Độc đáo Lễ Hét khoăn của người Nùng

Cập nhật: Thứ hai 19/02/2018 - 09:30
 Nghi thức cúng tổ tiên trong nghi lễ Hét khoăn.
Nghi thức cúng tổ tiên trong nghi lễ Hét khoăn.

Trong tâm thức của người Nùng ở Đồng Hỷ, người cao tuổi và gia đình có người cao tuổi được coi là phúc lớn. Do đó cần tổ chức Lễ Hét khoăn (mừng sinh nhật) để con cháu tỏ lòng biết ơn cha mẹ sinh thành và nuôi dưỡng...

Mùa Đông ở vùng núi xóm Tân Đô, xã Hòa Bình, ngay từ sẩm tối, màn sương đã bao phủ, giá lạnh. Thế nhưng, trong ngôi nhà gỗ của ông Lâm Xuân Cầu thì ánh điện, bếp lửa và tiếng cười, tiếng nói đã xua đi cái giá lạnh ấy. Hôm nay là ngày ông Tài được tổ chức nghi Lễ Hét khoăn vì vậy, con cháu và bà con họ hàng, làng xóm đã tập trung về nhà ông từ sớm, mỗi người một việc để chuẩn bị các lễ vật cúng thần linh, gồm: Mu sliêu (lợn quay) được con gái, cháu gái, em gái của ông Tài thay nhau nướng trên than hồng; cáy tủm (gà luộc) do họ hàng mang đến; chì pướng (bánh dày loại to) và chì ăn (bánh dày nhỏ) cũng được con gái, cháu gái tự làm. Chập tối, các lễ vật nói trên đã được sẵn sàng để chuẩn bị cho các nghi lễ sẽ diễn ra từ tối, qua đêm, đến trưa ngày hôm sau.

Là “nhân vật chính” của buổi Lễ, ông Lâm Xuân Cầu phấn khởi: Chúng tôi tin rằng con người luôn tồn tại phần xác và phần hồn vía, chúng tôi còn gọi là “khoăn”. Cơ thể sống mạnh khỏe là do “khoăn” hội tụ đủ trong người. Khi tuổi già đến, người ta bắt đầu có những biểu hiện của sự già nua như: Hay đau ốm, mắt mờ, dễ gặp vận hạn... Vì vậy, chúng tôi tổ chức Lễ Hét khoăn là làm lễ để trình lên Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu gia hạn thêm cho người được sống lâu, vui cùng con cháu.

Trong cộng đồng dân tộc Nùng, các thầy cúng có thầy Tào, thầy Pựt, thầy Then. Các thầy đều đã được cấp sắc, am hiểu về phong tục tập quán của dân tộc, hiểu rõ lịch sử gia đình, dòng họ, bản làng và có kinh nghiệm trong văn hóa ứng xử, giao tiếp với các vị thần. Tuy nhiên trong Lễ Hét khoăn, chỉ có thầy Pựt là người chủ trì, thực hiện các nghi lễ. Theo tập quán của người Nùng ở Đồng Hỷ, người được tổ chức Hét khoăn phải từ 50 tuổi trở lên, đã dựng vợ, gả chồng cho các con và đã có cháu. Tuy nhiên, đồng bào Nùng ở Đồng Hỷ thường lấy tuổi 61 ứng với chữ Thọ để tổ chức nghi lễ lần đầu. Đây là lần tổ chức có quy mô và nhiều thủ tục nhất. Gia chủ trực tiếp đi mời họ hàng, bè bạn, cùng các con cháu nội, ngoại. Ở những lần tổ chức sau đó, gia chủ sẽ không đi mời nữa mà người được mời lần đầu sẽ tự bảo nhau đến dự lễ.

Là thầy Pựt trong lễ Hét khoăn của ông Tài, ông Lâm Ngọc Đoan ở xóm Tân Đô cẩn thận chuẩn bị các phần việc của mình gồm dải vải bắc cầu, cây chuối xanh tươi, thúng gạo, chiếc cân… Khoảng 7 giờ tối, ông đã bắc xong một dải vải ở gian thờ tổ tiên của gia chủ. Dải vải được giăng từ nơi hành lễ, bắc qua chậu nước, lên đến xà nhà. Dải vải được coi là chiếc cầu nối, để đón hồn vía của người già được tổ chức “Hét khoăn” về. Vía của người già ví như cái cây vàng lụi, thầy sẽ nhờ âm dương mà hợp lại, cùng vun đắp cho cây không bị già cỗi, lại xanh tươi như cũ. Chậu nước tượng trưng cho sông biển, vận nạn sẽ bị đổ xuống đó, chỉ còn giữ lại cái phúc.

Trong đêm thực hiện Lễ Hét khoăn, bà con, họ hàng, làng xóm tập trung hát ví, nói chuyện, chúc mừng gia đình ông Lâm Văn Cầu.

Bắt đầu buổi Lễ, bằng giai điệu Then, lượn, thầy Pựt diễn tả các bài cúng theo từng trường đoạn, trong đó, mỗi khúc ngâm, mỗi câu hát đều thành kính và chưa đựng không gian tâm linh cùng những quan niệm về nhân sinh của người Nùng. Các bài cúng đều được ngâm trong khi thực hiện các nghi thức chính, bao gồm: Nghi thức cúng xin phép tổ tiên; Nghi thức cầu sức khỏe, cầu bình an; Nghi thức đổ thêm nước sinh mệnh với ý nghĩa bổ sung sinh khí, tinh thần cho ông bà sống thọ, có nhiều phúc lộc; Nghi thức trồng cây mệnh với ý nghĩa mong ông, bà mạnh khỏe, tươi tốt như cây rừng; Nghi thức bổ sung lương thực vào bịch gạo mệnh để gia hạn với Nam Tào, kéo dài tuổi thọ cho người được tổ chức Hét khoăn... Trong đó, nghi thức cầu sức khỏe, bình an kéo dài nhất. Người Nùng cho rằng, điều quan trọng là làm sao để ông bà, cha mẹ được sống lâu hơn, vì vậy các bài khấn của Pựt đều là những lời hát nội dung tìm gọi “khoăn” về, động viên, an ủi cầu mong cho “khoăn” yên tâm vui vẻ mà gắn bó lâu dài với thể xác.

Ví dụ như: Đay đay thiên đay đay/Xinh tàng sleng khảu tam lò lục quan/Khảu tam làng lục slay lục chướng/Khảu mừa chóc vải mình hử chăn/Chóc vải khoăn hử chính (Tạm dịch: Hôm nay mọi sự đều tốt lành/Mời các thần về đây giúp chúng con/Về đây chỉ đường đi cho chúng con/Vào đây tìm hồn sao cho thật/Vào đây tìm vía sao cho đúng chủ).

Sau đó, thầy Pựt thực hiện nghi thức cúng cầu mong sức khỏe, bình an cho chủ nhà, đồng thời báo cáo với tổ tiên đã tìm thấy hồn vía bị lạc về đúng với chủ, đã đổ đầy giếng nước, trồng được cây mệnh tươi tốt, khỏe mạnh, đã đổ đầy bịch gạo mệnh và cảm ơn các vị thần, tướng vì đã giúp thầy Pựt cùng gia đình hoàn thành các nghi lễ Hét khoăn. Cuối cùng, thầy Pựt chúc mừng mọi vía đã quy tụ đầy đủ và nhờ ông bà, tổ tiên để mắt trông nom, dặn dò vía không được mải mê đi lạc, quên đường về.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đàm Thế Nhàn, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết, người Nùng ở huyện Đồng Hỷ chiếm khoảng 13,2% dân số toàn huyện, nhiều xã có tỷ lệ người Nùng trên 90% như Hòa Bình, Tân Long… Có thể thấy, lễ “Hét khoăn” là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Nùng, thể hiện sự tôn trọng, tấm lòng hiếu thảo của con, cháu đối với ông, bà, cha, mẹ, thể hiện khát vọng cuộc sống hạnh phúc của đồng bào dân tộc. Đây cũng là sản phẩm tinh thần, được lưu truyền qua bao thế hệ, có ý nghĩa to lớn trong gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo của người Nùng. Nhiều năm huyện đã có đề xuất và thực hiện các giải pháp bảo vệ và phát huy nghi lễ Hét khoăn. Bên cạnh đó, là hỗ trợ tích cực các cấp, ngành trong việc triển khai tư liệu hóa những tài liệu giới thiệu về nghi lễ Hét khoăn, tạo điều kiện về không gian trình diễn để cộng đồng người Nùng có cơ hội thực hành và truyền dạy các nghi thức của lễ Hét khoăn”... Với những cố gắng của huyện Đồng Hỷ và sự quan tâm của các cấp, ngành, nghi lễ Hét khoăn của người Nùng đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 3465/QĐ – BVHTTDL ngày 13-10-2015.

Thu Hà
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: