HỒ ĐỀ- NỮ TƯỚNG THỜI TRƯNG VƯƠNG, CHÍNH SỬ VÀ HUYỀN SỬ:
Ý nghĩa lịch sử và thời đại của Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (Bài 2)

Cập nhật: Thứ sáu 11/06/2021 - 15:13
 Ngọn đá khắc lời thề của Hai Bà Trưng khi làm Lễ tế cờ đặt ở sân Đền thờ Hai Bà Trưng, tại xã Mê Linh, huyện Mê Linh (T.P Hà Nội).
Ngọn đá khắc lời thề của Hai Bà Trưng khi làm Lễ tế cờ đặt ở sân Đền thờ Hai Bà Trưng, tại xã Mê Linh, huyện Mê Linh (T.P Hà Nội).

"Sách “Đại Nam quốc sử diễn ca” của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toát đã diễn tả lại Cuộc khởi nghĩa và khai sinh triều đại Trưng Vương một cách sinh động, dễ nhớ:

“Bà Trưng quê ở Châu Phong,
Giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên.
Chị em nặng một lời nguyền,
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân.
Ngàn Tây nổi áng phong trần,
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên
Hồng quần nhẹ bước chinh yên,
Đuổi ngay Tô Định dẹp yên biên thành.
Đô kỳ đóng cõi Mê Linh,
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta…”

Bà Trưng Trắc lên ngôi vua chưa đầy hai năm thì nền độc lập của đất nước bị đe dọa. Năm 42, Mã Viện, tên tướng già đã từng đàn áp đẫm máu nhiều dân tộc thiểu số và nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân ở Trung Quốc, làm tổng chỉ huy, đem 2 vạn quân và 2 nghìn thuyền, xe sang xâm lược nước ta. Trên đường từ biên giới vào, Mã Viện đã vấp phải sự đánh trả quyết liệt của các nữ tướng: Thánh Thiên, Bát Nàn, Lê Chân...

Đến đất Lãng Bạc (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh hiện nay ) gặp Trưng Vương cùng các tướng lĩnh Việt xuất quân từ Mê Linh xuống, Mã Viện phải đánh nhau dai dẳng nhiều trận và hao tổn rất nhiều quân, phải xin thêm viện binh. Quân Trưng Vương chiến đấu rất dũng cảm nhưng vì lực lượng chênh lệch nên sau trận đánh lớn ở Lãng Bạc đã rút về Cấm Khê, vùng Suối Vàng và núi Vua Bà (thuộc huyện Thạch Thất, Ba Vì, nay thuộc Hà Nội). Sau một thời gian anh dũng chống địch ở Cấm Khê, quân ta dần dần suy yếu, tan rã , không kháng cự lại được, Hai Bà Trưng quyết không để rơi vào tay giặc và tuẫn tiết trên sông Hát năm 43.

Nói về ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, nhà sử học Lê Văn Lan phát biểu trong buổi ghi hình của chúng tôi vào năm 2015: ”Đầu Công nguyên, đây là cuộc chiến đấu chống nô dịch giành độc lập duy nhất trên thế giới mà lại do phụ nữ lãnh đạo. Những cuộc khởi nghĩa cùng thời điểm ở các nước khác chỉ dừng lại ở lấy đất, giải phóng nô lệ. Vì thế tầm vóc và ý nghĩa khởi nghĩa Hai Bà Trưng là to lớn…”.

