Chuyển biến từ phòng họp

Cập nhật: Thứ sáu 08/10/2021 - 09:23
 Quang cảnh một phiên họp UBND tỉnh. Ảnh T.L
Quang cảnh một phiên họp UBND tỉnh. Ảnh T.L

Nếu như trước đây, tại các phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh, phòng họp lúc nào cũng chật kín người, thậm chí có lúc còn không đủ chỗ, thì vài tháng trở lại đây, tình trạng này đã không còn, trong khi thành phần tham dự vẫn đảm bảo yêu cầu và chất lượng cuộc họp được nâng lên. Sự thay đổi này thoạt nhìn tưởng không có gì đáng nói, nhưng trên thực tế lại mang rất nhiều ý nghĩa.

Nhiều năm được tham dự các phiên họp của UBND tỉnh, điều mà chúng tôi dễ nhận thấy đó là đa số lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương khi dự họp đều có 1-2, thậm chí là 3 cán bộ, chuyên viên đi cùng, để khi cần thiết sẽ kịp thời cung cấp thông tin cho thủ trưởng, thậm chí còn thay mặt thủ trưởng trực tiếp giải đáp những vấn đề mà người chủ trì hoặc đại biểu quan tâm, chất vấn. Nhưng nay, số lãnh đạo các sở, ngành “mang quân” đi họp gần như không còn, trừ một số trường hợp đặc biệt, bởi họ cơ bản có thể trực tiếp trả lời những nội dung khi được yêu cầu.

Sở dĩ có sự thay đổi này là xuất phát từ yêu cầu của lãnh đạo UBND tỉnh: Những người thuộc thành phần dự họp phải làm rõ được tất cả nội dung liên quan, mà không phải chờ đợi, phụ thuộc vào cấp dưới.

Yêu cầu này cũng đã được đề cập tại Công văn số 3039/UBND-TH ngày 1/7/2021 của UBND tỉnh: Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải nắm chắc tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao (gồm cả những công việc đã phân công cho cấp phó), đảm bảo sự thống nhất trong công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành; chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về nội dung tham mưu, đề xuất, xin ý kiến UBND tỉnh.

Sau một thời gian “thích nghi”, hiện, lãnh đạo các sở, ngành đã bỏ dần thói quen có cán bộ, chuyên viên đi cùng và việc trả lời các nội dung tại cuộc họp cũng ngày càng chất lượng hơn.

Có thể thấy, việc giảm số người không cần thiết tham gia các cuộc họp mang lại nhiều ý nghĩa. Trước hết là ý thức trách nhiệm với công việc của lãnh đạo các sở, ngành, địa phương được nâng cao, do họ buộc phải nắm bắt, tìm hiểu tất cả các công việc của đơn vị, từ đó không chỉ giúp tăng chất lượng giải quyết công việc mà hiệu quả của cuộc họp cũng được nâng lên.

Thứ 2 là tiết kiệm thời gian và nguồn nhân lực để thực hiện công việc khác. Thứ 3 là ý thức kỷ cương trong thực thi công vụ của cơ quan công quyền cũng vì thế mà ngày càng được khẳng định…

Đây được xem là một trong những yếu tố quan trọng góp phần giúp việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh hiệu quả và thành công hơn trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Việt Bắc
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: