Tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền kỷ niệm 100 năm Khởi nghĩa Thái Nguyên

Cập nhật: Thứ hai 21/08/2017 - 16:38
 Cổng trại lính khố xanh năm 1917
Cổng trại lính khố xanh năm 1917

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Khởi nghĩa Thái Nguyên (30/8/1917 - 30/8/2017), Báo Thái Nguyên điện tử đăng tải tài liệu “Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên 1917” do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Thái Nguyên biên tập để phục vụ tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, đảng viên và nhân dân:

***********

CUỘC KHỞI NGHĨA THÁI NGUYÊN 1917

Trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918), bên cạnh việc ráo riết xây dựng bộ máy đàn áp, cai trị trên đất nước ta, thực dân Pháp còn tăng cường bắt lính bản xứ (theo kinh nghiệm của bọn thực dân Anh khi chiếm Ấn Độ, Mã Lai…), lấy lính bản xứ ra làm bia đỡ đạn trên chiến trường cho quân đội Pháp, gây nên sự căm phẫn trong quần chúng nhân dân, đặc biệt là tầng lớp binh lính trong quân đội Pháp.

Ở Thái Nguyên, thực dân Pháp còn thiết lập một lực lượng quân sự lớn được bố trí ở 37 đồn binh rải khắp tỉnh. Cùng với các thủ đoạn cướp ruộng đất làm đồn điền, khai thác mỏ để vơ vét tài nguyên khoáng sản, thực dân Pháp đã đặt ra nhiều thứ thuế bất công, vô lý để bóc lột nhân dân. Dưới ách thống trị tàn bạo của chính quyền thực dân, phong kiến, đời sống của các tầng lớp nhân dân Thái Nguyên vô cùng cực khổ, điêu đứng.

Ngoài nỗi khổ về vật chất, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên còn bị thực dân Pháp đày đọa về tinh thần. Để dễ bề cai trị, chúng thực hiện chính sách ngu dân nhằm kìm hãm nhân dân ta trong vòng ngu dốt, lạc hậu; khuyến khích duy trì những phong tục, tập quán lạc hậu, lỗi thời, mê tín dị đoan, tuyên truyền phổ biến lối ăn chơi trụy lạc, trác táng. Chúng còn dùng thuốc phiện để đầu độc nhân dân ta và làm suy yếu giống nòi.

Bị áp bức bóc lột thậm tệ nên ngay những năm đầu của thế kỷ XX, nhân dân Thái Nguyên đã nổi dậy đấu tranh. Tháng 11/1913, trên 300 công nhân mỏ Hích nổi dậy đấu tranh chống cúp lương, chống đánh đập và sa thải thợ. Tiếp đó là cuộc đấu tranh chống phạt vạ vô lý của công nhân mỏ than Phấn Mễ.

Là tầng lớp chịu sự áp bức nặng nề của thực dân Pháp, bị coi là “bia đỡ đạn” trên chiến trường, binh lính Thái Nguyên bất mãn, luôn nung nấu ý chí phản kháng, đồng thời, với tinh thần dân tộc sẵn có, lại chịu ảnh hưởng các phong trào đấu tranh trên cả nước và của nhân dân trong tỉnh, đêm 30 rạng sáng 31/8/1917, cuộc khởi nghĩa của binh lính Thái Nguyên đã nổ ra dưới sự lãnh đạo của Trịnh Văn Cấn và Lương Ngọc Quyến.

Trịnh Văn Cấn tên thật là Trịnh Văn Đạt, sinh năm 1881, quê làng Yên Nhiên (còn gọi là làng Nhân), xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc). Nhà nghèo, năm 1910, ông đăng lính khố xanh thay cho anh trai với cái tên Trịnh Văn Cấn; sau thăng dần lên chức Đội nhất lính khố xanh trong quân đội Pháp đóng ở Thái Nguyên, vì thế ông được gọi là Đội Cấn.

Lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, dù phải đi lính cho quân đội Pháp nhưng vốn sẵn lòng yêu nước, căm thù giặc, bất bình trước những hành động dã man, tàn bạo của kẻ thù, Ông đã cùng với Lương Ngọc Quyến, một tù chính trị bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà tù Thái Nguyên tập hợp binh lính dưới quyền phát động khởi nghĩa tại tỉnh lị Thái Nguyên. Ông cùng Lương Ngọc Quyến tuyên bố thành lập quân đội (Quang phục quân), đặt tên nước (Quốc hiệu) là Đại Hùng, Quốc kì nền vàng 5 ngôi sao đỏ; Quân kì là cờ 5 sao với hàng chữ “Nam binh phục quốc”, kêu gọi các tầng lớp nhân dân đồng lòng đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp, giành độc lập. Được đông đảo nhân dân, công nhân các hầm mỏ, tù nhân trong nhà tù Thái Nguyên hưởng ứng, quân khởi nghĩa đã chiến đấu kiên cường làm chủ thị xã Thái Nguyên trong 5 ngày. Sau khi phải rút khỏi thị xã, quân khởi nghĩa tiếp tục vừa hành quân vừa chiến đấu đánh trả những đợt truy lùng khốc liệt của kẻ thù. Sau trận quyết chiến với quân Pháp tại khu vực Núi Pháo (Đại Từ), thế cùng lực kiệt, quyết không để rơi vào tay giặc, ngày 5/1/1918, Đội Cấn đã tuẫn tiết, để lại tiếng thơm muôn thuở.

Lương Ngọc Quyến tên chữ là Lương Lập Nham, thường gọi là Ba Quyến, quê làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội); là con trai thứ hai của Chí sĩ Lương Văn Can - một trong những lãnh tụ của phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Sớm tiếp thu truyền thống yêu nước của ông cha, Lương Ngọc Quyến luôn là người có chí khí, quyết tâm giúp dân, giúp nước. Ông được Phan Bội Châu gửi sang Nhật học ở Trường quân sự Chấn Vũ, tốt nghiệp loại ưu vào cuối năm 1908. Sau đó ông bị trục xuất, phải bỏ sang Trung Quốc theo học các trường quân sự, rồi nhận chức thiếu tá trong quân đội Trung Hoa. Tháng 3/1912, ông được bầu làm Ủy viên quân sự Bộ Chấp hành Việt Nam Quang phục hội. Năm 1913, ông bị thực dân Pháp kết án tử hình vắng mặt.

Năm 1914, Lương Ngọc Quyến về nước gây cơ sở cách mạng tại Nam Kỳ, rồi sang Thái Lan, Hồng Kông. Lương Ngọc Quyến bị cảnh sát Anh bắt trao cho thực dân Pháp, đưa về Việt Nam giam tại các nhà lao ở Hà Nội, Sơn Tây, Cao Bằng, Phú Thọ. Tháng 7/1916, ông bị đưa về giam ở nhà tù Thái Nguyên. Tại đây, ông đã cùng Trịnh Văn Cấn (Đội Cấn) lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên. Sau khi giết một số sĩ quan Pháp và tay sai, nghĩa quân phá nhà tù, giải thoát tù nhân, đưa Lương Ngọc Quyến ra tham gia Hội đồng quân sự, lãnh đạo khởi nghĩa với tư cách Quân sư. Mặc dù chân bị liệt do giặc Pháp tra tấn dã man, ông vẫn cùng Đội Cấn bàn soạn chiến lược, định đoạt binh cơ.

Theo đề nghị của Lương Ngọc Quyến, nghĩa quân lấy cờ 5 sao của Việt Nam Quang phục hội làm Quân kì, đặt Quốc hiệu là Đại Hùng. Ông còn sửa chữa trau chuốt Bản Tuyên ngôn thứ nhất hiểu dụ cho dân chúng rõ về mục đích của cuộc khởi nghĩa, soạn thảo Bản Tuyên ngôn thứ hai, hiệu triệu đồng bào cả nước hãy thừa cơ quân Pháp đang nguy khốn ở châu Âu mà vùng dậy đánh đổ chế độ đô hộ, lấy lại tự do cho Tổ quốc.

Trong trận đánh không cân sức ngày 4/9/1917, Lương Ngọc Quyến đã anh dũng hi sinh tại chiến địa Trại lính khố xanh do bị một mảnh đại bác bắn vào đầu. Ông được nghĩa quân đưa lên an táng tại xã Tức Tranh, huyện Phú Lương. Năm 2001, di cốt của Lương Ngọc Quyến được hậu duệ họ Lương chuyển về nghĩa trang gia đình ở làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội.

1. Giai đoạn thứ nhất: tại thị xã Thái Nguyên từ ngày 30/8 đến 5/9/1917

Cuộc khởi nghĩa định nổ ra từ trước, song vì nhiều điều kiện chưa cho phép nên đã hoãn đi hoãn lại nhiều lần. Cuối cùng, Đội Cấn đã bí mật họp bàn với các ông Lương Ngọc Quyến, Đội Trường, Đội Giá... quyết định đêm 30/8 phất cờ khởi nghĩa.

Như kế hoạch đã định, đúng 10 giờ đêm 30/8/1917, các ông Đội Trường, Ba Chén và một số binh lính đã giác ngộ tới diệt tên giám binh Nô-en (Noel) và những tên tay sai đắc lực của giặc như Đội Hạnh, Quản Lạp... Ông Đội Giá và đồng đội tới giết hai vợ chồng tên Lô-ét (Loet), một tên giám ngục rất độc ác, mở cửa nhà lao phá xiềng xích, giải thoát cho trên 200 tù chính trị và tù thường phạm. Ông Lương Ngọc Quyến bị liệt nửa người, được anh em cõng ra ngoài. Tiếp đó Đội Giá cho mở kho quân lương, lấy quần áo, đạn dược trang bị cho nghĩa quân rồi chiếm tiếp dinh Công sứ, tòa án, nhà đoan, kho rượu, kho đạn...

Đội Cấn tập hợp trên 300 người tham gia khởi nghĩa làm lễ tế cờ (gồm trên 100 lính khố xanh và 200 tù nhân). Lá cờ nghĩa “5 sao” (ngũ tinh) tung bay, kêu gọi tinh thần quật khởi của dân tộc vùng lên diệt thù, giành độc lập. Băng vải có chữ “Nam binh phục quốc” được căng ngang trước cổng trại lính khố xanh.

Trong không khí tự chủ tự quyền, Hội đồng Quân sự khởi nghĩa và những người có mặt nhất trí cử: Đội Cấn là “Quang phục quân Đại đô đốc”, chuyên coi việc binh; Ông Lương Ngọc Quyến, làm quân sư, bàn tính binh cơ, viết các bản bố cáo khởi nghĩa.

Sáng ngày 31/8 lại có thêm trên 300 người gồm nhân dân trong thị xã Thái Nguyên, công nhân mỏ Hích, mỏ Cẩm tới tham gia nghĩa quân. Như vậy lúc này nghĩa quân đã có trên 600 người, 160 khẩu súng trường và súng lục, 6 vạn viên đạn và 71.000 đồng.

Trong khi đó, bộ máy cai trị của giặc Pháp ở Thái Nguyên không hay biết nên tên Công sứ Đác-lơ (Darles) đi nghỉ mát ở Đồ Sơn, tên Phó sứ Tuýt-xtơ (Tustes) đi phép. Số binh lính Pháp đóng ở tỉnh mặc dù có 40 tên lê-dương với đầy đủ súng ống (trong đó có 2 trung liên), dưới quyền chỉ huy của một trung úy, ở cách trại lính khố xanh và nhà lao không đầy 300 mét, nhưng khi nghe tiếng súng của nghĩa quân, chỉ cố thủ ở trong trại lính Tây, bắn vu vơ.

Nghĩa quân tấn công vào bốt cảnh sát ở trước trại lính khố xanh, những tên cảnh sát như Tri-bông, Luy-xi-ni (Tribon, Lucini)... bị thương. Các tên khác bỏ bốt, chạy về trại lính Tây yêu cầu nã súng sang quân khởi nghĩa. Trong lúc nghĩa quân chưa chiếm nhà dây thép, vào khoảng 2 giờ 30 phút cùng ngày 31/8/1917, tên sen đầm Bơ-de (Besait) đã báo được về Hà Nội. Giặc kiên quyết dập tắt cuộc khởi nghĩa này mặc dầu chúng đang phải lao vào cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất.

4 giờ sáng ngày 1/9/1917, tên Công sứ Đác-lơ nhận được điện của tên Lơ Ga-len (Le Galen) - Thống sứ Bắc Kỳ, vội đi ô tô từ Hải Phòng về Đa Phúc (Vĩnh Phú) gặp bọn chỉ huy Pháp đóng ở đồn Đa Phúc. Tên Lơ Ga-len cũng trực tiếp về thị xã Đáp Cầu (Hà Bắc) gặp tướng Mi-sa (Michard). Sau đó, chúng đã điều động tới Thái Nguyên 14 ô tô chở 300 lính Pháp, 500 lính tập có liên thanh, đại bác và cả trung đội sơn pháo 80. Tất cả hội quân ở Gia Sàng, cách Thái Nguyên 3km về phía nam.

6 giờ sáng ngày 2/9, một đại đội bộ binh do đại úy Pê-i-ru (Péyroux) chỉ huy, dưới sự yểm trợ của pháo binh, đã tấn công đơn vị nghĩa quân do ông Cai Mánh chỉ huy. Cuộc chiến đấu giữa ta và giặc diễn ra rất ác liệt. Đến 10 giờ thì tên Trung tá Béc-giê (Berger) đến Gia Sàng nắm quyền chỉ huy chung.

Hôm sau, 3/9, bọn giặc lại bổ sung thêm một đại đội 120 lính Pháp, trung đội sơn pháo số 2, một đội công binh 15 người, 150 lính khố xanh, liên tiếp tấn công nghĩa quân. Quân khởi nghĩa chống trả dữ dội và giữ vững trận địa suốt cả ngày 3/9. Đến đêm, lợi dụng sáng trăng và ánh sáng của một đám cháy, nghĩa quân phản công, tên giám binh Đờ Mác-ti-ni (De Mar­tini) bị giết ngay tại trận. Tuy vậy, nghĩa quân đã không giữ vững được trận địa mặc dù với tài bắn tỉa chính xác. Có những đơn vị như đơn vị ông Cai Mánh đã hy sinh anh dũng tới người cuối cùng.

Ngày 4/9, với 300 lính Pháp, 4 khẩu pháo lớn, giặc tấn công vào Thái Nguyên theo 2 hướng đông - nam và tây - nam, song vấp phải sức kháng cự mãnh liệt của nghĩa quân nên chúng tiến rất chậm. Tới 4 giờ chiều mới có một đơn vị lính khố đỏ tới được trại lính Tây. Lúc này giặc lại được tiếp viện thêm 80 lính lê-dương từ Yên Bái sang.

Ngày 5/9, mặt trận của nghĩa quân bị phá vỡ. Pháo binh giặc bắn phá trại lính khố xanh, tòa sứ. Ông Lương Ngọc Quyến bị thương nặng. Nghĩa quân buộc phải rút lui khỏi Thái Nguyên. Đội Cấn cho lấy võng để cáng Lương Ngọc Quyến đi, nhưng ông Quyến thấy mình đã bị đau nặng nay lại bị thương, nếu đi chỉ làm phiền cho đồng đội, nên ông đã quyết định ở lại chết vinh, không chịu sa vào tay giặc.

Nghĩa quân do các ông Đội Cấn, Đội Giá, Ba Chén chỉ huy, rút khỏi thị xã Thái Nguyên. Địch bố trí lại đội hình và chôn cất cho những tên bị chết.

2. Giai đoạn thứ hai: cuộc chiến đấu từ Giang Tiên tới Tam Đảo (5/9 đến 13/9/1917)

Sau khi rút khỏi thị xã Thái Nguyên, nghĩa quân định lên Đu rồi đi Định Hóa, dựa vào đồi núi hiểm trở để chiến đấu lâu dài. Nhưng khi tới Giang Tiên (Phú Lương) bị giặc chặn đường, nghĩa quân phải vòng sang Hùng Sơn (Đại Từ). Tại đây, Đội Cấn cử người vào gặp tên Tri huyện Trần Văn Trù đòi chuẩn bị cho 6 nhà đóng quân. Hắn không trả lời, nghĩa quân công đồn. Lúc này là 3 giờ chiều ngày 5/9. Cuộc chiến đấu kéo dài đến tối. Không chiếm được đồn, nghĩa quân phải rút sang làng Huê Ngạc, bên kia Sông Công.

Đêm đó, bọn lính Ả-Rập dưới quyền chỉ huy của tên Trung úy Phun (Funch) tới hỗ trợ cho đồn Đại Từ. Sáng 6/9, quân khởi nghĩa lại tiếp tục công đồn Đại Từ, nhưng không chiếm được.

Ngày 8/9, một đội tuần tra của giặc tiến về Hùng Sơn cùng với đơn vị Ả-Rập chặn đường không cho nghĩa quân kéo lên Chợ Chu và về Phổ Yên. Trong khi đó, lính dõng ở các đồn Yên Lạc, Quảng Nạp (Định Hóa) Sơn Cốt, Bến Đỗng (Phổ Yên) tăng cường bao vây nghĩa quân. Tại chân núi Tam Đảo, Đèo Vai, Mỹ Khê đều có lính canh gác.

Trước tình hình đó, dựa vào sự giúp đỡ của đồng bào Dao, nghĩa quân kéo vào làng Quân Chu, nơi có suối sâu, đèo cao giáp núi Tam Đảo, cầm cự với giặc. Mặc dù địch ép buộc vợ con nghĩa quân kêu gọi chồng con hạ súng đầu hàng, nghĩa quân vẫn không nao núng, quyết chiến đấu đến cùng.

Tên Trung tá và tên Công sứ hạ lệnh bao vây nghĩa quân từ hai mặt: Sơn Cốt (Phổ Yên), Hùng Sơn (Đại Từ) với sự phối hợp của các đơn vị khố đỏ, lính Ả-Rập và thêm lính Pháp từ Thái Nguyên lên, với ý muốn bằng một trận quyết định sẽ tiêu diệt nghĩa quân. Nhưng nghĩa quân đã khôn khéo rút khỏi vòng vây của chúng và sang được làng Sa Hương (Vĩnh Yên) thuộc vùng quê hương của Đội Cấn, để tính kế chiến đấu lâu dài với giặc.

Trước tình hình ấy, giặc phải giải tán đạo quân. Tên Béc-giê (Berger) quyết định chỉ để lại một số ít quân đề phòng nghĩa quân quay lại Sơn Cốt, Hùng Sơn và lập ngay một đạo quân cơ động ở Vĩnh Yên và Phúc Yên do tên giám binh Rô-lê (Rollet) chỉ huy. Mặt khác, tên Thống sứ Bắc Kỳ trao quyền chỉ huy toàn thể lực lượng quân chính quy và cảnh sát dã chiến cho tên Đờ-vi-ê (Deviller) để nâng cao khả năng chiến đấu chống nghĩa quân.

3. Giai đoạn thứ ba: tại Vĩnh Yên từ 13/9 đến 1/10/1917

Do tên Tổng đốc Vĩnh Yên là Mai Trung Cát báo, bọn Pháp biết được nghĩa quân đang ở ven núi Tam Đảo. Lúc này nghĩa quân đang hành quân hướng về thung lũng sông Đáy và sông Hồng. Tới chiều ngày 18/9 đến đóng ở Hồng Xá Hạ, phía bắc đường sắt Việt Trì - Vĩnh Yên.

Giặc tấn công Hồng Xá Hạ, nhưng nghĩa quân đã giáng trả rất quyết liệt. Chúng thất bại và thú nhận đã có 9 tên vừa chết vừa bị thương.

Hoảng sợ trước sức chiến đấu của nghĩa quân, bọn Pháp phải động viên quân lực của chúng ở toàn miền Bắc hòng dập tắt cuộc khởi nghĩa này. Chúng tồ chức lại lực lượng và cử tên đại tá May-a (Maillard) trực tiếp chỉ huy.

Cuộc chiến đấu tại đây tiếp diễn và kéo dài tới ngày 22/9. Giặc lại bị thiệt hại nặng.                                        

Sau trận này, nghĩa quân có ý định chuyển về Đồng Tâm rồi đi Sơn Tây, Hòa Bình để củng cố lực lượng. Nhưng do địch phong tỏa ngặt nghèo: luôn luôn có ca-nô, tàu chiến tuần tiễu trên sông, nên nghĩa quân phải quay về ven bờ đê Vĩnh Yên, Phúc Yên, sau đó chia làm 2 nhóm:

- Phần lớn về Cổ Bài.

- Phần còn lại về Tân Ấp (gần đồn Thanh Tước).

Trong quá trình chuyển quân, nghĩa quân đã nhiều lần đụng độ với giặc, đáng kể là ở Nội Đông, Xuân Phát ngày 30/9. Nghĩa quân đã phân chia làm nhiều tốp nhỏ để vượt Tam Đảo sang Thái Nguyên. Tới ngày 3/10, nghĩa quân tới được làng Lai, gần Sơn Cốt (Phổ Yên, Thái Nguyên). Giặc Pháp vẫn bám riết nghĩa quân, chúng cũng chuyển quân và đưa chỉ huy sở tới đóng ở làng Lai.

Trong thời gian nghĩa quân đang chiến đấu ở Đại Từ vào đầu tháng 9, một tốp khoảng 20 nghĩa quân khác dưới sự chỉ huy của ông Quyền Nhiêu vì mất liên lạc đã tách ra khỏi quân chủ lực qua Hội Khê (Tuyên Quang), sau đó định tìm về với đại quân. Nhưng họ gặp địch ở Hiền Lương (20/9) nên phải quay về sông Cà Lồ, qua Xuân Lai. Ngày 23/9, toán quân này vượt được sông Đuống và nghỉ lại ở Bắc Ninh. Ngày 24/9, qua Hưng Yên định vượt sông Hồng nhưng bị giặc vây ở chùa Yên Viên (chùa Quán - Hưng Yên). Tới 28/9, nhóm quân này mới vượt được sông về Phú Xuyên (Hà Sơn Bình) và chạm trán với giặc. Sau những trận chiến đấu lẻ tẻ, 17 người còn lại rút vào Hòa Khê (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) rồi tới Tuyết Sơn. Ngày 30/9, Pháp cho quân hỗn hợp gồm cả lê-dương và khố đỏ về Phủ Lý bao vây. Trận chiến đấu hiểm nghèo giữa nghĩa quân và giặc nổ ra ở đồn điền cà phê Cốc Sơn. Do lực lượng quá chênh lệch, nên trận này nghĩa quân thiệt hại nhiều: bị bắt và bị hy sinh hầu hết.

Ngoài ra, còn một nhóm khác có 5 người xuôi sông Hồng về Thái Bình ngày 12/9, định dựa vào quê hương để củng cố lực lượng, nhưng việc chưa thành cũng bị hy sinh cả.

4. Giai đoạn thứ tư: lại về Thái Nguyên, từ 3/10/1917 đến 4/3/1918

Sau khi về tới làng Lai, nghĩa quân kéo sang Bắc Giang với ý định dựa vào nơi căn cứ hiểm yếu của cụ Đề Thám trước đây để tiếp tục cuộc chiến đấu. Lúc này nghĩa quân chỉ còn 80 tay súng nhưng ngày 6/10 đã đánh địch một trận rất hay ở đèo Nứa. Địch phải cho tên Xa-lê (Salet) tới giả thương thuyết với nghĩa quân để chờ viện binh, nhưng nghĩa quân không mắc mưu giặc và liên tiếp tấn công. Trận này địch cho là “một trận ác liệt nhất trong chiến dịch”. Địch vừa chết vừa bị thương 31 tên.

Sau đó nghĩa quân quay sang Hoàng Đàm (Phổ Yên) lại gặp địch tại xóm Nội (Hoàng Đàm). Dựa vào luỹ tre, nghĩa quân đã đánh địch quyết liệt. Trong trận này, một số nghĩa quân đã bị hy sinh.

Ngày 18/10, tên Đại tá May-a (Maillard) được tin quân khởi nghĩa về Bảo Năng cách Thái Nguyên 14 km, bèn đặt chỉ huy sở ở Phương Độ (huyện Phú Bình). Nhưng nghĩa quân đã ngược lên Tràng Xá (huyện Võ Nhai), dựa vào địa thế hiểm trở của rừng núi và nhân dân các dân tộc, chờ thời cơ giết giặc.

Trong thời gian này, nghĩa quân vẫn luôn luôn hoạt động, tìm mọi thời cơ tiêu diệt địch. Tuy nhiều nghĩa quân đi dò đường bị giặc bắt, bị hy sinh, nhưng nghĩa quân vẫn tiến công, đột kích đồn Vạn Già (Phú Bình). Đến 30/11, lực lượng nghĩa quân chỉ còn độ 80 người, ở rải rác một số nơi, đôi khi xuất hiện ở Mỏ Na Lương (Thượng Yên Thế). Giặc cho tên Đại úy Mông-xô (Monseau) và Chánh quản A-đờ-rê-a-ni (Adréani) bám sát nghĩa quân. Tên May-a (Maillard) chuyển chỉ huy sở về đóng tại thị xã Thái Nguyên.

Khoảng 7 giờ tối ngày 15/12/1917, nghĩa quân gặp địch ở Lục Ba, Đồng Bỏng (huyện Đại Từ) và phải rất chật vật mới phá vây được.

Ngày 20/12, nghĩa quân về đến núi Pháo (Đại Từ) và định tiến lên Phấn Mễ (Phú Lương). Do bám sát nghĩa quân nên sau khi biết tin này, giặc một mặt điều 15 tên lính Pháp lên tăng cường cho đồn Đu (Phú Lương), một mặt điều 40 tên lên bao vây nghĩa quân.

Ngày 21/12, một trận ác chiến xảy ra giữa nghĩa quân với giặc tại núi Pháo (Đại Từ). Trong trận này, Đội Cấn bị thương nặng vào chân và lực lượng nghĩa quân còn lại cũng không được bao nhiêu.

Để bảo toàn lực lượng, Đội Cấn cử hai ông Đội Giá và Cai Xuyên tìm đường trở lại vùng Yên Thế xây dựng cơ sở.

Ngày 5/1/1918, Đội Cấn thấy vết thương của mình ngày càng nặng, khó bề qua khỏi, anh em đồng chí còn lại quá ít, ông biết việc lớn khó thành, bèn gọi các bạn chiến đấu đến bên mình căn dặn mọi người không ra hàng giặc, rồi nhờ anh em đào sẵn cho mình một cái huyệt. Ông dùng súng lục tự bắn một phát đạn vào phía dưới dạ dày rồi chết, thọ 37 tuồi.

Khi giặc biết, chúng dã man đào mộ ông lên (do một tên phản bội đã báo nơi ông t vẫn cho giặc để lập công). Thi hài ông còn mang bộ quần áo ka-ki chỉnh tề, ngoài còn khoác thêm một áo chàm, đầu đội mũ dạ, tay phải còn nắm khẩu súng lục, bên cạnh còn một ống nhòm và 3 khẩu súng trường. Quanh nơi ông mất còn xác vài nghĩa quân khác đã tự vẫn theo Đội Cấn.

Sau ngày ông mất, nhân dân Thái Nguyên với lòng ngưỡng mộ vị lãnh đạo của nghĩa quân, đã lập đền thờ ông ở gần ngay chỗ ông ở cũ (cạnh Khách sạn Thái Nguyên hiện nay).

Còn lại các ông Đội Giá, Cai Xuyên và một số đồng đội khác như các ông Duy, Kha, Giám, Nhị... giặc cho tên giám binh Rây-na (Reinard) bố trí cảnh sát ở 3 nơi: Hùng Sơn, Cù Vân, Nà Khuồn (Đại Từ) để lùng sục.

Đoán biết ông Đội Giá sẽ về quê hương mình ở Phú Bình, chúng đã dò theo và ngày 4/3/1918 ông Đội Giá đã bị ép hạ súng. Ông Cai Xuyên cũng bị bắt, chỉ còn lại một số rất ít nghĩa quân chưa sa vào tay giặc.

Tính tới ngày 4/3/1918, ngày ông Đội Giá bị buộc phải bỏ vũ khí, cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên kéo dài được 6 tháng 7 ngày. Tuy thời gian không dài nhưng đây là một cuộc khởi nghĩa có nhiều tiếng vang trong  cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất và cả sau này.                                          

Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917 nổ ra trong lúc thế giới đang xảy ra chiến tranh lần thứ nhất giữa bọn tư bản các nước để tranh chiếm thị trường, chiếm đoạt tài nguyên và nhân công rẻ mạt của các xứ thuộc địa; ở nước ta, giặc Pháp cũng ra sức vơ người vét của để lao vào cuộc chiến tranh đó.

Giặc Pháp vô cùng hoảng sợ và chúng đã phải tập trung lực lượng đàn áp, dập tắt cuộc khởi nghĩa để trấn an nhân dân “chính quốc” và chúng chỉ gọi đây là một cuộc nổi loạn của một nhóm binh lính chống đối quan cai trị Pháp.

Sự thực, tính chất của cuộc khởi nghĩa này không phải như vậy. Đây là một cuộc khởi nghĩa có mục đích rõ ràng như trong các bản Tuyên ngôn thứ nhất, Tuyên ngôn thứ hai được phát ra sau cuộc khởi nghĩa, chính là nhằm đánh đuổi kẻ thù xâm lược ra khỏi bờ cõi, giành độc lập cho đất nước, tự do cho dân tộc, mưu hạnh phúc cho nhân dân.

Bọn giặc biết rất rõ điều này, chúng biết rằng để cho nghĩa quân còn tồn tại một ngày nào là một ngày chế độ cai trị của chúng bị lung lay. Vì vậy, để đối phó với 600 quân khởi nghĩa ít súng ống đạn dược, lương thực thiếu thốn, chưa quen chiến trận mà giặc đã phải điều động liên tục tới trên 2.000 quân với đầy đủ vũ khí. Chúng đã phải bắn tới 20 vạn viên đạn súng trường và tiểu liên, 500 viên đạn cỡ lớn. Trong trận chiến đấu không cân sức này, nghĩa quân đã loại được 200 tên ra khỏi vòng chiến đấu.

Cuộc khởi nghĩa không thành công vì việc tổ chức vận động cách mạng chưa sâu rộng nên không được các nơi trong nước hưởng ứng, do vậy, địch có điều kiện tập trung quân bao vây, tấn công. Mặt khác, vì hoàn cảnh sống trong nanh vuốt của giặc, kế hoạch khởi nghĩa phải hết sức giữ bí mật, không phổ biến được tới tất cả những người trong cuộc, nên không có sự bàn bạc nhất trí. Do đó, ngay sau khi cuộc khởi nghĩa vừa mới nổ ra đã có nhiều ý kiến bất đồng: nên cố thủ ở Thái Nguyên, xây dựng căn cứ ở nước ngoài hoặc đánh rộng ra các nơi khác để khoa trương thanh thế...

Cuộc khởi nghĩa đã không đạt được mục đích, nhưng với thời gian trên 6 tháng, qua nhiều trận đánh ác liệt, biểu hiện tinh thần chiến đấu vô cùng quả cảm với ý chí quyết tâm đánh đuổi “Pháp tặc” đến cùng. Những người khởi nghĩa đã kế tục xứng đáng truyền thống đánh giặc cứu nước của cha ông, gây một tiếng vang lớn trong sự nghiệp đánh giặc cứu nước của nhân dân ta.

***

Nguồn tài liệu:

- “Về cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên 1917”, Ty Văn hóa Thông tin Bắc Thái xuất bản năm 1977.

- “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên tập 1 (1936-1965)”, xuất bản năm 2003.

- “Từ điển Thái Nguyên”, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội 2016.

TNĐT
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: