Những điểm mới về Quy chế đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức Bộ Tư pháp

Cập nhật: Thứ sáu 30/09/2022 - 11:00

Ngày 18/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đã có nhiều sửa đổi nhằm phù hợp với các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về công tác đào tạo, bồi dưỡng đồng thời tạo điều kiện tối đa cho cán bộ, công chức, viên chức được tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng.

Để đảm bảo thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời những quy định mới của pháp luật về đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức Bộ Tư pháp, trên cơ sở đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật, ngày 10/6/2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 1318/QĐ-BTP về việc ban hành Quy chế đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức Bộ Tư pháp (sau đây gọi là Quyết định số 1318/QĐ-BTP) thay thế Quyết định số 273/QĐ-BTP ngày 12/02/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Quyết định số 1318/QĐ-BTP có một số điểm mới cụ thể như sau:

1. Về phạm vi, đối tượng áp dụng: Về cơ bản, phạm vi, đối tượng áp dụng được giữ nguyên như Quy chế cũ, đồng thời quy định cụ thể trách nhiệm của Tổng cục Thi hành án dân sự trong việc quy định việc đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức, viên chức thuộc Hệ thống Thi hành án dân sự.

2. Về nguyên tắc đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức: Quyết định số 1318/QĐ-BTP đã bổ sung nguyên tắc “Không cử công chức, viên chức đi học các khóa đào tạo, bồi dưỡng có trùng lịch học” nhằm tạo điều kiện tối đa cho công chức, viên chức được tham gia tất cả các lớp đào tạo, bồi dưỡng.

3. Về thẩm quyền cử công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng: Thực hiện chủ trương của Lãnh đạo Bộ về việc tiếp tục phân cấp cho Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Quyết định số 1318/QĐ-BTP giao cho Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam được Bộ trưởng phân cấp quyết định cử công chức, viên chức từ Trưởng phòng và tương đương trở xuống của đơn vị đi học các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước, trừ các đối tượng quy định tại khoản 6 Điều 5 của Quyết định số 1318/QĐ-BTP và Thủ trưởng đơn vị có đơn vị sự nghiệp được Bộ trưởng phân cấp quyết định cử viên chức của đơn vị đi học các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước.

4. Về cơ sở xét chọn, cử đi đào tạo, bồi dưỡng: Căn cứ các quy định mới của pháp luật cũng như thực tiễn thực hiện các quy định liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức Bộ Tư pháp, Quyết định số 1318/QĐ-BTP đã giao trách nhiệm cho Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm về số lượng công chức, viên chức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng và cam kết đảm bảo việc cử công chức, viên chức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng không ảnh hưởng đến công việc chuyên môn tại đơn vị đồng thời bỏ quy định về “Số lượng công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng theo hình thức tập trung trong giờ hành chính từ 03 tháng trở lên của mỗi đơn vị trong cùng một thời điểm không vượt quá 20% tổng số công chức, viên chức hiện đang làm việc của đơn vị”. Ngoài ra, Quyết định số 1318/QĐ-BTP đã quy định cụ thể hơn về thứ tự ưu tiên trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, theo đó, công chức, viên chức được tuyển dụng theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05/12/2017 của Chính phủ được ưu tiên số 1 trong trường hợp số lượng công chức, viên chức đủ điều kiện, tiêu chuẩn đi học nhiều hơn số chỉ tiêu được cử đi học. Đồng thời, để tăng cường ý thức kỷ luật của công chức, viên chức trong việc đi đào tạo, bồi dưỡng, đối với các trường hợp công chức, viên chức được cử đi dự tuyển nhưng không dự thi hoặc trúng tuyển nhưng không đi học (trừ trường hợp có lý do chính đáng và được cấp có thẩm quyền chấp thuận), ý thức chấp hành kỷ luật học tập kém sẽ không được cử đi dự tuyển các khóa đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian tối thiểu 01 năm thay vì 06 tháng như quy định cũ.

5. Về trình tự cử công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng: Quyết định số 1318/QĐ-BTP đã bổ sung thêm quy định về việc: (i) xin ý kiến Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực hợp tác quốc tế trong các trường hợp cử công chức và viên chức lãnh đạo đơn vị đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài; (ii) Bổ sung thêm quy định tại Điều 8 đối với trường hợp công chức tự liên hệ các khóa đào tạo, bồi dưỡng để tạo điều kiện tối đa cho công chức chủ động đăng ký các khóa đào tạo, bồi dưỡng nhất là các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, có thời gian dưới 3 tháng mà không sử dụng kinh phí từ nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức của Bộ Tư pháp. Theo đó, công chức, viên chức chủ động liên hệ các khóa đào tạo, bồi dưỡng, báo cáo Thủ trưởng đơn vị và đăng ký dự tuyển các khóa đào tạo, bồi dưỡng. Sau khi có kết quả trúng tuyển sẽ gửi hồ sơ về Vụ Tổ chức cán bộ hoặc thủ trưởng đơn vị theo phân cấp để quyết định việc cử công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng; (iii) Quy định cụ thể hơn về hồ sơ đăng ký dự tuyển đối với trường hợp tự liên hệ các khóa đào tạo, bồi dưỡng theo đó, xin dự tuyển đề nghị trình bày rõ chuyên ngành dự tuyển, dự kiến: các cơ sở đào tạo sẽ đăng ký dự tuyển, nước đến và khoảng thời gian dự tuyển (có thể trên 01 năm).

6. Về quản lý công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng: Nhằm tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác quản lý công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng nhất là đi đào tạo sau đại học ở nước ngoài, Quyết định số 1318/QĐ-BTP đã quy định cụ thể về việc công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài, trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc khóa học, công chức, viên chức phải về nước (trừ trường hợp bất khả kháng) và báo cáo kết quả học tập bằng văn bản kèm theo đề nghị tiếp nhận, ý kiến của cơ quan quản lý lưu học sinh ở nước ngoài (nếu có) và bản sao chứng chỉ/chứng nhận, bảng điểm (có chứng thực) về đơn vị nơi công chức, viên chức công tác. Đồng thời quy định về việc công chức, viên chức được cử tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng có thời gian từ 01 năm trở lên thì định kỳ 06 tháng phải gửi báo cáo về tiến độ, kết quả học tập về đơn vị nơi công chức, viên chức công tác để theo dõi.

7. Về trách nhiệm, quyền lợi của công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng, trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng: Nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng, Quyết định số 1318/QĐ-BTP tiếp tục quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của công chức, viên chức, theo đó, đề nghị các đơn vị phải thực hiện đúng các quy định và nguyên tắc về đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức; Đề xuất và chọn, cử công chức, viên chức các đơn vị thuộc Bộ đi học theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt và công văn triệu tập của Vụ Tổ chức cán bộ; Tăng cường ý thức tự học tập, tự nghiên cứu nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ…

8. Ngoài các nội dung mới cơ bản nêu trên, Quyết định số 1318/QĐ-BTP cũng đã bỏ hoặc viết ngắn gọn hơn so với Quy chế cũ như: Không quy định nội dung về giải thích từ ngữ; Hình thức và nội dung, điều kiện đi đào tạo, bồi dưỡng được viết theo hướng gọn hơn, không dản trải như Quy chế cũ…

Quyết định số 1318/QĐ-BTP có hiệu lực kể từ ngày 10/6/2022 đã tạo cơ sở vững chắc cho việc thực hiện đầy đủ các quy định trong công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức Bộ Tư pháp./.

Đ.H
(t/h)
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: