Cải cách hành chính ở Võ Nhai: Nhận diện rõ hạn chế để khắc phục

Cập nhật: Thứ hai 17/07/2017 - 09:50
 Văn phòng làm việc của bộ phận “một cửa” thị trấn Đình Cả (Võ Nhai) tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn thiếu trang thiết bị, diện tích chỉ rộng 37m2.
Văn phòng làm việc của bộ phận “một cửa” thị trấn Đình Cả (Võ Nhai) tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn thiếu trang thiết bị, diện tích chỉ rộng 37m2.

Theo kết quả đánh giá, xác định chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện năm 2016 vừa được công bố, huyện Võ Nhai xếp thứ 9/9 huyện, thành, thị trong tỉnh. Tuy số điểm CCHC của huyện vẫn ở mức khá (đạt 71,52 điểm) nhưng có khoảng cách khá xa so với tốp đầu (T.P Thái Nguyên xếp thứ nhất với 82,72 điểm). Kết quả đó phần nào phản ánh những hạn chế trong công tác CCHC của huyện vùng cao này, dù địa phương đã có nhiều nỗ lực.

Từ thực tế cho thấy, những năm qua, công tác CCHC của huyện Võ Nhai đã có sự chuyển biến tích cực, dần đi vào nền nếp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính, từng bước cải thiện chất lượng phục vụ nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất số hồ sơ giải quyết quá hạn (riêng trong quý I năm nay, cả huyện chỉ có 10 hồ sơ bị quá hạn). Cấp huyện cũng như cấp xã đều quan tâm bố trí phòng làm việc và các cán bộ có năng lực thực thi nhiệm vụ tại bộ phận “một cửa”, “một cửa liên thông”; quan tâm đầu tư trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác chuyên môn. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã từng bước được chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, cơ bản đáp ứng yêu cầu công việc… Đó là những kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự nỗ lực của huyện vùng cao này. Tuy vậy, số điểm CCHC của Võ Nhai vẫn đạt thấp nhất trong các địa phương cấp huyện và còn gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế.

 

Những tiêu chí và tiêu chí thành phần của chỉ số CCHC mà huyện Võ Nhai bị trừ điểm nhiều gồm: Cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” (trừ 2 điểm); xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (trừ 2,5 điểm); hiện đại hóa hành chính (trừ 7 điểm); công tác chỉ đạo điều hành (trừ 2,5 điểm). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong công tác CCHC của huyện Võ Nhai, trong đó yếu tố hàng đầu là cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu nhiều và chưa đồng bộ. Diện tích phòng làm việc của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện chỉ có 36m2 (tối thiểu theo quy định là 80m2). Theo bà Lý Thị Bích Nguyệt, Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện Võ Nhai: Vì diện tích phòng làm việc quá hẹp không đủ chỗ ngồi nên công chức phải thay nhau trực, chia lịch nhận hồ sơ theo ngày. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến việc tiếp nhận hồ sơ và không thuận tiện cho người dân khi cần giao dịch.

 

Ở cấp xã, phòng làm việc của bộ phận “một cửa” của nhiều địa phương không đảm bảo về diện tích hoặc đã xuống cấp và phần lớn đều thiếu trang thiết bị (máy tính, máy photocop, bàn ghế). Ví dụ: Phòng làm việc của bộ phận “một cửa” xã Cúc Đường và xã Lâu Thượng chỉ rộng 12m2 (quy định là 40m2); phòng làm việc Bộ phận “một cửa” xã Nghinh Tường rộng 50m2 nhưng là tận dụng nhà lớp học của Trường Mầm non nằm ngoài khuôn viên trụ sở xã; phòng làm việc của Bộ phận “một cửa” xã Sảng Mộc chỉ rộng 35m2, được cải tạo từ một căn phòng cũ đã rất xuống cấp; xã La Hiên phải tận dụng 2 phòng làm việc của Nhà văn hóa xã cho Bộ phận “một cửa”… Nguyên nhân của thực trạng này là các địa phương không có kinh phí cải tạo hoặc xây mới nơi làm việc cho bộ phận “một cửa”, trong khi số tiền hỗ trợ của tỉnh là 70 triệu đồng/xã không đủ và huyện cũng không có ngân sách hỗ trợ thêm.

 

Cùng với đó, cơ sở hạ tầng về giáo dục, y tế, giao thông, điện, thông tin liên lạc… còn thiếu và yếu khiến huyện Võ Nhai mất nhiều điểm ở tiêu chí này. Về yếu tố con người, dù chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của huyện đã từng bước được chuẩn hóa (tỷ lệ đạt chuẩn chiếm 82,7%), nhưng vẫn còn một bộ phận có năng lực hạn chế, lúng túng về nghiệp vụ hành chính nên chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Một số cán bộ chủ chốt cấp xã không thành thạo tin học và chưa có thói quen ứng dụng công nghệ thông tin khiến việc triển khai chính quyền điện tử gặp khó khăn.

 

Ngoài những nguyên nhân đó, ông Dương Văn Tiến, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai đã thẳng thắn chia sẻ về những hạn chế, yếu kém mang tính chủ quan khiến công tác CCHC của huyện chưa đạt kết quả như mong muốn. Đó là một số cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể không nhận thức hết tầm quan trọng và chưa thực sự quan tâm đến công tác CCHC, chưa đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, thực hiện CCHC. Có cơ quan, chính quyền cấp xã không xây dựng kế hoạch CCHC. Chế độ thông tin báo cáo chưa được thực hiện nghiêm túc; công tác tham mưu, thực hiện nhiệm vụ CCHC của một số cán bộ, công chức còn hạn chế.

 

Nhận thức rõ những hạn chế này, cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện Võ Nhai đã đề ra nhiều giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác CCHC. Đầu tiên là tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp, phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể (huyện đang chuẩn bị thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc công tác CCHC). Đặc biệt là nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác CCHC, coi đây là một tiêu chí thi đua quan trọng. Đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra, hướng dẫn, giúp đỡ cơ sở giải quyết khó khăn, vướng mắc trong CCHC.

 

Về yếu tố con người, ngoài việc coi trọng tuyển dụng, bổ nhiệm những người có năng lực và phẩm chất đạo đức, huyện Võ Nhai đã và đang quan tâm tổ chức các lớp bồi dưỡng cán bộ. Từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức được 2 lớp bồi dưỡng về công nghệ thông tin cho hơn 200 người, chuẩn bị mở 2 lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết thủ tục hành chính cho cán bộ, công chức cấp xã. Đối với “bài toán” khó nhất là về cơ sở hạ tầng nói chung và cơ sở vật chất phục vụ trực tiếp cho công tác CCHC nói riêng, cùng với sự hỗ trợ của cấp trên, huyện Võ Nhai đã có kế hoạch cân đối ngân sách để từng bước đầu tư theo hướng hiện đại hóa. Ví dụ, UBND huyện đã quyết định đầu tư khoảng 400 triệu đồng để mở rộng nơi làm việc của Bộ phận “một cửa” huyện lên 100m2 và mua sắm thêm trang thiết bị trong năm nay; chỉ đạo các xã bố trí quỹ đất, sử dụng nguồn hỗ trợ của tỉnh và kinh phí địa phương để nâng cấp hoặc xây mới văn phòng bộ phận “một cửa”, mua sắm thêm thiết bị làm việc… Với những giải pháp trọng tâm đó, huyện Võ Nhai đặt quyết tâm cải thiện Chỉ số CCHC trong thời gian tới, qua đó nâng cao chất lượng phục vụ để làm hài lòng người dân.

Trần Quyền
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: