Tài liệu Hỏi - Đáp Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 (P3)
Để giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập, nắm vững, hiểu sâu hơn về những nội dung của Nghị quyết Đại hội và góp phần nhanh chóng đưa Nghị quyết vào cuộc sống, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn “Tài liệu Hỏi - Đáp Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020” để sử dụng trong học tập, sinh hoạt chi bộ và phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Báo Thái Nguyên điện tử giới thiệu cùng bạn đọc.
Phần thứ ba
NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU ĐỂ THỰC HIỆN
NGHỊ QUYẾT ĐƯỢC NÊU TRONG CÁC
BÁO CÁO THAM LUẬN TẠI ĐẠI HỘI
Câu 22: Những giải pháp chủ yếu để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đội ngũ đảng viên, giai đoạn 2015 - 2020?
Trả lời:
Những giải pháp chủ yếu, đó là:
Thứ nhất, xác định đúng nhiệm vụ chính trị; chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chính trị - tư tưởng của tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ).
Thứ hai, tập trung kiện toàn, sắp xếp mô hình tổ chức cơ sở đảng cho phù hợp, gắn công tác xây dựng Đảng với lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương, cơ quan, đơn vị.
Thứ ba, đổi mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo và hoạt động của TCCSĐ.
Thứ tư, giữ vững nền nếp, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, chi ủy, đảng ủy; thực hiện nghiêm túc công tác tự phê bình, phê bình, mở rộng dân chủ trong sinh hoạt đảng.
Thứ năm, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quản lý cán bộ, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, tạo nguồn cán bộ cho cơ sở; thực hiện trẻ hoá và tiêu chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, cấp uỷ viên cơ sở, coi đây là giải pháp đột phá để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các TCCSĐ.
Thứ sáu, tập trung chỉ đạo công tác phát triển đảng viên, đặc biệt chú ý ở những nơi chưa có tổ chức đảng, có ít hoặc chưa có đảng viên, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, đoàn viên công đoàn, công nhân nông dân, tri thức, cán bộ khoa học kỹ thuật v.v.. Phấn đấu, hằng năm kết nạp trên 4% tổng số đảng viên của Đảng bộ.
Thứ bảy, đẩy mạnh công tác quản lý đảng viên, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng đối với TCCSĐ và đảng viên.
Thứ tám, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ cấp trên đối với cơ sở, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để tham gia xây dựng Đảng.
Câu 23: Những giải pháp chủ yếu để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng trong toàn đảng bộ tỉnh, giai đoạn 2015 - 2020?
Trả lời:
Những giải pháp chủ yếu, đó là:
Thứ nhất, các cấp uỷ, tổ chức đảng trong Đảng bộ tỉnh tiếp tục chỉ đạo quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 14 -NQ/TW Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng” và kết luận số 72-KL/TW của Bộ Chính trị về “Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2020”. Triển khai, quán triệt sâu Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định của Đảng, của cấp uỷ về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng nhiệm kỳ 2015 -2020. Cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ, trước hết là người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, các ban ngành, đoàn thể chính trị - xã hội phải là những tấm gương sáng, mẫu mực về đạo đức, lối sống, xác định đúng vai trò trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.
Thứ hai, xây dựng và chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát toàn khoá, hằng năm một cách cụ thể và tổ chức kiểm tra, giám sát có trọng tâm, sát với yêu cầu nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị. Tăng cường giám sát việc khắc phục những sai phạm sau kết luận thanh tra, kiểm tra; đề cao việc tự kiểm tra của cấp uỷ, tổ chức đảng và đảng viên, xác định đúng đắn trách nhiệm, nhất là người đứng đầu. Phát huy vai trò, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của uỷ ban kiểm tra, các ban Đảng tham mưu, giúp cấp uỷ lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo Điều lệ Đảng quy định.
Thứ ba, các cấp uỷ từ tỉnh đến cơ sở phải chỉ đạo thường xuyên hơn nữa công tác kiểm tra tài chính của cấp uỷ cấp dưới và cơ quan tài chính cấp uỷ cùng cấp. Tích cực chủ động và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các cuộc kiểm tra của cấp uỷ theo kế hoạch đề ra, đặc biệt tập trung đi sâu kiểm tra những vấn đề nổi cộm, bức xúc, những lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm như đất đai, tài chính, xây dựng cơ bản, công tác chính sách;... Tăng cường kiểm tra, giám sát các đảng viên là cấp uỷ viên, cán bộ thuộc diện cấp uỷ cùng cấp quản lý, trọng tâm là nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ quốc phòng - an ninh; tình hình chấp hành chỉ thị, nghị quyết cấp trên, cấp mình; kiểm tra việc chấp hành nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, nhất là việc bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ gìn đoàn kết nội bộ...
Thứ tư, coi trọng tính tiên phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên; trong đó đặc biệt coi trọng tính gương mẫu, tính liêm khiết của người lãnh đạo, người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đoàn thể, mà trước hết là các đồng chí cấp uỷ viên các cấp vừa được đại hội tín nhiệm bầu chọn. Tăng cường quản lý, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ đảng viên, gắn công tác kiểm tra Đảng với sự giám sát, kiểm tra của các tổ chức quần chúng để chủ động phòng ngừa, hạn chế những sai phạm của cán bộ, đảng viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Kiên quyết xử lý và chỉ đạo xử lý nghiêm minh các trường hợp đảng viên, tổ chức đảng vi phạm.
Thứ năm, các cấp uỷ, tổ chức đảng cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của Uỷ ban Kiểm tra; kiện toàn, củng cố bộ máy ủy ban kiểm tra và cơ quan ủy ban kiểm tra các cấp trong tỉnh. Xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra chuyên trách có chất lượng, số lượng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Thực hiện tốt việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, sử dụng, khen thưởng đội ngũ cán bộ kiểm tra để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát.
Câu 24: Những giải pháp chủ yếu để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, giai đoạn 2015 - 2020?
Trả lời:
Những giải pháp chủ yếu, đó là:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao toàn diện chất lượng công tác tuyên giáo, trong đó có công tác tuyên truyền. Phát huy vai trò, trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên và cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác tuyên giáo. Trong đó, đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp và báo cáo viên, tuyên truyền viên là lực lượng chuyên trách, nòng cốt. Các cơ quan báo chí, các tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể chính trị - xã hội đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền thông qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ gắn với thực tiễn của ngành, địa phương, đơn vị.
Thứ hai, đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền cho phù hợp với tình hình thực tế và đối tượng được tuyên truyền, để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương trong tình hình mới.
Việc lựa chọn hình thức tuyên truyền phải bám sát với thực tiễn; vận dụng linh hoạt, phát huy tối đa thế mạnh các loại hình tuyên truyền phù hợp với nội dung, từng đối tượng tuyên truyền. Trong đó, phát huy tốt hình thức tuyên truyền miệng gắn với hoạt động của đội ngũ báo cáo viên các cấp; khai thác có hiệu quả hoạt động của đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội nhằm phục vụ tốt công tác tuyên truyền và nắm bắt thông tin phản hồi trong xã hội; đổi mới việc học tập, triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng theo hướng chuyên môn hóa cao (thành lập tổ biên tập tài liệu cấp tỉnh; tổ chức học tập, truyền đạt nghị quyết thông qua hình thức trực tuyến...).
Thứ ba, thường xuyên nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm trạng của cán bộ đảng viên, nhân dân để định hướng và tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc, nổi cộm đang diễn ra tại đơn vị, địa phương. Thực hiện tốt việc thông tin, tuyên truyền kịp thời đến cán bộ, đảng viên và nhân dân về tình hình thời sự trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh tuyên truyền đấu tranh phản bác các tư tưởng, quan điểm lệch lạc, sai trái và chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Thứ tư, cấp ủy các cấp quan tâm, bổ sung thêm biên chế cho ban tuyên giáo; từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở các cấp, nhằm đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Tuyển chọn, bố trí những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức và năng lực thực sự làm công tác tuyên giáo; thường xuyên tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ công tác tuyên truyền để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp; thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng, kỷ luật, có chế độ thù lao thỏa đáng.
Thứ năm, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác tuyên truyền. Các cấp ủy đảng cần phải quan tâm lãnh đạo trực tiếp, toàn diện và thống nhất công tác tuyên giáo, nhất là công tác tuyên truyền, đảm bảo đúng định hướng và bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, định hướng các nội dung tuyên truyền nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương. Định kỳ, tiến hành sơ, tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó bổ sung nội dung, nhiệm vụ và giải pháp trong công tác tuyên truyền, để phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị đạt kết quả cao nhất.
Câu 25: Những giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả công tác “Dân vận khéo”, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, giai đoạn 2015 - 2020?
Trả lời:
Những giải pháp chủ yếu, đó là:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Trọng tâm là tiếp tục tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của toàn xã hội, trước hết là của cấp ủy đảng, chính quyền và tổ chức chính trị xã hội về phát huy vai trò to lớn của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa để từ đó không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện tốt công tác dân vận theo “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”. Phát huy tốt vai trò tham mưu của hệ thống ban dân vận với cấp ủy các cấp trong công tác dân vận khéo thông qua việc xây dựng các chương trình, đề án về công tác dân vận. Đặc biệt là các đề án về về đổi mới công tác dân vận; nâng cao hiệu quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; các đề án về nâng cao hiệu quả công tác dân tộc, tôn giáo trong tình hình mới.
Thứ hai, tăng cường đổi mới công tác dân vận của các cơ quan nhà nước. Tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương mới của Đảng về công tác dân vận thành văn bản pháp luật để các cấp chính quyền, cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân thực hiện. Các cơ quan của chính quyền phải thể hiện tinh thần phục vụ nhân dân, vì nhân dân; chủ động phối hợp với Mặt trận đoàn thể trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước đối với nhân dân; tạo điều kiện cho Mặt trận, đoàn thể hoạt động có hiệu quả. Xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực thông qua việc cải cách thủ tục hành chính, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Các cấp chính quyền cụ thể hóa việc đối thoại với nhân dân, thường xuyên lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân; có cơ chế để nhân dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ của mình theo nguyên tắc: mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải thuận với lòng dân, xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Thứ ba, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt vai trò là người đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên; đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, hướng về cơ sở, tập trung cho cơ sở. Nội dung tuyên truyền phải phù hợp với trình độ dân trí và đặc điểm của từng giai tầng xã hội, trong từng giai đoạn cách mạng đảm bảo hướng dẫn dư luận lành mạnh, dùng sức mạnh của dư luận để hỗ trợ quản lý Nhà nước. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với các phong trào do MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội phát động. Thông qua hoạt động thực tiễn, các cấp cần làm tốt công tác tuyên truyền, cổ vũ và nhân rộng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” trên mọi lĩnh vực. Thường xuyên tổ chức học tập, quán triệt các quan điểm, giải pháp về công tác dân vận của Đảng để mỗi cán bộ, đảng viên nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực công tác dân vận.
Thứ tư, đổi mới công tác dân vận nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương; trọng tâm là khéo vận động nhân dân xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc cùng vì mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Công tác dân vận phải thực hiện tốt phương châm: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Từ đó, hướng mạnh về cơ sở, bám sát địa bàn, bám dân, tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân để nắm bắt “trúng và đúng” tâm tư, nguyện vọng và những đề xuất, kiến nghị chính đáng của nhân dân. Trên cơ sở đó, nghiên cứu, tham mưu với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp có những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, nhất là các vấn đề có ảnh hưởng, liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm, thu nhập của nhân dân. Cùng với đó, công tác dân vận cần hết sức coi trọng vận động, tập hợp quần chúng vào khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào thi đua “Dân vận khéo”.
Thứ năm, củng cố tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ dân vận, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp vững mạnh. Quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” và theo tác phong “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”; thực hiện phân công cán bộ có năng lực, uy tín, kinh nghiệm làm công tác dân vận ở các cấp, khắc phục tình trạng đưa cán bộ phẩm chất năng lực hạn chế và không có đủ uy tín làm công tác dân vận; chú trọng luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, nhất là cán bộ trẻ tuổi, có năng lực. Kiện toàn tổ chức, bộ máy và cán bộ của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu về trình độ lý luận, năng lực thực tiễn và kỹ năng công tác vận động nhân dân. Tích cực bồi dưỡng kỹ năng vận động nhân dân cho đội ngũ già làng, trưởng bản, trưởng thôn, chức sắc, chức việc, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, tạo điều kiện để họ tích cực tham gia việc tuyên truyền, vân động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự lan tỏa, sức sống của công tác dân vận trong tình hình mới.
Câu 26: Những giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, giai đoạn 2015 - 2020?
Trả lời:
Những giải pháp chủ yếu, đó là:
Thứ nhất, cần phổ biến, quán triệt, triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân đặc biệt là Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tăng cường lãnh đạo công tác đảm bảo an ninh quốc gia giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới; pháp luật về phòng, chống tham nhũng; nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng.
Thứ hai, tiếp tục tăng cường và đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; phát huy vai trò tham mưu của Ban Nội chính Tỉnh ủy và các cơ quan nội chính, đảm bảo sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Tỉnh ủy đối với công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và các cơ quan nội chính tỉnh theo Quy định số 2607-QĐ/TU ngày 02/10/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đề cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tính tiên phong, gương mẫu của tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng.
Thứ ba, thực hiện tốt công tác xây dựng đảng trong các cơ quan nội chính. Chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ làm công tác nội chính, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thường xuyên củng cố tổ chức bộ máy, kiện toàn đội ngũ cán bộ các cơ quan nội chính tỉnh đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Thứ tư, nâng cao hơn nữa chất lượng các mặt công tác nội chính. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.
Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Thực hiện nghiêm túc công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI).
Thứ sáu, nâng cao năng lực, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chuyên trách về phòng, chống tham nhũng; phát hiện, điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.
Câu 27: Để thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, HĐND tỉnh sẽ lựa chọn và quyết định các nội dung chủ yếu nào để nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách?
Trả lời:
Những nội dung chủ yếu sẽ được HĐND tỉnh lựa chọn để nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách, đó là:
- Cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp phụ trợ, ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ và quy trình quản lý hiện đại để phát triển bền vững. Quan tâm phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo sự liên kết, hỗ trợ nhau trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh; phát triển công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu tập trung và dịch vụ sau chế biến nhằm từng bước chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp.
- Chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để các nhà khoa học tham gia nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao nhằm tạo đà cho phát triển, qua đó, ứng dụng vào nhiều lĩnh vực của đời sống, góp phần ổn định và nâng cao đời sống nhân dân.
- Chính sách đầu tư phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn; các chính sách phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ ở nông thôn; thực hiện quy hoạch vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của tỉnh để từ đó xây dựng các chính sách về đất đai, đầu tư hạ tầng, khoa học - kỹ thuật, thị trường,... thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.
- Ban hành các chính sách về quy hoạch đô thị, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị; cơ chế huy động các nguồn vốn để đầu tư hạ tầng thiết yếu và mở rộng không gian công cộng tại các đô thị trên địa bàn tỉnh.
- Nghiên cứu, xác định các giải pháp, biện pháp phát triển du lịch, phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử gắn kết với các sản phẩm đặc trưng của từng địa phương trong tỉnh. Đồng thời, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia liên kết, hợp tác phát triển du lịch, hình thành các tour, tuyến du lịch liên hoàn.
- Căn cứ tình hình thực tiễn, HĐND tỉnh sẽ tập trung xem xét, quyết định thông qua cơ chế, chính sách đối với những vấn đề mà cử tri quan tâm như: đảm bảo môi trường sinh thái, giải quyết việc làm, phát triển giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, chính sách bảo trợ xã hội, chính sách cho cán bộ ở cơ sở,...
Câu 28: Những giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2015 - 2020 để sớm đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại?
Trả lời:
Có 3 nhóm giải pháp đột phá, bao gồm:
Một là, tập trung thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế cùng phát triển; vận dụng linh hoạt chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương để tất cả các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp được phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo thực hiện quyền tự chủ mạnh mẽ hơn cho doanh nghiệp theo tinh thần mới của Hiến pháp năm 2013, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư. Xây dựng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Thái Nguyên không ngừng lớn mạnh, là đội quân tiên phong trên mặt trận kinh tế làm giàu cho đất nước, cho xã hội và là cơ sở tạo nguồn của cải vật chất, là động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển góp phần giải phóng sức sản xuất, phát triển lực lượng sản xuất, khơi dậy mọi tiềm năng nội lực và ngoại lực. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Nâng cao hiệu quả trao đổi giữa các cấp chính quyền với Hiệp hội doanh nghiệp, các hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp, doanh nhân để kịp thời nắm bắt các cơ chế chính sách mới, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tuân thủ cơ chế thị trường có sự quản lý định hướng của nhà nước, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập quốc tế và thị trường rộng mở; đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến đầu tư.
Phát triển nền kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Ưu tiên phát triển công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, đồng thời chú trọng phát triển các làng nghề, tiểu thủ công nghiệp, hợp tác xã.
Khuyến khích việc áp dụng khoa học kỹ thuật, biện pháp sản xuất trong từng lĩnh vực nông nghiệp, khẩn trương thực hiện nhiều mô hình sản xuất hàng hóa, sản phẩm đặc trưng trong khu vực nông thôn, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục củng cố quan hệ sản xuất đi đôi với phát triển lực lượng sản xuất, tạo chuyển dịch ngành nghề trong nhân dân; đẩy nhanh đô thị hóa nông thôn theo quy hoạch; tập trung nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới để đến năm 2020 tỉnh Thái Nguyên đạt tỉnh nông thôn mới.
Tiếp tục dành nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ, gồm: hạ tầng giao thông; khu cụm công nghiệp; điện, nước; viễn thông; tài chính; ngân hàng;… Tạo cơ chế khuyến khích phát triển thương mại dịch vụ, khách sạn nhà hàng hiện đại, ưu tiên đầu tư khai thác hiệu quả các tour, tuyến du lịch như: Khu du lịch Hồ Núi Cốc, Khu di tích lịch sử, sinh thái ATK Định Hóa…
Hai là, đưa Thái Nguyên thành trung tâm vùng về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển nền kinh tế tri thức.
Để thực sự là trung tâm của cả vùng và cả nước, Thái Nguyên cần quyết liệt và quyết tâm thực hiện một số giải pháp sau đây:
Các đơn vị đào tạo trên địa bàn cần nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, đổi mới tư duy để thu hút các nhà đầu tư, nhân tài nhằm liên kết, liên doanh đào tạo và xây dựng mới cơ sở đào tạo, phương pháp, chương trình,... đảm bảo đạt chất lượng cao; khai thác thị trường giáo dục đào tạo đầy tiềm năng này để cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực có chất lượng, trình độ cao và sức cạnh tranh cao.
Khuyến khích sự hợp tác giữa các doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo trên địa bàn để có được nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn về nguồn lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; trong đó đặc biệt các các doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, các nhà máy của Tập đoàn Samsung tại Thái Nguyên; từng bước chuyển từ lao động thủ công lạc hậu sang sử dụng lao động với công nghệ (phương tiện, phương pháp) tiên tiến, hiện đại, có hàm lượng trí tuệ cao và gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực có sức sáng tạo với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ. Thực hiện nhiều giải pháp để xây dựng Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình để nghiên cứu - phát triển sản phẩm công nghệ thông tin, phục vụ cho việc đào tạo, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Ưu tiên đổi mới công nghệ và công nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại để tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh; phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường để đảm bảo phát triển bền vững.
Ba là, tiếp tục thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược của nhiệm kỳ trước là “Đột phá về công tác quy hoạch; Đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng, trước hết là hạ tầng giao thông; Đột phá về cải thiện môi trường đầu tư, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh và thu hút đầu tư”, trong thời gian tới ngoài việc tiếp tục phát huy các ưu điểm đã đạt được, UBND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục lãnh đạo chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Thực hiện rà soát, hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật các cấp đã ban hành; kịp thời bãi bỏ các văn bản không còn phù hợp. Mở rộng việc tổ chức lấy ý kiến tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân đối với văn bản sẽ ban hành, nhất là những văn bản có tác động trực tiếp đến nhân dân. Thường xuyên rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tiếp tục thực hiện và nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông. Thực hiện công tác thanh tra công vụ, kiểm tra cải cách hành chính, trọng tâm là thực hiện chức trách công vụ, thái độ ứng xử của cán bộ, công chức.
- Làm rõ và phân cấp theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; đặc biệt là theo Luật Chính quyền địa phương sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2016. Xây dựng và hoàn thiện quy chế phối hợp, quy định phân cấp quản lý giữa cơ quan hành chính nhà nước, nâng cao thẩm quyền,trách nhiệm và lề lối làm việc của từng cơ quan theo yêu cầu quản lý nhà nước và phù hợp với tình hình thực tế.
- Triển khai có hiệu quả công tác quản lý, tổ chức thực hiện các quy hoạch đã được duyệt, đặc biệt là quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư; tiếp tục huy động các nguồn lực hoàn thiện đấu nối hệ thống giao thông với các trục giao thông chính để phát huy hiệu quả.
- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn của cán bộ, công chức; nâng cao tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỹ năng giao tiếp, thái độ phục vụ nhân dân. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu của các ngành, các cấp, các đơn vị trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, gắn với việc tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng các cấp; đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở xã, phường, thị trấn và Quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; thực hiện tốt quy chế văn hoá công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước.
- Thường xuyên tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho Đảng viên, cán bộ, công chức về công tác cải cách hành chính, các giải pháp chỉ đạo nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả thu hút đầu tư, nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương... tăng cường sự gắn bó và nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước với nhân dân, doanh nghiệp góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của tỉnh.
Câu 29: Những giải pháp chủ yếu để phát triển công nghiệp phụ trợ, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2015 - 2020?
Trả lời:
Những giải pháp chủ yếu, đó là:
Thứ nhất, rà soát lại các cơ sở sản xuất công nghiệp phụ trợ hiện có để lựa chọn ưu tiên đầu tư, tạo điều kiện đổi mới thiết bị, thay đổi công nghệ tạo ra sản phẩm đủ sức chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước.
Thứ hai, ngoài các cơ chế ưu đãi chung, Tỉnh có chính sách riêng “đặc biệt khuyến khích các thành phần kinh tế, trong đó có tư nhân đầu tư vào lĩnh vực sản xuất các ngành công nghiệp phụ trợ”.
Thứ ba, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại để hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ của Tỉnh mở rộng thị trường ra các nước để tăng quy mô sản xuất thành phẩm cuối cùng và thu hút đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ.
Thứ tư, dành những điều kiện tốt nhất để kêu gọi FDI đầu tư vào việc sản xuất trong các ngành công nghiệp phụ trợ (có mặt bằng đủ hạ tầng kỹ thuật, giải quyết nhanh gọn thủ tục hành chính, cung cấp đủ nguồn nhân lực cần thiết).
Thứ năm, xây dựng chế độ thưởng đặc biệt cho những đơn vị (không phân biệt thành phần kinh tế) có thành tích cao về xuất khẩu các mặt hàng thuộc các ngành công nghiệp phụ trợ (kể cả thành tích về cung cấp cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang sản xuất hàng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh).
Câu 30: Những giải pháp chính nhằm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh?
Trả lời:
Những giải pháp chính, đó là:
Thứ nhất, thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô phù hợp đối với lĩnh vực trồng trọt là rau, hoa, nấm, chè, cây lâm nghiệp; chăn nuôi bò thịt, gia cầm; thủy sản (cá nước ngọt).
Thứ hai, hình thành một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là những vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để sản xuất các sản phẩm chè hàng hóa là sản phẩm lợi thế của tỉnh đảm bảo năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường.
Thứ ba, đối với từng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp việc ứng dụng công nghệ cao được thực hiện trên các khâu từ sản xuất giống, quy trình kỹ thuật canh tác, nuôi trồng đến thu hoạch, bảo quản và chế biến sản phẩm. Cụ thể như sau:
- Lĩnh vực sản xuất cây lương thực: Ứng dụng quy trình kỹ thuật sản xuất hạt giống lúa, là những giống có năng suất, chất lượng cao, thích ứng rộng với điều kiện biến đổi khí hậu. Áp dụng quy trình canh tác hiệu quả, giảm chi phí đầu vào như biện pháp “gieo thẳng”, “ba giảm, ba tăng”, canh tác lúa cải tiến (SRI), phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM..., cơ giới hoá khâu làm đất, gieo cấy, thu hoạch, thuỷ lợi; chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng những cây có giá trị kinh tế cao hơn.
- Lĩnh vực chăn nuôi: Tập trung ứng dụng nghệ cao trong lai tạo giống, truyền giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; ứng dụng công nghệ sinh học, cơ khí hoá, tự động hoá trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăm sóc nuôi dưỡng, giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi; công nghệ sinh học trong phòng chống dịch bệnh động vật và xử lý ô nhiễm môi trường.
- Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau an toàn, hoa, cây cảnh; Công nghệ sinh học trong sản xuất và nuôi trồng nấm ăn, nấm dược liệu; công nghệ sinh học nuôi cấy mô tế bào trong sản xuất giống hoa, giống cây lâm nghiệp, cây ăn quả.
- Ứng dụng khoa học công nghệ cao phát triển sản xuất, chế biến chè: Ứng dụng giống tiến bộ thực hiện hiệu quả chuyển đổi cơ cấu giống theo hướng sản xuất các sản phẩm chè xanh chất lượng cao, sản xuất nguyên liệu phục vụ chế biến chè công nghệ cao.
Mở rộng diện tích chè áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP); phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM; ứng dụng phân bón hữu cơ, vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học để đảm bảo nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm chè.
Phát triển công nghệ chế biến chè xanh với dây chuyền công nghệ phù hợp; phát triển chế biến chè công nghệ cao tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Tăng cường chính sách phát triển khoa học và công nghệ; nguồn lực thực hiện các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ nông nghiệp, đẩy mạnh liên kết 4 nhà, trong đó người nông dân cần chủ động nâng cao kiến thức để tiếp cận với khoa học kỹ thuật mới.
Câu 31: Những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, giai đoạn 2015 - 2020?
Trả lời:
Những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đó là:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao vai trò, sự lãnh đạo, chỉ đạo và định hướng của các cấp ủy Đảng trong việc thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính; tổ chức kiểm điểm, đánh giá kết quả sau ba năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 18/4/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Đề án cải thiện môi trường đầu tư tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015 làm cơ sở xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện trong nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Thứ hai, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai xây dựng kế hoạch, chương trình, tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia giai đoạn 2015, 2016 đã được UBND tỉnh ban hành tại Kế hoạch số 54/KH-UBND ngày 02/7/2015.
Thứ ba, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt cơ chế “một cửa” tại các cơ quan hành chính nhà nước; triển khai thực hiện có hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo một cửa liên thông tỉnh trong việc tham mưu, trình UBND tỉnh quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho các dự án ngoài ngân sách nhà nước. Thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, phổ biến rộng rãi và niêm yết công khai tại công sở quy chế, quy trình và các thủ tục hành chính; tăng cường công tác giám sát việc thực hiện các quy trình, quy định ở cơ quan, đơn vị để không gây cản trở khó khăn đối với các tổ chức, doanh nghiệp và người dân, đặc biệt trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, thực hiện các thủ tục cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Thứ tư, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể ở tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã kiểm tra, rà soát lại các quy định về thủ tục hành chính của đơn vị mình; tham mưu cho UBND tỉnh các văn bản chỉ đạo điều hành nhằm cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hoá và rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục về các lĩnh vực như: thủ tục đầu tư, đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội… Nâng cao chất lượng, thái độ làm việc của đội ngũ cán bộ công tác tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông; rút ngắn tối đa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp và người dân theo đúng quy định.
Thứ năm, thực hiện có hiệu quả các giải pháp của Thủ tướng Chính phủ về xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng. Nâng cao hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyên nhằm thực hiện việc bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyên theo quy định tại Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg ngày 15/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ sáu, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, các Hội doanh nghiệp trên địa bàn và các đơn vị có liên quan tham mưu lựa chọn và thống nhất nội dung tổ chức làm việc với một số doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh; đồng thời đề ra những giải pháp thiết thực hiệu quả giúp đỡ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn tăng cường năng lực cạnh tranh.
Thứ bảy, cung cấp, cập nhật đầy đủ, thường xuyên, kịp thời các thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh; các quy định, chính sách, thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước lên cổng thông tin điện tử của tỉnh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân truy cập, tìm hiểu, nghiên cứu.
Thứ tám, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, các Hội doanh nghiệp trên địa bàn cùng với các doanh nghiệp, doanh nhân thường xuyên tổ chức gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, tạo sự liên kết giữa các doanh nghiệp để giúp tiêu thụ, trao đổi sản phẩm của doanh nghiệp; tăng cường phối hợp với các Sở, ngành chức năng của tỉnh để tham gia đóng góp ý kiến vào các chủ trương, chính sách của nhà nước có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp do nhà nước ban hành.
Câu 32: Những giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, góp phần tăng thu ngân sách và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2015 - 2020?
Trả lời:
Những giải pháp chủ yếu, đó là:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường đến các tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân với nhiều hình thức linh hoạt và phương pháp phù hợp, qua đó nâng cao nhận thức về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của các ngành, các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội và nhân dân trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường.
