Nét truyền thống ở Thù lâm

Cập nhật: Thứ năm 15/01/2015 - 09:09
 Ngoài các nghề thủ công mới du nhập như mộc và cơ khí thì người dân Thù Lâm vẫn duy trì nghề mây tre đan truyền thống.
Ngoài các nghề thủ công mới du nhập như mộc và cơ khí thì người dân Thù Lâm vẫn duy trì nghề mây tre đan truyền thống.

Một dải đất ven dòng sông Cầu thơ mộng có lịch sử phát triển lâu đời, nay vẫn giữ được khá nhiều nét đặc trưng truyền thống. Vùng quê đó đang khởi sắc từng ngày bởi những con người cần cù lao động và luôn mạnh dạn, đổi mới trong tư duy phát triển kinh tế.

 

Chúng tôi đang nói đến làng cổ Thù Lâm, nay gồm 4 xóm: Trung Lâm, Đông Lâm, Ngọc Lâm và Hương Lâm thuộc xã Tiên Phong (Phổ Yên). Không ai biết chính xác tên làng Thù Lâm có từ bao giờ. Dân làng vẫn truyền nhau và luôn tự hào nơi họ đang sống có lịch sử phát triển lâu đời nhất nhì vùng đất thuộc huyện Phổ Yên ngày nay. Theo ông Hoàng Côn (80 tuổi), một người rất quan tâm tìm hiểu về lịch sử địa phương, thì Thù Lâm có nghĩa là rừng chống quân thù. Trong quá khứ, người dân nơi đây đã phải đối diện với nhiều thách thức bởi những toán giặc cướp thường xuyên hoành hành và các đội quân xâm lược đến từ phương Bắc. Họ đoàn kết, tập hợp nhau lại, rút vào rừng rậm để ẩn náu và chống trả quân thù. Khi làng quê thanh bình, những con người vốn hiền hậu, chất phác lại cần mẫn lao động sản xuất xây dựng cuộc sống ấm no.

 

Thời kỳ hợp tác hóa, làng cổ Thù Lâm được chia thành 4 đội sản xuất sau đó tách thành 4 xóm như hiện nay. Nhưng truyền thống đoàn kết được hun đúc từ nhiều đời khiến vùng đất này vẫn như một thực thể gắn kết. Người dân ở 4 xóm vẫn cùng lo những việc chung của làng, cùng thờ một Thành hoàng, cùng tổ chức lễ hội, đóng góp tiền của, ngày công để xây dựng, tôn tạo đình, chùa và một số công trình khác. Người Thù Lâm tự hào vì có ngôi đình thờ danh tướng Dương Tự Minh xây dựng từ thời Hậu Lê (cách đây hơn 200 năm), đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Cũng theo ông Hoàng Côn thì trong khuôn viên của đình Thù Lâm còn có 13 sắc phong thời nhà Nguyễn và 3 bia đá cổ. Đình cũng từng là nơi diễn ra lễ tế cờ của một số chiến sĩ cách mạng trong thời kỳ Cách mạng tháng Tám năm 1945. Vào ngày 10-10 Âm lịch hằng năm, dân làng long trọng tổ chức lễ rước Thánh kinh lý quanh làng, mừng cơm mới, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Mùng 6 tháng Giêng - Âm lịch là lễ hội chính của làng với phần nghi lễ trang trọng và nhiều trò chơi dân gian đặc sắc, thu hút rất đông du khách thập phương. Điều đặc biệt nữa là tại Thù Lâm còn có Văn chỉ thờ Khổng Tử nhằm tôn thờ, khuyến khích sự học và Miếu làng thờ Vua Bà có lịch sử hàng trăm năm.

 

Người Thù Lâm chủ yếu thuộc 3 dòng họ lớn là họ Hoàng, họ Tạ và họ Nghiêm. Các họ ở đây còn duy trì được tổ chức hội đồng gia tộc gồm những người đứng đầu các chi họ, những người cao tuổi có uy tín, để bàn bạc và quết định những việc chung của họ. Thông thường vào dịp cuối năm, toàn thể họ tộc hoặc từng chi họ lại tổ chức họp, biểu dương những thành viên tiêu biểu và trao quà khuyến học cho con cháu có thành tích học tập tốt. Những trường hợp thanh niên có biểu hiện hư hỏng, vi phạm Luật Giao thông đều được hội đồng gia tộc chấn chỉnh hoặc cử người có uy tín khuyên nhủ thường xuyên nhằm giữ nền nếp gia phong.

 

Làng cổ Thù Lâm đang thay đổi diện mạo khá nhanh chóng, bên cạnh cây đa, mái đình cổ kính hay những bức tường gạch đã đượm màu thời gian là những cơ ngơi khang trang, bề thế. Ông Hoàng Văn Ngân, Bí thư Chi bộ Thù Lâm (Chi bộ chung của 4 xóm) tự hào nói: Nhiều đời nay, người Thù Lâm có truyền thống cần cù, chịu thương, chịu khó và tư duy làm ăn cũng đổi mới khá nhanh theo thời cuộc. Là nơi đất chật người đông, diện tích đất nông nghiệp bình quân hạn chế, người dân xoay vòng canh tác liên tục theo phương châm không cho đất nghỉ. Các lớp tập huấn kỹ thuật và những giống cây, con mới luôn được bà con hào hứng đón nhận và áp dụng vào thực tế cho hiệu quả cao. Tranh thủ lúc nông nhàn, người dân Thù Lâm chăm chỉ đan lát (Làng nghề truyền thống mây tre đan Thù Lâm đã được UBND tỉnh công nhận năm 2009) hoặc xoay sang làm các công việc thời vụ để tăng thu nhập. Các nghề tiểu thủ công nghiệp, nhất là mộc mỹ nghệ và cơ khí đang phát triển khá mạnh (cả làng hiện có trên 30 xưởng mộc quy mô, tạo việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động). Số gia đình có mức sống từ khá trở lên hiện chiếm phần lớn trên tổng số 530 hộ dân trong làng…

 

Những ngày cuối năm, tại đình làng Thù Lâm, một nhóm người cao tuổi đang họp bàn việc tổng kết hoạt động Chi hội và phương án tổ chức Lễ hội Xuân Ất Mùi 2015. Vấn đề các cụ quan tâm nhất là việc duy trì, phát huy những giá trị truyền thống, sống gương mẫu và truyền dạy để lớp trẻ biết tự hào và kế tục truyền thống đó, xây dựng đời sống ấm no, văn minh. Ngoài sân Đình, một nhóm người cao tuổi khác đang tập dưỡng sinh, tập hát dân ca và những bài hát ca ngợi quê hương đất nước. Chia tay chúng tôi, “bô lão” Hoàng Côn nhắn nhủ: Mùng 6 tháng Giêng mời các anh về dự hội làng để chứng kiến những nét truyền thống, đặc sắc trong văn hóa lễ hội của Thù Lâm. Hội làng lần này có thể sẽ lớn hơn trước vì đời sống kinh tế của bà con đã khấm khá hơn nhiều.

 

Trần Quyền
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: