Chiếc mũ nan tre
Minh họa: Thanh Hạnh |
Năm ấy Toàn vào học lớp một. Nhà trường như giúp Toàn mở ra cánh cửa với bao điều từ trước Toàn chưa hề biết. Những câu hỏi cứ từ từ xuất hiện, nhất là ở trong các trang sách. Khi học đọc đến vần “m” ghép với “c” có từ "mũ cối", Toàn bỗng nghĩ đến hai cái mũ bộ đội mà ông nội vẫn treo trên tường ở nhà. Hai cái mũ cũ đó ông nội giữ chắc đã lâu lắm rồi. Thi thoảng lại thấy ông cầm xuống, phẩy bụi. Chắc ông có nhiều kỷ niệm lắm. Tối nay, Toàn sẽ xin ông kể chuyện về hai cái mũ ấy xem thế nào.
Tối đó, ăn cơm xong, Toàn leo vào lòng ông nũng nịu:
- Ông kể chuyện cho cháu nghe đi!
- Cháu thích nghe chuyện gì nào?
- Cháu thích nghe chuyện về hai cái mũ bộ đội treo trên tường kia.
Ông cười rung cả chòm râu bạc, ngạc nhiên nhìn Toàn.
- Ồ, đó là kỷ niệm sâu sắc của ông, từ lâu ông vẫn chờ cháu hỏi về nó đấy.
Ông đứng lên, cầm hai cái mũ, phủi bụi rồi đưa cho Toàn, bảo:
- Cái mũ bọc vải dù có nhiều vết khâu này là của ông Trung, bạn cùng tiểu đội. Còn cái mũ lành này là của ông. Ông Trung đã hy sinh lâu rồi.
- Những năm đầu kháng chiến, nước ta còn nghèo lắm. Bộ đội ăn còn chưa no. Quần áo thô sơ, mũ nan tre, dép cao su, giày vải thô. Mặc dù vậy nhưng tinh thần chiến đấu thì vô cùng dũng cảm và mưu trí. Tiểu đội của ông toàn lính mới tò te, nông dân chất phác, chỉ có ông Trung là nhà khá hơn, có trâu, có ruộng, học hết cấp tiểu học. Tuy vậy, ông Trung rất chan hòa và hay giúp đỡ anh em, xung phong đi trinh sát và đặc biệt luôn đi lên dẫn đầu những lần chiến đấu. Ai cũng quý nên đặt cho ông cái tên "Trung hoà", nghĩa là trung dũng và hòa hợp. Ông xứng đáng là tiểu đội trưởng.
Một lần ông được phân công cùng ông Trung vào bản của người dân tộc thiểu số để tìm nơi giấu quân cho trận đánh sắp tới. Mặc dù phải có trang phục gọn nhẹ nhưng ông Trung vẫn đem theo cái mũ cho vào ba lô. Vào gặp trưởng bản, nói chuyện một lúc lâu mà ông ấy vẫn chưa tỏ ra tin hẳn. Ông Trung liền cởi ba lô để lộ ra cái mũ tre, thế là ông trưởng bản bước đến cầm cái mũ lên bảo:
- Đây là cái mũ của Bộ đội Cụ Hồ, sao mày không bỏ ra cho tao xem. Nó là biểu tượng của sự dũng cảm, không sợ hy sinh vì dân mà.
- Trận ấy, do dân cung cấp tình hình địch và che dấu mà ta thắng lớn.
- Ông ơi, thế gọi là dân vận ông nhỉ? - Toàn bất ngờ hỏi.
Ông nội ngạc nhiên:
- Sao cháu biết?
- Dạ, hôm trước mấy bác cán bộ phường đến thăm ông chả bảo: Bộ đội giỏi dân vận mà.
Ông xoa đầu Toàn rồi kể tiếp:
- Ông Trung chiến đấu rất đồng đội và thông minh. Trong một trận đánh ác liệt, quân ta ít hơn, vũ khí lại kém hơn, phát hiện ra quân ta trong chiến hào, chúng bắn vào như đổ đạn. Một số chiến sĩ bị thương vì khẩu trung liên, nếu để kéo dài ta sẽ gặp nguy hiểm. Ông Trung bảo ông:
- Bây giờ đồng chí để cái mũ của tôi lên đầu súng, di chuyển dần, khéo léo nửa núp, nửa lộ cho địch chú ý vào cái mũ. Đồng chí Tuấn bắn yểm trợ đánh lạc hướng, tôi lên diệt khẩu trung liên.
Ông vừa đi được mấy bước trong giao thông hào, đã thấy ông Trung leo lên sau các bụi cây nhỏ và mô đất. Khẩu trung liên bị lừa bắn vào cái mũ và nơi ông Tuấn bắn nhát ngừng. Ông Trung bò đến gần, đến lúc địch phát hiện ra thì ông Trung đã tung thủ pháo vào chúng, khẩu trung liên câm tịt. Cả trung đội hô xung phong, đuổi được địch chạy xuống chân đồi.
- Thế cái mũ có sao không ạ? - Toàn lại hỏi bất ngờ.
- Có, nhưng chỉ bị rách mấy chỗ, phải thay vải trùm.
- Thế sao cái mũ này vải lại khâu vá thế này ạ?
- À, đó là do ông làm. Để ông kể tiếp cho cháu nghe.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị cũ của ông được biên chế lại. Các trận đánh ở chiến dịch này đều ác liệt. May mắn ông và ông Trung vẫn ở cùng đại đội, luôn sát cánh bên nhau. Ông Trung đã là đại đội trưởng. Đại đội đoàn kết và chiến đấu rất giỏi. Được giao trận nào cũng thắng, thương vong ít bởi tài chỉ huy của ông Trung, dù cuộc sống sinh hoạt ở mặt trận gian khổ lắm, ngủ hầm, ăn cơm nắm muối vừng là chính. Ông Trung luôn đến gần các chiến sĩ động viên chăm sóc và kể cho họ nghe về thư Bác Hồ gửi cho chiến dịch và gương chiến đấu trên mặt trận.
Trong trận đánh giai đoạn phản công, đơn vị như một mũi dao nhọn, đào giao thông hào xuyên vào cùng các đơn vị khác vây chặt địch. Dò đoán được kế hoạch của ta, bọn địch liên tục cho quân lính, xe tăng, máy bay ném bom tấn công hòng ngăn chặn đường tiến của quân ta. Các trận chặn phản kích càng ác liệt, giằng co. Trận ấy đơn vị chiến đấu để chiếm lại vị trí then chốt, nối lại gọng kìm. Ông Trung hô xung phong rồi nhảy lên trước. Được vài chục bước thì ông Trung ngã xuống, chiếc mũ văng xuống đất. Ông lao tới thì thấy ông Trung bị đạn vào đầu và ngực. Ông và các chiến sĩ trong đơn vị đưa ông Trung về tuyến sau. Ông còn kịp nhặt chiếc mũ của ông Trung đem về. Về đến trạm xá, khi tỉnh dậy, câu đầu tiên ông Trung hỏi là:
- Anh em bị thương nhiều không?
Ông báo cáo lại, ông Trung mỉm cười mặc dù biết mình bị thương rất nặng. Sáng hôm sau, ông Trung vẫy ông lại gần, nói nhỏ:
- Tớ còn bố mẹ già, nếu hoà bình, nhờ đồng chí thi thoảng đến thăm động viên. Cái mũ của tớ chắc là gẫy mấy nan. Cậu ken nan vào, bọc cái áo cũ lại, giữ làm kỷ niệm.
Ông Trung hy sinh tại chiến dịch trước có một ngày ta chiến thắng.
Toàn mân mê hai cái mũ, đôi mắt bỗng đỏ hoe.
Bây giờ thì Toàn đã là một chiến sĩ trong đội ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam. Thi thoảng, đơn vị sinh hoạt, Toàn lại kể chuyện về chiếc mũ nan tre của ông nội cho mọi người cùng nghe.