Thứ hai, chủ động, kịp thời tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh trong việc lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật, đặc biệt là công tác hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, quy định pháp luật về quản lý tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường. Tăng cường sự phối hợp giữa cấp và ngành, các lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong các hoạt động khoáng sản, qua đó chủ động đề xuất các giải pháp nhằm tăng thu ngân sách. Phối hợp với lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường để kịp thời phòng chống, xử lý các tội phạm về môi trường, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Thứ ba, tham mưu triển khai thực hiện tốt các chủ trương của Tỉnh uỷ và chỉ đạo của UBND tỉnh về các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, tham mưu các giải pháp, biện pháp nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản; đảm bảo việc tham mưu cấp phép theo đúng quy định của pháp luật. Xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách để khuyến khích xã hội hoá nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường; bố trí và quản lý sử dụng nguồn kinh phí về bảo vệ môi trường đúng mục đích; nghiên cứu ứng dụng các công nghệ thân thiện với môi trường. Chú trọng công tác bảo vệ môi trường ngay từ khâu xây dựng và ban hành các quy hoạch, kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế xã hội của địa phương, lồng ghép phát triển kinh tế - xã hội với thực hiện giải pháp về môi trường để tập trung giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách ở tỉnh.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về lĩnh vực khoáng sản và môi trường, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân đầu tư sản suất. Nghiêm túc thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư; nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn về môi trường, công tác thẩm định đánh giá tác động môi trường.
Thứ năm, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai tổ chức thực hiện Đề án tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản; Đề án tăng cường công tác quản lý nhà nước, chống thất thu thuế trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản và đất đai; Đề án quản lý và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Phát huy vai trò giám sát của các cơ quan có thẩm quyền, các tổ chức chính trị xã hội và cộng đồng dân cư đối với việc thực thi pháp luật, nhằm tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc mà dư luận xã hội và nhân dân quan tâm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Câu 33: Những giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý hoạch xây dựng đô thị trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2015 - 2020?
Trả lời:
Những giải pháp chủ yếu, đó là:
I- Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách, quản lý phát triển:
Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế chính sách của tỉnh, của địa phương về quản lý, thu hút đầu tư theo quy hoạch để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư có cơ hội đầu tư, góp phần xây dựng phát triển đô thị của tỉnh.
Thứ hai, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý quy hoạch xây dựng như học tập nâng cao trình độ, tích cực phối hợp với Bộ Xây dựng, các chuyên gia có uy tín trong ngành để mở các lớp tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, liên tục cập nhật, nắm vững các quy định mới của pháp luật. Thường xuyên rà soát, cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính và thống nhất thực hiện trong các đơn vị, cấp, ngành. Có giải pháp để tăng cường phối hợp trong quản lý giữa các cấp, ngành như: Thành lập các hội đồng thẩm định quy hoạch, xây dựng Quy chế phối hợp hoạt động trong công tác kiểm tra, giám sát.
Thứ ba, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh về quy hoạch và quản lý quy hoạch: Hệ thống quy chuẩn, quy định của địa phương đối với từng chuyên môn cụ thể (hạ tầng giao thông, cấp điện, cấp nước, quản lý chất thải rắn, thoát nước thải và vệ sịnh môi trường).
Thứ tư, nâng cao vai trò của cộng đồng, tuyên truyền nâng cao ý thức nhân dân. Đưa ra các quy định cụ thể, các yêu cầu bắt buộc về việc lấy ý kiến cộng đồng đối với các loại đồ án quy hoạch; có giải pháp để tuyên truyền vận động sâu rộng nâng cao ý thức nhân dân, sự ủng hộ của nhân dân trong thực hiện quy hoạch.
Thứ năm, có giải pháp để thực hiện đồng bộ trong các cấp quản lý để ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý:
- Đề xuất ứng dụng các chương trình đối với các cấp quản lý: Phần mềm quản lý bản đồ theo tọa độ quốc gia (GIS), các phần mềm riêng cho các cơ quan.
- Quản lý, công khai rộng rãi các nội dung, thông tin của quy hoạch trên trang web của tỉnh, của ngành, địa phương để có cơ sở kêu gọi đầu tư cũng như để nhân dân biết và thực hiện.
II- Nhóm giải pháp về quy hoạch, thực hiện quy hoạch:
Thứ nhất, nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch. Tập trung nguồn lực, nguồn vốn; xã hội hóa, tập trung vào các nội dung cụ thể để nâng cao chất lượng đối với các loại đồ án:
- Quy hoạch chi tiết: Đánh giá kỹ lưỡng hiện trạng đất đai, môi trường, địa chất thủy văn để đưa ra phương án quy hoạch đảm bảo tính khả thi cao nhất, tránh hiện tượng lợi ích nhóm trong quy hoạch. Xác định rõ kinh phí cho từng nội dung quy hoạch và tổng kinh phí thực hiện quy hoạch.
- Quy hoạch định hướng (quy hoạch vùng, quy hoạch chung): Bám sát các quy hoạch định hướng cấp trên, đồng bộ, phù hợp với các quy hoạch ngành liên quan, nghiên cứu tổng hợp cơ sở lý luận khoa học và thực tiễn để đảm bảo tính định hướng của quy hoạch và tính phù hợp cho các thời kỳ quy hoạch đồng thời xác định rõ danh mục ưu tiên đầu tư.
Thứ hai, có giải pháp để thực hiện quy hoạch theo kế hoạch. Xây dựng, hoàn thiện kế hoạch thực hiện quy hoạch theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014, lập chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh và các đô thị trong tỉnh; lập hồ sơ đề xuất các khu vực phát triển đô thị cho các đô thị trong tỉnh.
Thứ ba, xác định các khu vực, chương trình, dự án trọng điểm để quy hoạch xây dựng, kêu gọi đầu tư, tập trung nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, tạo điểm nhấn phát triển kinh tế xã hội và đô thị.
Thứ tư, xây dựng, hoàn thiện quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị cho tất cả các đô thị trong tỉnh, trong đó:
- Phân rõ trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện, quản lý quy hoạch.
- Xác định rõ các nội dung quản lý, thực hiện, các khu vực cần quản lý, các nội dung cấm, các yêu cầu bắt buộc, hạn chế hoặc khuyến khích thực hiện.
Câu 34: Những giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ vào đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2015 - 2020?
Trả lời:
Những giải pháp chủ yếu, đó là:
Thứ nhất, quán triệt và triển khai thực hiện tốt Chương trình hành động số 29-CTr/TU ngày 04/06/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 81/KH-UBND ngày 02/12/2014 của UBND tỉnh về Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Thứ hai, việc xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cần được đổi mới theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, bám sát hơn các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các nhiệm vụ KH&CN sẽ được cân đối hơn giữa các lĩnh vực khoa học để tương xứng với tỉ lệ cơ cấu kinh tế. Chuyển dần từ cơ chế “xét chọn” tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sang thực hiện theo cơ chế “đặt hàng”, “đấu thầu” thực hiện các nhiệm vụ KH&CN.
Thứ ba, quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Công khai hóa danh mục các nhiệm vụ KH&CN để tránh tình trạng trùng lặp nhiệm vụ khoa học và công nghệ giữa các ngành, các cấp, các địa phương. Xây dựng tiêu chuẩn lựa chọn chuyên gia tham gia các hội đồng tư vấn để xác định, tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đánh giá kết quả nghiên cứu. Sửa đổi, bổ sung các tiêu chí đánh giá kết quả nghiên cứu sao cho đảm bảo tính chính xác, khách quan.
Thứ tư, tham gia, đề xuất với Chính phủ xây dựng cơ chế, chính sách tài chính cho khoa học và công nghệ theo hướng tăng dần tỷ lệ chi cho khoa học và công nghệ trong tổng chi ngân sách nhà nước và đa dạng hoá nguồn đầu tư phát triển khoa học và công nghệ. Nâng định mức chi cho các hạng mục nghiên cứu cho phù hợp với đặc điểm của lao động trí óc và tình hình tài chính của địa phương. Cấp kinh phí theo cơ chế quỹ và thực hiện khoán chi đến sản phẩm cuối cùng hoặc theo từng nội dung chi trong hoạt động nghiên cứu và triển khai.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh về vai trò của khoa học và công nghệ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Thứ sáu, tăng cường hợp tác với các cơ quan nghiên cứu, chuyển giao, các tổ chức KH&CN, đặc biệt là với Đại học Thái Nguyên nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Câu 35: Những giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả trong đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, triển khai đồng bộ các giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2015 - 2020?
Trả lời:
Những giải pháp chủ yếu, đó là:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền trên mọi mặt công tác. Triển khai cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phát triển hạ tầng giao thông. Tăng cường công tác quản lý quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông. Đề xuất thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình giao thông trọng điểm có tính chất đột phá, kích cầu phát triển kinh tế vùng như hệ thống đường cao tốc, đường Quốc lộ, đường tỉnh, đường vành đai, hệ thống cầu qua sông Cầu kết nối các khu vực, đường vào các khu cụm công nghiệp.
Thứ hai, đẩy mạnh thu hút các nguồn lực, nhất là nguồn vốn từ xã hội thông qua các hình thức đầu tư BT, BOT từ các Nhà đầu tư, phối hợp “Nhà nước và nhân dân cùng làm” (nhà nước hỗ trợ vật liệu, kỹ thuật, nhân dân hiến đất và ngày công lao động...) và hỗ trợ từ Trung ương cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông.
Thứ ba, đẩy nhanh tiến độ, tăng cường quản lý chất lượng các dự án giao thông trên địa bàn. Đổi mới công tác quản lý, bảo trì theo hướng tăng cường xã hội hóa. Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật, vật liệu mới để nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng, bảo đảm an toàn giao thông.
Thứ tư, tiếp tục triển khai mạnh các giải pháp của “Đề án kiềm chế và đẩy lùi tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015” phấn đấu mục tiêu kiềm chế và tiến tới giảm tai nạn giao thông hàng năm, trong đó tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau:
- Triển khai sâu rộng trong các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, các đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
- Đổi mới nội dung công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT, đặc biệt quan tâm đến đồng bào vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc, tôn giáo, tăng thời lượng tuyên truyền. Tăng cường các biện pháp cưỡng chế đi đôi với giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật về TTATGT, kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm ngay từ cơ sở.
- Rà soát, bổ sung hệ thống an ninh, an toàn giao thông, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông; tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải công, chất lượng kiểm định phương tiện và chất lượng đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe.
Câu 36: Những giải pháp chủ yếu để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh đến năm 2020?
Trả lời:
Những giải pháp chủ yếu, đó là:
Thứ nhất, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách về giáo dục và đào tạo theo đúng tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Chương trình hành động số 25-CTr/TU, ngày 06/01/2014 của Tỉnh ủy; có nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò, ví trí hàng đầu của giáo dục đào tạo và vai trò của nhân tố con người nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương phát triển giáo dục đào tạo trong giai đoạn mới.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý giáo dục, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo; nâng cao chất lượng giáo dục và hiệu quả đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu xã hội. Đây là nhiệm vụ hàng đầu của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn tới.
Đẩy mạnh thực hiện việc phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính để tạo sự chủ động, phát huy tính năng động sáng tạo của các cơ sở giáo dục. Tăng cường công tác dự báo về giáo dục, đào tạo và nhu cầu nguồn nhân lực xã hội.
Tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, giữ vững phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Thực hiện đổi mới chương trình giáo dục từ việc chủ yếu trang bị kiến thức sang mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực người học, bao gồm đức, trí, thể, mỹ; kết hợp hài hòa dạy người, dạy chữ và dạy nghề, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Đa dạng hóa nội dung giáo dục nghề nghiệp theo hướng tích hợp kiến thức, kỹ năng, hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học. Khai thác có hiệu quả thế mạnh của tỉnh là trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học lớn thứ 3 trong toàn quốc nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và hiệu quả đào tạo. Đẩy mạnh hơn nữa công tác hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo, nhanh chóng hướng đến mục tiêu hội nhập quốc tế.
Thứ ba, thực hiện đổi mới căn bản hình thức và phương pháp tổ chức kỳ thi, hình thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục, bảo đảm trung thực, khách quan, chính xác, theo yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học. Đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục đào tạo từ nội dung đến hình thức tổ chức. Coi trọng công tác tự đánh giá của các nhà trường, của cán bộ quản lý và giáo viên. Nâng cao chất lượng công tác quản lý chất lượng giáo dục.
Thứ tư, xây dựng, phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Tập trung thực hiện đổi mới mạnh mẽ mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên theo yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, trách nhiệm, đạo đức nhà giáo và năng lực nghề nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới của giáo dục và đào tạo, trước mắt là đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, tăng cường đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục. Đảm bảo ngân sách nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo đạt mức tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại. Quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống trường chuẩn Quốc gia, phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 80% số trường đạt chuẩn quốc gia. Chú trọng phát triển giáo dục ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh, phấn đấu 100% các trường này đạt chuẩn quốc gia và có trên 8% học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú. Tập trung nguồn lực để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, khắc phục tình trạng quá tải ở các trường học, đặc biệt là bậc học Mầm non và Tiểu học nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.
Câu 37: Những giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân gắn với công tác quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2015 - 2020?
Trả lời:
Những giải pháp chủ yếu, đó là:
Thứ nhất, phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, sắp xếp tổ chức bộ máy, đoàn kết nhất trí các tổ chức cơ sở đảng trong toàn ngành. Từng cơ sở đảng xây dựng Nghị quyết chung và các Nghị quyết chuyên đề để đảm bảo mục tiêu, nhiệm vụ của đơn vị mình. Quán triệt sâu sắc việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; từng bước nâng cấp cơ sở vật chất, hiện đại hóa trang thiết bị y tế, tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ y tế giỏi về chuyên môn, nhằm đảm bảo mọi người dân trong tỉnh được hưởng những dịch vụ chăm sóc sức khỏe với chất lượng ngày một cao hơn.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế. Chủ động làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, đồng thời chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, khuyến khích nhân dân chủ động, tích cực tham gia phòng chống dịch bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, các đối tượng chính sách xã hội đảm bảo chính sách của Đảng và Nhà nước. Quan tâm đào tạo, khuyến khích cán bộ y tế học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; nghiên cứu và tham mưu ban hành cơ chế, chính sách đãi ngộ cán bộ y tế, đặc biệt ở các huyện, xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Thứ ba, tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác xây dựng Thái Nguyên trở thành một Trung tâm kỹ thuật y tế của các tỉnh Miền núi Đông Bắc theo Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị. Triển khai và thực hiện tốt quy hoạch tổng thể, phát triển ngành Y tế trên địa bàn theo Quyết định số 788/2005/QĐ-UBND ngày 23/02/2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh và thực hiện Đề án Quy hoạch tổng thể ngành Y tế đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Trước mắt, tổ chức thực hiện tốt vai trò là Bệnh viện vệ tinh về Sản, Nhi tại Bệnh viện A Thái Nguyên; Bệnh viện vệ tinh về Tim mạch tại Bệnh viện C Thái Nguyên; chuẩn bị sẵn sàng về nguồn lực để xây dựng Bệnh viện Gang thép trở thành Bệnh viện vệ tinh về lĩnh vực Nội tiết, cấp cứu chống độc; chuẩn bị nguồn lực để nâng hạng một số bệnh viện và trung tâm y tế tuyến huyện từ hạng III lên hạng II.
Thứ tư, đẩy mạnh xã hội hóa y tế, khuyến khích các cơ sở y tế đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nhất là các thiết bị có trình độ kỹ thuật cao vào chẩn đoán và điều trị. Thu hút đầu tư để có thêm 5 -7 bệnh viện tư nhân và doanh nghiệp Dược chất lượng cao vào năm 2020.
Thứ năm, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn của công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, nhất là trẻ em dưới 5 tuổi, nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ ngay từ khi bà mẹ mới mang thai.
Thứ sáu, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà trạm, mua trang thiết bị y tế và đào tạo cán bộ cho các Trạm y tế xã, phường, thị trấn. Tiếp tục thực hiện Đề án xây dựng xã đạt Tiêu chí Quốc gia về y tế giai đoạn 2015 - 2020. Phối hợp với các ngành và chính quyền các cấp tiếp tục chỉ đạo duy trì số xã đã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế, mỗi năm xây dựng thêm 16-18 xã đạt Tiêu chí Quốc gia về y tế, đảm bảo 100% số xã đạt Tiêu chí Quốc gia về y tế vào năm 2020.
Thứ bảy, tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tăng cường giáo dục y đức, y tâm cho đội ngũ cán bộ y tế theo lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”. Tiếp tục tổ chức thực hiện các giải pháp chống phiền hà, tiêu cực trong các cơ sở khám chữa bệnh, đó là: Quy định về “Đường dây nóng” trong bệnh viện; Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Y tế; các Quy chế bệnh viện như tổ chức Hội đồng người bệnh, công khai thuốc, tiếp đón người bệnh v.v...
Thứ tám, tiếp tục thực hiện tốt chính sách khuyến khích cán bộ y tế học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật chuyên sâu; có chính sách thu hút, đãi ngộ bác sỹ và cán bộ có trình độ đại học về công tác tại tỉnh Thái Nguyên, đặc biệt ở tuyến xã.
Câu 38: Những giải pháp chủ yếu nhằm bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc, gắn với phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, giai đoạn 2015 - 2020?
Trả lời:
Những giải pháp chủ yếu, đó là:
Thứ nhất, tập trung làm tốt công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn toàn tỉnh; lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể; lựa chọn các di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc có giá trị tiêu biểu lập hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Thứ hai, phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện tốt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc ít người tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020” đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1320/QĐ-UBND ngày 26/6/2014. Huy động mọi nguồn lực để phục dựng, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong tỉnh có nguy cơ bị mai một; tổ chức truyền dạy và duy trì các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đó cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Thứ ba, nghiên cứu để tổ chức và duy trì tổ chức các liên hoan, hội diễn cấp tỉnh, cấp cơ sở thường niên hàng năm, các lễ hội truyền thống như: Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam, Lễ hội Lồng Tồng ATK Định Hóa, Lễ hội Đền Đuổm (huyện Phú Lương), lễ hội Chùa Hang (huyện Đồng Hỷ), lễ hội Đình - Đền - Chùa Cầu Muối (huyện Phú Bình), lễ hội chùa Phù Liễn (thành phố Thái Nguyên), lễ hội xuống đồng (thị xã Phổ Yên), lễ hội Núi Văn, Núi Võ (huyện Đại Từ), Lễ hội “Võ Nhai nơi cội nguồn” (huyện Võ Nhai), lễ hội “Chùa Tân Quang” (thành phố Sông Công) để các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc của mỗi dân tộc có cơ hội được trình diễn, bảo tồn và phát huy.
Thứ tư, khai thác các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa các dân tộc là một nguồn lực, là tài nguyên để phát triển du lịch.
Thứ năm, tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và quốc tế, để các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đó được lan tỏa, thẩm thấu trong đời sống xã hội, trong nhân dân.
Câu 39: Những giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động và đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2015 - 2020?
Trả lời:
Những giải pháp chủ yếu, đó là:
Thứ nhất, phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gắn với giải quyết việc làm, trong đó trọng tâm là:
- Đổi mới và phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo Luật Giáo dục nghề nghiệp. Quán triệt các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của BCH Trung ương (khoá XI) “Về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo”.
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề, bao gồm:
+ Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về vai trò, tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
+ Tập trung đầu tư các điều kiện đảm bảo tăng quy mô và nâng cao chất lượng dạy nghề: Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề; xây dựng và ban hành các chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tế của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh theo hướng nâng cao năng lực thực hành, ý thức tác phong công nghiệp của người học.
+ Đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hoá, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; ban hành các chính sách khuyến khích, thu hút, đãi ngộ và sử dụng giáo viên dạy nghề.
+ Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề: Rà soát quy hoạch mạng lưới; nâng cao năng lực dự báo nguồn nhân lực; xây dựng kế hoạch đào tạo nghề đảm bảo về số lượng và cơ cấu ngành nghề, gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, gắn với doanh nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động, đáp ứng nhu cầu về nhân lực của tỉnh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về đào tạo nghề.
- Tổ chức triển khai thực hiện tốt Chiến lược phát triển dạy nghề đến năm 2020 theo Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 29/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 06/6/2014 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao”; Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 05/11/2012 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”; tổ chức triển khai có hiệu quả đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược về dạy nghề là: Đào tạo nghề trình độ cao đáp ứng nhu cầu của các ngành kinh tế mũi nhọn, những vùng kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp và đào tạo nghề cho lao động nông thôn để góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới.
Thứ hai, tạo việc làm tăng thêm, phát triển thị trường lao động:
- Xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án giải quyết việc làm cho thanh niên, sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, lao động là người khuyết tật, lao động nông thôn, lao động là người dân tộc thiểu số.
- Thu thập, cập nhật cơ sở dữ liệu về cung - cầu lao động, tổ chức điều tra lao động, tiền lương và nhu cầu sử dụng lao động theo kế hoạch của Bộ LĐ - TBXH; tăng cường phổ biến thông tin thị trường lao động kịp thời, chính xác, đầy đủ.
- Quy hoạch hệ thống các Trung tâm dịch vụ việc làm trên địa bàn; chỉ đạo các Trung tâm dịch vụ việc làm nâng cao tần suất, phạm vi các sàn giao dịch việc làm (nhất là các địa phương có thị trường lao động phát triển như TP. Thái Nguyên, TP. Sông Công, thị xã Phổ Yên cần nâng tần suất lên ít nhất 1 phiên/tuần), đa dạng hoá các hoạt động giao dịch việc làm, góp phần đưa thông tin việc làm, nghề nghiệp tới mọi đối tượng có nhu cầu; chủ động kết nối với các Trung tâm dịch vụ việc làm khu vực và trên toàn quốc.
- Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thực hiện tốt chế độ chính sách về bảo hiểm thất nghiệp theo phương châm 3 đúng “đúng đối tượng, đúng chế độ và đúng thời hạn”, tập trung tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề cho người thất nghiệp; chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương để thực hiện tốt chế độ chính sách về bảo hiểm thất nghiệp.
- Phối hợp với các sở, ngành có liên quan tăng cường phối hợp trong việc quản lý lao động nước ngoài, nhất là tại các địa phương sử dụng nhiều lao động nước ngoài.
- Tăng cường thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về việc làm, thông tin thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động nước ngoài; kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách tại địa phương.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 theo Nghị quyết số 76/2014/QH13, ngày 24/6/2014 của Quốc hội; chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều theo Quyết định số 1614/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Kết hợp chặt chẽ giữa chính sách giảm nghèo chung về dạy nghề, việc làm, giáo dục, y tế, tín dụng với các chính sách giảm nghèo đặc thù nêu trong Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020.
Tập trung đầu tư nguồn lực giảm nghèo cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Giảm nghèo gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Thứ tư, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công. Duy trì 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công. Tiếp tục giải quyết các trường hợp còn tồn đọng về xác nhận, công nhận người có công, nhất là chính sách đối với gia đình liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ, người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học.
Thứ năm, tổ chức thực hiện tốt Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, Đề án Phát triển nghề công tác xã hội. Củng cố, nâng cấp hệ thống các cơ sở bảo trợ xã hội. Phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội. Tạo môi trường thuận lợi để thực hiện toàn diện quyền trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và bình đẳng giới. Đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, tiến tới ngăn chặn và từng bước đẩy lùi các tệ nạn xã hội ma tuý, mại dâm.
Câu 40: Những giải pháp chủ yếu để xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc, giai đoạn 2015 - 2020?
Trả lời:
Những giải pháp chủ yếu, đó là:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa Nghị quyết số 28 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI), Nghị định 152 của Chính phủ và các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên về xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT) và chủ trương đường lối quân sự quốc phòng trong tình hình mới. Đồng thời, thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp đối với nhiệm vụ xây dựng KVPT, phát huy triệt để sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia; đổi mới, nâng cao chất lượng các nghị quyết lãnh đạo về xây dựng KVPT tỉnh; chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành và đoàn thể thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình trong hoạt động xây dựng KVPT.
Thứ hai, tăng cường công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và giáo dục quốc phòng, an ninh để nâng cao nhận thức về KVPT đối với mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh, hiện nay một bộ phận cán bộ, nhân dân vẫn còn chủ quan, mơ hồ mất cảnh giác, nhận thức chưa đầy đủ, thiếu chăm lo xây dựng KVPT tỉnh nói riêng. Do đó, tỉnh cần tập trung giáo dục, bồi dưỡng cho toàn dân làm chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm về xây dựng KVPT tỉnh trong giai đoạn hiện nay.
Thứ ba, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng cơ quan quân sự địa phương các cấp vững mạnh đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ. Cấp ủy, chính quyền trong tỉnh cần phải chăm lo xây dựng về tổ chức biên chế, nhân sự và bồi dưỡng nâng cao năng lực nghiệp vụ chỉ huy; tổ chức xây dựng lực lượng đảm bảo đúng, đủ biên chế, nâng cao chất lượng huấn luyện, khả năng sẵn sàng chiến đấu của LLVT địa phương đảm bảo sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Không ngừng cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, để cơ quan quân sự địa phương các cấp trong tỉnh đủ khả năng và điều kiện thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình.
Thứ tư, tập trung, lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức diễn tập các cấp, bảo đảm hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Thực tế kết quả công tác diễn tập trong những năm vừa qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Do đó, cần phải tập trung tổ chức các hoạt động diễn tập nhiều hơn, nội dung diễn tập cần đa dạng, phong phú hơn để cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên được tiếp cận, xử lí tốt hơn công tác vận hành cơ chế và điều hành diễn tập, đảm bảo sát thực tế, phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
Thứ năm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương theo hướng kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh; lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở, vật chất cho KVPT, quản lí và bảo vệ các công trình quốc phòng, an ninh, hệ thống các công trình các hang động, các điểm cao có giá trị, đất đai phục vụ nhiệm vụ quốc phòng và KVPT. Trước mắt, đề nghị tỉnh tiếp tục ưu tiên quan tâm chỉ đạo, đầu tư hoàn thành thực hiện Đề án xây dựng căn cứ chiến đấu, căn cứ địa phương trong KVPT tỉnh theo đúng lộ trình, phấn đấu đến năm 2020 xây dựng được 70-80% các công trình.
Thứ sáu, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng vũ trang địa phương của tỉnh thực hiện nghiêm quy chế phối hợp theo Nghị định 77/2010/ NĐ-CP ngày 02/7/2010 của Chính phủ. Tổ chức chỉ đạo các lực lượng nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương đề ra các giải pháp phù hợp, xử lý kịp thời, hiệu quả các vụ việc, không để xảy ra các điểm nóng cho kẻ địch lợi dụng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Câu 41: Những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, giai đoạn 2015 - 2020?
Trả lời:
Những nhiệm vụ trọng tâm, đó là:
Thứ nhất, phải tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp trong thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững chắc, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh, quốc phòng, đối ngoại. Trong đó cần tập trung lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về công tác bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội như Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Chỉ thị số 46/CT-TW ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới”.
Mỗi cấp uỷ cần chủ động làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ đảng viên, xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Thứ hai, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, việc triển khai các dự án phát triển kinh tế xã hội, cấp phép đầu tư các dự án phải tính toán đến yếu tố bảo đảm an ninh quốc phòng, cần đặc biệt chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng và quan tâm đến tâm tư nguyện vọng của người dân, hạn chế tình trạng khiếu kiện đông người, phức tạp trong nhân dân gây mất an ninh trật tự.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 09/CT-TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, gắn phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với các phong trào thi đua yêu nước khác, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn TTATXH. Mỗi địa phương, mỗi tổ chức đoàn thể, mỗi cơ quan, đơn vị, trường học cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và ý thức cảnh giác của cán bộ, nhân dân; quan tâm giáo dục nhân cách sống, các chuẩn mực đạo đức xã hội cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, góp phần phòng ngừa tội phạm do nguyên nhân xã hội gây ra.
Thứ tư, quan tâm xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, doanh trại, ưu tiên nhanh, hiện đại ở các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, nhất là tại địa bàn có các khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh, địa bàn tập trung lớn công nhân, đảm bảo ứng phó nhanh, hiệu quả đối với mọi tình huống phức tạp nảy sinh. Tăng cường củng cố, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ Công an xã, bảo vệ dân phố để nắm chắc tình hình, giải quyết những vấn đề phức tạp ngay tại cơ sở và là nòng cốt của phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc tại cơ sở.
Thứ năm, đối với lực lượng Công an nhân dân, phải chủ động nắm chắc, phân tích, dự báo sát tình hình, làm tốt công tác tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các cấp trong chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự. Xây dựng phương án đảm bảo ANTT tại các khu công nghiệp, nhất là Khu công nghiệp Yên Bình, tổ chức diễn tập phương án phòng chống gây rối an ninh trật tự với phương châm “4 tại chỗ” nhằm tăng cường khả năng ứng phó hiệu quả với các tình huống phức tạp này sinh.
Tập trung lực lượng, biện pháp giải quyết các vấn đề phức tạp, nổi lên về an ninh trật tự; thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm hình sự hoạt động mang tính băng ổ nhóm, có tổ chức, kiên quyết không để xảy ra tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen, phấn đấu kiềm chế sự gia tăng của tội phạm. Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp làm giảm tai nạn giao thông, tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong lực lượng Công an nhân dân, phát động mạnh mẽ các phong trào thi đua vì an ninh Tổ quốc, xây dựng lực lượng Công an Thái Nguyên trong sạch, vững mạnh, vì nhân dân phục vụ.
Câu 42: Những giải pháp đột phá để xây dựng, quản lý và phát triển đô thị thành phố Thái Nguyên theo hướng văn minh, hiện đại, giai đoạn 2015 - 2020?
Trả lời:
Những giải pháp đột phá, đó là:
Giải pháp thứ nhất: Tăng cường công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch.
1. Hoàn thành Điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố đến năm 2035, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
2. Trên cơ sở Điều chỉnh Quy hoạch chung được duyệt, triển khai lập các quy hoạch phân khu chức năng và quy hoạch chi tiết để làm cơ sở quản lý đô thị, lập và triển khai các dự án đầu tư phát triển đô thị.
3. Nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch đô thị, đảm bảo quy hoạch có tầm nhìn chiến lược dài hạn, phù hợp với mục tiêu phát triển Thành phố trở thành đô thị sinh thái theo hướng văn minh, hiện đại. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh các quy hoạch không phù hợp, thiếu tính khả thi.
4. Tổ chức công bố công khai quy hoạch được duyệt, cắm mốc giới và cung cấp thông tin về quy hoạch kịp thời đến nhân dân và các nhà đầu tư.
5. Tăng cường kiểm tra việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, đảm bảo phù hợp với quy hoạch được duyệt.
Giải pháp thứ 2: Xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại
1. Huy động mọi nguồn lực và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, trong đó ưu tiên bố trí vốn ngân sách, đồng thời huy động có hiệu quả nguồn vốn của các nhà đầu tư, vốn vay ưu đãi, vốn đóng góp của nhân dân và các nguồn tài trợ khác.
2. Ưu tiên triển khai các dự án, công trình trọng điểm như: các tuyến giao thông đối ngoại; các tuyến giao thông đô thị có vai trò kết nối trung tâm Thành phố với khu vực phía Tây, phía Đông và kết nối hai bờ sông Cầu; các công trình thuộc dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - TP Thái Nguyên; các công viên dọc sông Cầu, kè dọc sông và các hồ điều hòa tiêu thoát lũ; chỉnh trang, bổ sung hệ thống cây xanh đường phố, hạ ngầm đường dây, đường ống kỹ thuật và lát lại vỉa hè các tuyến đường, tuyến phố chính của đô thị và trong các khu đô thị mới; Dự án thoát nước và xử lý nước thải thành phố Giai đoạn 2; hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, dịch vụ tổng hợp, khách sạn cao tầng tại khu vực trung tâm đô thị hiện hữu; chỉnh trang, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội các khu dân cư hiện có trong đô thị.
Giải pháp thứ 3: Tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng, mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
1. Kiện toàn, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đô thị để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ ngày càng cao.
2. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh đô thị.
3. Kiểm tra, xử lý nghiêm minh, kịp thời theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp trật tự xây dựng, mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường.
Giải pháp thứ 4: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xác định đây là nhiệm vụ then chốt để thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố văn minh, hiện đại.
1. Nâng cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng từ thành phố tới cơ sở trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, quản lý và phát triển đô thị.
2. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó lấy cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa nền hành chính và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức là nhiệm vụ trọng tâm.
3. Thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống tội phạm, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; có giải pháp đồng bộ, hiệu quả để kiềm chế, đẩy lùi tai nạn giao thông và tệ nạn xã hội… giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường an toàn, thuận lợi nhất để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.
Câu 43: Những giải pháp chủ yếu để xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các loại hình doanh nghiệp, giai đoạn 2015 - 2020?
Trả lời:
Những giải pháp chủ yếu, đó là:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến doanh nghiệp: Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá XI) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước; Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khoá X) về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Nghị định 98/2014/NĐ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng các cấp, các chủ doanh nghiệp và người lao động trong các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước về công tác củng cố, xây dựng và phát triển tổ chức đảng, đoàn thể và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp.
Thứ ba, tập trung đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng trong các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh và đoàn thể vững mạnh; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng hiện có; quan tâm phát triển các tổ chức đảng, đoàn thể trong các loại hình doanh nghiệp; tạo nguồn, phát triển đảng viên mới, nhất là lãnh đạo các doanh nghiệp, các đoàn thể chính trị trong doanh nghiệp, công nhân lao động ưu tú thông qua tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và công đoàn trong các doanh nghiệp.
Thứ tư, các cấp ủy đảng trong các doanh nghiệp cần phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp, tập trung lãnh đạo đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp bền vững. Đây là yếu tố quyết định đến thành công của công tác phát triển tổ chức đảng, đoàn thể và phát triển đảng viên mới trong doanh nghiệp.
Thứ năm, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án số 14-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sắp xếp hệ thống tổ chức đảng trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên góp phần nâng cao công tác lãnh đạo của tổ chức đảng trong các doanh nghiệp.
Thứ sáu, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng cơ chế chính sách, quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi giúp đỡ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững.
Câu 44: Những giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội, giai đoạn 2015 - 2020?
Trả lời:
Những giải pháp chủ yếu, đó là:
Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể các cấp tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện tốt Quyết định 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị; Quyết định số 2854- QĐ/TU, ngày 30/01/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên về việc thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Hằng năm, MTTQ các cấp cần chủ động xây dựng kế hoạch về giám sát và phản biện xã hội, việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật, Điều lệ MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; gắn việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội với việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội.
Thứ hai, MTTQ phải thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, lựa chọn những vấn đề nóng, bức xúc, những vấn đề được đông đảo nhân dân quan tâm để giám sát. MTTQ, các đoàn thể xây dựng quy chế phối hợp với các cơ quan Đảng, chính quyền trong việc cung cấp thông tin, đảm bảo để MTTQ, các đoàn thể có đầy đủ thông tin chính xác, kịp thời làm căn cứ để thực hiện giám sát và phản biện xã hội. Thường xuyên tập hợp các ý kiến góp ý của nhân dân phản ánh, kịp thời đóng góp với Đảng, chính quyền để có cơ sở trong việc xây dựng các dự thảo nghị quyết, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội ở địa phương.
Thứ ba, thực hiện giám sát và phản biện xã hội của MTTQ đòi hỏi cán bộ Mặt trận phải có trình độ hiểu biết, am hiểu và nắm vững các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Do đó Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp cần chú trọng đưa nội dung giám sát và phản biện xã hội vào chương trình tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên. Huy động đội ngũ chuyên gia, tư vấn, cộng tác viên trên các lĩnh vực và đặc biệt là vai trò của nhân dân tham gia vào các hoạt động giám sát, phản biện xã hội.
Thứ tư, các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị; Quyết định số 2854- QĐ/TU, ngày 30/01/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên về thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội đảm bảo hiệu quả, thiết thực.
Câu 45: Những giải pháp chủ yếu để nâng cao chất lượng tổ chức Đoàn, phát huy vai trò xung kích, tình nguyện trong thanh niên, giai đoạn 2015 - 2020?
Trả lời:
Những giải pháp chủ yếu, đó là:
Thứ nhất, tăng cường đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống, lý tưởng, đạo đức và lối sống cho phù hợp với đặc điểm của từng đối tượng và địa bàn thanh niên. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Chỉ thị 01 của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn về tăng cường rèn luyện tác phong, thực hiện lề lối công tác của cán bộ Đoàn và Cuộc vận động xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Thái Nguyên thời kỳ mới với các giá trị cốt lõi “Tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn”; phát huy tính tự giác và khả năng sáng tạo của đoàn viên thanh niên trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống; hướng dẫn cho thanh niên tự nghiên cứu, tự học tập để có năng lực nhận biết và chủ động đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch; xây dựng và nhân rộng được nhiều tập thể và cá nhân tiên tiến trên các lĩnh vực hoạt động của thanh niên để truyền cảm hứng phấn đấu không ngừng, luôn vươn lên khẳng định mình, không ngừng sáng tạo, cùng xây dựng tương lai, thực hiện thắng lợi mục tiêu lý tưởng xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai, quán triệt quan điểm “Xây dựng Đoàn là góp phần xây dựng Đảng trước một bước”, không ngừng xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn các cấp từ tỉnh tới cơ sở vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động, xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng, thực sự là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên. Đặc biệt coi trọng nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn và chất lượng đội ngũ cán bộ Đoàn, thường xuyên giới thiệu cho Đảng những đoàn viên ưu tú có chất lượng, những cán bộ Đoàn tâm huyết, có đạo đức và gắn bó với quần chúng, có trí tuệ và năng lực tổ chức hoạt động thực tiễn, dám nghĩ, biết làm, dám dấn thân vào những khó khăn để bổ sung nguồn sinh lực mới cho Đảng đáp ứng yêu cầu xây dựng Đảng, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, chung sức trẻ thực hiện mục tiêu xây dựng Thái Nguyên sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, trung tâm vùng trung du và miền núi phía Bắc về phát triển công nghiệp, dịch vụ, y tế và giáo dục - đào tạo.
Thứ ba, đẩy mạnh thực hiện hai phong trào “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” sâu rộng trong các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh để phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích của thanh niên trong lao động sáng tạo, sản xuất kinh doanh; xung kích góp phần tích cực trong cải cách hành chính, giữ vững quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, thực hiện an sinh xã hội; tổ chức thực hiện hiệu quả các công trình, phần việc thanh niên, đặc biệt là các hoạt động chung sức xây dựng nông thôn mới, các hoạt động hướng về đồng bào vùng cao, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn trong tỉnh. Đồng hành, chăm lo, bảo vệ, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên và tổ chức Đoàn, Hội những điều kiện cụ thể, thiết thực để không ngừng phát huy sức trẻ cống hiến và trưởng thành.
Thứ tư, đổi mới nội dung, hình thức hoạt động của Đoàn theo hướng phù hợp với nhu cầu của thanh niên và điều kiện từng địa bàn; tập trung vào việc tổ chức tốt các hoạt động hỗ trợ thanh niên về kiến thức, nghề nghiệp, việc làm, vốn vay phát triển kinh tế. Tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn nhất là ở khu vực nông thôn; phát triển tổ chức Đoàn, Hội trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp nhằm nâng cao nhận thức chính trị và kỹ năng tổ chức hoạt động để làm nền tảng cho các phong trào hoạt động.
Câu 46: Những giải pháp chủ yếu để hỗ trợ phụ nữ thực hiện có hiệu quả việc phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2020?
Trả lời:
Những giải pháp chủ yếu, đó là:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao trình độ mọi mặt của phụ nữ; vận động hội viên, phụ nữ tích cực thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu hợp pháp.
Thứ hai, đẩy mạnh thực hiện khâu đột phá “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tăng giàu, giảm nghèo; góp phần xây dựng nông thôn mới”. Tăng cường xây dựng các mô hình phát triển kinh tế theo hướng tổ/nhóm, kinh tế tập thể, kinh tế trang trại; phát triển doanh nghiệp, ngành nghề truyền thống.
Thứ ba, chủ động và tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương để khai thác các nguồn lực trong và ngoài nước để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, chuyển giao KHKT, giúp phụ nữ được tiếp cận, nắm bắt, áp dụng công nghệ mới trong sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng, giá trị cao.
Thứ tư, tiếp tục củng cố, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động trong chỉ đạo thực hiện các hoạt động về hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Tập trung lựa chọn nội dung thực hiện phù hợp cho từng đối tượng phụ nữ để xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng; thu hút ngày càng nhiều phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội, góp phần nâng cao hiệu quả và sức chiến đấu của tổ chức Hội.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình hoạt động có hiệu quả; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình trong lĩnh vực phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững./.
DANH SÁCH
Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và các chức danh Bí thư,
Phó Bí thư Tỉnh ủy khóa XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020
I. Danh sỏch Ban Chấp hành (xếp theo thứ tự ABC)
Số TT |
Họ và tên |
Năm sinh |
Dân tộc |
Chức vụ, đơn vị công tác tại thời điểm Đại hội |
|
Nam |
Nữ |
||||
(1) |
(2) |
(3) |
(4) |
(5) |
(6) |
1 |
Vũ Hồng Bắc |
1961 |
|
Kinh |
Phó Bí thư Tỉnh ủy khóa XVIII, Chủ tịch HĐND tỉnh |
2 |
Vi Thị Chung |
|
1966 |
Nùng |
Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, Trưởng ban VHXH - HĐND tỉnh |
3 |
Nguyễn Văn Chung |
1962 |
|
Kinh |
Chánh án Toà án nhân dân tỉnh |
4 |
Đỗ Đức Công |
1969 |
|
Kinh |
Chánh Thanh tra tỉnh |
5 |
Phan Mạnh Cường |
1971 |
|
Kinh |
Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh |
6 |
Hà Văn Dương |
1971 |
|
Kinh |
Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp tỉnh |
7 |
Phạm Việt Đức |
1968 |
|
Kinh |
Giám đốc Sở GD & Đào tạo |
8 |
Phạm Thái Hanh |
1964 |
|
Kinh |
Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch |
9 |
Bùi Thanh Hải |
1977 |
|
Kinh |
Chánh Văn phòng UBND tỉnh |
10 |
Ngô Thanh Hải |
1963 |
|
Kinh |
Viện trưởng Viện KSND tỉnh |
11 |
Ngô Xuân Hải |
1965 |
|
Kinh |
Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn |
12 |
Đoàn Thị Hảo |
|
1966 |
Tày |
Uỷ viên BTV Tỉnh ủy khóa XVIII, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh |
13 |
Bùi Xuân Hoà |
1962 |
|
Kinh |
Uỷ viên BTV Tỉnh ủy khóa XVIII, Bí thư Thành uỷ TN |
14 |
Hà Thị Bích Hồng |
|
1977 |
Tày |
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh |
15 |
Nguyễn Vy Hồng |
1959 |
|
Kinh |
Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, Giám đốc Sở Y tế |
16 |
Hoàng Văn Hùng |
1965 |
|
Nùng |
Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, Trưởng ban Nội chính Tỉnh uỷ |
17 |
Trịnh Việt Hùng |
1977 |
|
Kinh |
Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, Bí thư Huyện uỷ Đồng Hỷ |
18 |
Dương Xuân Hùng |
1971 |
|
Kinh |
Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh |
19 |
Nguyễn Thị Quỳnh Hương |
|
1970 |
Kinh |
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh |
20 |
Trần Xuân Hựu |
1969 |
|
Kinh |
Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh |
21 |
Hoàng Đức Khánh |
1966 |
|
Tày |
Giám đốc Sở Xây dựng |
22 |
Nguyễn Văn Khoa |
1961 |
|
Kinh |
Uỷ viên BTV Tỉnh ủy, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh uỷ khóa XVIII |
23 |
Lương Văn Lành |
1960 |
|
Tày |
Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Định Hoá |
24 |
Nguyễn Khắc Lâm |
1962 |
|
Kinh |
Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố Sông Công |
25 |
Nguyễn Đức Lực |
1973 |
|
Kinh |
Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ |
26 |
Dương Văn Lượng |
1974 |
|
Kinh |
Phó Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ |
27 |
Nguyễn Thị Mai |
|
1970 |
Dao |
Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Phú Lương |
28 |
Nguyễn Đức Minh |
1958 |
|
Kinh |
Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh |
29 |
Nguyễn Văn Nhâm |
1960 |
|
Kinh |
Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh |
30 |
Đỗ Đại Phong |
1965 |
|
Kinh |
Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh |
31 |
Lê Kim Phúc |
1969 |
|
Kinh |
Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, Bí thư Huyện ủy Đại Từ |
32 |
Trương Văn Phụng |
1958 |
|
Kinh |
Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, Giám đốc Sở Giao thông vận tải |
33 |
Nguyễn Minh Quang |
1972 |
|
Kinh |
Giám đốc Sở Tài chính |
34 |
Phạm Hoàng Sơn |
1976 |
|
Kinh |
Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy |
35 |
Nhữ Văn Tâm |
1959 |
|
Kinh |
Uỷ viên BTV Tỉnh ủy khóa XVIII, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh |
36 |
Đinh Hồng Thanh |
1959 |
|
Kinh |
Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, Bí thư Huyện uỷ Phú Bình |
37 |
Đỗ Thị Thìn |
|
1964 |
Kinh |
Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên |
38 |
Trần Dương Thịnh |
1959 |
|
Kinh |
Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, Giám đốc Sở Nội vụ |
39 |
Bùi Tuấn Thịnh |
1961 |
|
Kinh |
Giám đốc sở Lao động, thương binh & xã hội |
40 |
Phạm Văn Thọ |
1972 |
|
Kinh |
Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh |
41 |
Lê Quang Tiến |
1965 |
|
Kinh |
Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên |
42 |
Dương Văn Tiến |
1978 |
|
Kinh |
Bí thư Tỉnh đoàn |
43 |
Trần Quốc Tỏ |
1962 |
|
Kinh |
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ khóa XVIII |
44 |
Hoàng Anh Trung |
1972 |
|
Tày |
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ |
45 |
Đặng Xuân Trường |
1966 |
|
Kinh |
Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai |
46 |
Nguyễn Như Tuấn |
1960 |
|
Kinh |
Uỷ viên BTV Tỉnh ủy khóa XVIII, Giám đốc Công an tỉnh |
47 |
Nguyễn Thanh Tuấn |
1966 |
|
Kinh |
Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường |
48 |
Đoàn Văn Tuấn |
1959 |
|
Kinh |
Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, Phó Chủ tịch UBND tỉnh |
49 |
Lê Văn Tuấn |
1960 |
|
Kinh |
Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy |
50 |
Lê Thanh Tuyết |
1962 |
|
Kinh |
Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, Bí thư Thị uỷ Phổ Yên |
51 |
Nguyễn Thanh Tùng |
1959 |
|
Kinh |
Uỷ viên BTV Tỉnh ủy khóa XVIII, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ |
52 |
Bùi Hải Tú |
1962 |
|
Kinh |
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ |
53 |
Đặng Kim Vui |
1958 |
|
Kinh |
Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Đại học Thái Nguyên |
II. Danh sách Ban Thường vụ
Số TT |
Họ và tên |
Năm sinh |
Dân tộc |
Chức vụ, đơn vị công tác tại thời điểm Đại hội |
|
Nam |
Nữ |
||||
(1) |
(2) |
(3) |
(4) |
(5) |
(6) |
1 |
Trần Quốc Tỏ |
1962 |
|
Kinh |
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ khóa XVIII |
2 |
Vũ Hồng Bắc |
1961 |
|
Kinh |
Phó Bí thư Tỉnh ủy khóa XVIII, Chủ tịch HĐND tỉnh |
3 |
Bùi Xuân Hoà |
1962 |
|
Kinh |
Uỷ viên BTV Tỉnh ủy khóa XVIII, Bí thư Thành uỷ Thái Nguyên |
4 |
Nguyễn Thanh Tùng |
1959 |
|
Kinh |
Uỷ viên BTV Tỉnh ủy khóa XVIII, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ |
5 |
Nguyễn Văn Khoa |
1961 |
|
Kinh |
Uỷ viên BTV Tỉnh ủy, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh uỷ khóa XVIII |
6 |
Lê Văn Tuấn |
1960 |
|
Kinh |
Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy |
7 |
Phạm Hoàng Sơn |
1976 |
|
Kinh |
Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy |
8 |
Hoàng Văn Hùng |
1965 |
|
Nùng |
Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, Trưởng ban Nội chính Tỉnh uỷ |
9 |
Đoàn Thị Hảo |
|
1966 |
Tày |
Uỷ viên BTV Tỉnh ủy khóa XVIII, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh |
10 |
Nhữ Văn Tâm |
1959 |
|
Kinh |
Uỷ viên BTV Tỉnh ủy khóa XVIII, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh |
11 |
Nguyễn Như Tuấn |
1960 |
|
Kinh |
Uỷ viên BTV Tỉnh ủy khóa XVIII, Giám đốc Công an tỉnh |
12 |
Đỗ Đại Phong |
1965 |
|
Kinh |
Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh |
13 |
Phạm Thái Hanh |
1964 |
|
Kinh |
Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, Giám đốc Sở Văn hoá, TT & du lịch |
14 |
Nguyễn Khắc Lâm |
1962 |
|
Kinh |
Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố Sông Công |
15 |
Đặng Xuân Trường |
1966 |
|
Kinh |
Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai |
16 |
Dương Xuân Hùng |
1971 |
|
Kinh |
Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh |
III. Danh sách các chức danh Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh uỷ
1. Đồng chí Trần Quốc Tỏ, Bí thư Tỉnh uỷ
2. Đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ
3. Đồng chí Bùi Xuân Hoà, Phó Bí thư Tỉnh uỷ