Trụ cột văn hóa

Cập nhật: Chủ nhật 16/01/2022 - 15:02

Hội nghị văn hoá Toàn quốc ngày 24/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời khai mạc. Trong diễn văn đó,Người khẳng định: “Xây dựng nền văn hoá mới của Nước nhà phải lấy hạnh phúc của đồng bào, dân tộc làm cơ sở”. “Công cuộc kiến thiết Nước nhà có 4 vấn đề phải coi trọng ngang nhau:Chính trị,kinh tế,xã hội,văn hoá”… Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác, 75 năm qua đất nước ta, trong đó có Thái Nguyên đã nỗ lực không ngừng để cả 4 trụ cột đều đạt những thành tựu to lớn…

Sau Hội nghị văn hóa lần thứ hai (tổ chức tại Việt Bắc năm 1948), các văn nghệ sĩ toả đi các mặt trận, các miền quê, sáng tác những tác phẩm có giá trị. Trong ảnh: Các văn nghệ sĩ ảnh chụp lưu niệm tại cơ quan Hội văn nghệ Cứu quốc đóng ở xóm Chòi, xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ (năm 1948). Ảnh T.L

I.Về chân dung văn hóa Việt Nam: Một trong những điểm nhấn ấn tượng của năm 2021 là Đảng, Nhà nước ta tổ chức Hội nghị bàn chuyên đề về văn hoá lần thứ 3 vào ngày 24-11. Hai lần trước là ngày 24/11/1946 và từ 16 - 20/7/1948. Hai lần trước là trong hoàn cảnh đất nước vừa giành độc lập, nguy cơ Pháp xâm lăng trở lại và trong gian khổ của cuộc kháng chiến chống giặc trường kỳ. Lần thứ ba cách lần thứ nhất 75 năm, đất nước trải qua chiến tranh mất mát, nghèo khó rồi đi lên cường thịnh trong hoà nhập thế giới, độc lập dân tộc, tự chủ thể chế chính trị. Nhìn lại, văn hoá vẫn phải được bàn đến…bởi những căn bản của một đất nước lại là văn hoá.

Hội nghị Văn hoá lần thứ 3 năm 2021 đã tiếp tục xác định văn hoá là trụ cột, là ánh sáng soi đường cho dân tộc ta đi cũng như những mục tiêu và định hướng lớn của đất nước đối với văn hoá trong vài chục năm tới…Thực hiện những chủ trương về phát triển văn hoá, cả nước, trong đó có Thái Nguyên chúng ta sẽ có những hành động và việc làm cụ thể… Văn hoá thực chất là cuộc sống, là hồn cốt của mỗi dân tộc, cộng đồng và của một đất nước. Thể chế và thiết chế văn hoá kiến tạo những nội dung căn bản nhất của đời sống văn hoá.

Trên cơ sở xây dựng một nền văn hoá dân chủ, tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc, gần một thế kỷ kể từ ngày ra đời, Đảng ta đã chỉ ra và dẫn dắt dân tộc đi theo hành trình văn hoá, và được soi sáng từ Hội nghị văn hoá toàn quốc lần thứ nhất (1946); lần thứ hai (1948) và lần thứ ba vào ngày 24/11/2021. Nhân dịp này, chúng ta cùng một lần nữa tìm hiểu cốt lõi của chân dung Văn hóa Việt Nam.

Khái luận về văn hoá được nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng: Văn hoá và con người là hai khái niệm không tách rời nhau. Văn hoá và con người xuất hiện và phát triển cùng lúc. Dạng tinh thần như tập quán sinh hoạt, ngôn ngữ, tư tưởng…là văn hoá. Dạng vật chất như ăn, ở, mặc…là văn hoá và chính văn hoá đã nuôi dưỡng và hình thành nhân cách con người. Người ta nói về văn hoá với nội hàm hết sức khác nhau: Văn hoá ẩm thực, văn hoá trang phục, văn hoá cưới hỏi, văn hoá ứng xử, văn hoá tiêu dùng, văn hoá kinh doanh, văn hoá giao thông, văn hoá nông thôn, văn hoá công sở…Văn hoá khảo cổ học Hoà Bình, Thần Sa, Đông Sơn…

Tuy nhiên bao giờ nói đến văn hoá cũng quy về 2 cách hiểu: Hiểu theo nghĩa hẹp và hiểu theo nghĩa rộng. Theo nghĩa hẹp là chỉ một hoạt động cụ thể,có không gian và thời gian, những giá trị trong từng lĩnh vực. Theo nghĩa rộng là bao gồm tất cả những gì con người sáng tạo ra: Ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật; những công cụ phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày như ăn, mặc, ở, đi lại…Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó đều là văn hoá, tức là văn hoá.

Chính từ cách hiểu rộng này nên văn hoá từ lâu đã trở thành đối tượng của khoa học-khoa học nghiên cứu về văn hoá. Dần dần, con người hiểu về (định nghĩa) văn hoá có mấy khuynh hướng: Coi văn hoá là kết quả của đời sống, là những giá trị, những truyền thống, chuẩn mực, tư tưởng…mà con người đã sáng tạo ra. Thứ hai, xem văn hoá là quá trình hoạt động sáng tạo của con người. Thứ ba là xem văn hoá như quan hệ giữa các giá trị,giữa con người với đồng loại, với muôn loài. Từ các khái luận trên, tổng hợp các nghiên cứu lại,thấy nổi lên những mối quan hệ mật thiết và cơ bản mà văn hoá đang có.

Văn hoá và con người. Con người xuất hiện khi nào thì văn hoá xuất hiện khi ấy. Lịch sử loài người chứng minh con người là chủ thể sáng tạo ra văn hoá đồng thời chính con người là sản phẩm của văn hoá. Ví dụ: Từ 70-40 nghìn năm trước Công nguyên, người nguyên thuỷ đã sáng tạo ra Văn hoá Thần Sa (Võ Nhai-Thái Nguyên) nhờ chế tác công cụ bằng đá (thể hiện ở cả 3 tầng văn hoá). Sự tiến hoá của con người từ đấy lại chính có được từ sự sáng tạo của con người. Trước tiên phải khẳng định: Con người là chủ thể sáng tạo ra văn hoá. Một trong những giá trị do con người tạo ra chính là bản thân con người có văn hoá.

Trong sự tiến hoá, con người đã sáng tạo ra công cụ lao động và sử dụng lửa, tiếng nói; khả năng chế ngự bản thân, và tạo ra các nhóm xã hội. Văn hoá và xã hội là một mối quan hệ thống nhất trong đa dạng. Văn hoá tạo nên các nhóm xã hội và các nhóm xã hội lại tác động mạnh mẽ tới sự bảo tồn và phát triển của văn hoá của mình. Các nhóm xã hội nào có tính đồng nhất cao thì khả năng bảo tồn tốt; nhóm nào có tính đa dạng cao thì khả năng phát triển tốt. Văn hoá và tự nhiên được hiểu rằng tự nhiên có trước và chính tự nhiên quy định văn hoá, nói cách khác, không có tự nhiên sẽ không có văn hoá. Ví dụ gần gũi: Cây chè có trước, do tác động của con người chè (trà) trở thành thực phẩm đồ uống, rồi văn hoá ẩm thực trà hình thành.

Cho nên nói rằng văn hoá và tự nhiên khác nhau nhưng không đối lập mà tồn tại trong mối liên hệ mật thiết thông qua tác động của con người. Văn hoá trong hoạt động là măt xích nằm giữa con người với tự nhiên và xã hội để tạo ra văn hoá và chính bản thân vận động cũng là văn hoá. Hoạt động văn hoá của con người có thể chia làm 2 dạng: Hoạt động tái tạo và hoạt động sáng tạo. Hoạt động sáng tạo có tác dụng làm phát triển vốn văn hoá của dân tộc, của con người, thí dụ: Việc tìm ra lửa, điện, bánh xe, sáng chế ra chữ viết, công nghệ in ấn…Còn hoạt động tái tạo tuy không phát triển nhưng lại có tác dụng bảo tồn và phổ biến các giá trị văn hoá. Văn hoá và giá trị là một khái niệm rất rộng và tương đối bởi trong bản thân từng nội dung văn hoá vốn có giá trị và không thể đong đếm giá trị. Trong văn hoá chung, có văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần.

ATK Định Hóa là tâm điểm của quần thể di tích lịch sử, chiến tranh nhân dân có "một không hai" của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Ảnh: T.L

Cách nói khác là văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể, ứng với đó là con người cũng có nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần. Văn hoá vật chất là toàn bộ sản phẩm do sản xuất vật chất của con người tạo ra hoặc tồn tại dưới dạng vật chất của tưn nhiên. Còn văn hoá tinh thần được tạo ra từ hoạt động sản xuất: Tư tưởng, tín ngưỡng, tôn giáo, nghệ thuật, đạo đức, ngôn ngữ, thơ phú, tập tục… Như vậy, lịch sử hình thành văn hoá và văn minh như thế nào? Có thể nói rằng: Từ tự nhiên qua con người, tới văn hoá là cả một quá trình lịch sử. Và như vậy,mạc dù văn hoá là một khái niệm có nội hàm hết sức phức tạp và phong phú nhưng vẫn nổi lên 4 đặc trưng cơ bản: Tính nhân sinh, tính giá trị, tính hệ thống và tính lịch sử. Từ đó có thể định nghĩa: Văn hoá là một hệ thống hữu cơ các giá trị do con người sáng tạo ra và tích luỹ qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác với môi trường xã hội và tự nhiên của mình.

 II-Nhắc nhở, khơi dậy khát vọng đất nước phồn vinh:  Phần trên, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu đôi nét về chân dung văn hoá Việt Nam - một trong 4 trụ cột xây dựng đất nước với 6 đặc trưng lớn và cơ bản làm nên một nền văn hoá đầy bản sắc - nền văn hoá Việt Nam. “Nhất cử lưỡng tiện”, Hội nghị văn hoá toàn quốc lần thứ ba được Đảng, Nhà nước ta tổ chức ngày 24/11/2021 chẳng những nằm trong chương trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng mà còn nhắc nhớ những gì mà lãnh đạo đất nước và nhân dân ta đã làm được ba phần tư thế kỷ qua cho nền văn hoá mới; khơi dậy niềm tự hào và xác định đường đi tới…Nhìn vào sâu thẳm của nội dung đưa ra và bàn thảo tại hội nghị, chúng ta thấy rõ: Thứ nhất, tiếp tục khẳng định Văn hoá vừa là trụ cột, vừa là nền tảng phát triển xã hội, là mục tiêu, động lực để gìn giữ độc lập, xây dựng đất nước.

Như vậy, nếu nơi nào, ai đó lãng quên hoặc nhận thức không đúng điều này, không cư xử với văn hoá đúng với vị trí là thiếu sót, có tội với lịch sử, dân tộc, đất nước. Thứ hai, tập trung, huy động mọi nguồn lực xã hội để xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, tạo cơ hội để mọi công dân được phát triển các năng lực sáng tạo; xây dựng văn hoá trong hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức tốt; xây dựng đơì sống văn hoá trong mọi thực thể của cộng đồng. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội để xây dựng môi trường văn hoá bản sắc và bền vững, trở thành nhân tố thúc đẩy giá trị lành mạnh của văn hoá.

Khi nền tảng văn hoá được hình thành tự nhiên, nhiệm vụ phát triển văn hoá được thường trực, ý thức cộng đồng về văn hoá được phát huy thì phi văn hoá sẽ bị đẩy lùi, nội sinh văn hoá sẽ phát triển. Thứ ba, thực hiện Chiến lược phát triển văn hoá Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 1945 với việc đầu tư các nguồn lực, đổi mới,sáng tạo, đột phá nhằm phát huy vai trò của trụ cột văn hoá, song hành cùng trụ cột kinh tế, chính trị, xã hội thực chất, căn cơ và bền vững. Trong đó, quan điểm chỉ đạo là coi trọng đổi mới sáng tạo nhằm khuyến khích, phát huy các nguồn tài nguyên văn hoá, năng lực sáng tạo của nhân dân, văn nghệ sỹ, nhà báo để ngày càng có nhiều tác phẩm văn hoá, văn học, nghệ thuật có giá trị góp phần xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam.

Tôn trọng sự sáng tạo nghệ thuật, lao động nghệ thuật theo đặc thù để có chính sách phù hợp nhằm khích lệ, động viên cống hiến của văn nghệ sỹ để có nhiều tác phẩm sống mãi với thời gian…Văn hoá phát huy sức mạnh của mình thông qua hoạt động của con người và của toàn xã hội. Bác Hồ dậy: Muốn xây dựng CNXH thì phải có con người XHCN. Nhà thơ Tố Hữu trong bài thơ Xuân 50 năm trước - Bài ca Xuân 71 đã viết: “Ta sẽ khai những mỏ dầu, mỏ săt/Đóng những con tầu đi khắp đại dương/Nhưng phải luyện những con người đẹp nhất/Biếtcăm thù và biết yêu thương

Vì vậy, Hội nghị văn hoá toàn quốc lần này cũng đã một lần nữa nhấn mạnh: Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Sự hoàn thiện của con người chỉ có thể thực hiện được trong văn hoá. Trong sự phát triển của thời đại khoa học công nghệ, văn minh và hội nhập thì giá trị con người Việt Nam phải tương ứng với những phẩm chất phù hợp: Yêu nước, sáng taọ, hiểu biết, trung thực, đoàn kết, nhân ái, vị tha và cả sức lực. Cha ông đã để lại cho đất nước những di sản và nguồn tài nguyên văn hoá to lớn và vô giá. Hành xử của chính quyền và từng người dân Việt bây giờ là gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá Việt Nam là đích đến đầu tiên.

 Văn hoá sẽ giúp cho đân tộc ta tình yêu Tổ quốc,nuôi dưỡng tình thương, nuôi dưỡng trách nhiệm, vì tình thương là cội nguồn của sức mạnh. Là một trong 4 trụ cột, nhưng kinh tế, chính trị trong hoạt động văn hoá lại không hề nhỏ. Chính vì vậy,phát triển các nành công nghiệp văn hoá, du lịch có trọng tâm,gắn kết với nội dung bảo tồn truyền thống có trọng tâm, trọng điểm sẽ phát huy mạnh mẽ thế mạnh của văn hoá. Cuối cùng, bước đi tới của đất nước cho trụ cột văn hoá rất sáng, đó là: Trung ương, địa phương đều phải dành nguồn lực đầu tư cho văn hoá để rồi từ đó, văn hoá sẽ giữ vai trò điều tiết kinh tế, xã hội bằng hệ thống giá trị, chuẩn mực nhân văn trong văn hoá.

Ngày 24/11/1946, tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất, Bác Hồ đã chỉ thị: “Văn hoá phải soi đường cho quốc dân đi”. “Xây dựng nền văn hoá mới của nước nhà phải lấy hạnh phúc của đồng bào, dân tộc làm cơ sở”. Ngày này của 75 năm sau, triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xác định: “Phát triển nhanh và bền vững đất nước dựa chủ yếu vào việc phát huy tối đa nhân tố con người; lấy con người là trung tâm,mục tiêu và động lực phát triển đất nước…”

III- Động lực mới cho văn hóa Thái Nguyên: Thái Nguyên là vùng đất đã được hình thành từ lâu đời; nơi hội tụ văn hoá các dân tộc, văn hoá các vùng miền xuôi, ngược do quá trình định cư và vị trí địa lý là cầu nối đồng bằng và trung du, miền núi. Về mặt tổng quan, có thể kết luận rằng Thái Nguyên là một vùng văn hoá lâu đời, giàu truyền thống. Các dân tộc, nếu không chung một nguồn gốc nhân chủng thì cũng đã cùng nhau dựng nước và giữ nước lâu dài, gian khổ, đã từng sát cánh bên nhau bền chặt trong tinh thần đoàn kết. Các dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao, Sán Chay…sống xen kẽ trong từng làng bản, gia đình lâu đời và cộng cảm.

Là vùng đất cổ, Thái Nguyên đã lưu giữ được nhiều di chỉ khảo cổ minh chứng cho sự có mặt và quá trình phát triển của con người ở vùng đất này, trước cả nền văn hoá Bắc Sơn. Trong truyền thống yêu nước, thời nào Thái Nguyên cũng nổi lên những anh hùng, hào kiệt: Thời Hai Bà Trưng có Phó tướng Hồ Đề lập nhiều chiến công; Lý Bí thắng giặc Lương phương Bắc, xưng đế, lập nước Vạn Xuân; thủ lĩnh Dương Tự Minh (Lý), Tể tướng Lưu Nhân Chú (Hậu Lê)…Thái Nguyên đậm đặc các điểm nhấn lịch sử trước Cách mạng Tháng Tám và trong cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp 9 năm. Văn hoá cách mạng và kháng chiến đã bổ xung vào vốn tài nguyên văn hoá thêm phong phú và bản sắc riêng có của Thái Nguyên.

Các thành viên Câu lạc bộ hát then, đàn tính tỉnh Thái Nguyên trong buổi sinh hoạt, giao lưu văn nghệ và trao đổi kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa. Ảnh: T.L

Văn hoá, văn nghệ dân gian Thái Nguyên vốn phong phú và dày dặn với đầy đủ các thể loại như: Truyện cổ tích, thần thoại,truyền thuyết, ngụ ngôn, tục ngữ, phương ngôn, ca dao, dân ca…Cùng với văn nghệ dân gian,văn học viết của Thái Nguyên cũng có quá trình phát triển dài lâu. Thời kỳ cổ trung đại nổi lên các tên tuổi các danh nhân văn hoá Trình Hiển, Đỗ Cận hay các quan cai quản địa phương Ngô Thì Sỹ, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, Phan Thanh Giản, Vũ Tông Phan, Nguyễn Cao…

Thời cận hiện đại, trong Kháng chiến chống thực dân Pháp, Thái Nguyên là một trong những nơi phát tích nền báo chí, văn nghệ cách mạng. Nhiều nhà văn hoá, thi sỹ, kịch sỹ, văn nghệ sỹ tên tuổi lớn đã hoạt động, gắn bó với mảnh đất này; các tác phẩm để đời của họ có hơi thở, dấu ấn ATK Thái Nguyên. Đó là các nhà văn, nhà thơ, văn nghệ sỹ: Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Văn Cao, Hoàng Trung Thông, Nam Cao, Ngô Tất Tố, Đặng Thai Mai, Nguyên Hồng, Trần Đăng, Lê Khâm, Cù Huy Cận. Các tên tuổi lớn hoạt động trong lĩnh vực văn hoá, văn nghệ là người dân tộc thiểu số như: Nông Quốc Chấn ,Nông Minh Châu, Nông Viết Toại, Vi Hồng…thực sự là những chiến sỹ văn hoá của Chủ nghĩa xã hội, có tâm huyết,thiết tha với nền văn hoá của dân tộc, của đất nước.

Có lợi thế hơn nhiều tỉnh, Thái Nguyên đang sở hữu một khối lượng di tích, di sản đặc biệt quan trọng do là An toàn khu của Bác Hồ,Trung ương đóng trong 9 năm chống Pháp. Hơn nửa thế kỷ qua, Thái Nguyên đã có nhiều cố gắng gìn giữ và phát huy những giá trị đó. Song, đầu tư cho văn hoá là đầu tư khoa học, cho tương lai, nên cả văn hoá vật thể và phi vật thể đều tốn kém, trong khi tỉnh còn nghèo nên mai một là điều khó tránh. Hơn nữa,đầu tư cho văn hoá là cho tương lai, cho thế đi đứng của đất nước, cho con người nên luôn đòi hỏi sự tổng hoà, ăn khớp giữa các ngành, địa phương, giữa kinh tế du lịch và phát huy giá trị của văn hoá chúng ta cũng thực hiện chưa ăn ý. Việt Bắc, Thái Nguyên từng là nơi tiếp thu và triển khai sớm tinh thần Hội nghị văn hoá lần thứ nhất 1946, lần thứ hai 1948 nay được ánh sáng trí tuệ của Hội nghị văn hoá lần thứ III - 2021 soi rọi, chắc chắn sẽ có những chuyển động mới.

Nghị quyết số 01-NQ/ĐH của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, ban hành ngày 13/10/2020 phần mục tiêu văn hoá-xã hội đã nêu: “Phát triển văn hoá,con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Làm tốt công tác bảo tồn,tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hoá; các di tích lịch sử cách mạng;văn hoá, văn nghệ mang bản sắc truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Tăng cường đầu tư, đẩy mạnh xã hội hoá, huy động và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động phát triển văn hoá, thể thao và du lịch”…Như vậy, văn hoá - một trong 4 trụ cột của cuộc sống đã được đưa một cách cô đọng vào chương trình hoạt động 5 năm, thậm chí tầm nhìn dài hơn. Văn hoá với tích chất cộng đồng cao, không cát cứ theo cương vực, cho nên đầu tư cho văn hoá đòi hỏi đồng thời, bằng những đề án, dự án hết sức cụ thể.

Theo dõi và tìm hiểu về văn hoá Thái Nguyên, chúng tôi đề xuất và mong nhận được sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền tỉnh, đó là: Cần thiết phải có một dự án khảo sát tổng thể và quy mô lớn để lập hồ sơ đề nghị UNESCO từ danh xưng ATK Thái Nguyên - Việt Bắc là Di tích cấp quốc gia đặc biệt hiện nay công nhận là Di sản văn hoá, lịch sử của nhân loại. Đầu tư bảo tồn các di tích đồng thời xuất bản các bộ sách lịch sử, sách giáo khoa về văn hoá Thái Nguyên, văn hoá các dân tộc Thái Nguyên; tổ chức sáng tác ca khúc, sân khấu; sản xuất bộ phim ký sự dài tập ghi lại một giai đoạn hào hùng của quê hương… góp phần để văn hoá thực sự là một trụ cột trong sự phát triển của Thái Nguyên./.

Hữu Minh
(Chi hội Điện ảnh-Truyền hình)
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: