Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm
Đó là chủ đề Tháng hành động vì an toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP) năm 2018 được Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP Trung ương lựa chọn (tính từ ngày 15/4 đến 15/5). Đây cũng là một trong những nội dung mới của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 02/02/2018 thay thế các quy định cũ trước đây.
Những ngày qua, người tiêu dùng hết sức hoang mang, lo lắng khi các cơ quan chức năng phát hiện Công ty TNHH Vinaca sản xuất sản phẩm "Vinaca ung thư Co3.2" từ bột than tre; cơ sở thu mua nông sản của bà Nguyễn Thị Loan (xã Ðắk Wer, huyện Ðác R’lấp, tỉnh Ðác Nông) có hành vi trộn phế phẩm cà phê (vỏ cà phê, hạt cà phê thải loại xay nát) với đá xay, sau đó nhuộm đen bằng hóa chất hòa bột than từ lõi pin con ó để bán ra thị trường. Đây chỉ là hai trong số nhiều vụ việc bị phát hiện, người dân rất quan tâm bởi thuốc chữa ung thư cũng như cà phê đều là một trong những mặt hàng tiêu dùng đang được nhiều người sử dụng. Chỉ vì lợi nhuận mà các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh (SXKD) bất chấp tất cả, coi rẻ sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng.
Nói đến ATTP, có lẽ đại đa số các địa phương trong cả nước vẫn có vi phạm; nhiều cơ sở vẫn SXKD thức ăn, đồ uống không bảo đảm chất lượng, không theo đúng thành phần nguyên liệu quy định cũng như quy trình sản xuất đã đăng ký với cơ quan chuyên môn. Tình trạng quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật hay “lăng xê” quá mức vẫn xảy ra. Ý thức chấp hành các quy định pháp luật về ATTP của các cơ sở SXKD thực phẩm còn yếu. Chính quyền nhiều nơi còn buông lỏng công tác quản lý nhà nước về ATTP, chưa gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương với nhiệm vụ này; khi làm tốt thì "thành tích" chung chung, còn khi xảy ra vi phạm thì đùn đẩy, phó mặc cho các cơ quan chuyên môn. Việc xử phạt chưa nghiêm minh dẫn đến hiện tượng nhiều cơ sở SXKD "nhờn" luật, chấp nhận chịu phạt để tiếp tục được tồn tại.
Trên địa bàn tỉnh, những ngày qua các địa phương, đơn vị đã và đang tích cực, chủ động tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì ATTP một cách thiết thực, hiệu quả, gắn vào từng công việc cụ thể. Việc ký cam kết và thực hiện SXKD thực phẩm sạch, an toàn, nhất là các hộ SXKD nhỏ lẻ được chú trọng kết hợp với tăng cường kiểm tra, giám sát, phát huy tính năng, tác dụng của các máy móc, thiết bị đã được trang bị. Các lớp tập huấn, hướng dẫn, áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất thực phẩm an toàn được quan tâm tổ chức. Công tác tuyên truyền về ATTP được đẩy mạnh. Song, tình trạng vi phạm ATTP vẫn xảy ra. Theo con số tổng hợp của cơ quan chức năng, năm 2017 đã kiểm tra và phát hiện hàng trăm trường hợp vi phạm ATTP; 4 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra. Ngay trong quý I vừa qua, thực hiện thanh, kiểm tra công tác bảo đảm chất lượng ATTP vẫn còn không ít cơ sở vi phạm bị xử lý.
Có thể khẳng định, tình hình ATTP hiện vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Một lượng không nhỏ thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn vẫn hàng ngày trôi nổi trên thị trường. Người SXKD thì chạy theo lợi nhuận; còn người tiêu dùng thì vẫn coi thường việc chăm sóc sức khỏe cho chính bản thân và gia đình mình, chưa biết lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn, vẫn ham hàng rẻ mà không để ý đến nhãn mác, hạn sử dụng của thực phẩm.
Nghị định số 15/2018/NÐ-CP vừa ban hành đã tạo nhiều động lực thuận lợi, thông thoáng cho người SXKD thực phẩm. Tuy nhiên, để tránh tình trạng người SXKD lợi dụng sự thông thoáng này làm ăn phi pháp, gian dối, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác hậu kiểm về ATTP, đồng thời tăng hình thức xử phạt đối với các hành vi vi phạm. Ðể nâng cao vai trò, trách nhiệm của người SXKD thực phẩm, người dân mong muốn các bộ, ngành, chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền, vận động người SXKD thực phẩm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về ATTP; chú trọng hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, lựa chọn các nhóm đối tượng, các mặt hàng thực phẩm cụ thể để thanh tra, kiểm tra, nhất là các mặt hàng thiết yếu hằng ngày. Với người tiêu dùng, hãy chủ động tìm hiểu, bổ xung kiến thức cần thiết trong việc chăm sóc sức khỏe, đảm bảo ATTP trong các bữa ăn thường ngày, nâng cao chất lượng cuộc sống cho chính bản thân và gia đình mình.