Trợ thủ của văn nghệ quần chúng
Tốp nữ trong trang phục áo dài tứ thân |
Khi đời sống vật chất khấm khá hơn thì đời sống văn hóa, văn nghệ cũng phong phú, đa dạng theo. Trong bối cảnh “người người ca hát, nhà nhà nhảy múa” như hiện nay, các cửa hàng cho thuê trang phục biểu diễn trở thành trợ thủ đắc lực, chắp cánh cho các tiết mục văn nghệ sôi nổi, hấp dẫn hơn.
- Đây nhé, em so cho hai đầu vải chênh nhau khoảng 10cm, buộc một nút này, buộc nút nữa vòng lên, rút mạnh, tõe hai nút được 2 cái nơ…
Tôi đứng yên cho chị Thanh hướng dẫn cách mặc áo dài tứ thân, trang phục truyền thống nghìn năm tuổi của người phụ nữ Việt mà tôi chưa từng mặc. Nguyên tắc mặc tứ thân là váy phải trùm gót chân, vạt yếm trùm cạp váy, thắt lưng giọt ngắn giọt dài, tóc búi cao, mặt không để tóc lòa xòa, khăn vấn ôm chặt đầu. Dưới bàn tay chỉnh trang của chị Thanh, tôi thấy mình duyên dáng, xinh đẹp, mềm mại đồng thời vẫn năng động trong chiếc áo truyền thống.
Cửa hàng cho thuê trang phục biểu diễn Thanh Bình (số 7, đường Thống Nhất, phường Tân Lập, T.P Thái Nguyên) của vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh và anh Trần Yên Bình (nơi tôi đang thử áo) là địa chỉ nhiều người lui đến. Nhà sát mặt đường chính, quần áo đa dạng mẫu mã, mới, giá cho thuê phải chăng… là lợi thế hút khách. Nhưng tài năng của cặp “kép vàng” một thời vang bóng sân khấu cải lương Thái Nguyên còn “bổ trợ” nhiều hơn cho nghề hiện thời.
Cửa hàng này ra đời trong hoàn cảnh “không thể đừng” - theo cách nói của anh Bình. Chuyện là, khoảng 20 năm về trước, anh chị đi dàn dựng các chương trình văn nghệ cho đơn vị này, cơ quan nọ để họ tham gia thi thố đó đây. Mỗi tiết mục múa, hát yêu cầu một loại trang phục phù hợp. Thái Nguyên khi đó chưa có cửa hàng cho thuê trang phục biểu diễn nên anh chị phải đặt may. Năm này qua năm khác, quần áo diễn dồn đống trong nhà ngày càng nhiều, anh chị phải “tìm lối ra” bằng cách treo biển cho thuê. Vậy là từ đó, trang phục trong cửa hàng của anh chị đã góp mặt ở không biết bao nhiêu chương trình văn nghệ.
- Sẽ là rất thuận lợi nếu người cho thuê trang phục đã hoặc đang làm nghề biểu diễn - Anh Trần Yên Bình trò chuyện cởi mở - Có người đến đây thuê bộ quần áo mà mất vài tiếng đồng hồ, vì: “Anh ơi em hát thế này được chưa? Em diễn thế này được chưa?… Buổi cho thuê quần áo biến thành buổi tập văn nghệ.
Chị Mai Loan tư vấn trang phục cho khách hàng.
Tương tự anh chị Thanh Bình, chị Mai Loan cũng làm nghề biểu diễn trước khi ra quầy cho thuê trang phục tại số nhà 230 đường Cách mạng Tháng Tám, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên). Nguyên là diễn viên múa Đoàn Ca múa Dân tộc Bắc Thái, năm 2005, chị chuyển sang làm biên đạo. Đến nay chị cũng không nhớ rõ có bao nhiêu bộ trang phục, chỉ biết số tiền đầu tư cho cửa hàng đã lên con số tỷ. “Có cái lợi là dàn dựng tiết mục nào thì có sẵn trang phục phù hợp. Mình bây giờ còn là Phó Chủ tịch Hội Quý bà thanh lịch vùng Việt Bắc. Chị em mỗi lần “bung lụa” là có sẵn trang phục” - Chị Loan vui vẻ thổ lộ.
Tìm hiểu thêm về công việc “chắp cánh” cho phong trào văn nghệ quần chúng này, tôi choáng ngợp trước “thế giới” của quần áo biểu diễn. Có thể chia thành các nhóm: Trang phục theo nghề như công nhân, bộ đội, công an, nông dân, trí thức…; trang phục dân tộc như Mông, Dao, Tày, Thái…; trang phục ba miền như áo dài, áo yếm, bà ba; trang phục theo điệu múa như dân vũ, đồng dao, múa sen; trang phục cung đình như quần áo vua, quan, hoàng hậu…
Đấy là các “dòng” chính. Mỗi dòng lại chia ra dăm bẩy “nhánh”. Ví như điệu múa sen có đến 5-6 kiểu váy, hoa, mũ đội đầu khác nhau. Ngay như áo dài tứ thân cũng “biến hóa” màu sắc sao cho phù hợp với khung cảnh, màu của phông màn sân khấu. Thế nên, khó có cửa hàng nào đủ các loại đáp ứng được hết yêu cầu của khách.
Chị Phạm Hải, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên) là người có năng khiếu múa hát nên thường được bà con nhờ dàn dựng tiết mục cho các đội văn nghệ của tổ, phường, xã. Chị có “kho” bài trong đầu và danh sách các cửa hàng cho thuê thời trang phù hợp. Chị kể: Vào các dịp như Ngày thành lập Đoàn (26-3), Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18-11), Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3)… rất đông người đến thuê trang phục. Một chương trình văn nghệ thường có 2 bài múa hoặc dân vũ, 2-3 bài đơn ca (có múa phụ họa), 1 tốp ca… nên phải thuê 10-15 bộ quần áo và đạo cụ, có khi em phải đặt trước ở các cửa hàng “ruột” mới có trang phục vừa ý.
Trên địa bàn T.P Thái Nguyên hiện có hàng chục cửa hàng cho thuê trang phục biểu diễn: Minh Hương (180 đường Lương Ngọc Quyến); Lợi Xa (218 đường Hoàng Văn Thụ); Zu Shop (ngõ 165 đường Bến Oánh), Việt Thủy (số 10 đường Việt Bắc); Thực Huệ (39, đường Quang Trung)…
Mỗi cửa hàng chỉ đáp ứng được một phần yêu cầu của khách. Anh Bình nhận xét hài hước: Nếu 10-15 năm trước, đa số người trẻ đến thuê đồ thì nay khách hàng chủ yếu là các bà từ 50 đến 70 tuổi, chủ cửa hàng phải liên tục nới vòng eo hầu hết các trang phục hiện có.
Khác với cho thuê quần áo cưới, nếu bộ váy cô dâu sau khi cho thuê hòa vốn có thể bán đứt cho một ai đó thì quần áo biểu diễn khó “luân chuyển”. Trang phục cho dàn múa 10 người cao thấp béo gầy khác nhau, nếu bán đi một vài bộ là “lỡ” luôn cả “lố”. Nhiều cửa hàng hiện nay nằm trong tình trạng có “vào” mà khó có “ra”. Nếu “đóng băng” thì quần áo lỗi mốt và cũ, người thuê ít. Nếu may thêm thì số hàng tồn ngày càng nhiều. Ngay cả các cửa hàng ở nông thôn, vùng sâu vùng xa cũng rất hạn chế mua đồ cũ về kinh doanh.
Chị Mai Loan khi tiễn tôi ra cửa còn nói thêm: Nghĩ cho cùng chúng tôi làm việc này cũng là do yêu nghề diễn mà thôi. Nếu một ngày nào đó không làm nữa thì quầy hàng tiền tỷ chỉ bán thanh lý được vài chục triệu đồng là cùng.
Riêng tôi lại nghĩ: Nếu một ngày nào đó không còn cửa hàng cho thuê trang phục biểu diễn và những người yêu nghề như anh Bình, chị Thanh, chị Loan… thì chắc hẳn phong trào văn nghệ quần chúng sẽ kém sôi nổi và rực rỡ đi nhiều.