Chuông chùa ai thỉnh
Minh hoạ: Thanh Hạnh |
Chùa làng ai tín thì đi, ấy thế mà cũng có nhiều người nói ra nói vào, chỉ vì mỗi chuyện đến chùa. Đúng là đàn bà, đi thẳng cũng đoái, rẽ trái cũng chê, chẳng biết đằng nào mà lần.
Bà Chanh dẩu đôi môi ăn trầu, vừa nhai vừa nói:
- Các cụ nói cấm sai bao giờ, có phúc thì có phần, có năng đi chùa thì trời phật mới phù hộ độ trì cho, nói lậy phật, chứ cả năm chả mất nén hương cho chùa thì lấy đâu ra lộc.
Nghe bà Chanh ngày nào cũng déo dắt những câu như thế, bà Hạ khó chịu. Gớm, bà định nói ai, thì cứ nói quách ra để cùng nghe, ở làng mình từ trước đến giờ ai sai, ai đúng thế nào là mọi người góp ý thẳng thắn, chân tình để cùng nhau sửa, bà cứ ý tứ thế, nghe nó không lọt tai đâu.
Mấy bà đang têm trầu, sắp lễ ở sàn Tam Bảo cũng đế vào: Đúng đấy, nói gì thì nói thẳng ra, cứ vòng vo Tam Quốc mãi.
Bà Chanh nhẩn nha: Phúc với chả phần gì, đi chùa lễ Phật là ở cái tâm, chứ đâu phải vì phần, vì lộc.
Bà dúm bi thuốc lào thật to nhét thêm vào mồm, tiện tay bà di di lên hai hàm răng, vừa di vừa nhỏm nhẻm nói: Thì đấy, từ ngày đi chùa, tôi chưa nhìn thấy bóng dáng cái nhà Bà Khách bao giờ.
- Bà chỉ dỗi hơi, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, nhà người ta hoàn cảnh, đi làm chứ có đi chơi đâu mà bà cứ tỵ nạnh.
Bà Chanh bốc hỏa lên đầu. Tôi thấy thế thì tôi nói thế, có chê bai gì ai đâu. Trẻ vui nhà, già vui chùa, đến tuổi đi Quy rồi thì cũng phải lên chùa mà quy Phật, nay mai nằm xuống còn có “Giấy tờ” mà lên Thiên Đàng.
Vẫn là tiếng bà Hạ:
- Bà này nói với chả năng, chán chết, đi chùa thì hẵng biết đi chùa, chứ đâu phải đi để lấy giấy "thông hành".
Lời qua tiếng lại cũng là lúc mâm hoa quả và đĩa trầu cau đã được sắp lên thịnh soạn, mọi người phủi quần, phủi áo chỉnh lại khăn áo rồi bưng lễ đặt lên các ban thờ, ngồi ngay ngắn xuống chiếu, chắp hai tay bắt đầu tụng kinh. Tiếng mõ khua lốc cốc, thỉnh thoảng điểm vài nhịp chuông quyện cùng mùi hương nhang khiến khu chùa ấm cúng hẳn lên. Ai ai cũng thành tâm khấn Phật.
Ở làng, những chuyện vặt ấy ngày nào cũng xảy ra, được cái chỉ bực tức nhau chút thôi, tan buổi tụng kinh, ai về nhà nấy là xong một việc.
Bà Khách tất tưởi đạp chiếc xe đã cũ kỹ, trên chở cồng kềnh những sắt vụn, vỏ chai, bìa carton. Bàn tay yếu ớt xù xì của bà căng ra để với tay phanh, chiếc xe rít lên ken két mỗi khi gặp con trâu, con bò chạy trên đường. Dù đang chở hàng phế liệu rất nặng nhưng gặp ai bà đều đon đả chào hỏi, giọng bà hơi the thé nhưng cũng đủ để ấm lòng người tiếp xúc với bà.
Tiếng chuông trong Nhà Mẫu lại ngân nga, tiếng tụng kinh lầm rầm đủ các thứ giọng, nhưng vần đúng nhịp, đúng vần. Không gian tĩnh lặng, thỉnh thoảng có tiếng chim sâu lích chích trên những chùm hoa đại ngoài sân, ai nấy nghiêm trang như đi vào cõi Tiên, cõi Phật. Bà Đại ngồi chiếu đầu thỉnh chuông, gõ mõ, các bà khác chắp tay trước ngực, mắt đăm đắm nhìn lên tượng Mẫu, miệng đọc đều đều. Đôi mắt ai cũng như rót bao điều tâm sự, những tâm tư của mình mong sao Mẫu Hiền nghe thấu.
Bỗng có tiếng lao xao, tiếng thất thanh của thằng Bộ. Tất cả giật thót mình nhưng vì bài kinh chưa thỉnh xong nên ai cũng vẫn ngồi im, mấy bà kín đáo đưa mắt cho nhau, bà Tấm chạy ra cửa làm hiệu cho thằng Bộ khẽ khẽ cái mồm, chốn linh thiêng không được làm thất kinh náo động. Thằng Bộ há miệng định nói thì bị bà Tấm xòe bàn tay be miệng, lôi nó ra ngoài. Ra góc sân bà hỏi nó có việc gì, thằng bé vừa khóc, vừa nói: Bố cháu bị tai nạn rồi, bị xe ô tô đâm.
Thằng Bộ nấc nấc mấy cái rồi mếu máo: Bố cháu đang ở ngoài đường, chỗ Cầu Quanh ấy, bà bảo bà cháu về mà lên đưa bố cháu đi viện không thì bố cháu chết mất.
Bà Tấm gắt, phủi phui cái mồm mày. Trời ơi, đang thỉnh kinh, đã xong đâu cơ chứ. Vừa lúc ấy tiếng mõ cuối cùng cũng báo hiệu bài kinh thỉnh đã xong, mọi người tóa ra sân, nhao nhao nhìn thằng Bộ hỏi dồn, hỏi dập.
Sau khi nghe thằng Bộ nói, bà Chanh đứng không vững, chân bà khuỵu xuống, mọi người xúm lại lấy dầu xoa cho bà, có người động viên bà cố rắn rỏi lên để lo cho việc chăm sóc và đi viện của bố thằng Bộ. Mười lăm phút sau bà chợt trấn tĩnh, bà giằng tay ra khỏi đám đông chạy như bay về nhà. Sân nhà bà đã chật cứng người đến hỏi thăm. Bà Chanh chẳng còn hồn vía nào mà cất lời chào mọi người nữa, bà run rẩy vào bếp lại ra sân, rồi bà ngồi vật giữa nhà chắp tay vái lia lịa lên bàn thờ: Con lậy Quan Ông, con lậy Thánh Hiền, con lậy Quan Thế Âm Bồ Tát, con lậy Thần Linh Thổ Địa, con lậy ông Và ông Vải, con lậy ông Hộ Pháp cửa chùa...
Nghe đến đây thì ông Cương Trưởng xóm đến kéo bà đứng dậy, ông nói to: Khổ quá đây là nhà bà chứ có phải chùa đâu mà bà thỉnh tên các ngài, bà chuẩn bị quần áo đi để tôi đưa bà sang viện với cháu.
Vừa ra đến cổng thì cô Hiến chạy vào: Số chú này đến là may, bị tai nạn đúng lúc bà Khách đi đến đấy, bà ấy bỏ hết hàng bên lề đường, xốc vác thế nào mà đưa được chú ấy vào viện, rồi nhờ người trông giúp, bà chạy sang xóm bên vay đủ tiền để nộp tiền viện cho chú ấy.
Bà Chanh nghe vậy quỳ sụp xuống sân vái lia lịa, miệng lắp bắp: Ối nhà bà Khách, tôi xin cảm ơn bà, thế mà bấy nay...
Ông Cương kéo bà Chanh đứng dậy. Bà Chanh lau vội hàng nước mắt trên khóe mi. Mô Phật. Ông Cương mỉm cười nói đùa bà Chanh: Lúc này mà bà còn Mô Phật mãi à, bà nên Mô cả bà Khách nữa thì mới phải đấy.