Lợi nhuận kép từ mô hình du lịch trải nghiệm

Cập nhật: Thứ tư 21/04/2021 - 08:33
 Tham gia du lịch trải nghiệm tại Đại Từ, du khách sẽ được cùng người dân địa phương thu hái, chế biến, pha và thưởng thức trà.
Tham gia du lịch trải nghiệm tại Đại Từ, du khách sẽ được cùng người dân địa phương thu hái, chế biến, pha và thưởng thức trà.

Với những lợi thế về địa hình, phong cảnh, khí hậu, cây trồng, những năm gần đây, trên địa bàn huyện Đại Từ đã xuất hiện những mô hình phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm thu hút khách du lịch các nơi tìm đến. Mặc dù đây là những mô hình tự phát, nhưng đã khẳng định được nhiều lợi ích, mở ra hướng đi mới cho phát triển kinh tế ở địa phương.

Một ngày cuối tuần, chúng tôi hòa vào đoàn khách tham quan để đến với khu du lịch trải nghiệm của Hợp tác xã Quân Chu, xã Quân Chu. Cảm nhận đầu tiên khi đến đây là khí hậu mát mẻ, trong lành, phong cảnh hữu tình với bạt ngàn mầu xanh của chè, rừng, các loại cây ăn quả, đặc biệt là cây su su. Điểm nhấn ở đây có lẽ là dòng thác Đát Ngao như dải lụa trắng vắt trên vách núi, nổi bật giữa mầu trời xanh.

Ông Triệu Quý Tư, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã cho hay: Đến đây, du khách không chỉ được hòa mình vào thiên nhiên, mà điểm đặc biệt là được ngắm nhìn, xem, và trải nghiệm các công đoạn trồng, chăm sóc, thu hoạch rau su su với quy trình sản xuất an toàn. Bên cạnh đó, du khách còn được tìm hiểu về vùng đất, con người, phong tục tập quán, những nét đặc sắc của đồng bào dân tộc Dao nơi đây.

Rời khu lịch của Hợp tác xã Quân Chu, chúng tôi tiếp tục men theo sườn Đông Tam Đảo để đến Khu du lịch trải nghiệm của anh Nguyễn Văn Tùng, xóm Đoàn Thắng, xã Hoàng Nông. Khu du lịch nằm sát dòng suối Cửa Tử ngày đêm róc rách khá nổi tiếng ở địa phương, mang đậm phong cách của người dân ở đây. Chia sẻ về quá trình xây dựng khu du lịch này, anh Tùng cho biết: Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng chè Hoàng Nông, lớn lên tôi vào T.P Hồ Chí Minh học tập và sau đó làm hướng dẫn viên du lịch, đưa khách đi rất nhiều nơi, tôi luôn trăn trở, quê hương mình có rất nhiều cảnh đẹp, nhưng lại không thể phát triển du lịch. Từ đó, tôi luôn mong muốn sẽ xây dựng một khu du lịch trên chính mảnh đất quê hương.

Năm 2019, anh đã bắt tay thực hiện ước mơ trên diện tích trên 2ha. Khu du lịch được xây dựng mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, với 2 ngôi nhà sàn đậm chất dân tộc được bài trí các vật dụng, đồ dụng của đồng bào Dao, ngoài ra còn có khu nấu ăn, bể cá, bể bơi... Tất cả nội thất ở đây đều được sử dụng bằng gỗ, tre, lá cọ…

Ngoài xây dựng khu nghỉ ngơi, ăn uống, anh Tùng còn chăm chút, cải tạo lại toàn bộ diện tích chè xung quanh và áp dụng quy trình sản xuất VietGAP. Để du khách khi đến đây vừa được nghỉ ngơi trong không gian vừa độc đáo, vừa hoài cổ, được hít thở bầu không khí trong mát, nhìn ngắm cảnh đẹp đặc trưng của núi rừng Việt Bắc và còn được tự hay hái những búp chè xanh non, sao chè, pha trà, rồi thưởng thức hương vị của những chén trà “đệ nhất” của xứ Thái.

Điều này đã tạo nên sức hấp dẫn, nên mặc dù mới hình thành và hoạt động nhưng, khu du lịch này đã thu hút khá đông khách đến nghỉ ngơi và trải nghiệm. Khách đến đây cũng được lựa chọn các gói dịch vụ tự nấu ăn hay thuê trọn gói nên có nhiều mức giá, riêng giá nghỉ qua đêm tại đây là 240 nghìn đồng/người/đêm.

Ngoài 2 mô hình nói trên, trên địa bàn huyện Đại Từ hiện nay có một số nơi dần bắt đầu hình thành mô hình du lịch trải nghiệm kết hợp sản xuất nông nghiệp như: Hợp tác xã chè La Bằng, Công ty CP chè Hà Thái. Điểm chung của các khu du lịch ở đây là du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp sạch, thân thiện với thiên nhiên, tận dụng được giá trị văn hóa của địa phương. Bà Nguyễn Thị Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã chè La Bằng cho biết: Hiện nay, không chỉ chú trọng đến các sản phẩm chè, mỗi tháng, chúng tôi còn đón hàng trăm khách du lịch cả trong và ngoài nước. 

Phải khẳng định rằng, mô hình du lịch trải nghiệm đang phát triển hiện nay là hướng đi mới, không chỉ nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, đem lại nguồn thu cho người dân mà còn góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang dịch vụ. Tuy nhiên, để có thể làm được những mô hình du lịch trải nghiệm như vậy, thì điều kiện cần là phải lựa chọn được cây trồng phù hợp, áp dụng quy trình sản xuất an toàn, khai thác được các giá trị về di tích, cảnh quan, phong tục, tập quán, văn hóa của người dân địa phương. Huyện Đại Từ có rất nhiều lợi thế để phát triển mô hình kinh tế này, bởi huyện trải dài theo dãy núi Tam Đảo, Hồng, Chúa, Thằn Lằn, với nhiều suối, thác, hồ nước tạo nên nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp.

Cùng với đó, đây là an toàn khu cách mạng trong thời kỳ chống thực dân Pháp với rất nhiều di tích lịch sử. Ngoài ra, đây còn là vùng có nhiều tiềm năng về sản xuất nông nghiệp với đa dạng các loại cây trồng, trong đó cây trồng chủ lực là chè. Sớm thấy được hướng đi mang lại lợi nhuận kép này, huyện đã có kế hoạch xây dựng các điểm du lịch trải nghiệm ở các địa phương, huyện đã có nhiều hoạt động nhằm phục vụ phát triển du lịch trải nghiệm trong tương lai như: Tăng cường tuyên truyền, quảng bá về các tiềm năng, thế mạnh của huyện, lập hồ sơ khoa học để công nhận di tích lịch sử, thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo tồn các lễ hội, di sản văn hóa phi vật thể, phát huy nghệ thuật dân gian, tập trung phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch… 

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Phòng Văn hóa - Du lịch - Thể thao huyện cho biết: Trước mắt huyện đã xác định 3 loại cây trồng gắn với du lịch trải nghiệm là: Cây gỗ lớn, cây ăn quả và cây chè, tiếp đó, huyện tập trung xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch. Cùng với đó, huyện sẽ kết nối với các địa phương trong tỉnh như: T.P Thái Nguyên, Phú Lương… để hình thành các tuyến du lịch phong phú, hấp dẫn du khách.

Hải Hằng
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: