Đánh thức tiềm năng di sản, di tích

Cập nhật: Thứ hai 24/10/2022 - 09:27
  “Cố đô Huế nhìn từ bầu trời” - sản phẩm trải nghiệm du lịch di sản được Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đưa vào khai thác phục vụ du khách. Ảnh: THANH HÀ
“Cố đô Huế nhìn từ bầu trời” - sản phẩm trải nghiệm du lịch di sản được Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đưa vào khai thác phục vụ du khách. Ảnh: THANH HÀ

Trong Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, di sản văn hóa (DSVH) thế giới và di tích quốc gia đặc biệt được xác định là 1/12 đối tượng lập quy hoạch.

Với tiềm năng DSVH phong phú, việc khai thác di sản, di tích trở thành những sản phẩm sáng tạo văn hóa và du lịch hấp dẫn là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.

Dấu ấn di sản trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

Ngày 20-10 vừa qua, đông đảo người dân và du khách có mặt trong không gian của Bảo tàng gốm Bát Tràng (Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) để thưởng ngoạn “Bước chân di sản”. Đây là chương trình trình diễn thời trang được hàng trăm nhà thiết kế (NTK), nghệ sĩ, người mẫu của Việt Nam phối hợp tổ chức, gây ấn tượng độc đáo trong sự “kết duyên” giữa thời trang và di sản. Trên những bộ trang phục thiết kế đậm tính sáng tạo nhưng vẫn toát lên nguồn cảm hứng từ các chất liệu văn hóa, di sản của Việt Nam, nổi bật là các hoa văn tiêu biểu đang hiện hữu tại các khu DSVH như Hoàng thành Thăng Long, Cố đô Huế hoặc trên các đồ gốm của làng nghề. Nếu bộ sưu tập “Sứ” lấy ý tưởng từ màu trắng của men sứ làng gốm Bát Tràng, thể hiện sự bay bổng qua các phom váy 3D trên nền vải sợi tre - chất liệu bền vững và thân thiện với môi trường của NTK Hà Duy, thì NTK Helene Hoài gây ấn tượng với bộ sưu tập “Đất mẹ” với những thiết kế lấy cảm hứng từ đất nung - nguyên liệu tự nhiên, nguyên thủy nhất và cũng là chất liệu không thể thiếu để tạo nên những sản phẩm gốm sứ tuyệt đẹp. NTK Thanh Hương Bùi mang đến bộ sưu tập áo dài “Long Phụng trình tường” lấy cảm hứng từ họa tiết long - phụng, được các nghệ nhân áo dài vẽ tay thủ công và mỗi sản phẩm là một bức tranh rực rỡ sắc màu, như những bảo vật có niên đại hàng ngàn năm, mang theo câu chuyện của từng triều đại trong lịch sử...

Trước đó, “Bước chân di sản” đã có buổi trình diễn tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. “Khi biết thông tin chúng tôi tổ chức chương trình này, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, ông Vũ Mạnh Hà đã liên hệ, khiến chúng tôi khá bất ngờ. Bởi trước nay không ai nghĩ có thể tổ chức những sự kiện văn hóa giải trí này ở một địa điểm đặc biệt như Bảo tàng Hồ Chí Minh”, đạo diễn Hoàng Công Cường, nhà sáng lập và đồng tổ chức “Bước chân di sản” hào hứng cho hay.

Ông Vũ Mạnh Hà cho biết, Bảo tàng có chức năng, nhiệm vụ chính là giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Bởi đối tượng hướng đến là thế hệ trẻ nên Bảo tàng phải tìm cách đổi mới rất nhiều hoạt động, phải làm sao để nhiệm vụ giáo dục thanh thiếu niên sẽ không giáo điều mà tư tưởng của Bác phải đi sâu một cách tự nhiên vào nhận biết, tình cảm của thế hệ trẻ. Đây cũng là cách để Bảo tàng đến gần hơn với công chúng. Vì vậy Bảo tàng cho phép phối hợp tài trợ các hoạt động văn hóa có sự lựa chọn kỹ lưỡng, có những không gian để các sự kiện như “Bước chân di sản” quảng bá di sản đất nước, góp phần phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Đơn vị tổ chức cũng tiết lộ, sau chương trình tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng gốm Bát Tràng, “Bước chân di sản” sẽ tiếp nối tổ chức tại Đền Hùng (Phú Thọ), Tràng An - Bái Đính (Ninh Bình), Sa Pa (Lào Cai), Hội An (Quảng Nam)...

Khai thác tiềm năng di sản trên cao, thời gian qua, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa chương trình “Cố đô Huế nhìn từ bầu trời”, đem tới một cảnh quan đặc sắc khi có hàng chục khinh khí cầu khổng lồ với màu sắc rực rỡ và hình thái đa dạng cùng bay trên bầu trời của cố đô Huế. Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Cố đô Huế nhìn từ bầu trời” điểm tô thêm cho kinh thành Huế bằng hơi thở của thời đại mới giàu sức sống và khát khao khám phá di sản văn hóa hết sức sinh động. Du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những màn biểu diễn khinh khí cầu ngoạn mục mà còn được trực tiếp tham gia trải nghiệm bay treo ngắm nhìn toàn cảnh kinh thành Huế, sông Hương, núi Ngự, phá Tam Giang, cảnh miền quê và nhiều danh lam thắng cảnh khác trong suốt chuyến bay.

 “Bước chân di sản” tạo mối lương duyên quảng bá thời trang và di sản hấp dẫn tại Bảo tàng gốm Bát Tràng, Hà Nội. Ảnh: CHÂU XUYÊN 

Tăng tính gắn kết, khai thác bền vững

Hiện cả nước ta có khoảng 40.000 di tích được kiểm kê; trong đó, có khoảng 10.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, thành phố, hơn 3.460 di tích cấp quốc gia, 107 di tích quốc gia đặc biệt, 164 bảo vật quốc gia. Có 8 di sản được UNESCO công nhận là DSVH và thiên nhiên thế giới, 14 di sản được UNESCO công nhận DSVH phi vật thể của nhân loại. Trong Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO, Việt Nam có 7 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh; ngoài ra, Việt Nam còn có 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Với tiềm năng dồi dào như vậy, theo kiến trúc sư (KTS) Hoàng Đạo Cầm (Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch), du lịch văn hóa được kết nối với DSVH có thể coi là duy nhất và đặc biệt để khai thác nguồn tài nguyên du lịch. Trong đó, hệ thống bảo tàng, di tích - nơi lưu giữ những DSVH vô giá, đóng vai trò quan trọng khác biệt với các loại hình du lịch khác. Với việc nâng cao hiểu biết về những yếu tố hoàn toàn mới lạ và độc đáo, khách du lịch sẽ thích đến các bảo tàng, di tích hơn vì ở đó họ có thể tìm hiểu, trải nghiệm về lịch sử, văn hóa và truyền thống của một địa phương, quốc gia mà họ đặt chân tới. Tuy nhiên, KTS Hoàng Đạo Cầm cũng cho hay, nhiều DSVH đang bị thương mại hóa quá mức, làm suy giảm giá trị văn hóa và truyền thống, phai nhạt bản sắc; thiếu tính liên kết giữa các vùng di sản khiến cho tình trạng “mạnh ai nấy làm” diễn ra phổ biến ở các khu di sản. 

Tại Hội thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức tại Hà Nội và trực tuyến tới 43 điểm cầu trong cả nước tuần qua, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, đại diện lãnh đạo các địa phương đã tham vấn nhiều giải pháp cũng như danh mục dự án ưu tiên đầu tư. Theo ông Phạm Định Phong, Phó cục trưởng Cục DSVH (Bộ VHTTDL): DSVH thế giới và di tích quốc gia đặc biệt được xác định là một trong những dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2022-2030, với 3 nội dung chính: Đầu tư triển khai các dự án bảo quản, tu bổ, tôn tạo hỗ trợ chống xuống cấp các di sản được UNESCO ghi danh, các di tích quốc gia đặc biệt (dự kiến kinh phí 11.500 tỷ đồng); nghiên cứu, triển khai các giải pháp về ứng dụng công nghệ số trong hoạt động bảo tồn, phát huy DSVH phi vật thể (dự kiến kinh phí 450 tỷ đồng); hỗ trợ sưu tầm, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu cổ, quý hiếm, các bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học (dự kiến kinh phí 550 tỷ đồng).  

Mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia bao gồm 12 đối tượng: Bảo tàng; di sản thế giới và di tích quốc gia đặc biệt; thư viện; điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; triển lãm văn hóa, nghệ thuật; trung tâm văn hóa trong nước; trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài; cơ sở nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật; Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; cơ sở số hóa dữ liệu văn hóa; trụ sở cơ quan về văn hóa.


Theo QĐND
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: