Chỉ số cải cách hành chính: Thái Nguyên tăng 2 bậc

Cập nhật: Thứ năm 24/06/2021 - 17:30
 Các đại biểu dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Thái Nguyên.
Các đại biểu dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Thái Nguyên.

Chiều 24-6, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức Hội nghị trực truyến toàn quốc công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2020 và Chỉ số CCHC (PAR INDER) năm 2020 của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ chủ trì Hội nghị. Dự và chỉ đạo Hội nghị tại điểm cầu của tỉnh có đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Năm 2020, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, đổi mới và sáng tạo trong chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ CCHC nhằm kịp thời ứng phó với những khó khăn, thách thức và những ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch COVID-19 gây ra, góp phần thực hiện thành công “mục tiêu kép” là vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới. 

Theo công bố tại Hội nghị, kết quả Chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục tập trung vào 2 nhóm: Nhóm thứ nhất đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 90% gồm 3 đơn vị: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp; nhóm thứ hai đạt từ 80% đến dưới 90% gồm 14 đơn vị còn lại. Kết quả Chỉ số cải cách hành chính của 63 tỉnh, thành phố được phân theo 3 nhóm: Nhóm A đạt kết quả Chỉ số từ 90% trở lên gồm 2 tỉnh, thành phố (Quảng Ninh, Hải Phòng); nhóm B đạt kết quả Chỉ số từ 80%-90% gồm 56 tỉnh, thành phố; nhóm C đạt kết quả Chỉ số từ 70%-80% gồm 5 tỉnh, thành phố. Kết quả Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của 63 tỉnh, thành phố được phân theo 4 nhóm: Nhóm A đạt kết quả Chỉ số từ 90% trở lên gồm 6 tỉnh, thành phố (Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc); nhóm B đạt kết quả Chỉ số từ 85%-90% gồm 27 tỉnh, thành phố; nhóm C đạt kết quả Chỉ số từ 80%-85% gồm 23 tỉnh, thành phố; nhóm D đạt kết quả Chỉ số từ 75%-80% gồm 7 tỉnh.

Tỉnh Thái Nguyên có kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2020 đạt 85,61, xếp vị trí 12/63 tỉnh, thành phố, tăng 2 bậc so với năm 2019. Trong đó, điểm thẩm định là 54,89; điểm đánh giá tác động của CCHC gồm: Chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS) đạt 8,66, chỉ số khảo sát lãnh đạo quản lý là 19,07 và chỉ số tác động đến phát triển kinh tế - xã hội là 3,0. Đây là kết quả ghi nhận sự nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của Đảng bộ, chính quyền và các cơ quan, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình khẳng định: Chỉ số CCHC và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính đã được nước ta triển khai nhiều năm qua có ý nghĩa quan trọng trong theo dõi, đánh giá kết quả tác động của quá trình triển khai CCHC nhằm cải thiện chất lượng hoạt động, phục vụ của cơ quan hành chính các cấp. Đồng chí biểu dương các bộ, ban, ngành Trung ương, tỉnh, thành phố đã có nhiều nỗ lực trong nâng cao các chỉ số. Đồng chí yêu cầu trong thời gian tới các cơ quan hành chính nhà nước tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các mục tiêu cải cách đã đề ra, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: Người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp từ trung ương đến địa phương tiếp tục có những biện pháp, giải pháp mới, đột phá, phù hợp để nâng cao Chỉ số CCHC, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa khơi thông nguồn lực, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các quy định về hoạt động kinh doanh theo quy định... 

 

Quốc Tuân
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: