Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (Kỳ II)
Chùa Hang (Đồng Hỷ) là một thắng cảnh và điểm văn hóa tâm linh đặc sắc của Thái Nguyên.. |
Khi bàn về vấn đề phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, đại diện Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch) cho rằng: Thái Nguyên có lợi thế là trung tâm vùng Việt Bắc, nơi có nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và cảnh quan tươi đẹp. Để khai thác hiệu quả các sản phẩm du lịch, tỉnh cần tăng cường hơn nữa hoạt động truyền thông, xúc tiến thị trường quốc tế và những giải pháp kích cầu du lịch...
Giải pháp hiện thực hóa những tiềm năng
Du lịch là một ngành có khả năng tạo ra nhiều việc làm và mang lại nguồn thu nhất định cho ngân sách địa phương. Đồng thời, du lịch còn là cầu nối quan trọng thúc đẩy mạnh các mối quan hệ giao lưu văn hóa, hữu nghị, phát triển khoa học kỹ thuật, hợp tác, ngoại giao giữa các vùng, miền, các quốc gia, khu vực trên toàn thế giới; góp phần đổi mới, phát triển các ngành kinh tế khác... Xác định rõ vấn đề này, những năm gần đây, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách làm cơ sở để ngành Du lịch phát triển. Minh chứng là từ năm 2009, tỉnh đã triển khai Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2009-2015; Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý môi trường văn hóa du lịch trên địa bàn giai đoạn 2013-2015; kế hoạch kích cầu du lịch gắn với việc thúc đẩy các ngành dịch vụ… Đặc biệt, năm 2014, tỉnh đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Xác định các giải pháp đột phá để phát triển du lịch”, từ đó đề ra 8 nhóm giải pháp quan trọng, gồm: quy hoạch, đầu tư, vốn, cơ chế chính sách, chất lượng nguồn nhân lực, huy động cộng đồng tham gia làm du lịch, tuyên truyền quảng bá và bảo đảm phát triển du lịch bền vững.
Các chủ trương, quyết đáp của tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và người dân tự tin khi đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Trong buổi làm việc mới đây với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã nhấn mạnh: Thái Nguyên hoàn toàn có đủ cơ sở để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nhưng để “nhọn”, tỉnh cần tạo được thị trường tại chỗ bằng chính các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương. Vì du khách khi đến với Thái Nguyên, họ muốn tìm hiểu, khám phá về vùng đất, con người nơi đây, với những nét đặc sắc riêng có về văn hóa, du lịch...
Để phục vụ du khách tốt hơn, ngay sau khi Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị được triển khai trên toàn quốc, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX đã xây dựng, hoàn thiện Chương trình hành động phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Bằng việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch, hoàn thiện hệ thống sản phẩm các tuor - tuyến và hệ thống hạ tầng cơ sở du lịch, dự kiến đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có khoảng 5.500-6.000 lao động trực tiếp trong ngành Du lịch; đón từ 4,5 đến 5 triệu lượt du khách, trong đó khách quốc tế đạt từ 250 đến 300 nghìn lượt; tổng doanh thu từ du lịch đạt 1.500 tỷ đồng/năm. Đến nay, Sở VH-TT&DL cũng đã tham mưu với UBND tỉnh hoàn thiện các đề án: Quy hoạch phát triển ngành VH-TT&DL đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể xây dựng, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa gắn với phát triển du lịch Thái Nguyên đến năm 2030; đồng thời hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc đến năm 2030. Khi những đề án, quy hoạch này được triển khai thực hiện sẽ mở ra cho ngành Du lịch của tỉnh nhiều cơ hội phát triển thuận lợi hơn.
Qua tìm hiểu chúng tôi còn được biết: Những năm gần đây, tỉnh luôn có định hướng đúng đắn trong phát triển du lịch. Trước đây, tỉnh xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng. Đến đầu năm 2017, theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW, du lịch được nâng tầm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đồng chí Phạm Thái Hanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Để du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh sẽ vận dụng có hiệu quả các nhóm giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch. Cụ thể là việc tranh thủ các nguồn vốn Trung ương, địa phương đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch; đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và nguồn nhân lực du lịch; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch...
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ông Đỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh đã nêu ra các giải pháp về xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về du lịch; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến khảo sát, lập dự án phát triển du lịch; đẩy mạnh quảng bá xúc tiến du lịch và cần phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ, hấp dẫn mang đặc trưng đất và người Thái Nguyên. Còn theo Thạc sĩ Nguyễn Quý Phương, Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch): Để thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến với vùng đất Thái Nguyên, nên khai thác các loại hình du lịch văn hóa - lễ hội; tâm linh; tham quan; khám phá, homestay; chữa bệnh; nghỉ dưỡng và tổ chức cho du khách tham gia các tuor du lịch trải nghiệm ở các vùng chè đặc sản...
Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh tâm đắc: Hiện nay, du lịch đang thực sự trở thành một ngành kinh tế phát triển mạnh và ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Sự phát triển du lịch trong những năm qua đã cho thấy xây dựng thương hiệu điểm đến là một yêu cầu cấp thiết, đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển du lịch. Do đó, việc xây dựng thương hiệu, tạo dựng hình ảnh tích cực cho điểm đến du lịch chiếm vai trò hết sức quan trọng, vì sản phẩm du lịch là sự kết hợp của các dịch vụ như lưu trú, ăn uống, vui chơi, giải trí. Sự phối hợp giữa các đơn vị khác nhau của lĩnh vực du lịch vốn có tính liên ngành, sẽ là nền tảng để điểm đến tạo nên hình ảnh ấn tượng cho du khách và trở thành thương hiệu.
Câu chuyện của ông Thái gợi cho tôi nhớ lại dạo cuối tháng 12-2016, khi theo đoàn du lịch quốc tế vào thăm, trải nghiệm thực tế tại vùng chè Tân Cương (T.P Thái Nguyên), ông Rafiji Sharif, đại diện Đại sứ quán Malaysia tại Việt Nam đã nói: Làm du lịch, điều quan trọng là sau đầu tư hạ tầng kỹ thuật; xây dựng thương hiệu; quảng bá hình ảnh, còn cần đến thái độ của người làm du lịch ứng xử với du khách. Vì du khách mới là người trả lương cho các bạn.