Người chụp và lưu giữ những bức ảnh vượt thời gian

Cập nhật: Thứ sáu 23/09/2022 - 10:00
 Đại tá, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng trao bộ ảnh chân dung Mẹ Việt Nam tặng đại diện Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3. (Ảnh do NSNA Trần Hồng cung cấp)
Đại tá, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng trao bộ ảnh chân dung Mẹ Việt Nam tặng đại diện Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3. (Ảnh do NSNA Trần Hồng cung cấp)

Nhiều năm qua, có một căn phòng nhỏ giữa phố cổ Hà Nội được coi như “trung tâm” trưng bày kiêm lưu trữ hình ảnh và tư liệu quý giá trong suốt sự nghiệp của Đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng. Một phần không nhỏ của gia tài đó đã và đang được tác giả trao tặng cho các tổ chức, các địa phương để tiếp tục phát huy giá trị và gìn giữ cho các thế hệ mai sau.

Ở tuổi 76, Đại tá Trần Hồng vẫn tràn trề nhiệt huyết, minh mẫn, hóm hỉnh và vẹn nguyên niềm đam mê với nghệ thuật nhiếp ảnh. Ông sở hữu khoảng 1.800 bức chân dung ấn tượng về các bà mẹ Việt Nam ở khắp vùng, miền đất nước, 2.000 tấm ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cùng hàng nghìn ảnh tư liệu đặc biệt về những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đó là một kho tàng mà bất kỳ người làm báo hay nhiếp ảnh nào cũng phải ngưỡng mộ. Tuy nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng vẫn luôn chỉ nhận là “mình chụp trung bình thôi”, nhưng những ai có dịp ngắm nhìn những bức ảnh của ông đều hiểu được không hề dễ dàng để theo đuổi, chứng kiến và nắm bắt được những khoảnh khắc vô cùng đặc biệt và có một không hai như vậy. Dễ thấy ảnh chân dung chiếm vị trí quan trọng trong “bộ sưu tập” của Trần Hồng, và chính ông cũng khẳng định rất yêu thích, tâm đắc với thể loại này.

Mới đây, ông đã trao hai bộ ảnh “Mẹ Việt Nam” (100 bức ảnh) và “Đại tướng Võ Nguyên Giáp” (111 bức ảnh) tặng Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3 (Bộ Nội vụ). Tại đây, với trang thiết bị hiện đại hàng đầu khu vực Đông Nam Á, những tấm hình ghi lại bao khuôn mặt của thời đại, của đất nước và con người Việt Nam sẽ trở thành di sản được bảo quản và trao truyền qua nhiều thế hệ, phục vụ tích cực cho quá trình nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử, chính trị, văn hóa của dân tộc. Trước đó, ông cũng đã nhiều lần tặng ảnh cho các đơn vị như Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, tỉnh Quảng Bình (quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp), Trường đại học Đồng Tháp...

Chia sẻ về hai đề tài lớn xuyên suốt cuộc đời mình, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng cho biết: “Chụp ảnh những người mẹ Việt Nam và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với tôi vừa là cơ duyên, vừa là niềm đam mê. Cho đến nay, cả hai khối tư liệu này đều đã được trao cho những nơi có thể phát huy tốt nhất giá trị của chúng”. Là một phóng viên ảnh và cũng là một người lính, Trần Hồng có dịp đi đến nhiều vùng, miền đất nước, tác nghiệp tại nhiều sự kiện quan trọng và gặp nhiều nhân vật đặc biệt.

Ông chọn chụp ảnh những bà mẹ Việt Nam với tâm thế và tình cảm của một người thân trong gia đình, của một đồng đội với những người lính là con của các mẹ, chứ không chỉ là một tay máy đến để ghi lại hình ảnh. Trong số chân dung người mẹ của nhiếp ảnh gia Trần Hồng, không thể không nhắc đến tác phẩm “Đợi con” chụp Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ (Quảng Nam) ngồi lặng lẽ trước mâm cơm gồm chín bộ chén đũa...

Gia đình mẹ Thứ có 12 liệt sĩ, mẹ Thứ là mẹ đẻ của chín người con trai đã dâng hiến tuổi xuân và sinh mạng mình cho sự nghiệp giành độc lập, tự do của Tổ quốc. Bức ảnh đã nhiều lần được trưng bày tại các triển lãm, lan tỏa qua các kênh truyền thông, mạng xã hội, thu hút hàng triệu lượt xem nhất là trong các dịp lễ kỷ niệm lớn của đất nước. Hay như bức ảnh chụp mẹ Khánh (Kiên Giang) có bảy con trai ra trận mà không ai trở về...

Họ là nhân chứng của nỗi đớn đau, mất mát khủng khiếp mà chiến tranh gây ra, nhưng cũng là biểu tượng cho sự anh dũng, kiên trung, quật cường của lớp người đi trước. Bên cạnh hình tượng mẹ liệt sĩ, nhiếp ảnh gia Trần Hồng cũng chụp nhiều ảnh về những phụ nữ đời thường hay những gương mặt tiêu biểu trên nhiều lĩnh vực. Mỗi tấm chân dung lại chứa đựng một câu chuyện khó diễn tả hết bằng lời, dù chụp một người mẹ doanh nhân tài giỏi hay người mẹ bình thường, một vị giáo sư uyên bác hay một người phụ nữ nhân hậu đỡ đầu các hoàn cảnh khó khăn... Người mẹ, người phụ nữ Việt Nam trong ảnh không hoa mỹ, hoàn hảo, mà mang vẻ đẹp của sự nhân văn.

Bộ ảnh 111 bức về Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà nghệ sĩ vừa trao tặng Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3 là những tác phẩm chụp trong khoảng thời gian từ năm 1986 đến năm 2013, được ông và các chuyên gia của Trung tâm tuyển chọn, sắp xếp kỹ lưỡng, gắn với những dấu mốc quan trọng và câu chuyện đời thường, làm nổi bật nhân cách cao đẹp của người “Anh Cả” Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tiêu biểu trong số này là bức ảnh “Nhớ Bác” - chụp Đại tướng bên cạnh bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh; ảnh Tổng thống nước Cộng hòa Venezuela Hugo Chávez thăm và tặng Đại tướng phiên bản thanh bảo kiếm quý hiếm; ảnh Đại tướng trở lại di tích hầm chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ vào năm 2004 với hình ảnh Đại tướng nhớ lại và vạch đường tiến quân của các Sư đoàn; hay bức ảnh Đại tướng đang ngồi thiền tại nhà riêng vào năm 1994...

Bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3 đã có những chia sẻ đầy xúc động tại buổi lễ tiếp nhận: “Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng đã gửi lại cho chúng tôi những tác phẩm vô cùng quý giá trong số hàng nghìn bức ảnh của mình, để trao tặng cho Trung tâm vào đúng dịp kỷ niệm sinh nhật Đại tướng (25/8). Với điều kiện kho tàng, trang thiết bị hiện đại, bảo đảm tiêu chuẩn khoa học kỹ thuật, khối tài liệu ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Đại tá Trần Hồng trao tặng sẽ được bảo quản an toàn và phát huy giá trị một cách hiệu quả”.

Khi được hỏi về những dự định sắp tới, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng cho biết, ông luôn có rất nhiều ý tưởng, rất nhiều sự kết nối, và sẽ thực hiện dần cho đến khi nào không thể làm được nữa... Ông tiết lộ trong tháng 12 tới sẽ tổ chức triển lãm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Đại sứ quán Venezuela tại Việt Nam (theo lời mời của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền), triển lãm ảnh Mẹ Việt Nam tại một trường đại học ở vùng đồng bằng sông Cửu Long...

Đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng sinh tại Hà Tĩnh. Ông tốt nghiệp khóa 1 (1969-1973) chuyên ngành Nhiếp ảnh, Trường Tuyên huấn Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền) và trở thành phóng viên ảnh Báo Quân đội nhân dân. Ông là hội viên Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật Quốc tế (FIAP), Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội. Sau nửa thế kỷ cầm máy, nhà báo, chiến sĩ Trần Hồng đã tổ chức 13 cuộc triển lãm cá nhân, trong đó có một triển lãm quốc tế tại Ba Lan (năm 2018), giành được hơn 20 giải thưởng trong nước và nước ngoài.

Theo NDĐT
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: