Địa chỉ đỏ bên chân núi Tam Đảo
Hội CCB thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) tham quan, nói chuyện truyền thống tại Khu Di tích Lịch sử Quốc gia 27-7. |
Bên chân núi Tam Đảo là làng mạc, cánh đồng phì nhiêu và bạt ngàn chè xanh. Đây cũng là nơi khởi khởi thủy nên vô số các dòng chảy trong lành tắm tưới cho mùa vụ. Và trên dòng chảy lịch sử đất nước hơn bốn nghìn năm, vùng đất Đại Từ đã sản sinh nhiều những Anh hùng dân tộc. Đặc biệt ngày 27-7-1947, Đảng, Chính phủ đã lựa chọn xóm Bàn Cờ, thị trấn Hùng Sơn làm địa điểm công bố Quyết định công nhận Ngày Thương binh, liệt sĩ. Từ đó đến nay, bên chân núi Tam Đảo lưu dấu một địa chỉ đỏ mang nặng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.
Vẫn cây đa cổ thụ, mái đình cổ kính, nghè ông, nghè bà và một mái chùa chở che, an ủi, nhắc nhớ các thế hệ con dân đất Việt về một thời giữ nước. Ngày ấy, vùng đất bên chân núi Tam Đảo này, lòng người hồn hậu, biết đặt lợi ích của Đất nước lên trên lợi ích riêng. Cùng chia sẻ nỗi đau với thương binh, bệnh binh, tất cả những nam, phụ, lão, ấu đồng lòng, chung sức, tích cực tham gia phong trào Hội mẹ chiến sĩ “Đón thương binh về làng” nuôi dưỡng do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng. Và dù đã mấy mươi năm trôi qua đời người, những câu chuyện đong đầy niềm tự hào của một vùng địa linh bên chân núi Tam Đảo còn tươi mới, bởi đó là một niềm thương mến khắc khoải được khắc họa vào tâm khảm con người.
Nhớ dạo nọ về thôn Kỳ Linh, xã Mỹ Yên gặp cụ Tạ Thị Vệ, hơn 90 tuổi đời, hơn 60 năm tuổi Đảng. Khi chúng tôi hỏi chuyện về một thời cán bộ, nhân dân địa phương hết lòng tham gia giúp đỡ, chăm sóc thương binh, đôi mắt cụ chợt như sáng lại, thấy cả miền ký ức hào sảng của ngày “Bữa ăn chín cũng như mười / Mỗi nhà nuôi lấy một người thương binh”. Và không chỉ tham gia chăm, nuôi thương binh, cụ Vệ - dạo năm 1947 gọi là chị Vệ, một trong những phụ nữ đầu tiên ở vùng đất này lấy chồng thương binh. Chồng chị là anh Trần Văn Thái, thương binh hạng 2/4. Họ có với nhau 5 người con, người con cả tham gia bộ đội kháng chiến chống Mỹ, trong một trận đánh, anh bị đạn thù cướp mất đôi chân. Vậy là trong ngôi nhà bình dị nơi thôn dã ấy, có người cha thương binh thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; và người con là thương binh thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ.
Khu Di tích lịch sử Quốc gia 27-7 được các cấp, ngành lựa chọn làm điểm tổ chức nhiều các hoạt động trưng bày, triển lãm, tuyên truyền.
Cụ Vệ kể: Hồi bấy giờ địa phương có phong trào lấy thương binh, ngoài tôi ra, còn có nhiều chị em khác, như chị Trần Thị Lệ lấy thương binh Đỗ Công Chức; chị Nguyễn Thị Tình lấy thương binh Phí Văn Thuyên; chị Hoàng Thị Cậy lấy thương binh Nông Văn Vụ… Thông qua việc hằng ngày chị em đến giúp đỡ, chăm sóc thương binh, cảm mến nhau là lãnh đạo đơn vị và chính quyền địa phương tác hợp cho thành duyên vợ chồng. Chị em chúng tôi đều xác định: Làm vợ thương binh sẽ vất vả, song động viên nhau cùng vượt lên khó khăn, hoàn thành trách nhiệm của người vợ thương binh.
Chuyện kháng chiến, bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động - TBXH tự hào: Đất nước đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc, Thái Nguyên có hàng vạn người con lên đường. Ngày chiến thắng, trong rực rỡ cờ hoa còn nhiều lắm nước mắt đau thương. Bởi có những ngươi mẹ mòn mỏi trông con; những người vợ chờ chồng trong vời vợi khắc khoải. Hiện, tỉnh Thái Nguyên đang quản lý thực hiện chính sách ưu đãi với khoảng 130.000 đối tượng người có công, trong đó 10.000 thân nhân liệt sĩ, hơn 15.000 thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; hơn 75.000 người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương, 553 Mẹ Việt Nam Anh hùng được truy tặng, phong tặng; hơn 10.000 cựu chiến binh và 3.375 cựu thanh niên xung phong.
Có còn gì đau thương hơn khi những người con ra trận không bao giờ về nữa. Tôi bùi ngùi nhớ lại câu chuyện của Mẹ Việt Nam Anh hùng Lâm Thị Tư, tổ dân phố Đồng Bẩm, phường Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên). Khi chính quyền địa phương cùng các con, cháu đón hài cốt liệt sĩ Lương Văn Sinh, con trai cụ hy sinh trong chiến trường miền Nam về quê nhà an táng. Trước lúc làm lễ truy điệu, cụ bảo: Tôi không chắc chắn đây là cốt nhục của mình, nhưng cứ là bộ đội, thì đó là con tôi…
Trở lại Khu Di tích Lịch sử Quốc gia 27-7, nơi mang địa chỉ đỏ của cách mạng Việt Nam, từng câu chuyện về thời kháng chiến và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc cứ như dòng sông mênh mang, chảy tràn về miền ký ức. Một ký ức tự hào xây nền truyền thống, để huyện Đại Từ 2 lần vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhưng phía sau nụ cười ngày chiến thắng, có mấy ai hay vùng đất này đã có bao nhiêu cuộc đưa tiễn, bao lần mẹ đón hài cốt con về. 100 người mẹ trở thành Mẹ Việt Nam Anh hùng, 1.516 người con nằm lại trên các vùng đất Tổ quốc, 694 người con bỏ lại một phần xương máu trên dải đất quê hương. Hơn 1.800 người từ chiến trường trở về là bệnh binh, là nạn nhân chất độc da cam…
Truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, một hành trang cực kỳ quan trọng để một quốc gia, một dân tộc trên thế giới xây nền hòa bình. Đây là một chân lý về đạo đức làm người. Tôi nghĩ như thế bởi tại Khu di tích lịch sử cách mạng đặc biệt này, có cả những người từng đứng ở bờ chiến tuyến bên kia, khi trở lại Việt Nam, đã về đây kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ người đã ngã xuống vì lý tưởng của một dân tộc. Mà ngay ở thị trấn Hùng Sơn, miền quê mang huyền sử, nơi thờ tự anh linh các Anh hùng liệt sĩ có 6 mẹ Việt Nam Anh hùng, 1 cán bộ tiền khởi nghĩa, 71 thương binh, 17 bệnh binh, 18 người phục vụ thương binh, bệnh binh, 172 người nhiễm chất độc hóa học, 71 gia đình thờ cúng liệt sĩ. Vinh quang lắm mà đau thương cũng nhiều, vậy nhưng chẳng nề nan, vào những năm đất nước kháng chiến, người dân ở vùng đất bên chân núi Tam Đảo đã sẻ chia với bộ đội, thương binh nhà ở, ruộng bãi sản xuất. Nhắc nhớ chuyện xưa, không riêng người Thái Nguyên, mà người trên mọi miền đất nước đều nghĩ ngay đến việc làm đầy tình nghĩa của người dân các xã An Khánh, Lục Ba, Mỹ Yên và nhân dân trong huyện Đại Từ.
Chuyện hôm qua đã lưu vào sử xanh, được nhắc nhớ, tạc lòng, ghi dạ các thế hệ cháu con đời đời. Từng câu chuyện bình dị, mà giàu lòng ái quốc của các mẹ, các chị và biết bao những công dân trên vùng đất bên chân núi Tam Đảo đã viết nên huyền sử đỏ Việt Nam - huyền sử về truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.