Người nắm giữ hồn cốt dân tộc Dao
Ông Bản Văn Thanh (đứng bên phải ảnh) hướng dẫn gia đình người dân tộc Dao chuẩn bị nghi lễ lập bàn thờ cúng tổ tiên. |
Tường tận nhiều nghi lễ, nghi thức tín ngưỡng của cha ông để lại, ông Bàn Văn Thanh ở xóm Tân Lập, xã Phú Xuyên (Đại Từ) được bà con ví như người nắm giữ hồn cốt của người dân tộc Dao. Những kiến thức quý giá không chỉ được ông Thanh dùng để phục vụ đời sống văn hóa của bà con mà còn được khai thác để bảo tồn qua các chương trình của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Nặng lòng với văn hóa Dao
Chúng tôi gặp ông Bàn Văn Thanh khi ông đang chuẩn bị làm lễ dựng bàn thờ cho gia đình bà Dương Thị Bình ở xã Hoàng Nông (Đại Từ). Ở tuổi 80, ông Thanh vẫn còn giữ được dáng đi thẳng, nước da hồng hào. Cẩn thận sắp xếp đồ thờ, sách cúng, lau bàn thờ, ông giải thích: Đây là nghi lễ quan trọng của người Dao Quần chẹt chúng tôi. Bà Bình được gia đình thống nhất chọn là thủ nhang của dòng họ, lo việc thờ cúng tổ tiên, ông bà. Vì vậy, lễ cúng không chỉ đơn thuần dựng một bàn thờ trang nghiêm mà còn gồm cả việc xin phép để từ nay, bà thay mặt dòng họ hương khói cho ông bà, tiên tổ. Việc xin phép này được đặc biệt chú trọng, thể hiện qua những nghi lễ đặc sắc, nhân văn, hướng con người nhớ đến nguồn cội, làm điều thiện, xua đuổi cái ác...
Với vai trò là chủ nhân của buổi Lễ, bà Nguyễn Thị Bình chia sẻ: Người dân tộc Dao Quần chẹt chúng tôi rất coi trọng các nghi lễ, nghi thức tín ngưỡng của dân tộc. Lâu nay, đông đảo người dân tộc Dao sống bên sườn Đông Tam Đảo và khu vực lân cận như gia đình tôi đều đã tín nhiệm bác Thanh cho những phần việc hệ trọng này.
Sinh ra trong gia đình có bố là thầy cúng, thông thạo chữ Nôm Dao nên từ nhỏ, ông Thanh đã sớm được bố dạy chữ và được làm quen với những nghi lễ, tập quán của người Dao Quần chẹt qua những quyển sách cổ và những buổi cùng bố đi lễ cúng. Từ năm 30 tuổi, ông được làm Lễ Cấp sắc. Từ đó, ông thường xuyên giúp các thầy và tự mình thực hành các nghi lễ của người Dao. Với những kiến thức văn hóa tích lũy qua nhiều năm, ông Thanh được đánh giá là một trong những người hiếm hoi còn nắm giữ đầy đủ các nghi lễ quan trọng được xem là di sản văn hóa phi vật thể của người Dao Quần chẹt như: Nghi lễ Cấp sắc (Quá tăng); Nghi lễ Tết nhảy (Nhẳng chầm đao); nghi lễ trình nhà mới (Liệp miền tìa rạn pùa dạy)… cùng các nghi lễ khác trong sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của người Dao trong cộng đồng.
Ông cũng là người biết rõ về chữ Nôm Dao cùng các phong tục tập quán khác của người Dao Quần chẹt. Vì vậy, ông thường xuyên được mời tham gia với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của người Dao. Đặc biệt, những năm gần đây, ông Thanh dành nhiều thời gian phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, cung cấp nhiều tài liệu, sách và các nghi thức trong việc tổ chức các nghi lễ của người Dao Quần chẹt, tham gia xây dựng hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể về các nghi lễ: Cấp sắc và Tết nhảy của người Dao.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đại Từ cho biết: Với sự giúp đỡ của ông Thanh, đến nay Lễ Cấp sắc và Tết nhảy đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, đây là niềm tự hào của người Dao nói chung cũng như người Dao Quần chẹt nói riêng trên địa bàn. Ông Thanh còn tham gia vào việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng người Dao bằng việc truyền dạy chữ Nôm Dao, hướng dẫn thực hành bài bản các nghi thức, nghi lễ cho 85 học trò.
Tài sản "vô giá" và nỗi niềm người "giữ lửa"
Dù đã gần ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm” và thường xuyên thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng cho đồng bào người Dao, nhưng khi có thời gian rảnh rỗi là ông Thanh chuyên tâm viết và sưu tầm những cuốn sách về phong tục, tập quán của dân tộc mình. Sau 40 năm khổ công, ông đã có một tài sản "vô giá" không chỉ với ông mà còn với cả đồng bào dân tộc Dao, đó là gần 30 cuốn sách về phong tục, tập quán, nét văn hóa đặc sắc của người Dao Quần chẹt.
Ông Thanh hướng dẫn bà con người dân tộc Dao xã Phú Xuyên (Đại Từ) tra cứu gia phả chữ Nôm Dao.
Lấy cho chúng tôi xem những quyển sách được viết trên giấy bản, đã ố vàng vì thời gian, ông cho biết: “Đây là những quyển sách về phong tục, văn hóa của người Dao cổ do bố tôi truyền lại trước kia, nhưng chúng chưa đầy đủ. Giờ tôi đang viết lại vì sợ sách bị hỏng không đọc được. Tôi cũng bổ sung và viết những cuốn mới về những phong tục, tập quán, lời thơ, câu hát tôi sưu tầm được sau này. Tôi bắt đầu viết sách, hệ thống lại những hiểu biết của mình với mong muốn giữ lại những nét văn hóa của người Dao cho con cháu mai sau...”. Bởi thế, những cuốn sách của ông về Lễ Cấp sắc, Tết nhảy, và những nghi lễ trong cưới hỏi, đám tang, cầu tài, cứ dầy lên theo năm tháng.
Nhìn những cuốn sách viết trên giấy bản xếp chồng lên nhau, chúng tôi thật sự cảm phục nhưng cũng ái ngại vì chúng đều được viết bằng chữ Nôm Dao. Thứ ngôn ngữ mà hiện nay rất ít con em đồng bào Dao biết đọc, biết viết. Đây cũng là niềm trăn trở của ông Thanh: Trong sách là cả một kho tàng về văn hóa, phong tục, lễ nghi của dân tộc, nhưng người trẻ không “thấm” được vì không biết chữ viết, nhiều thanh niên chẳng nói nổi một câu tiếng Dao. Tôi chỉ mong trước khi về với tổ tiên, tôi được các cấp chính quyền giúp đỡ tổ chức lớp học truyền dạy chữ, tiếng nói của dân tộc cho nhiều người trẻ. Hoặc được nhìn thấy những cuốn sách này được biên tập và dịch ra tiếng Việt để gìn giữ cho đời sau.
Với vai trò là một người uy tín trong cộng đồng, giờ đây, ông Thanh vẫn miệt mài vận động con cháu, cộng đồng người Dao nói, viết chữ Nôm Dao, sử dụng trang phục truyền thống; tiếp tục dành thời gian viết sách bằng chữ Nôm Dao, hỗ trợ các dòng họ xây dựng gia phả bằng chữ Nôm Dao với mục đích lưu truyền cho thế hệ sau những tài liệu quý giá về văn hóa của đồng bào dân tộc mình.