Thiết thực góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc (*)

Cập nhật: Thứ năm 06/10/2022 - 21:56
 Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại Ngày hội.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại Ngày hội.

Tại Lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II tổ chức tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp (TP. Thái Nguyên) tối 6-10, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến dự và có bài phát biểu quan trọng. Báo Thái Nguyên điện tử trân trọng đăng lược ghi bài phát biểu.

Hôm nay, tôi rất vui mừng, phấn khởi tới dự Lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) phối hợp với tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh có đồng bào dân tộc Dao sinh sống tổ chức tại tỉnh Thái Nguyên.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam tôi xin gửi tới lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố, các vị đại biểu, đồng bào, đồng chí lời chào trân trọng, tình cảm thân thiết, lời chúc mừng tốt đẹp nhất!

Văn hóa các dân tộc thiểu số là di sản quý giá, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc nói chung, đồng bào dân tộc Dao nói riêng là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, nhắc đến câu nói của một vị tiền bối, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã một lần nữa nhấn mạnh: “Văn hóa là bản sắc của một dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn”.

Văn hóa của dân tộc Dao cũng vậy, được kết tinh từ cuộc sống lao động sản xuất, trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển; phong phú, đa dạng thống nhất trong nền văn hóa Việt Nam. Đồng bào vừa là chủ thể sáng tạo vừa là đối tượng thụ hưởng; với những bộ trang phục đặc sắc, những làn điệu Páo Dung đằm thắm, ngọt ngào, cùng với điệu múa, tiếng sáo, tiếng thanh la, tù và trầm lắng... tạo nên cốt cách tâm hồn, tình cảm, nền tảng tinh thần của dân tộc Dao, hòa quện trong nét đẹp văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc anh em. Chúng ta có trách nhiệm lưu giữ và truyền lại cho thế hệ mai sau.

Vì vậy, tôi ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với tỉnh Thái Nguyên cùng với các ban, bộ ngành, cơ quan Trung ương, địa phương tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II. Đặc biệt, tôi nhiệt liệt biểu dương các nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên, vận động viên của các dân tộc, nhất là bà con dân tộc Dao trên mọi miền đất nước đã khắc phục mọi khó khăn, hội tụ về tỉnh Thái Nguyên tươi đẹp, mến khách trong Ngày hội lớn để gặp gỡ, giao lưu tình cảm, thể hiện tài năng, sức sáng tạo làm nên một lễ hội đặc sắc, lan tỏa trong cộng đồng, góp phần lưu giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc Dao, thống nhất trong nền văn hóa Việt Nam. Ngày hội hôm nay cũng là dịp để đồng bào tiếp tục bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao to lớn của Bác Hồ, của Đảng và Nhà nước; động viên nhau hăng hái thi đua lao động sản xuất, học tập công tác và chiến đấu; thiết thực góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Trong không khí hân hoan của Ngày hội hôm nay, tôi mong muốn và đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, nhất là đồng bào dân tộc Dao thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, quá trình tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc (Tày, Nùng, dân tộc Mông, Dao, Ê Đê, Khmer và các dân tộc khác) phải gắn chặt với triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị, nhằm xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

Hai là, giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc nói chung, dân tộc Dao nói riêng phải xuất phát từ yếu tố tự thân, mình giữ cho mình chứ không thể nhờ ai giữ cho mình được. Vì vậy, tôi mong muốn đồng bào cùng nhau thực hiện tốt phương châm: người đi trước truyền lại cho người đi sau; ông, bà, cha mẹ truyền dạy cho con cháu; cộng đồng học hỏi lẫn nhau với nhiều cách làm sáng tạo, bền bỉ thì mới gìn giữ và phát huy được nét văn hóa của dân tộc mình.

Ba là, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của đồng bào, tôi đề nghị các cấp, các ngành trực tiếp là ngành văn hóa tiếp tục tham mưu để Đảng, Nhà nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền ban hành chính sách cụ thể khuyến khích, hỗ trợ đồng bào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của từng dân tộc và của cả dân tộc chúng ta. Đồng thời nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách phát huy tài nguyên văn hóa gắn với du lịch để văn hóa vừa là yếu tố tinh thần, vừa tạo thêm được thu nhập cho người dân. Như vậy mới đảm bảo tính căn cơ, lâu bền, gắn văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội.

Nhân dịp này, tôi xin chia vui, chúc mừng Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên trong thời gian qua đã nỗ lực kiểm soát an toàn dịch COVID-19; nhanh chóng phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nói chung, đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng.

Một lần nữa, xin chúc các vị đại biểu, đồng bào, đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc; chúc Ngày hội văn hóa Dân tộc Dao vui tươi, đoàn kết và thành công.

Trân trọng cảm ơn!

(*) Đầu đề do Tòa soạn đặt

Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: