Phổ cập kỹ năng số

Cập nhật: Chủ nhật 30/10/2022 - 05:06
 Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông (bên phải) chia sẻ lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt.
Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông (bên phải) chia sẻ lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Với quan điểm lấy người dân là trung tâm, chủ thể, là đối tượng thụ hưởng trong chuyển đổi số, thời gian qua, Thái Nguyên tập trung triển khai những giải pháp phổ cập kỹ năng số phục vụ đời sống hằng ngày. Từ đó thúc đẩy hình thành công dân số, phát triển kinh tế số, xã hội số...

Hưởng ứng phát động về Tháng tiêu dùng số của Bộ Thông tin và Truyền thông, tháng 10 này, Viettel Thái Nguyên đã triển khai nhiều chương trình khuyến mại đến cả hai nhóm khách hàng là người dân đã, đang sử dụng dịch vụ số và người dùng mới. Các khuyến mãi gồm: Cộng tiền ngẫu nhiên tối đa đến 1 triệu vào tài khoản Viettel Money và tài khoản điện thoại di động đăng ký mới; tặng 50 nghìn đồng/khách hàng đi chợ và 150 nghìn đồng/chủ cơ sở kinh doanh tại chợ sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt qua tài khoản Viettel Money...

Bà Nguyễn Thị Thoa, Phụ trách Dịch vụ số Viettel Thái Nguyên, cho biết: Đây không chỉ là một chương trình ưu đãi, giảm giá đơn thuần. Với chương trình này, chúng tôi mong muốn đồng hành, thúc đẩy phát triển kỹ năng số cho người dân, khuyến khích người dân tham gia kênh số, sử dụng sản phẩm dịch vụ số. Trước đó, chúng tôi đã có nhiều giải pháp cùng đồng hành với người dân sử dụng kỹ năng số. Từ các giải pháp đó, đến nay, Viettel đã có trên 2,5 nghìn điểm giao dịch thanh toán, nạp/rút tiền mặt và gần 2,6 nghìn điểm thanh toán không dùng tiền mặt qua QR code trên toàn tỉnh. Chúng tôi cũng đã có trên 242 nghìn khách hàng toàn tỉnh sử dụng ứng dụng thanh toán Viettel Money trên thiết bị di động thông minh.

Không chỉ riêng Viettel, thời gian qua, các cơ quan nhà nước cùng cộng đồng doanh nghiệp đã cùng vào cuộc để hỗ trợ người dân nâng cao kỹ năng số. Ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: Thái Nguyên đã đẩy mạnh chuyển đổi số trên toàn bộ các lĩnh vực để sát cánh cùng người dân tiếp cận, nâng cao các kỹ năng số. Các nhóm kỹ năng số này bao gồm: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến; mua sắm trực tuyến; thanh toán trực tuyến; tự bảo vệ trước nguy cơ trực tuyến trên không gian mạng; thúc đẩy học tập từ xa, khám chữa bệnh từ xa.

Một trong những giải pháp tiêu biểu là Thái Nguyên đã đẩy mạnh việc thành lập, đưa vào hoạt động mô hình tổ công nghệ số cộng đồng (tổ CNSCĐ) với mục tiêu đưa công nghệ số đến từng hộ gia đình, đảm bảo tiếp cận người dân ở mọi tầng lớp, ngành nghề, đặc biệt là khu vực nông thôn.

Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 2.250 tổ CNSCĐ với trên 15 nghìn thành viên, ở tất cả các xóm, tổ dân phố. Các thành viên được lựa chọn tham gia tổ CNSCĐ, ngoài sự nhiệt tình, tích cực, còn có kỹ năng sử dụng nền tảng số, công nghệ số cũng như khả năng tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng kỹ năng số.

Trên cơ sở định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông, hoạt động của tổ CNSCĐ đã đi vào đời sống và đạt hiệu quả thiết thực. Các tổ CNSCĐ đã thực hiện hoạt động tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số đến các hộ gia đình, người dân; đồng thời trực tiếp hướng dẫn người dân cài đặt, nắm bắt kỹ năng sử dụng thành thạo các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản, như: Định danh điện tử cá nhân, bảo hiểm xã hội, sổ sức khỏe điện tử, tài khoản mobile money, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, để tương tác với chính quyền, tham gia phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số và từng bước trở thành công dân số.

Đại diện Viettel Thái Nguyên hướng dẫn tiểu thương chợ Đại Từ ứng dụng QR code nhận thanh toán không dùng tiền mặt cho khách hàng.

Ông Nguyễn Xuân Cao, thành viên Tổ CNSCĐ xóm Gốc Thông, xã Định Biên (Định Hóa), cho biết: Với sự hướng dẫn “cầm tay chỉ việc” của các thành viên Tổ CNSCĐ, nhận thức, kỹ năng số của bà con trong xóm đã tiến bộ hơn. Hiện tại, các hộ đều sử dụng điện thoại thông minh để liên lạc, nắm bắt thông tin kịp thời khi xóm thông báo công việc qua nhóm zalo chung, đã sử dụng chuyển khoản, thanh toán không dùng tiền mặt và một số hộ đã đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử...

Cùng với các thành viên của tổ CNSCĐ “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, thời gian qua, Thái Nguyên cũng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; bước đầu triển khai mô hình chợ 4.0, góp phần từng bước đưa thanh toán số trở thành công cụ thanh toán chủ yếu của người dân, từ giao dịch trị giá lớn đến những giao dịch trị giá nhỏ.

Hiện tại, nhiều chợ truyền thống, cửa hàng, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh, người kinh doanh, người mua sắm đã dần bắt nhịp với các ứng dụng số. Theo ước tính của Sở Thông tin và Truyền thông, 50% số tiểu thương, hộ kinh doanh tại các chợ trên địa bàn được trang bị quét mã QR Code  thanh toán không dùng tiền mặt. Từ đó, người dân có thể tiêu dùng bằng các ví điện tử và chuyển khoản từ các app ngân hàng.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, người dân Thái Nguyên đã tin tưởng và hưởng ứng sử dụng các kỹ năng số. Tính đến tháng 10-2022, toàn tỉnh có 305.605 khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile money; trên 5 triệu lượt người truy cập vào sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Thái Nguyên với tổng số 2.222 sản phẩm được cập nhật trên sàn.

Cùng với đó, toàn tỉnh có trên 167.000 hộ sản xuất nông nghiệp tạo được tài khoản mới và bán hàng trên sàn thương mại điện tử với gần 1.800 sản phẩm nông nghiệp…

Thái Nguyên quyết tâm phấn đấu trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc; mục tiêu đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; đến năm 2030, thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo người dân, doanh nghiệp, sở, ban, ngành, địa phương chính là cơ sở để hiện thực hoá mục tiêu này.

Thu Hà
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: