chắc thì nhà mới vững. Người là người phò tá có tài, là bề tôi tận trung của nước. Nên trẫm cho vinh hạnh ở ngôi Tể tướng, và vẫn giữ trách nhiệm coi nắm binh quyền. Nay ban cho tờ chiếu chỉ, để nêu rõ bậc quan sang” (Đại Việt thông sử). Tháng 5-1429, Lê Thái Tổ sai khắc biển công thần, Lưu Nhân Chú được phong làm Á thượng hầu, đứng hàng thứ.
Năm 1431, Lưu Nhân Chú được chuyển làm Nhập nội tư khấu. Năm 1433, Lê Thái Tổ mất, Lê Thái Tông lên thay còn nhỏ, Tư đồ Lê Sát làm phụ chính. Lê Sát ghen ghét Lưu Nhân Chú, ngầm sai người hại ông. Năm 1437, Lê Thái Tông đã giải nỗi oan cho ông, bãi chức Lê Sát. Năm 1484, Lê Thánh Tông truy tặng ông làm Thái phó Vinh quốc công.
Nhắc đến những đóng góp của Lưu Nhân Chú, ông Lưu Thành, Chủ tịch Hội đồng Lưu tộc Việt Nam cho rằng: Lưu tộc Việt Nam mà tiêu biểu là Lưu Trung, Lưu Nhân Chú cư dân Đại Từ, Thái Nguyên có đóng góp to lớn cho đất nước, kể cả của cải sức lực và trí tuệ. Với triều Lê, cha con Lưu Trung là yếu nhân, công thần bậc nhất. Lưu tộc Việt Nam mong lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, huyện Đại Từ quan tâm đầu tư hơn nữa cho Văn Yên, cho di tích, cho truyền thông và văn hoá để chẳng những tôn vinh đúng tầm vóc lịch sử mà góp phần cho sự thịnh vượng hôm nay.
Cuộc đời của người con xứ Thái Nguyên Lưu Nhân Chú là một hành trình gian khổ từ lúc còn nhỏ cho đến khi tham gia cuộc kháng chiến chống giặc Minh. Tài năng, công lao và lòng trung của ông sáng mãi, đúng như Lê Thái Tổ đã từng nhận định: "Xét... Lưu Nhân Chú đấy: Tài năng như cây tùng cây bách; chất người như ngọc phan, ngọc dư. Thấy nước nhà trong cơn hoạn nạn, nghĩ nghiệp vua không thể thiên an. Núi Linh Sơn đói khổ mấy tuần, người hằng lo lắng; xứ Ai Lao muôn phần vất vả, người chẳng tiếc thân. Cứu nguy phù suy, giành lại cơ đồ trong những ngày cháo rau cơm hẩm; trừ hung dẹp bạo, quét thanh trời đất khỏi tai ương ngựa sắt gươm vàng. Trận đánh ở Bồ Đằng, Khả Lưu như trúc chẻ tro bay; trận đánh ở Xương Giang, Chi Lăng như băng tan, ngói lở. Giúp nên nghiệp lớn, càng rõ công to sáng nghiệp là khó khăn, người đã lấy võ công mà dẹp nạn, thủ thành không phải dễ, nước cần có hiền tài để giúp phò. Vậy cho ngươi đứng đầu hàng võ trong triều kiêm coi chính sự nhà nước”.
Ông Phạm Duy Hùng, Bí thư Huyện uỷ Đại Từ thì khẳng định: Người anh hùng, Tể tướng Lưu Nhân Chú và dòng họ Lưu Văn Yên có công lớn trong giữ nước, đánh đuổi giặc ngoại xâm, điều hành triều chính. Trước khi theo Lê Lợi khởi nghĩa, họ Lưu ở Văn Yên đã giỏi làm kinh tế, giầu mạnh, uy tín, tiền của, lương thảo đa giúp hậu cần cho khởi nghĩa thành công. Bài học về lòng yêu nước, tự tôn dân tộc; Bài học về phát triển giao thương, làm giầu của họ Lưu Văn Yên sẽ tiếp tục cho chúng tôi học tập, phát huy. Những năm tới, bằng đóng góp của doanh nhân, dòng họ và chính quyền, những công trình tôn vinh công lao Lưu Nhân Chú sẽ nhiều thêm.
Nói về công lao và tước vị, Thái Nguyên khó có người vượt qua Lưu Nhân Chú, ông là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên hôm nay và mai sau.
(Còn nữa)