Nỗ lực quảng bá văn hóa Việt ra thế giới
Triển lãm “Present from the Past” (Hiện tại từ Quá khứ) tại Sydney (Australia) đã thu hút sự chú ý của người dân bản địa và du khách quốc tế. |
“Dệt nên triều đại” - cuốn sách song ngữ đầu tiên khái quát về cổ phục Việt thời Lê Sơ vừa được ra mắt tại Australia. Đây là sản phẩm công phu trong chuỗi các dự án, từ các buổi biểu diễn đến xuất bản ấn phẩm của tổ chức hoạt động độc lập, phi chính phủ Vietnam Centre (VNC) với những nỗ lực quảng bá văn hóa Việt ra thế giới.
Khát khao hướng về cội nguồn
VNC có trụ sở tại Sydney (Australia), Hà Nội và mới đây là tại Mỹ do 3 người Việt trẻ sống tại Australia là Nguyễn Ngọc Phương Đông, Nguyễn Anh Vũ và Lê Ngọc Linh sáng lập vào tháng 3-2017. Theo các thành viên của VNC, Việt Nam vốn sở hữu nền văn hóa giàu bản sắc và bề dày lịch sử không thua kém bất cứ cường quốc văn hóa nào trên thế giới và đây là thế mạnh trong quảng bá hình ảnh đất nước. Tuy nhiên, những thế mạnh này vẫn chưa được khai thác một cách xứng đáng để có thể đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, giáo dục cũng như nâng cao hình ảnh đất nước.
Chia sẻ về ý tưởng thành lập trung tâm, thành viên Lê Ngọc Linh cho biết: “Khi còn ở Việt Nam, tôi không ý thức được rằng văn hóa bản địa rất quan trọng. Nhưng khi ra nước ngoài, tôi cảm nhận rất rõ khát khao hướng về cội nguồn. Chứng kiến cộng đồng người Hàn Quốc, Trung Quốc... có những lễ hội, sự kiện văn hóa ý nghĩa, chúng tôi nảy ra ý tưởng truyền cảm hứng rộng hơn về văn hóa, lịch sử Việt Nam”.
Để người nước ngoài và kiều bào biết đến Việt Nam là một mảnh đất giàu văn hóa và cởi mở ở châu Á, không chỉ là một đất nước từng trải qua chiến tranh, nhiệm vụ của trung tâm là kết hợp nguồn lực của các nhà nghiên cứu, các tác giả, nghệ sĩ trong nước với các đầu mối ở nước ngoài để quảng bá văn hóa và con người Việt Nam ra thế giới.
Bên cạnh tổ chức triển lãm, trình diễn, tọa đàm, chiếu phim, hòa nhạc, giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa, VNC sẽ duy trì tương tác thường xuyên với công chúng qua mạng xã hội với những nội dung thu hút. Ban đầu, VNC hoạt động bằng kinh phí do các thành viên đóng góp cùng sự giúp sức của các tình nguyện viên. Sau khi dự án ra mắt, một số doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã quan tâm, hỗ trợ VNC nhiều hơn nhưng kinh phí vẫn còn hạn hẹp. Dẫu vậy, đây là nguồn động viên lớn để nhóm tiếp tục thúc đẩy công việc của mình.
Mang văn hóa Việt ra thế giới
“Dệt nên triều đại” lúc đầu là một dự án trình diễn do các thành viên VNC tổ chức thực hiện và đã thành công tại Sydney (Australia) vào năm 2018. Dự án tái hiện nghi lễ, trang phục cung đình của Đại Việt thời đầu Lê Sơ (1437-1471) dưới hình thức một buổi trình diễn kéo dài hai tiếng. Sự kết hợp giữa âm nhạc dân tộc cùng trang phục và lễ nghi cung đình Việt Nam đã thu hút rất nhiều khán giả nước ngoài.
Tiếp nối thành công này, năm 2019, VNC tổ chức buổi triển lãm “Present from the Past” (Hiện tại từ Quá khứ) tại thành phố cảng Sydney. Đến xem triển lãm, bà con Việt kiều, du học sinh Việt Nam, người dân Australia và khách quốc tế đều thích thú khi được đắm mình trong không gian văn hóa xưa của triều đại nhà Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.
Triển lãm đã tái hiện những cổ vật, cổ phục và tác phẩm hội họa tạo dựng bởi những bàn tay tài hoa của các nghệ sĩ trẻ đương đại ở trong nước. Sự kiện này đã để lại dấu ấn trong lòng công chúng Australia cũng như những người Việt sống xa quê khi mang đến đời sống mới cho văn hóa truyền thống, khiến người xem vừa cảm nhận được sự thân thuộc, vừa có cảm giác mới lạ, đầy hấp dẫn.
Những thành công ban đầu từ các sự kiện trên đã thôi thúc VNC quyết định xuất bản một cuốn sách về trang phục của triều đình Lê Sơ. Sau 2 năm nghiên cứu, soạn thảo và hiệu chỉnh, cuối tháng 5 vừa qua, cuốn sách “Dệt nên triều đại” đã hoàn thành, ra mắt độc giả tại Việt Nam và Australia với phiên bản song ngữ Việt - Anh. Khi xuất bản cuốn sách này, VNC hy vọng tác phẩm sẽ được đón nhận không chỉ bởi những người con Việt Nam, mà cả những người nước ngoài yêu thích và mong muốn tìm hiểu về lịch sử Việt Nam thông qua nét đẹp văn hóa, trang phục cổ của người Việt xưa.
Với khát khao mang văn hóa Việt Nam ra thế giới, các thành viên của VNC đều mong muốn những buổi trình diễn, giới thiệu văn hóa Việt Nam sắp tới sẽ không chỉ dừng lại ở Sydney, mà còn tại nhiều thành phố khác ở Australia. “Chúng tôi sẽ tận dụng mọi cơ hội để quảng bá văn hóa Việt Nam ở bất cứ nơi nào chúng tôi đặt chân đến”, Lê Ngọc Linh - người sáng lập VNC chia sẻ.
Trước những hoạt động ý nghĩa của VNC, bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên minh châu Âu đánh giá: “Đây là nỗ lực rất đáng trân trọng vì hiếm khi các bạn trẻ chủ động muốn kết nối lịch sử, truyền thống với cuộc sống hiện tại bằng ngôn ngữ, cách làm của giới trẻ. Cầu nối đó là cần thiết, bởi nếu thế hệ đi trước thực hiện thì có thể ngôn ngữ không phù hợp, không tạo được hiệu quả cần thiết. Nhưng khi do chính người trẻ nghĩ ra, thực hiện một cách đầy sáng tạo thì sẽ khiến sự tiếp nhận dễ dàng hơn”.