Lợi thế nào cho du lịch Phổ Yên?
Phối cảnh tổng thể Khu di tích Lý Nam Đế, tại xã Tiên Phong, T.X Phổ Yên nhìn từ hướng Tây. |
Cùng với những lợi thế để thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, thương mại - dịch vụ, T.X Phổ Yên còn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan để phát triển du lịch. Trên cơ sở này, thời gian qua, thị xã đã đề ra các chủ trương, giải pháp cụ thể hướng tới phát triển du lịch, nhằm đưa kinh tế - xã hội địa phương phát triển toàn diện.
Khác với sự phát triển sôi động của khu vực trung tâm thị xã với các khu, cụm công nghiệp ngày càng lớn mạnh, ở phía Tây của T.X Phổ Yên (gồm các xã: Phúc Tân, Phúc Thuận, Thành Công, Minh Đức…) hiện vẫn giữ được những cảnh quan đồng ruộng, đồi núi mang vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ. Lâu nay, nơi đây vẫn được nhiều du khách đến với các địa điểm du lịch trải nghiệm như: Hồ Suối Lạnh, hồ Nước Hai và vùng trồng cây lâu năm (chè, nhãn...). Tuy nhiên, các dịch vụ du lịch tại đây chưa phát triển nên việc thu hút khách còn nhiều hạn chế.
Dự án Lưu trú ngắn ngày (homestay) do Công ty TNHH Mầm Nhỏ Hà Nội làm chủ đầu tư mới được đưa vào hoạt động với quy mô trên 11ha, tại xóm 7, xã Phúc Tân.
Nhằm khai thác lợi thế trên, thị xã đã chủ trương phát triển Khu du lịch sinh thái phía Đông Tam Đảo gắn với các điểm du lịch kể trên, đặc biệt là khu vực hồ Suối Lạnh, xã Thành Công. Hiện nay, Tập đoàn T&T đã và đang thực hiện lập quy hoạch tổng thể tỷ lệ 1/2.000 Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao, đô thị sinh thái Đông Tam Đảo và tuyến đường kết nối với đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Dự án có quy mô trên 5.600ha, với nhiều phân khu chức năng như: Khu vui chơi giải trí, khu du lịch tâm linh, khu làng sinh thái, khu biệt thự nghỉ dưỡng… hứa hẹn sẽ mang đến bộ mặt cảnh quan mới cho T.X Phổ Yên nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung.
Ông Trần Ngọc Tú, Chủ tịch UBND xã Phúc Tân: Vốn là một xã thuần nông, nằm ở phía Tây của T.X Phổ Yên nên cảnh quan, sinh thái của địa phương còn khá nhiều và đa dạng. Thời gian tới, địa phương mong muốn thị xã sẽ tiếp tục mời gọi, thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch, từng bước tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. |
Ngoài những giá trị về cảnh quan, T.X Phổ Yên còn là mảnh đất có nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn với các lễ hội truyền thống, thuận lợi để phát triển du lịch tâm linh. Điển hình như, Khu di tích Lý Nam Đế (gồm đền Mục, chùa Hương Ấp và chùa Mãn Tăng), tại xã Tiên Phong. Thị xã đã thực hiện công bố Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Lý Nam Đế, với diện tích trên 54ha. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, việc phát triển du lịch tâm linh tại Khu di tích Lý Nam Đế sẽ tạo động lực thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển mạnh mẽ. Bởi, theo quy hoạch chung của thị xã, đền Mục nằm trong khu đô thị dịch vụ công nghiệp phía Bắc nút giao Yên Bình, chùa Hương Ấp và chùa Mãn Tăng nằm trong khu nông nghiệp công nghệ cao. Cùng với đó, Khu di tích còn kết nối thuận lợi với một số di tích lịch sử cấp tỉnh tại xã Tiên Phong, như: Đình Thù Lâm, đình Giã Thù, chùa Di và các điểm tham quan khác như: Hồ Núi Cốc, Khu di tích cách mạng ATK (Định Hóa), hồ Đại Lải (Vĩnh Phúc)... Đây là những điều kiện thuận lợi để địa phương thu hút phát triển công nghiệp cũng như dịch vụ du lịch.
Đồng chí Bùi Văn Lương, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND T.X Phổ Yên cho biết thêm: Ngoài những yếu tố thuận lợi về cảnh quan sinh thái, các công trình văn hóa, lịch sử, hiện nay, T.X Phổ Yên còn thu hút nhiều chuyên gia nước ngoài, công nhân, người lao động đến làm việc, sinh sống. Đây cũng là một trong những thế mạnh để địa phương phát triển các loại hình du lịch như: Du lịch tham quan, du lịch văn hóa, du lịch xanh, du lịch theo nhóm... Từ những thế mạnh này, thời gian qua, thị xã đã tập trung kết nối với chuỗi du lịch liên tỉnh, hướng tới khai thác dịch vụ nghỉ dưỡng cuối tuần và các đợt nghỉ ngắn ngày phục vụ thị trường du lịch. Đại diện Công ty Mầm Nhỏ Hà Nội, chủ đầu tư Dự án Lưu trú ngắn ngày (homestay) tại xã Phúc Tân cho biết: Trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư phát triển du lịch, đơn vị đã được thị xã tạo mọi điều kiện thuận lợi để khảo sát thực tế cũng như làm các thủ tục đầu tư liên quan. Đầu năm 2021, Dự án trên được đưa vào hoạt động với quy mô 11ha tại xóm 7, thu hút trên 10 đoàn khách các tỉnh đến tham quan, trải nghiệm.
Phía Tây của T.X Phổ Yên có những cảnh quan đồng ruộng, đồi núi mang vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ. Lâu nay, nơi đây vẫn được nhiều du khách tìm đến với các địa điểm du lịch trải nghiệm như: Hồ Suối Lạnh, hồ Núi Cốc, hồ Nước Hai và vùng trồng cây ăn quả...
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ T.X Phổ Yên lần thứ II, nhiệm kỳ 2020-2025 nêu rõ: Tập trung phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng phía Đông Tam Đảo, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp, thương mại- dịch vụ, du lịch; phấn đấu tỷ trọng các ngành công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch trên địa bàn đến năm 2025 chiếm 98% trong cơ cấu ngành kinh tế. Để đạt được mục tiêu này, thị xã đang tích cực quảng bá về tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch, thông qua các sự kiện văn hóa, du lịch được tổ chức trong và ngoài tỉnh. Trên cơ sở đó, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nghiên cứu đầu tư các sản phẩm du lịch theo quy hoạch; tiếp tục đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, nâng cấp và phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật (hệ thống khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng và các khu nghỉ dưỡng cao cấp, sân golf…) đảm bảo chất lượng, hiện đại, tiện nghi, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Từ những lợi thế sẵn có cùng nguồn nhân lực dồi dào, sự hỗ trợ tích cực của các sở, ngành của tỉnh sẽ giúp T.X Phổ Yên từng bước đưa phát triển du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của một thành phố trong tương lai.