Tục thờ ông Công, ông Táo - nét đẹp trong tín ngưỡng
Tập tục thả cá chép phóng sinh sau khi cúng là một nét đẹp văn hóa, ngụ ý "cá chép hóa rồng", cá chép vượt Vũ Môn. |
Tục thờ ông Công, ông Táo là một trong những nét đẹp trong văn hóa của người Việt. Không ai biết chính xác tục cúng ông Công, ông Táo có từ bao giờ, chỉ biết rằng nó tồn tại từ rất lâu, đi vào tiềm thức của người dân Việt Nam qua nhiều thế hệ.
Theo quan niệm truyền thống, vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm, ông Táo sẽ bay lên thiên đình báo cáo với Ngọc Hoàng tất cả những chuyện tốt xấu của gia chủ trong năm. Lễ cúng ông Táo thường được tiến hành vào trưa hoặc chiều.
Theo sự tích ông Táo, cá chép sẽ đưa ông Táo vượt qua Vũ Môn để lên thiên đình gặp Ngọc Hoàng. Tập tục thả cá chép phóng sinh sau khi cúng là một nét đẹp văn hóa, ngụ ý "cá chép hóa rồng", cá chép vượt Vũ Môn.
Hơn thế, trong tâm thức người Việt, cá chép vượt Vũ Môn hay "cá chép hóa rồng" còn là biểu tượng của sự thăng hoa, của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục khó khăn để đi tới thành công, biểu trưng cho sức mạnh tiềm ẩn, hướng đến một tương lai tốt đẹp.
Trong quan niệm dân gian, ba vị Táo quân chính là những vị thần định đoạt phúc đức cho mỗi gia đình. Phúc đức này có được do việc ăn ở đúng đạo lý của gia chủ mà nên. Người xưa thường có bàn thờ Táo quân riêng, đặt gần bếp, khi cúng phải nổi lửa lên cho bếp cháy rực. Tuy vậy, ngày nay, đa số các gia đình đã dần giản tiện đi và thường cúng ông Táo ngay tại bàn thờ gia tiên.
Mâm cỗ cúng ngày 23 tháng Chạp là để tiễn Táo quân lên trời chầu Ngọc Hoàng, bẩm báo về những chuyện đã xảy ra trong một năm qua ở dưới trần gian. Mâm cỗ thịnh soạn thể hiện mong muốn của người dân rằng Táo quân dùng cơm xong sẽ "ấm lòng", lên chầu sẽ bẩm tâu những điều tốt đẹp với Ngọc Hoàng và báo cáo nhẹ đi những điều không nên không phải của gia chủ. Việc làm này ở một khía cạnh nào đó giúp con người sống tốt hơn, tự ý thức lại những việc làm tốt và chưa tốt trong năm cũ.
Xưa kia, vào ngày cúng ông Táo, người Việt còn có phong tục dựng cây nêu. Vì từ ngày 23 tháng Chạp cho tới đêm Giao thừa sẽ vắng mặt Táo quân dưới trần gian nên người xưa sợ ma quỷ quấy nhiễu, việc trồng cây nêu là một tập tục với ý nghĩa là để trừ tà. Ngày 7 tháng Giêng là ngày "hạ cây nêu". Cây nêu ngày xưa là một cây tre cao khoảng 5-6m. Ở ngọn treo nhiều thứ như vàng mã, xương rồng, tỏi ớt, hình nộm, lá dứa, bầu rượu, cá chép giấy, cờ vải, khánh nhỏ…
Người ta tin rằng những vật nhiều màu sắc treo ở cây nêu, cộng thêm tiếng động của khánh sẽ báo hiệu cho ma quỷ biết nơi đây là nhà có chủ, không được tới quấy nhiễu... Vào buổi tối, người ta còn treo thêm một chiếc đèn lồng ở cây nêu để tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết với con cháu.
Hiện nay, tuỳ theo phong tục vùng miền mà nghi lễ cúng ông Công, ông Táo giữa 3 miền Bắc – Trung - Nam có sự khác biệt nhất định, nhưng nhìn chung là đều thể hiện tấm lòng thành kính của gia chủ đối với vị thần cai quản việc phúc đức trong nhà.
Ngoài Việt Nam, một số nước châu Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng có nét văn hóa tương tự tục thờ “ông Táo”.