San sẻ trách nhiệm và quyền lợi
Nhờ xây dựng được chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn, gia đình chị Dương Thị Lương (xóm Cậy, TP.Thái Nguyên) hàng năm duy trì sản xuất và thu nhập ổn định. |
Nhà nông làm ra rau sạch (rau an an toàn), doanh nghiệp kinh doanh rau sạch đều hướng đến một thị trường tiêu dùng ổn định. Để tạo được sự hợp tác, mỗi “nhà” đều phải tự tạo cho mình uy tín trên thị trường, từ đó kết nối chuỗi cung - cầu bằng những cam kết chặt chẽ và tiến đến tạo dựng thương hiệu. Cách làm của một số hộ nông dân xóm Cậy, xã Huống Thượng (T.P Thái Nguyên) đã đem lại hiệu quả nhất định về kinh tế và tạo dựng mối quan hệ sản xuất, kinh doanh bền chặt.
Gia đình chị Dương Thị Lương, xóm Cậy, xã Huống Thượng (T.P Thái Nguyên) gắn bó với nghề trồng rau hơn 30 năm trên đồng đất ven sông Cầu, nên mọi người trong gia đình đều thấu hiểu “điệp khúc” được mùa mất giá. Cả gia đình có 7 nhân khẩu, từ người già đến con trẻ đều lấy nghề trồng rau làm nguồn sinh kế. Ông Dương Văn Hào (bố chị Lương) nhớ lại: “Cách đây gần chục năm, cứ 2 giờ sáng cả nhà thức dậy, phân công công việc. Người thì đẩy tạm ít rau ra chợ nhận chỗ đẹp, người thì tiếp tục ra đồng thu hoạch, chất rau lên xe kéo để giao hàng cho cánh buôn kịp đưa về các phiên chợ vùng miền núi. Thời đó người làm rau chả biết đâu là an toàn và mất an toàn, cứ bón đủ các loại kích thích cho rau mau lớn, đẹp mã là dễ tiêu thụ”. Trầm ngâm chốc lát rồi ông nói: “Thế mà bây giờ đã khác hẳn. Không phải rau sạch thì coi như thất thu, chẳng ai mua. Nhưng khi đã có uy tín về chất lượng rau an toàn thì không cần ra chợ. Khách hàng đến hợp đồng tạo thành mối làm ăn ổn định và đặt hàng theo ngày. Cũng vì thế mà gia đình tôi ổn định cuộc sống hơn, các con, cháu có điều kiện học hành, đi làm nghề khác như y tế học đường, giáo viên, hoặc làm trong các khu công nghiệp… Nghề làm rau cũng được cải thiện hơn và có điều kiện đầu tư máy móc thay thế lao động thủ công, làm đất bằng máy thay trâu, hệ thống tưới bơm điện đến từng gốc”.
Được biết gia đình chị Lương có 7 sào đất trồng rau, mỗi năm cho thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng. Chị Lương cho biết: “Từ năm 2011, gia đình đã được tập huấn về quy trình sản xuất rau an toàn. Khi làm ra cũng rất hào hứng vì mới lạ, ai cũng quan tâm và không đủ cho nhu cầu thị trường. Nhưng khi mở rộng diện tích thì cũng là lúc thị trường bị chi phối bởi rau sạch, rau bẩn lẫn lộn, người tiêu dùng dễ dãi trong lựa chọn thực phẩm. Họ chỉ chọn rau đẹp mã, tiện chỗ dừng xe mua…trong khi rau sạch thì hình thức không bằng rau có bón kích thích. Vậy là gia đình lâm vào cảnh thất bát mùa màng. Tôi mang từng mớ rau đến các nhà hàng, trường học thuyết minh, vận động họ ủng hộ như đi tiếp thị. Cũng may mắn từ năm 2013 trở lại đây, hoạt động tuyên truyền, giám sát và kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của các cơ quan chức năng được làm thường xuyên, chặt chẽ và bắt buộc người kinh doanh, bếp ăn tập thể phải đủ điều kiện ATVSTP mới được hoạt động, trong khi gia đình mình sẵn sản phẩm an toàn, được cấp có thẩm quyền chứng nhận, kiểm định, nên chúng tôi đã ký được hợp đồng bao tiêu khép kín”.
Là người cùng xóm Cậy cũng tham gia sản xuất rau sạch Ông Đoàn Bá Bảo chia sẻ: “trước đây làm ra, mạnh nhà nào nhà đấy bán, nay do các quy định về ATVSTP ngày càng chặt chẽ, quy trách nhiệm rõ ràng, nên khâu nào sai, lỗi là chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chúng tôi được một số nhà hàng trong thành phố xác định là vùng nguyên liệu rau, nên lúc nào cũng được bảo đảm về giá thu mua ổn định, không bao giờ bị ép giá. Doanh nghiệp ký cam kết bảo đảm chất lượng sản xuất ATVSTP với gia đình trước khi chốt giá đầu vụ và quy mô sản xuất từng loại rau. Khung thời vụ…cũng được doanh nghiệp bàn bạc với gia đình để lúc nào cũng có rau thu hoạch, hạn chế thu hoạch cục bộ và luôn ổn định lượng rau từng ngày”.
Ông Nguyễn Đức Nam, một trong những nhà thầu nấu ăn cho các các trường học trong TP. Thái Nguyên cho biết: “Theo quy định ATVSTP, bất cứ thực phẩm nào trước khi đưa vào chế biến chúng tôi đều phải chứng minh được nguồn gốc, quy trình sản xuất, thời điểm thu hoạch. Nên từng khâu trong chuỗi sản xuất, phân phối, vận chuyển, chế biến… đều phải có ràng buộc trách nhiệm về quy định ATVSTP. Là đơn vị, kinh doanh, chúng tôi chỉ mong có sự ổn định, bền vững, muốn vậy thì phải an toàn. Hằng tháng, chúng tôi đến từng vườn rau lấy mẫu kiểm định chất lượng trước khi thu. Đặc biệt, các hộ đã ký cam kết bao tiêu thì phải lập thời gian biểu chi tiết về quy trình chăm sóc rau cho từng loại và từng vụ. Về phía doanh nghiệp, chúng tôi cam kết mua giá cao hơn thị trường, đồng thời bảo đảm ổn định giá từ đầu vụ, nên người sản xuất hoàn toàn yên tâm”. Với cách làm này, tại xóm Cậy hiện đã có hàng chục hộ chuyên sản xuất rau sạch theo đặt hàng và quy trách nhiệm cho từng khâu trong chuỗi sản xuất, phân phối, tiêu thụ thực phẩm an toàn.