Giá xăng dầu hôm nay 17-4: Giá dầu có một tuần tăng
Giá dầu có một tuần tăng sau 2 tuần giảm liên tiếp. Ảnh minh họa: Reuters |
Giá dầu tuần này đã cắt đứt chuỗi giảm liên tiếp hai lần để trải nghiệm một tuần tăng do lo ngại lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga của EU sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung.
Giá dầu thế giới tăng
Giá dầu đã kết thúc tuần giao dịch ở mức tăng, với WTI dừng ở mức 107 USD/thùng và WTI là 111,7 USD/thùng.
Tính cả tuần, hai mặt hàng Brent và WTI đã tăng khoảng 9%.
Giá dầu đã bắt đầu tuần giao dịch với đà giảm của tuần trước vì triển vọng nguồn cung tăng do quyết định của các nước thành viên của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) về việc giải phóng cùng lúc 240 triệu thùng dầu trong vòng 6 tháng, tính từ tháng 5 tới cũng như nguồn cầu giảm từ phía Trung Quốc do các lệnh phong tỏa ở Thượng Hải nhằm kiềm chế sự lây lan nhanh của SARS-CoV-2.
Với sự giải phóng này, mỗi ngày thế giới sẽ được tiếp thêm hơn 1 triệu thùng/ngày từ các kho dự trữ dầu chiến lược của các thành viên IEA, phần nào giải cơn khát của các nước tiêu thụ dầu lớn trên thế giới.
Trong tuần, giá dầu đã có thời điểm bị “đẩy” xuống dưới 100 USD/thùng, với Brent được giao dịch ở mức 98,84 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 12-4, và WTI chốt phiên giao dịch ngày 11-4 ở mức 94,29 USD/thùng – mức thấp nhất của mặt hàng này kể từ 25-2, một ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Những tưởng rằng giá dầu sẽ lập cú hattrick giảm 3 tuần liên tiếp trong tuần này, nhưng đà giảm của giá dầu đã sớm bị cản lại bởi khả năng Liên minh châu Âu (EU) có thể thông qua lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga và khi các nhà đầu tư mua các vị thế bán khống trước cuối tuần.
EU đã bắt đầu soạn thảo đề xuất cấm nhập khẩu dầu của Nga như một phản ứng mới nhất của họ đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine. Lệnh cấm theo từng giai đoạn này có thể sẽ được bắt đầu từ tháng 8 tới để các thành viên của EU có thể tranh thủ thời gian tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế Nga.
Theo nhận định của Andrew Lipow của Lipow Oil Associates ở Houston, trong thời gian ngắn, nguồn thay thế có thể đến từ các đợt giải phóng dầu từ kho dự trữ dầu chiến lược của các thành viên IEA. Nhưng về lâu dài, thì cần tìm nguồn cung cấp khác.
Các chuyên gia cho biết, nguồn cung từ giải phóng dầu chỉ có tác động nhất thời nên thế giới rất cần nguồn cung ổn định trong tương lai.
Mỗi ngày thế giới có thể sẽ thiếu hụt 3-7 triệu thùng dầu Nga nếu EU áp lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga. Ảnh minh họa: Getty
Theo dự báo, nếu EU thông qua lệnh cấm vận dầu Nga, không phải 3 triệu thùng dầu Nga sẽ bị đóng băng mỗi ngày từ tháng 5 như IEA cảnh báo hôm 13-4 mà tới hơn 7 triệu thùng dầu Nga sẽ “vắng mặt” trên thị trường thế giới mỗi ngày.
Nếu đúng như vậy thì giá dầu trong thời gian tới sẽ nhiều khả năng tăng nóng bởi lượng dầu giải phóng từ kho dự trữ dầu chiến lược của các thành viên IEA khó có thể bù đắp được cho lượng thiếu hụt dầu khá lớn từ Nga.
Trong khi đó, tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cảnh báo sẽ không thể thay thế nguồn cung dự kiến bị mất từ Nga. Tổ chức này cũng khẳng định rằng sẽ không bơm thêm dầu.
Tháng trước, giá dầu Brent đã có thời điểm tăng lên hơn 139 USD/thùng.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 17-4 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 26.471 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 27.317 đồng/lít; dầu diesel không quá 24.380 đồng/lít; dầu hỏa không quá 23.027 đồng/lít và dầu mazut không quá 20.929 đồng/kg.