Sau khi Hai Bà Trưng mất, nhân dân nhiều địa phương đã lập đền, miếu thờ phụng, tưởng nhớ công ơn của Hai Bà và các tướng lĩnh; trong đó lớn nhất là Đền Hai Bà Trưng ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội và Đền Hai Bà Trưng tại xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội – quê hương của các bà. Khu di tích Đền thờ Hai Bà Trưng tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê linh, T.P Hà Nội - nơi Hai Bà sinh ra và lớn lên là điểm đến tìm hiểu của chúng tôi. Ở đây, 3 nội dung: Tế cờ khởi nghĩa giành thắng lợi, Xưng vương và Định đô, đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia Đặc biệt vào năm 2013. Di tích nằm trên một khu đất cao, rộng, nhìn ra đê sông Hồng, với diện tích gần 130.000m2.  Gồm các hạng mục như: Cổng đền, Đền trình, Nghi môn ngoại, Nghi môn nội, Gác trống, Gác chuông, Nhà tả - Hữu mạc, Đền thờ Hai Bà Trưng., Đền thờ thân phụ - thân mẫu Hai Bà, Đền thờ thân phụ, thân mẫu Thi Sách, Đền thờ 97 nữ tướng triều Hai Bà Trưng, Đền thờ 149 nam tướng triều Hai Bà Trưng, Nhà bia lưu niệm Hộp thư bí mật của đồng chí Trường Chinh khi hoạt động cách mạng…

Phía trước chính điện là sân trên, sân trong, sân ngoài đều được lát bằng đá phiến. Sân ngoài có kiến trúc hình “ngũ phúc” bởi ngọn đá thề giữa sân và bốn bồn hoa hình con dơi ở bốn góc sân đá. Lời thề của Bà Trưng khi làm lễ tế cờ được khắc vào ngọn đá. Có 18 cỗ voi đá đặt ngay ngắn thành hai hàng hai bên sân đá hướng vào giữa sân, tượng trưng cho voi của 18 đời vua Hùng. Đan xen trong khu nội vi còn có hồ Bán Nguyệt, hồ Mắt Voi, lạch Vòi Voi, hồ Tắm Voi.Đền Hai Bà Trưng còn là nơi lưu giữ nhiều di vật quý, đa dạng, phong phú về cả chủng loại và chất liệu như: gỗ, đá, đồng, sứ, giấy,… trong đó di vật gỗ chiếm đa số. Các di vật có niên đại tập trung vào triều Nguyễn như hoành phi, hương án, đại tự, câu đối, khám, kiệu, tượng thờ… được chạm khắc công phu, tinh xảo, với các đề tài trang trí: rồng mây, hoa lá, văn triện, hổ phù… Đây là những tác phẩm nghệ thuật thể hiện bàn tay tài hoa, khéo léo và tinh tế của ông cha ta trong nghệ thuật tạo tác, phản ánh nhiều mặt của đời sống xã hội và những ước vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ông Nguyễn Huy Canh - nhiều năm làm cán bộ Ban Quản lý Đền Hai Bà trưng, Mê Linh,cho biết: Đền thờ được dựng nên ngay sau khi Hai Bà mất, được bảo tồn, tôn tạo qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần… Năm 2003, tỉnh Vĩnh Phúc lập dự án có quy mô 13 héc ta như ngày nay. Lễ hội Đền thờ Hai Bà Trưng tại Mê Linh diễn ra vào ngày mùng 4 đến ngày mùng 10  tháng Giêng âm lịch, ngày chính hội là ngày mùng 6. Lễ hội hàng năm thu hút hàng vạn lượt khách thập phương, trong và ngoài nước. Nói về Lễ hội này, trong dân gian vẫn lưu truyền câu ca:

“Có về thăm hội Hạ Lôi
Tháng giêng mồng sáu cho tôi đi cùng
Kiệu Bà đi trước kiệu ông
Nữ binh hộ giá khăn hồng hài hoa”.

Trong dân gian cũng nói : Ngày mÙng 6 tháng giêng là ngày Hai Bà Trưng là lễ Tế cờ khởi nghĩa, cho nên sau này dân làng mở hội để kỷ niệm sự kiện đó nhằm ôn lại truyền thống lịch sử của cha ông ta trong buổi đầu dựng nước và giữ nước. Lễ hội tại di tích được diễn ra trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm nhưng vẫn đầy đủ những nghi thức của một lễ hội cổ truyền và mang những sắc thái riêng của vùng miền để tưởng nhớ công lao của Hai Bà. Hai Bà Trưng là những nhân vật lịch sử đặc biệt quan trọng, sống mãi trong lòng dân. Nhiều nơi có đền thờ Hai Bà, kể cả trong và ngoài nước.

(Còn nữa)

Hữu Minh
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: