Điều chuyển vốn các dự án chậm giải ngân

Cập nhật: Thứ năm 29/09/2022 - 18:55
 Công trình nút giao khác cốt đường Thống nhất và đường Việt Bắc (TP. Thái Nguyên) vừa hoàn thành đưa vào sử dụng. Ảnh: Nguyên Ngọc
Công trình nút giao khác cốt đường Thống nhất và đường Việt Bắc (TP. Thái Nguyên) vừa hoàn thành đưa vào sử dụng. Ảnh: Nguyên Ngọc

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng vừa có ý kiến chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2022 của các chủ đầu tư dự án, điều chuyển nội bộ kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn, theo thẩm quyền của UBND tỉnh. Đây được xem là giải pháp quyết liệt nhằm tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh trong những tháng cuối năm.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Thái Nguyên có kết quả giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng qua đạt 76,02% so với kế hoạch vốn do Thủ tướng Chính phủ giao, đứng thứ 7/63 tỉnh, thành trong cả nước có kết quả giải ngân cao nhất. Điều này cho thấy nỗ lực cao trong chỉ đạo, điều hành của tỉnh thời gian qua.

Ngay từ đầu năm, tỉnh đã cho rà soát các dự án, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh; yêu cầu các ngành, địa phương bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh để tổ chức triển khai giải ngân theo tiến độ, đảm bảo đúng quy định, hiệu quả.

Tỉnh quán triệt nghiêm các quy định về giải ngân, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tiêu cực, gây khó dễ cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao trách nhiệm cán bộ, nhất là người đứng đầu trong đẩy nhanh tiến độ giải ngân; tăng cường các hoạt động cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư…

Trong quá trình triển khai, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, đồng thời đề ra các giải pháp phù hợp từng giai đoạn để thúc đẩy giải ngân. Hằng tháng, UBND tỉnh đều có thông báo kết luận liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công.

Mặc dù đứng trong top 10 tỉnh, thành có tiến độ giải ngân cao của cả nước, nhưng để hoàn thành kế hoạch vốn đề ra, nhiệm vụ những tháng cuối năm còn khá nhiều. Do đó, một trong những giải pháp mà tỉnh đưa ra chính là xem xét điều chỉnh kế hoạch vốn và điều chuyển nội bộ kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt.

Theo báo cáo của Kho bạc nhà nước tỉnh Thái Nguyên, hiện nay đang có 5 cơ quan, đơn vị có tiến độ giải ngân bằng 0%, 2 đơn vị có tiến độ giải ngân bằng 1% và một số đơn vị giải ngân thấp dưới 40%. Những trường hợp này sẽ là đối tượng để tỉnh xem xét điều chuyển vốn.

Đối với các dự án ODA phải hủy, điều chỉnh, gia hạn sử dụng vốn dư, tỉnh cũng giao cơ quan chuyên môn tham mưu để đề nghị cấp thẩm quyền hướng dẫn điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2022 trong trường hợp các dự án của tỉnh không có khả năng hoàn thành khối lượng, không có khối lượng để bổ sung theo phương án điều chuyển kế hoạch nội bộ giữa các dự án.

Tỉnh cũng yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư, xây dựng, tái định cư, giải phóng mặt bằng; giám sát chặt chẽ các đơn vị tư vấn, nhà thầu, đảm bảo thực hiện các dự án được thông suốt; xử lý dứt điểm khó khăn của các dự án đầu tư, kịp thời báo cáo những vướng mắc phát sinh vượt quá thẩm quyền để có biện pháp xử lý; đẩy nhanh tiến độ thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán các hạng mục công trình hoàn thành, phấn đấu giải ngân đạt 100% vốn đầu tư công được giao năm 2022.

Các sở, ngành liên quan, theo chức năng nhiệm vụ, thực hiện việc kiểm tra, rà soát, giám sát, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện tốt kế hoạch vốn; kịp thời tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án và giải ngân; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thẩm định trình phê duyệt dự án; thực hiện nhanh chóng các thủ tục giải ngân, thanh toán vốn; kiểm soát chi ngay sau khi có khối lượng hoàn thành, đảm bảo chi trong dự toán được phân bổ, chi đúng theo chế độ quy định…

Nguyễn San
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: