Nhớ thương một thời sách cũ

Cập nhật: Chủ nhật 13/09/2020 - 10:29
 Minh họa: Thanh Hạnh
Minh họa: Thanh Hạnh

Tháng 9 về, trời thu xanh thăm thẳm. Lũ trẻ lại háo hức bước vào năm học mới đầy hứng khởi. Bao quyển sách vẫn còn thơm mùi giấy được xếp ngay ngắn trên giá sách. Giờ, ở thị thành và nhiều vùng nông thôn, trẻ em không còn thiếu sách như chúng tôi ngày xưa nữa. Ngày ấy, mỗi khi năm học mới về, bố mẹ tôi lại lo lắng không thôi. Đàn con 4 đứa trứng gà, trứng vịt đang tuổi ăn, tuổi học, chỉ riêng vở thôi cũng đã tốn kém hơn những gia đình có ít con. Còn sách giáo khoa, chẳng năm nào bố mẹ đủ tiền mua cả bộ sách cho từng đứa. Vì thế, một năm học qua đi, chị gái tôi lại xếp ngay ngắn những quyển sách cũ trên bàn để cho đứa kế tiếp còn học.

Bởi cái nghèo đeo đẳng nên chúng tôi gìn giữ sách giáo khoa cẩn thận lắm. Luôn có ý thức rằng đứa trước học xong để lại cho đứa sau nên mỗi khi học bài, chị em tôi nâng niu từng trang giấy để chúng không bị rách, bong bìa, hỏng “gáy”. Dù vậy, phải qua tay bốn “đời” học sinh nên khi đến lượt em út thì sách đã cũ mèm.

Tôi còn nhớ hồi chị thứ hai học lớp 8, trên đường đi học về, khi men qua bờ ruộng trơn trượt, bị ngã, ướt hết cả quần áo, sách vở, chị ngồi ôm sách khóc nức nở vì lo không còn sách cho tôi đi học. Không quan tâm tới bộ quần áo lấm đầy bùn đất, chị ôm chiếc túi vải đựng sách, vở chạy thật nhanh về nhà, đổ chúng ra nền nhà để hong cho khô. Chị bảo: Nhà mình nghèo, bố mẹ đi làm vất vả lắm mới kiếm được chút tiền cho chúng ta ăn học, vì vậy, mỗi đứa đều phải có ý thức bảo quản thật tốt những quyển sách giáo khoa của mình.

Năm nào cũng vậy, đi qua những ngày hè oi ả, vào thời điểm ngày khai trường cận kề, “công cuộc” chuẩn bị “áo” mới cho những cuốn sách của chúng tôi lại tất bật. Mấy chị em sẽ chia nhau chạy đôn, chạy đáo đi các nhà trong xóm (hầu hết là các bác cán bộ hưu trí, con đã lớn, thường đọc báo hoặc những gia đình vừa mới xây nhà xong) để xin báo cũ, vỏ bao xi măng về bọc sách. Dưới đôi bàn tay khéo léo của chị cả và chị thứ hai, những quyển sách cũ sau khi được bọc bìa gọn gàng đã trở nên bắt mắt hơn rất nhiều.

Cả một chồng sách giáo khoa chất cao như “núi”, màu giấy bọc bìa “chủ đạo” là ghi và nâu xám. Dù vậy, đứa nào cũng rất thích những quyền sách giáo khoa vừa được “tân trang” ấy. Bọc xong sách là đến công đoạn làm nhãn, thường thì chúng tôi dùng những tờ giấy trắng, cắt những mảnh nhỏ tương đương chiếc nhãn vở bây giờ, trang trí viền rồi dán lên sách. Chữ chị cả đẹp nhất nên chị là người viết họ tên, môn học, niên khóa…trên nhãn vở cho chúng tôi. Nhãn vở là “ký hiệu” để đánh dấu chủ sở hữu những quyển sách phòng khi có bạn trong lớp cầm nhầm. Chiếc nhãn vở tự làm giản dị nhưng đã rèn luyện cho lũ trẻ nghèo chúng tôi sự kiên nhẫn, ngăn nắp và ý thức bảo vệ đồ dùng học tập của mình. Khi những chồng sách đã được bọc, dán nhãn cẩn thận, mấy chị em chúng tôi lại phân loại theo từng lớp học của mỗi đứa. Những cuốn sách quan trọng như Toán học, Ngữ văn, Hóa học, Vật lý được ưu tiên có trong chồng sách của chúng tôi. Nếu thiếu, dù khó khăn đến mấy bố mẹ cũng dành dụm, chắt chiu mua cho chúng tôi bằng được. Còn những cuốn sách như Kỹ thuật (nay là môn Công nghệ); Đạo đức (nay là môn Giáo dục công dân)… chúng tôi thường mượn của những bạn gia đình có điều kiện kinh tế khá hơn về học.

Lại nhớ đến chuyện mượn sách, cho đến giờ, tôi vẫn thầm cảm ơn cô bạn thuở hàn vi của mình. Tôi và Hương học chung với nhau từ lớp 1 đến tận lớp 9. Gia đình Hương kinh doanh lâu đời nên bạn ấy được sống cuộc sống dư giả chứ không khó khăn như mấy chị em chúng tôi. Mỗi năm, Hương đều được mua một bộ sách giáo khoa mới. Vì vậy, tôi thường mượn sách của Hương về học những môn “phụ”. Năm lớp 6, chưa hết học kỳ I, quyển sách giáo khoa môn Ngữ văn của tôi bị thất lạc. Tìm mãi không thấy sách, tôi khóc sưng cả mắt, Hương an ủi rồi đưa quyển sách Ngữ văn của bạn ấy cho tôi mượn rồi thì thầm: - Bạn cứ mang sách về học trước đi, mai tớ sẽ sang lấy sách về học sau. Ngày kia lớp mình mới lại có môn Ngữ văn nên bạn không cần lo cho tớ đâu.

Cầm sách về học nhưng trong lòng tôi vẫn ngổn ngang nỗi lo, đâu có thể mượn sách của bạn học mãi được. Những môn khác, tuần chỉ học 1 hoặc 2 tiết là cùng nên còn có thể mượn, chứ Ngữ văn là môn chính, tuần 4 đến 5 tiết, sau này tôi biết phải làm sao. Bố mẹ mà biết tôi làm mất sách thì chỉ có ăn no đòn… Mải nghĩ, khi quay lại, tôi thấy Hương đứng sau lưng mình từ lúc nào. Bạn ý cười thật tươi rồi nói: - Lại lo không có sách học chứ gì. Đây, tặng cậu quyển sách mới này. Chiều tớ đã xin bố tiền đi mua sách cho cậu đấy. Khổ, sách giáo khoa hiếm lắm, tìm mãi mới mua được đấy. Bố tớ dặn, bạn phải thật chăm học để sau này đỗ đạt, học hành nên người, trở thành người có ích cho xã hội nhé.

Hôm ấy, cầm quyển sách mới mà lòng tôi rưng rưng. Tôi cảm thấy mình thật may mắn khi gặp được những người bạn như hương. Thời khốn khó ấy, được tặng một quyển sách thôi nhưng cũng cảm thấy như cả một “kho báu” vậy.

Sau này, gia cảnh của chúng tôi cũng đã vợi bớt khó khăn theo tháng năm. Khi chị cả tôi tốt nghiệp Trường Sư phạm 10 + 3 rồi đi làm, bố mẹ giảm một phần gánh nặng. Hai năm sau, chị thứ hai của tôi cũng tốt nghiệp trung cấp tài chính và trở thành cán bộ. Vì thế, hai đứa sau này không còn lo thiếu sách khi năm học mới về nữa, chúng tôi còn được bố mẹ và các chị tạo điều kiện cho học lên tận đại học.

Mấy chục năm đã trôi qua nhưng kỷ niệm về những quyển sách cũ thì vẫn còn lưu lại mãi trong chúng tôi. Cách đây một tuần, tôi về giúp bố mẹ dọn nhà. Trong ngăn tủ gỗ đã ố màu thời gian, bố mẹ vẫn lưu giữ vài quyển sách cũ được bọc bằng tấm giấy của bao xi măng. Nheo nheo đôi mắt đã mờ đục, ông nói với tôi:- Bố muốn lưu giữ lại kỷ niệm của những ngày còn gian khó. Những cuốn sách cũ này đã mang tri thức đến cho các con, giúp các con trưởng thành. Sống mũi cay cay, tôi nhìn bố rồi lại nhớ đến chiếc giá sách rất nhiều ngăn, được đóng bằng thứ gỗ chắc chắn, bóng lộn của hai cậu con trai ở nhà. Trên giá sách toàn là sách mới, những quyển sách cũ, tôi đã sắp xếp ngăn nắp để mang tặng lũ trẻ vùng cao còn nhiều khó khăn ở bản Mông, bản Dao ở Đồng Hỷ, Võ Nhai... Lũ trẻ em hôm nay không còn thiếu sách như chúng tôi ngày xưa, con đường đến với tri thức của bọ nhỏ vì thế cũng thuận lợi hơn. Mong rằng, chúng sẽ biết nắm giữ thật nhiều tri thức để thực hiện được ước mơ của mình.

Huệ Dinh
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: