Sắc Thu vàng trên những cánh đồng

Cập nhật: Thứ bẩy 15/10/2022 - 08:46
 Người dân xã Phú Xuyên (Đại Từ) sử dụng máy gặt đập liên hoàn để thu hoạch lúa mùa.
Người dân xã Phú Xuyên (Đại Từ) sử dụng máy gặt đập liên hoàn để thu hoạch lúa mùa.

Những ngày này, trên các cánh đồng, bà con nông dân đang tất bật thu hoạch lúa vụ mùa. Những chiếc máy gặt đập liên hoàn miệt mài chạy từ thửa ruộng này qua ô ruộng khác, giúp người dân giảm bớt khâu lao động nặng nhọc. Năm nay, lúa ít sâu bệnh, được mùa, đem lại niềm vui cho bà con sau bao ngày vất vả chăm sóc.

Trên cánh đồng xã An Khánh (Đại Từ), khung cảnh thu hoạch lúa mùa diễn ra nhộn nhịp. Bà con đã chuẩn bị sẵn bao tải để đợi chiếc máy gặt đập “càn” qua đồng ruộng là có thể chở thóc về nhà phơi khô, cất bồ.

Chị Hoàng Thị Thao, người dân xóm Đoàn Kết, xã An Khánh, phấn khởi: Vụ này, nhà tôi cấy 3 sào lúa giống Hương thơm 8, năng suất đạt khoảng 2,5 tạ/sào, cao hơn vụ trước 0,2 tạ/sào. Vài năm trở lại đây, bà con xã tôi đều thu hoạch bằng máy gặt đập liên hoàn nên rất nhanh gọn. Với giá thuê là 180 nghìn đồng/sào, chỉ sau 1 ngày đã gặt xong cả cánh đồng lớn. Năm nay, giá phân bón tăng cao, vì thế chúng tôi đã giảm lượng phân bón hóa học, thay thế bằng các loại phân chuồng ủ hoai mục. Đồng thời, bón phân cân đối, hợp lý nên cũng giảm đáng kể các loại sâu bệnh như: Sâu cuốn lá, bệnh khô vằn…

Không chỉ riêng An Khánh, tại các xã: Hà Thượng, Bản Ngoại, Phú Xuyên… của huyện Đại Từ, chúng tôi cũng thấy sắc vàng óng ả của lúa chín đã bao phủ khắp những cánh đồng.

Đang nhanh tay buộc những bao thóc chắc nịch, chị Liên Thị Hương, ở xóm 3, xã Phú Xuyên, nhớ lại: Đầu vụ, nhà tôi có 2 sào lúa bị bệnh vàng lá. Được sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, tôi đã thay nước ruộng, bón thêm vôi, phân lân kết hợp làm cỏ sục bùn để cây lúa sinh trưởng tốt hơn, rất may không ảnh hưởng đến năng suất. Trong vụ mùa, mặc dù nguồn nước tưới dồi dào hơn so với vụ xuân nhưng lại thường gặp những bất lợi do thời tiết như mưa bão gây ngập úng. May mắn là điều kiện thời tiết năm nay thuận lợi, bà con cũng tuân thủ đúng lịch khung thời vụ nên lúa chắc, hạt mẩy trĩu bông. Ai ai cũng phấn khởi.

Chi nhánh Vật tư nông nghiệp TP. Phổ Yên thu mua lúa theo hợp đồng liên kết với bà con xã Minh Đức.

Rời Đại Từ, xuôi về các địa phương phía Nam của tỉnh như: Phú Bình, TP. Sông Công, TP. Phổ Yên, chúng tôi nhận thấy, cơ bản diện tích lúa mùa sớm, mùa trung đã được bà con thu hoạch khá nhanh gọn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế TP. Phổ Yên, thông tin: Vụ mùa năm nay, năng suất lúa toàn thành phố đạt 55,6 tạ/ha, tương đương so với cùng kỳ năm 2021. Ngay từ đầu vụ, các khâu hướng dẫn kỹ thuật, chỉ đạo khung thời vụ sản xuất, cơ cấu giống, cách phòng trừ sâu bệnh đều được cơ quan chuyên môn triển khai cụ thể đến các xã, thị trấn để hướng dẫn người dân thực hiện. Ngoài ra, chúng tôi cũng khuyến khích bà con thực hiện liên kết sản xuất với các doanh nghiệp để có đầu ra ổn định cho sản phẩm lúa gạo. Đơn cử như tại xã Minh Đức, bà con đã liên kết với Chi nhánh vật tư nông nghiệp TP. Phổ Yên và được đơn vị hỗ trợ giống, kỹ thuật, thu mua thóc tươi ngay tại ruộng với giá cao hơn thị trường 10%.

Còn tại địa bàn huyện Phú Bình, đa phần diện tích lúa mùa sớm đã được bà con triển khai thu hoạch để giải phóng đất trồng cây màu vụ đông. Còn lại diện tích trà lúa mùa muộn đang trong giai đoạn chắc xanh - chín sáp.

Bà Trần Thị Loan, ở xóm Giữa, xã Xuân Phương, chia sẻ: Vụ này, nhà tôi cấy hơn 2 sào lúa giống J02. Do nguồn nước tưới thuận lợi, bón phân đầy đủ, sâu bệnh gây hại ít nên cây lúa sinh trưởng, phát triển thuận lợi, chúng tôi không phải mất nhiều công chăm sóc. Nhờ vậy, năng suất đạt khoảng 2,4 tạ/sào, không thua kém vụ xuân. Sáng gặt xong, chiều nhà tôi đã tranh thủ xuống giống ngô nếp để kịp khung thời vụ.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, vụ mùa năm nay, toàn tỉnh gieo cấy được 38,9 nghìn héc-ta lúa, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân giảm là do diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi để phục vụ các dự án công nghiệp, khu dân cư…

Thời điểm đầu vụ, trên diện tích lúa của bà con ở một số địa phương trong tỉnh xuất hiện bệnh vàng lá. Nguyên nhân bởi thời gian gối vụ ngắn, ngay sau khi thu hoạch lúa xuân, bà con nông dân thường tiến hành làm đất để gieo cấy ngay nên thân, gốc rạ, rễ lúa bị vùi lấp chưa kịp phân hủy, sản sinh ra một số khí độc, làm cho cây lúa bị còi cọc, lá biến vàng, rễ bị đen. Tuy nhiên, Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật đã kịp thời hướng dẫn bà con các biện pháp xử lý nên không làm ảnh hưởng đến năng suất.

Để giành thắng lợi trong vụ mùa, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương bố trí cơ cấu giống, khung thời vụ phù hợp với điều kiện thực tế; đồng thời, có cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các giống lúa lai, lúa thuần chất lượng cao. Bà con ở các địa phương thực hiện tuân thủ đúng lịch khung thời vụ, sử dụng đúng cơ cấu giống, chăm sóc theo quy trình kỹ thuật và chú trọng công tác phòng, trừ sâu bệnh. Qua đó, góp phần làm nên thắng lợi của vụ mùa năm nay.

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, năng suất lúa vụ mùa năm nay đạt 55,3 tạ/ha, tương đương so với vụ mùa năm 2021. Không chỉ thắng lợi về năng suất, đây còn là vụ có chi phí đầu vào thấp nhờ tiết kiệm đáng kể được chi phí cho công tác phòng trừ sâu bệnh so với trung bình các năm. Nhờ vậy, lợi nhuận mà người nông dân thu được cũng cao hơn.

Rút kinh nghiệm từ những vụ lúa trước, thời điểm này, các địa phương trong tỉnh đang động viên bà con tranh thủ thời tiết thuận lợi, áp dụng cơ giới hóa vào thu hoạch nhanh lúa mùa theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để tránh những thiệt hại do thời tiết, sâu bệnh và chuột gây ra. Cùng với đó, người dân cũng đang khẩn trương gieo trồng cây vụ đông trong khung thời vụ tốt nhất, đảm bảo đạt chỉ tiêu kế hoạch được giao.

Lương Hạnh
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: