Ghi lại lịch sử Trường Sơn bằng hội họa

Cập nhật: Thứ tư 28/04/2021 - 16:18
 Một người lính thời bình trước bức tranh rừng Trường Sơn khói lửa ngày ấy. Ảnh: VGP/Nhật Nam
Một người lính thời bình trước bức tranh rừng Trường Sơn khói lửa ngày ấy. Ảnh: VGP/Nhật Nam

Thiết thực chào mừng 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã tổ chức triển lãm “Còn lại với Trường Sơn” với 60 bức tranh, ký họa của Họa sĩ Đức Dụ.

Triển lãm sẽ kéo dài nửa tháng, là một hoạt động ý nghĩa chào mừng 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021) và kỷ niệm Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5).

Triển lãm lần này sẽ giới thiệu bức tranh vô giá về một thời khắc lịch sử, đó là bức “Dinh Độc lập trưa 30/4/1975” được Họa sĩ Đức Dụ ký họa bằng màu nước khi ngồi trên xe tải của đoàn xe hậu cần dõi theo nhân dân ta với nét mặt rạng rỡ, hạnh phúc, tay cầm lá cờ của quân giải phóng ăn mừng trước cửa Dinh Độc Lập. 

“Năm ấy tôi là sinh viên Trường Mỹ thuật Việt Nam nhưng đã xin đi ra trận để lấy tư liệu vẽ và thế là tôi cùng đoàn xe hậu cần, gồm 10 chiếc chở đầy thuốc men, lương thực, hễ gặp quân giải phóng thì tiếp tế. May mắn là trưa 30/4/1975, tôi đã được chứng kiến thời khắc lịch sử ở Dinh Độc Lập và tái hiện những gì mắt nhìn thấy, tai nghe được trong bức tranh vô giá của mình”, Họa sĩ Đức Dụ xúc động cho biết.

Họa sĩ Đức Dụ (tên đầy đủ là Nguyễn Đức Dụ) sinh năm 1946, quê ở xã Đông Quan, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, nhập ngũ tháng 9/1965. Sau 3 tháng huấn luyện chiến sĩ mới, ông hành quân theo đội hình vào Trường Sơn, làm lính đơn vị bảo đảm cầu đường trên tuyến vận tải chiến lược 559.

Hiện nay, ông sở hữu hơn 400 bức ký họa và khoảng 120 bức tranh sơn dầu. Dấu ấn nổi bật trong cả sự nghiệp hội họa cùng cảm xúc mạnh mẽ nhất của họa sĩ Đức Dụ vẫn là đề tài con đường Hồ Chí Minh huyền thoại và những người lính Trường Sơn.


Theo Chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: