Địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống

Cập nhật: Chủ nhật 22/11/2020 - 11:21
 Địa điểm Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc được đầu tư tôn tạo với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Ảnh: Nguyên Ngọc
Địa điểm Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc được đầu tư tôn tạo với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Ảnh: Nguyên Ngọc

Với vị trí chiến lược, Thái Nguyên được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn để xây dựng căn cứ địa Việt Bắc cho cơ quan đầu não của Đảng và Chính phủ đứng chân chỉ đạo phong trào cách mạng trên cả nước. Tại mảnh đất này có rất nhiều cơ quan, trường học được ra đời, trong số đó có Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc.

Theo lịch sử của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Đầu năm 1949, tại Làng Luông, xã Bình Thành (Định Hóa), Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đã khai giảng khóa học đầu tiên. Khóa II của Nhà trường mở vào tháng 9-1949, có 175 học viên đến từ các liên khu kháng chiến, trong đó có nhiều học viên là người dân tộc thiểu số từ các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn. Tại đây, thầy và trò Nhà trường đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và động viên các giảng viên, học viên đang học tập và huấn luyện. Sau khi thăm cơ sở vật chất của Trường, Người đã nói chuyện cùng cán bộ, học viên. Trong cuốn sổ vàng của Trường, Người viết:

“Học để:
Làm việc
Làm người
Làm cán bộ
Học để phụng sự đoàn thể
Phụng sự giai cấp và nhân dân
Phụng sự Tổ quốc và nhân loại
Muốn đạt mục đích thì phải:
Cần, kiệm, liêm, chính
Chí công vô tư”

Quan niệm về học tập của Bác rất toàn diện: Học tập tri thức đi đôi với rèn luyện đạo đức cách mạng; học tập nhằm hoàn thiện đạo làm người, nâng cao trình độ và năng lực hoàn thành nhiệm vụ; học để phục vụ lợi ích của Đảng, nhân dân, Tổ quốc và cả nhân loại. Thực hiện lời dạy của Bác, mặc dầu gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, phương tiện dạy và học, giữa rừng đại ngàn chiến khu Việt Bắc, thầy trò trường Đảng Nguyễn Ái Quốc đã khắc phục khó khăn, tranh thủ sự giúp đỡ của nhân dân, của Đảng ủy, chính quyền xã Bình Thành và huyện Định Hóa vừa làm, vừa học, vừa xây dựng cở sở vật chất nhà trường, nhà hiệu bộ, lớp học, nhà lán nghỉ cho học viên, bếp ăn, sân tập luyện...

Tháng 8-1950, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Trường đã di chuyển đến huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang và nhiều địa điểm khác trước khi chuyển về Hà Nội. Trong thời gian đặt địa điểm tại Làng Luông (từ đầu năm 1949 đến tháng 8-1950), Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc đã đóng góp to lớn vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt của Đảng. Với ý nghĩa lịch sử đặc biệt đó, năm 2012, Di tích Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc tại xóm Làng Luông đã được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Hướng về cội nguồn bằng những việc làm thiết thực, đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã đầu tư tôn tạo di tích xứng tầm với ý nghĩa lịch sử. Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc với kinh phí hơn 20 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Quy mô dự án rộng trên 9.000m2. Trong đó, các hạng mục: Nhà hiệu bộ, nhà giảng đường, nhà ở học viên, nhà bếp được thiết kế trên cơ sở mô phỏng nguyên mẫu; nhà hội thảo, xem phim, trưng bày hai tầng có kiến trúc kiểu nhà sàn. Công trình được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 9-2019. Đây là công trình có ý nghĩa lịch sử đặc biệt nhằm hướng về cội nguồn, thể hiện sự tri ân sâu sắc của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đối với các thế hệ đi trước và những đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc ở địa phương đã che chở, bảo vệ an toàn bí mật tuyệt đối cho hoạt động của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Địa điểm Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc được tôn tạo chính là địa chỉ đỏ để các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên của Học viện đi về.

Để bảo tồn và phát huy tốt những giá trị lịch sử của của Di tích Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, sau khi đầu tư, tôn tạo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã bàn giao công trình về tỉnh, Ban Quản lý Khu di tích lịch sử - Sinh thái ATK Định Hóa đã tiếp nhận để quản lý công trình. Hàng ngày, tại đây, Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử - Sinh thái ATK Định Hóa luôn có hướng dẫn viên trực để đón và hướng dẫn các đoàn khách đến tham quan di tích cũng như tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, du lịch vùng chiến khu Việt Bắc - ATK Định Hóa Thái Nguyên.

Hằng Nga
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: