Tham quan bảo tàng trực tuyến... tại nhà

Cập nhật: Thứ ba 02/06/2020 - 15:42

Đa dạng cách thức giới thiệu sưu tập hiện vật trực tuyến trên kênh YouTube, trên trang web và trang mạng xã hội... hệ thống bảo tàng Việt Nam đang chủ động tiếp cận công nghệ số để rút ngắn khoảng cách giữa bảo tàng và khách tham quan, mang những bộ sưu tập hoặc câu chuyện hiện vật đến người xem thông qua hình thức trực tuyến.

Ra mắt trong giai đoạn dịch bệnh và giãn cách xã hội, kênh YouTube của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã kết nối bảo tàng với người xem bằng những câu chuyện hiện vật hay những sản phẩm văn hóa thú vị. Câu chuyện hiện vật “Hũ gạo tiết kiệm” được đăng tải trên kênh YouTube với thuyết minh tiếng Việt và phụ đề tiếng Anh mang đến cho người xem câu chuyện của tình đoàn kết dân tộc, sự đồng lòng chiến thắng giặc đói. Hiện được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, hũ gạo của bà Trần Thị Sự (Tuyên Quang) hay bà Trương Thị Quế, Việt kiều Thái Lan... dùng đựng số gạo tiết kiệm hằng ngày của gia đình trong những năm 1945, 1952. Mỗi ngày nấu cơm, các bà, các chị đã bớt lại một nắm gạo cho vào hũ, trung bình mỗi tháng tiết kiệm được 2,5 đến 6 kg gạo đóng góp vào quỹ cứu quốc cứu giúp đồng bào.

Chiếc hũ là vật dụng quen thuộc trong đời sống của người Việt Nam, chứa đựng trong mỗi chiếc hũ được lưu giữ tại bảo tàng là những câu chuyện về sự chia sẻ, đồng lòng vượt qua khó khăn của dân tộc qua các giai đoạn lịch sử. Ý tưởng và nội dung của câu chuyện được các cán bộ của bảo tàng xây dựng, biên tập, thực hiện và giới thiệu, đưa người xem tương tác với hiện vật thông qua kênh YouTube ngay tại nhà. Toàn bộ hình ảnh, thông tin, kích thước, thời gian diễn ra câu chuyện của bộ sưu tập “Hũ gạo tiết kiệm” được giới thiệu đầy đủ, hấp dẫn giúp công chúng hình dung được giai đoạn lịch sử đầy khó khăn của dân tộc. Không những thế, các bộ sưu tập hiện vật, các tác phẩm nghệ thuật đang tiếp tục được cán bộ bảo tàng đẩy mạnh việc số hóa hình ảnh kèm lời giải thích để thuận tiện giới thiệu đến du khách.

Phần lớn các bảo tàng như Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia... hiện nay đều đã xây dựng cổng thông tin trực tuyến, sử dụng trang Facebook, trang Instagram giới thiệu và chia sẻ các hoạt động thường xuyên, qua đó, công chúng có thể tìm hiểu nội dung trưng bày của bảo tàng cũng như xem những bộ sưu tập quý hiếm thông qua trưng bày chuyên đề, trưng bày thường xuyên, trưng bày trực tuyến. Với bảo tàng ảo tương tác 3D, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia giới thiệu các không gian trưng bày các thời kỳ văn hóa của dân tộc, các giai đoạn lịch sử cũng như các triều đại trong lịch sử... đến công chúng. Những hình ảnh đồ họa 3D sắc nét, lời thuyết minh rõ ràng và thông tin tra cứu đầy đủ, hỗ trợ tích cực cho bảo tàng thật trong tương tác với khách tham quan. Đây cũng là cách lưu giữ và bảo quản hiện vật, đồng thời phục vụ công chúng chưa có điều kiện đến tham quan trực tiếp.

Lựa chọn chủ đề “Bảo tàng vì sự bình đẳng: Đa dạng và Hòa nhập” nhân Ngày Quốc tế Bảo tàng 18-5 năm nay, Hiệp hội Bảo tàng quốc tế (ICOM) mong muốn tôn vinh sự đa dạng của bảo tàng cùng cán bộ chuyên môn làm việc tại bảo tàng, đồng thời giúp các bảo tàng thúc đẩy sự sáng tạo và phát huy tốt giá trị các sưu tập hiện vật thông qua khai thác thế mạnh của phương tiện truyền thông xã hội. Có thể thấy, trong giai đoạn giãn cách xã hội do dịch COVID-19, việc các bảo tàng tích cực đổi mới, chủ động ứng dụng công nghệ trong trưng bày, chia sẻ những câu chuyện về nhân vật, hiện vật nhằm tăng tính tương tác và phục vụ công chúng trong nước và quốc tế là cần thiết. Đây cũng là xu hướng hoạt động góp phần tạo sự thân thiện giữa bảo tàng và khách tham quan, xóa bỏ rào cản về thời gian, không gian giữa bảo tàng và khách tham quan... mà ICOM hướng tới.


Theo NDĐT
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: