Vun đắp lòng nhân ái cho thế hệ trẻ

Cập nhật: Thứ bẩy 09/07/2022 - 10:31
 Được sự động viên của bố mẹ, em Dương Minh Ngọc, học sinh lớp 4C, Trường Tiểu học Túc Duyên, đã tham dự Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc và đạt giải Ba.
Được sự động viên của bố mẹ, em Dương Minh Ngọc, học sinh lớp 4C, Trường Tiểu học Túc Duyên, đã tham dự Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc và đạt giải Ba.

Ngay sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lần đầu tổ chức Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc trên toàn quốc vào năm 2019, Thái Nguyên đã hưởng ứng tích cực và tổ chức Cuộc thi thường niên cấp tỉnh từ năm 2020. Qua đó, hình thành một sân chơi về văn hóa đọc bổ ích, thu hút sự quan tâm của không chỉ học sinh, sinh viên mà còn cả các thầy, cô giáo, nhiều gia đình, góp phần lan tỏa văn hóa đọc và tình yêu đọc sách trong cộng đồng.

Cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” được tỉnh Thái Nguyên tổ chức và phát động rộng khắp đến các trường tiểu học, THCS, THPT và các trường trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, cao đẳng trên địa bàn. Qua 3 lần tổ chức, Cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều học sinh, sinh viên và số người tham gia tăng dần theo từng năm. Nếu như năm đầu tiên, Cuộc thi chỉ thu hút hơn 3,4 nghìn học sinh tham gia, thì năm 2022, đã có trên 123,6 nghìn học sinh, sinh viên tham gia dự thi, tăng gấp 36 lần so với năm đầu tiên.

Theo đánh giá của Ban Tổ chức, không chỉ tăng về số lượng, chất lượng các bài dự thi cũng từng bước được nâng lên. Các thí sinh đã có sự đầu tư cho bài viết, sử dụng hình ảnh minh họa đa dạng, tạo thêm sự sinh động. Có nhiều bài viết được trình bày như một tác phẩm nghệ thuật. Cùng với đó, Ban Tổ chức cũng nhận được nhiều đề xuất giải pháp khuyến khích cộng đồng đọc sách nhiều hơn.

Ông Đỗ Bình Nguyên, Giám đốc Thư viện tỉnh, Phó Ban Thường trực Ban Tổ chức Cuộc thi, cho biết: Qua 3 năm tổ chức, chúng tôi nhận thấy có nhiều bài thi rất sáng tạo trong cách thể hiện, với ngôn từ trong sáng, mộc mạc, trong trẻo kèm tranh vẽ minh họa, video clip. Cảm nhận sâu sắc của các em học sinh về những tác phẩm kinh điển, tấm gương nghị lực, vượt khó vươn lên trong cuộc sống, tình cảm với người thân và các mối quan hệ xã hội đã tạo sự xúc động và hiệu ứng tích cực đối với người đọc. Tôi cho rằng, việc tổ chức Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc không chỉ góp phần hình thành, lan tỏa thói quen đọc sách, mà cao hơn thế, Cuộc thi còn góp phần vun đắp lòng nhân ái của thế hệ trẻ.

Là một trong những thí sinh có bài dự thi đạt giải cao tại Cuộc thi năm 2022, em Dương Minh Ngọc, học sinh lớp 4C, Trường Tiểu học Túc Duyên (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Trong rất nhiều tác phẩm yêu thích, em chọn cuốn "Những tấm lòng cao cả" của nhà văn Ý Edmondo De Amicis để chia sẻ, khơi gợi tình yêu đọc sách gửi đến các bạn. Cuốn sách được viết dưới dạng nhật ký của cậu bé 10 tuổi tên là Enrico kể về bố, mẹ, thầy, cô giáo, các bạn học đã dạy cho em rất nhiều điều. Đó là yêu thương cha mẹ, thầy, cô giáo và những người bạn, đồng thời đó là việc biết giúp đỡ, sẻ chia và rũ bỏ sự ích kỷ, đố kỵ. Em hy vọng những chia sẻ của em có thể giúp các bạn yêu thích, rèn luyện thói quen đọc sách mỗi ngày.

Cùng với các giải cá nhân, Ban Tổ chức cũng trao giải tập thể cho các trường có nhiều học sinh tham gia và đạt giải. Năm 2022, Trường THPT Chu Văn An là đơn vị đã đạt giải Nhất tập thể tại Cuộc thi do có 94% số học sinh tham gia dự thi và có 8 học sinh đạt giải cá nhân các loại.

Cô Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường, đánh giá: Đại sứ Văn hóa đọc không chỉ là một cuộc thi mà là cả hành trình vun đắp, xây dựng tình yêu đọc sách trong cộng đồng học sinh. Với mong muốn tạo ra thói quen đọc sách cho học sinh, Nhà trường đã triển khai Cuộc thi tới từng lớp học, mỗi thầy, cô giáo là một “đại sứ” vận động học sinh cùng tham gia đọc sách, làm bạn với sách nhiều hơn... Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tổ chức nhiều hoạt động để thúc đẩy văn hóa đọc trong Nhà trường, như: Cuộc thi Trí tuệ Chu Văn An, nghệ thuật xếp sách, giới thiệu sách, ủng hộ sách thanh niên, quyên góp cho tủ sách dùng chung…

Tuy mới chỉ được tổ chức trong 3 năm, đặc biệt là trong bối cảnh cả nước phải đối mặt với dịch COVID-19, nhưng Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc xuất phát từ mong muốn gieo mầm yêu sách, lan tỏa tình yêu đọc đã có hiệu ứng lan truyền mạnh mẽ và mang lại hiệu quả tích cực. Đây chính là tiền đề góp phần xây dựng nên nền móng tri thức cho các em học sinh vững bước trong tương lai.

Thu Hà
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: