Người dân mong muốn tăng cường kiểm tra nguồn gốc trái cây nhập khẩu

Cập nhật: Thứ sáu 30/09/2022 - 19:19
 Công chức QLTT tỉnh kiểm tra hóa đơn, chứng từ liên quan đến việc nhập khẩu các mặt hàng tại Cửa hàng hoa quả sạch Fuji số 190, đường Lương Ngọc Quyến, TP. Thái Nguyên, sáng 30-9.
Công chức QLTT tỉnh kiểm tra hóa đơn, chứng từ liên quan đến việc nhập khẩu các mặt hàng tại Cửa hàng hoa quả sạch Fuji số 190, đường Lương Ngọc Quyến, TP. Thái Nguyên, sáng 30-9.

Ngay sau khi đăng tải bài viết “Nhập nhèm trái cây “nhập khẩu” (Báo Thái Nguyên điện tử ngày 29-9, Báo in ngày 30-9), chúng tôi nhận được rất nhiều thông tin, ý kiến của người dân về vấn đề này.

Đa phần các ý kiến đều cho rằng, việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng các loại rau, củ, quả tươi nói chung, trái cây nhập khẩu nói riêng là điều hết sức cần thiết và phải được thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng còn hạn chế.

Có người nói ngay cả khi vào các cửa hàng rau an toàn, hoa quả sạch, trái cây nhập khẩu cũng không có cảm giác yên tâm và tin tưởng tuyệt đối. Song dẫu sao, trong bối cảnh “không lấy gì làm chắc chắn” thì những địa điểm này có địa chỉ kinh doanh cố định, có biên lai mua hàng rõ ràng, đầy đủ, trong trường hợp xảy ra “vấn đề” gì còn có cơ sở để khiếu kiện, yêu cầu bồi thường…

Chủ động thực hiện khảo sát và cùng tham gia kiểm tra với lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tại một số cơ sở kinh doanh trên địa bàn các phường trung tâm TP. Thái Nguyên những ngày qua, chúng tôi nhận thấy, đối với các cửa hàng hoặc siêu thị có thương hiệu, nguồn gốc hàng hóa đều được chứng minh rõ ràng: Có đầy đủ giấy chứng nhận kiểm dịch, tờ khai hải quan, phiếu xuất kho… Còn tại các địa điểm bán lẻ ven đường hoặc tại các chợ truyền thống hầu như không có cơ sở nào có đủ giấy tờ chứng minh. Có chăng chỉ là một vài tờ biên lai giao nhận hàng của người A đối với người B, còn người A có hóa đơn, chứng từ đầy đủ hay không, bản thân người B cũng không biết hoặc không quan tâm.

Chị Phạm Thu Nga, Quản lý chuỗi 6 cửa hàng Hoa quả sạch FuJi tại Thái Nguyên (thuộc Công ty CP Xuất nhập khẩu FuJi, Hà Nội), cho biết: Thỉnh thoảng có khách hàng đề nghị được biết về nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm, chúng tôi đều sẵn sàng đáp ứng. Tôi cho rằng, việc họ bỏ ra hàng trăm, thậm chí hàng triệu đồng để mua một vài kg trái cây thì họ có quyền được biết chất lượng hàng hóa cũng là điều bình thường. Tôi mong nhiều khách hàng sẽ có thói quen đó để những cửa hàng như chúng tôi không bị đánh đồng.

Chị Nguyễn Thị Chinh, xóm Cây Thị, xã Linh Sơn, TP. Thái Nguyên, chia sẻ: Tôi thường mua trái cây tươi tại một số cửa hàng hoa quả sạch và siêu thị. Tuy giá bán cao hơn hẳn ngoài chợ, nhưng đổi lại tôi được cảm giác yên tâm. Dù vậy, tôi cũng không thể biết chính xác về nguồn gốc của các sản phẩm này. Vì thế, tôi rất mong cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh hoa quả.

Cùng chung quan điểm này, chị Hoàng Thị Mai, phường Quang Trung, TP. Thái Nguyên, nói: Theo tâm lý chung của nhiều người, mua trái cây tại các cửa hàng hoa quả nhập khẩu sẽ có cảm giác yên tâm hơn khi mua tại chợ. Song do giá bán tại các cửa hàng này rất đắt nên chỉ những lúc cần thiết như đi biếu hoặc có công việc gì, tôi mới dám mua. Để tạo sự yên tâm cho bản thân và gia đình, tôi thường ăn trái cây theo mùa và ưu tiên chọn trái cây trong nước, trong tỉnh… Trong thực tế, cũng có lúc biết loại trái cây mình mua là hàng nhập lậu không đảm bảo nhưng vì muốn ăn nên tôi vẫn mua. Song, để cho yên tâm, trước khi ăn, tôi rửa thật sạch, ngâm lâu với nước muối và bóc, gọt vỏ cẩn thận.

Được biết, trái cây nhập khẩu ở bất cứ quốc gia nào theo đường chính ngạch thì người tiêu dùng đều có thể yên tâm khi sử dụng vì đã được cơ quan chức năng kiểm dịch thực vật. Song, hàng hóa nhập lậu thì hoàn toàn khác. Chính vì thế, người tiêu dùng và xã hội cần lên án mạnh mẽ và tẩy chay những cơ sở kinh doanh buôn bán như vậy, để bảo vệ chính mình, gia đình và xã hội.

Phản hồi trên Fanpage Báo Thái Nguyên sau khi bài viết “Nhập nhèm trái cây nhập khẩu” được đăng tải, độc giả có nick Tuan Tram bày tỏ: Đã lâu mới thấy lần kiểm tra để cảnh báo người bán hàng. Mong sao các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra an toàn thực phẩm giúp dân đẩy lùi bệnh, không mất tiền oan.

Còn nick Lê Thành Long thì viết: Phạt thật nặng vào. Nick Minh Hằng Nguyễn lại bày tỏ rõ sự lo lắng: Thực sự hoang mang khi mua đồ ăn cho gia đình… Nick Ánh Nấm cho rằng: Vẫn ăn nhau ở người bán hàng có tâm hay không thôi…

Rõ ràng, không chỉ liên quan đến túi tiền, mà việc sử dụng trái cây hằng ngày còn trực tiếp liên quan đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người dùng. Chính vì vậy, nguồn gốc của loại hàng hóa này luôn thu hút sự quan tâm lớn của mọi người.

Trao đổi về vấn đề này, ông Chu Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, cho biết: Cục QLTT tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo hàng ngày về UBND tỉnh. Chúng tôi khuyến cáo người tiêu dùng hãy lựa chọn cửa hàng, đại lý có tên tuổi, thương hiệu. Đồng thời khi mua cần yêu cầu người bán hàng chịu trách nhiệm về hàng hóa bán ra đúng với nhãn hiệu, giá trị. Khi phát hiện sai phạm, người dân cần báo ngay cho cơ quan QLTT nơi gần nhất hoặc các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi của mình.

Nhóm P.V
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: