Sóng cả đừng ”ngã tay chèo”
Người lao động của Công ty TNHH Nhựa Minh Hằng (tại KCN Nam Phổ Yên) đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn khi làm việc. Ảnh: T.Q |
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên toàn cầu, nhiều nền kinh tế gặp khó khăn. Việt Nam tuy kiểm soát khá tốt dịch bệnh, nhưng tác động của COVID đến hoạt động kinh tế cũng không hề nhỏ. Thái Nguyên cũng không nằm ngoài những khó khăn đó, nhất là từ khi có đợt dịch thứ tư xuất hiện. Khối doanh nghiệp (DN), nhất là DN nhỏ và vừa đang thực sự phải gồng mình vượt qua “sóng gió”.
Theo đánh giá của Cục thống kê tỉnh, hoạt động đầu tư trên địa bàn những tháng đầu năm 2021 vẫn có những khởi sắc nhất định. Tổng vốn đầu tư phát triển cả tỉnh ước đạt 17,4 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tiến triển với 5 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký, số vốn 6,8 triệu USD... Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID mà vốn đầu tư mở rộng cũng như đầu tư mới của khối DN FDI giảm so với cùng kỳ năm trước. Nhiều DN cho rằng, không để dịch bệnh xâm nhập và duy trì sản xuất như hiện tại đã là một thành công với họ.
Tình hình thành lập mới các DN cũng có nét khởi sắc. Tính đến hết tháng 5-2021, số DN được cấp mới đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh là 331, tổng vốn đăng ký trên 3.300 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số DN cấp mới tăng 29,8%, số vốn đăng ký tăng gấp 2,1 lần. Có 245 DN hoạt động trở lại sau khi phải tạm ngừng. Tuy nhiên, gần 6 tháng qua cũng ghi nhận số DN phải tạm ngừng hoạt động hoặc đóng mã số thuế khá cao. Thống kê cho thấy có 312 DN, chi nhánh tạm ngừng hoạt động, 235 DN, chi nhánh đóng mã số thuế. So với cùng kỳ, số DN đóng mã số thuế tăng 2 đơn vị và số DN xin tạm ngừng hoạt động tăng 126 đơn vị. Như vậy, số DN tạm ngừng hoạt động và đóng mã số thuế gần bằng số DN thành lập mới và số DN hoạt động trở lại.
Cộng đồng DN cho rằng, cần phải có các cơ chế, chính sách kích cầu sản xuất, tiêu dùng, tránh đứt gẫy chuỗi sản xuất. Các DN, nhất là DN nhỏ và vừa bị đình trệ sản xuất cần được hỗ trợ về chính sách thuế, tín dụng, lao động, việc làm… để vượt qua thời điểm khó khăn này. Đây chính là lúc mà cộng đồng DN cần và thấy rõ nhất sự chia sẻ không chỉ của Nhà nước mà của chính các DN với nhau. Đã có nhiều nơi, DN địa phương liên kết tiêu thụ hàng hóa cho nhau, đổi sản phẩm với nhau, sản phẩm đầu ra của đơn vị này chính là sản phẩm đầu vào của đơn vị kia và ngược lại. DN kinh doanh tài chính, thương mại cũng tham gia giúp đỡ DN khó khăn bằng hình thức hỗ trợ không tính lãi hoặc lãi thấp…
Như vậy có thể thấy, trong giai đoạn vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế như hiện nay, khó khăn là không thể tránh khỏi, nhưng không vì thế mà có tư tưởng buông xuôi, trông chờ, ỷ lại. Từng DN cần biết cách để vượt qua khó khăn, linh hoạt thay đổi cơ cấu sản xuất, kinh doanh, tăng cường tìm kiếm thị trường, đối tác để trụ vững trước những tác động tiêu cực từ dịch bệnh.