Tiếp lửa truyền thống từ những "địa chỉ đỏ"
Mỗi năm Khu di tích Lịch sử - Sinh thái ATK Định Hóa thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách. |
Trải qua hơn 7 thập kỷ với biết bao thăng trầm, nhưng những dấu son chói lọi trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc vẫn vẹn nguyên giá trị. Với những người trẻ, họ luôn khao khát được tìm hiểu về quá khứ hào hùng của dân tộc, lần theo những dấu chân cha ông đi trước. Với khát khao đó, những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi tìm đến một số di tích lịch sử cách mạng, để tri ân và cảm nhận sâu sắc hơn sự hy sinh của các thế hệ ông cha để giành độc lập cho dân tộc, cho thế hệ mai sau.
Giữa mênh mang nắng, gió trời Thu, chúng tôi ngược lên ATK Định Hóa - căn cứ địa cách mạng thời kháng chiến chống thực dân Pháp. ATK Định Hoá nằm ở trung tâm căn cứ địa Việt Bắc. Đây là vùng rừng núi điệp trùng, hiểm trở và kín đáo, có lợi thế “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” để xây dựng các cơ quan chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; có đầy đủ yếu tố địa lợi, nhân hoà và đã trở thành địa bàn hoạt động an toàn của các cơ quan đầu não kháng chiến. Đảng, Nhà nước ta khẳng định: “Cùng với Pác Bó, Tân Trào, ATK Định Hóa thuộc quần thể di tích Chiến khu Việt Bắc quan trọng bậc nhất của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX. Một vùng Thủ đô kháng chiến có giá trị trên nhiều mặt”.
Những cái tên ghi dấu một thời hào hùng của dân tộc, như: Đồi Khau Tý (Điềm Mặc), lán Tỉn Keo (Phú Đình) - nơi Bác Hồ ở và làm việc; lán Bảo Biên (Định Biên) - nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; đồi Pụ Đồn (Phú Đình) - nơi phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp… được quân và dân Thái Nguyên phục dựng, gìn giữ. Tháng 5-2012, quần thể ATK Định Hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Nơi đầu tiên chúng tôi ghé thăm là Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh đèo De. Nhà tưởng niệm được xây dựng vào đúng dịp kỷ niệm 115 năm Ngày sinh của Bác với các hạng mục: Tứ trụ, Tam quan, Nhà dâng hương tưởng niệm và trưng bày các hình ảnh, tư liệu về danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh trên tổng diện tích 16.000m2.
Đây là công trình mang tầm vóc Quốc gia, là nơi để du khách trong và ngoài nước đến hành hương, thăm viếng và tìm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác. Trong sổ ghi cảm tưởng tại Nhà tưởng niệm, nhiều khách tham quan đến từ các vùng miền khác nhau bày tỏ cảm xúc: Các điểm di tích, hình ảnh, tư liệu, hiện vật quý được trưng bày và giới thiệu tại Đền thờ Bác Hồ như những “nhân chứng sống” giúp chúng tôi cảm nhận sâu sắc hơn nhân cách cao đẹp, tình thương yêu bao la của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những cống hiến, hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh đi trước. Từ đó, mỗi người càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc...
Trên hành trình tìm về lịch sử, chúng tôi đến thăm ngôi trường mang tên Bác - Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, ở xóm Làng Luông, xã Bình Thành (Định Hóa), tiền thân của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc ra đời chính là để huấn luyện, đào tạo cán bộ của Đảng.
Du khách tham quan Nhà giảng đường của Di tích Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc.
Lịch sử ghi lại, từ tháng 2 đến tháng 4-1949, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc mở khóa học đầu tiên với 40 học viên, chủ yếu là cán bộ, đảng viên cốt cán của các cơ quan Trung ương, các tỉnh trong Chiến khu Việt Bắc. Đến tháng 9-1949, khóa II được mở với 175 học viên từ nhiều liên khu kháng chiến. Đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự Lễ khai giảng khóa II và viết vào sổ vàng của trường lời huấn thị: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.
Lời căn dặn của Bác, cũng là bài học đầu tiên Người dành cho thầy, trò Trường Đảng, trở thành kim chỉ nam quý báu cho công tác đào tạo, rèn luyện cán bộ của Đảng ta qua mỗi thời kỳ cách mạng. Đồng chí Bùi Văn Cường, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Bình Thành, chia sẻ: Tự hào sinh ra trên quê hương cách mạng, mỗi người trẻ chúng tôi càng nhận thức rõ ỹ thức, trách nhiệm của mình để nỗ lực vươn lên học tập, rèn luyện xây dựng quê hương...
Từ Định Hóa xuôi về phía Nam, điểm dừng chân cuối cùng chúng tôi trên hành trình tìm kiếm lịch sử là Khu tưởng niệm các liệt sĩ Thanh niên xung phong (TNXP) Đại đội 915, Đội 91, Bắc Thái (ở phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên). Nằm giữa lòng thành phố Thép, Khu tưởng niệm là nơi khắc ghi về một thời quá khứ đau thương mà hào hùng của 60 đội viên TNXP Đại đội 915.
Tại nơi đây, ngày 24/12/1972, hơn 60 cán bộ, đội viên của Đại đội được lệnh tập hợp làm nhiệm vụ bốc dỡ, giải tỏa gần 20.000 tấn lương thực, hàng hóa quốc phòng tại ga Lưu Xá. Khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” hóa thành sức mạnh, mỗi cán bộ, đội viên TNXP ai nấy hăng hái, hăm hở khênh, vác, chẳng ai kịp nghỉ tay. Nhưng chưa kịp ăn bữa cơm chiều thì máy bay địch ập đến, cả khu vực ga Lưu Xá chìm trong mưa bom... Trong căn hầm trú ẩn ở Gia Sàng, 60 TNXP Đại đội 915 và 2 thủ kho lương thực đã mãi mãi ra đi.
Nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng ký ức về sự hy sinh đầy bi tráng của các anh, các chị vẫn không hề phai dấu trong lòng các thế hệ hôm nay. Chị Bùi Thị Thanh Hoàn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS 915 Gia Sàng - ngôi trường mang tên Đại đội 915 anh hùng, xúc động: Nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng sự hy sinh của các anh, các chị vẫn thắp lên ngọn lửa quả cảm, truyền khát vọng sống đẹp cho thế hệ mai sau.
77 năm đã trôi qua, Thái Nguyên đang "thay da, đổi thịt" từng ngày, nhưng những “địa chỉ đỏ” vẫn còn nguyên vẹn giá trị, lưu giữ ký ức hào hùng của một thời hoa lửa, góp phần quan trọng làm nên một thiên anh hùng ca vĩ đại của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX. Qua đó, tiếp tục khơi dậy, lan tỏa tinh thần yêu nước kiên cường, tiếp lửa truyền thống cách mạng, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.