Bông phượng nở muộn
(Minh họa: Thanh Hạnh) |
Giữa biển người tấp nập, tự nhiên va vào nhau thì đó chính là định mệnh. Phượng không thể quên cái buổi chiều cuối tháng Sáu, khi những bông phượng cuối mùa như thắm hơn trên nền nắng chói chang.
Khi đó Phượng đang là sinh viên Trường Đại học Y Thái Nguyên. Sau buổi học cuối Hè, cô sinh viên năm hai đi xe buýt ra bến xe Thái Nguyên bắt ô tô về quê. Vừa bước xuống xe, cô bị một thanh niên đi xe máy đâm vào, rồi bỏ chạy. Phượng nằm bất động. Máu chảy ra rất nhiều. Thể trạng vốn nhỏ nhắn nên nhìn Phượng gầy và yếu ớt. Đã thế, Phượng lại bị say xe, trước khi lên xe cô uống thuốc chống say nên khi bị tai nạn, Phượng mê man. Mọi người tưởng Phượng nghiện ma túy nên không ai dám băng bó vết thương và đưa cô đi cấp cứu. Đau đớn nằm và nghĩ tới cái chết đang đến rất gần. Bên tai Phượng còn nghe thấy tiếng “con nghiện”, “con nghiện tự tử” của những người đứng xung quanh…
Đúng lúc đó, Phượng thấy hình như có ai xé áo buộc vết thương cho mình. Phượng loáng thoáng nhìn được người ấy có một nốt ruồi đỏ trên vai trái. Khi tỉnh lại, Phượng thấy mình đang nằm trong Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Các bác sĩ và hộ lý nói với Phượng là cô được một cậu xe ôm đưa đến và nộp cả tiền viện phí ban đầu cho cô. Phượng hỏi tên và địa chỉ của ân nhân thì một bác sĩ bảo: “Khi cô hỏi thì cậu ấy có nói tên là Hoàng, đi xe ôm quanh đây”.
Từ đó, sau giờ học, Phượng hay đi ra khu vực bến xe, cổng trường và khu vực bị tai nạn để tìm ân nhân nhưng mãi chưa tìm được. Thời gian cứ trôi. Sáu năm của cô sinh viên Trường Đại học Y Thái Nguyên đã hoàn thành. Phượng ra trường với tấm bằng xuất sắc và nhận công tác tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Gia đình và bạn bè ai cũng mừng cho Phượng. Nhưng có một điều lạ là mọi người không thấy Phượng thân thiết với một người bạn trai nào cả. Đi chơi đâu Phượng rất thích tìm và đi xe ôm.
***
Khoa Cấp cứu chỉ có khoảng diện tích chừng hơn hai mươi mét vuông nhưng luôn có sự căng thẳng của vài chục con người: Bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, kíp trực... Tiếng băng ca đẩy hối hả, tiếng người thân than khóc, tiếng rên của bệnh nhân, tiếng gọi hỗ trợ của đồng nghiệp, tiếng máy móc dồn dập... khiến đầu óc Phượng nhiều lúc quay cuồng, lo lắng đến nghẹt thở.
Hôm đó là Chủ nhật, có tiếng còi gấp gáp của xe cứu thương 115, rồi cửa xe bật mở, nằm trên băng ca là một bệnh nhân nam chừng hơn 30 tuổi đang nằm hôn mê. Mặt, tay và chân có rất nhiều vết thương đang rỉ máu, quần áo rách tả tơi và lấm lem bụi đất. Theo sát bên cạnh là hai chiến sĩ công an bám chặt vào thành băng ca đẩy nhanh vào Phòng Cấp cứu.
Phượng đứng dậy đi ra băng ca, nhanh chóng cùng các nhân viên Khoa Cấp cứu dùng kéo cắt bỏ lớp quần áo ngoài đầy máu của bệnh nhân. Khi lớp quần áo được cởi ra, những vết máu văng cả vào áo blouse của Phượng và các bác sĩ xung quanh. Có lẽ đã quá quen thuộc, Phượng nhanh chóng lau dọn những chất bẩn bám trên các vết thương và cơ thể người bệnh để tiến hành băng bó, cầm máu, đặt máy thở hồi sức cho người bị nạn. Rồi cử nhân viên đưa bệnh nhân vào chụp X quang và đưa vào Khoa Chấn thương để xử lý và băng bó vết gãy ở chân.
Bệnh nhân tên là Lê Tiến Hoàng, cảnh sát hình sự, anh bị ngã xe khi truy đuổi một tên cướp. Tên cướp sau khi gây án bị phát hiện đã bỏ chạy. Hoàng đang đi tuần tra gần đó, anh đã đuổi theo tên cướp. Biết không thể thoát, hắn lao xe của hắn vào xe của anh. Tuy bị thương nặng nhưng Hoàng vẫn dồn hết sức mình khống chế tên cướp. Anh đã ngất xỉu khi đồng đội tới nơi. Một sự trùng hợp về cái tên khiến tim Phượng đập nhanh hơn.
Ánh đèn ngoài hành lang chiếu vào, Phượng ngắm nhìn bệnh nhân thở đều đều, một cảm xúc rất kỳ lạ dâng lên trong lòng cô. Ngoài vết gãy ở chân, Hoàng chỉ bị tổn thương phần mềm nên anh chóng bình phục. Mấy đồng chí, bạn bè đến thăm, gặp Phượng đang thăm khám cho Hoàng, họ thường trêu:
- Đội trưởng Hoàng của chúng em chưa vợ đâu, kén lắm chị ạ. Trước đây bị dính tình yêu sét đánh với một cô sinh viên trường y nên anh ấy nói nhất định phải tìm được vợ là bác sĩ cơ. Mà phải xinh như chị Phượng ý.
Câu đùa của mọi người khiến Phượng đỏ bừng đôi má.
Về phần Hoàng, anh thấy mến cô bác sĩ có cái lúm đồng tiền bên má trái cứ như hút ánh nhìn của người đối diện mỗi khi cô nhoẻn miệng cười. Mái tóc dài đen nhánh được búi gọn sau gáy. Phượng khiến anh nhớ tới cô sinh viên mang cái tên loài hoa học trò khi anh trông thấy cô ngất xỉu ở bến xe thành phố. Ngày đó, Hoàng mới ra trường, trong vai một xe ôm điều tra các tay anh chị chuyên móc túi ở bến xe, thấy cô mất nhiều máu, anh đã xé áo của mình để sơ cứu. Anh đã vét hết số tiền mình có khi đó để nộp viện phí ban đầu cho cô. Mấy lần anh quay lại tìm người con gái đó nhưng không gặp. Thế rồi do luân chuyển công tác, anh được phân đi tỉnh khác nhưng hình ảnh cô sinh viên nhỏ nhắn đó vẫn lãng đãng trong tâm trí anh. Gặp Phượng, anh thấy như có một định mệnh nào đó.
Hôm đó thứ Bảy, là ngày nghỉ nên bệnh viện cũng thưa bệnh nhân hơn, Phượng mua mấy trái cam đến thăm Hoàng, nhìn vào giường bệnh không thấy Hoàng đâu. Cô vội vã kiếm tìm, ánh mắt bất chợt dừng lại ở ngoài hành lang, bắt gặp người con trai ấy đang phô tấm lưng trần, thi triển một vài thế võ. Nghe tiếng động Hoàng quay người lại, Phượng sững sờ đánh rơi túi cam. Cái nốt ruồi! Đúng vậy, rõ ràng cái nốt ruồi rất đỏ đang hiển hiện trên vai trái của anh. Nước mắt cô cứ thế trào ra. Hoàng nghi hoặc rồi anh chợt hiểu.
- Phượng! Phải em không? Cô sinh viên trường y năm nào ngất xỉu ở bến xe?
Một nụ cười tươi rói làm lộ chiếc lúm đồng tiền xinh xắn trên khuôn mặt vẫn còn nhòe ướt.
- Anh! Anh Hoàng! Vậy là em đã tìm thấy anh. Em đã đi tìm và đợi anh mãi.
- Anh cũng vậy... Phượng... Anh cũng đã đi tìm em mãi.
Người ta hay nói gặp gỡ là một cái duyên, đi qua cuộc đời nhau là một sự sắp đặt của định mệnh. Đôi khi chỉ nghĩ lại thôi người ta cũng có lý do để mỉm cười...
Bên ngoài hành lang của khoa chấn thương, trên cây phượng già, những bông phượng nở muộn cuối mùa vẫn còn rất đẹp.