Thoái vốn Nhà nước trong doanh nghiệp: Vẫn chưa hết khó

Cập nhật: Thứ sáu 28/10/2022 - 08:00
 Phần vốn do Nhà nước sở hữu tại Công ty CP Vật tư nông nghiệp Thái Nguyên hiện chỉ còn 11%.
Phần vốn do Nhà nước sở hữu tại Công ty CP Vật tư nông nghiệp Thái Nguyên hiện chỉ còn 11%.

Thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tỉnh Thái Nguyên đã liên tục sắp xếp, tái cơ cấu để thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp. Tính đến quý IV/2022, Thái Nguyên còn 9 doanh nghiệp do UBND tỉnh là đại diện chủ sở hữu hoặc nắm giữ cổ phần. Tuy nhiên, việc cổ phần hóa và các hình thức khác theo quy định của pháp luật để thoái phần vốn của Nhà nước lại gặp nhiều khó khăn do vướng mắc trong quá trình giải quyết chính sách cho người lao động, xử lý các tồn tại về tài chính, quỹ đất, tài sản khác…

Sau nhiều lần thực hiệc việc bán, chuyển cổ phần và các hình thức khác theo quy định của pháp luật, tỉnh Thái Nguyên đã giảm được trên 30 đầu mối là các doanh nghiệp, nông, lâm trường 100% vốn Nhà nước.

Cụ thể, địa phương đã bán 9 DNNN cho tập thể người lao động trong doanh nghiệp để thành lập công ty cổ phần; chuyển 3 DNNN thành công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Nhà nước một thành viên (MTV); sắp xếp, đổi mới quản lý, thay đổi chủ sở hữu đối với các nông, lâm trường quốc doanh, công ty kinh doanh dịch vụ, công ty khai thác khoáng sản do tỉnh quản lý. Đây là những doanh nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh hiệu quả thấp, hoặc thua lỗ kéo dài.

Theo thông tin từ Ban Đổi mới và Phát triển DNNN tỉnh, tính đến quý IV/2022, Thái Nguyên còn 4 DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ do UBND tỉnh là đại diện chủ sở hữu. Gồm: 2 doanh nghiệp hoạt động công ích (Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên; Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên); 1 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đại Từ và 1 doanh nghiệp hoạt động đặc thù là Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Thái Nguyên.

5 doanh nghiệp cổ phần có vốn Nhà nước nhưng sở hữu dưới 50% vốn điều lệ, gồm: Công ty CP Vật tư nông nghiệp Thái Nguyên, Công ty CP Nước sạch Thái Nguyên, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Sông Công, Công ty CP Môi trường và Đô thị Thái Nguyên, Công ty CP Quản lý và Xây dựng giao thông Thái Nguyên.

Trong những năm qua, một số doanh nghiệp còn vốn Nhà nước do UBND tỉnh đại diện làm chủ sở hữu hoặc nắm giữ cổ phần đã từng bước thay đổi mô hình quản trị, huy động được nguồn vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ thiết bị. Người lao động cũng được sắp xếp lại vị trí công việc để thích ứng với yêu cầu sản xuất - kinh doanh, góp phần tăng dần doanh thu qua các năm.

Giai đoạn 2021-2025, Công ty CP Công trình và Môi trường đô thị Thái Nguyên nằm trong diện tiếp tục thoái vốn.

Đơn cử như Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên vẫn đạt doanh thu gần 78 tỷ đồng/năm, lợi nhuận sau thuế đạt gần 3 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 3,9 tỷ đồng, được chủ sở hữu đánh giá xếp loại doanh nghiệp đạt loại A.

Ngược lại, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Thái Nguyên tiêu thụ trên 3,7 triệu vé, tổng doanh thu đạt trên 34,7 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ có 44 triệu đồng. Riêng Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên đã lỗ kinh doanh 182 triệu đồng; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đại Từ hoạt động sản xuất - kinh doanh chưa hoàn thành nhiệm vụ UBND tỉnh giao, nên bị xếp hạng doanh nghiệp loại C.

Đối với các doanh nghiệp UBND tỉnh sở hữu vốn dưới 50% cổ phần, hoạt động có phần khởi sắc hơn. Việc thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, chế độ với người lao động theo quy định của pháp luật đã từng bước ổn định. Nhưng đây không phải là những doanh nghiệp có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến.

Lý do một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chậm thoái vốn hoặc quá trình triển khai gặp khó khăn được Ban Đổi mới và Phát triển DNNN tỉnh Thái Nguyên báo cáo kịp thời với cơ quan chức năng của Trung ương. Như việc thoái vốn tại Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên có vướng mắc liên quan đến vấn đề nhân sự, xử lý tài chính; nhiều tài sản của dự án thoát nước thải chưa được quyết toán nên đến nay vẫn chưa thể thực hiện cổ phần hóa.

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đại Từ cũng chưa thể thoái vốn đúng theo lộ trình, do đơn vị này đang lúng túng trong quá trình xây dựng phương án tổng thể cổ phần hóa và sử dụng lao động sau khi thoái vốn để trình UBND tỉnh phê duyệt; việc tranh chấp đất đai giữa Công ty với người dân địa phương chưa được giải quyết dứt điểm… Do đó, việc thoái vốn phải chờ Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn giải quyết những vướng mắc về tài chính theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ...

Cùng với đó là việc thoái vốn tại một số doanh nghiệp còn vốn Nhà nước trên địa bàn tỉnh chưa nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Cụ thể, trong quý III/2022, ngành chức năng của tỉnh đã phối hợp với các bên liên quan thực hiện đấu giá cổ phần đối với phần vốn do Nhà nước sở hữu tại Công ty CP Vật tư nông nghiệp Thái Nguyên, nhưng vẫn còn 165 nghìn cổ phần (tương đương 11%) do Nhà nước nắm giữ chưa có nhà đầu tư mua lại.

Đồng chí Trần Lưu Thành, Phó phòng Kinh tế ngành (Sở Kế hoạch và Đầu tư), cho biết: Việc thoái vốn tại một số doanh nghiệp do UBND tỉnh làm đại diện chủ sở hữu và nắm giữ cổ phần đang tạm dừng để chờ chỉ đạo của Trung ương thông qua kế hoạch trong giai đoạn 2021-2025. 

Trong những văn bản của UBND tỉnh gửi Chính phủ, các bộ, ngành, Ban Đổi mới và Phát triển DNNN Trung ương mới đây đều nêu rõ, Thái Nguyên quyết tâm đẩy nhanh cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại các DNNN do tỉnh quản lý theo lộ trình của Chính phủ đề ra. Quá trình này sẽ được tỉnh thực hiện đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch; tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, trục lợi chính sách, thất thoát tài sản, ngân sách; không gây khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp…

Ngày 27/5/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký ban hành Công điện số 478/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước. Trong đó, Công điện yêu cầu các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khẩn trương phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Văn Hiến
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: