CHUYỆN CỦA SAO
(Tranh minh họa) |
Bà Hoa vục dậy, đến bên bếp lửa sưởi ấm ngồi ngóng cháu. Chập tối nay, chưa kịp cơm cháo gì, đứa cháu ngoại của bà đã tất tả đi đến bản Bung xa xôi đỡ đẻ cho một ca sinh nở khó. Ruột gan bà bỗng cồn cào như nghe được tiếng khóc của đứa cháu ngoại từ hơn hai mươi năm trước. Tiếng khóc vẫn nằm lẩn khuất trong sâu thẳm tâm hồn bà lại ùa về.
***
Bản Tày nơi bà Hoa sinh ra nằm lọt thỏm dưới những cánh rừng già. Mấy chục năm về trước nơi đây còn có niềm tin mù quáng vào chuyện “ma gà” bí ẩn. Không biết “ma gà” bắt nguồn từ đâu nhưng đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối bà con vùng cao. Chẳng biết có phải vì bà Hoa hồi trẻ có vẻ ngoài xinh xắn, đặc biệt là đôi mắt đẹp và trong vắt mà người ta đồn bà là người được sinh ra trong gia tộc có truyền thống nuôi “ma gà”… Những năm thiên tai gây thiệt hại mùa màng, trâu bò bị bệnh dịch lăn đùng ra chết, họ đều xì xào do “ma gà” nhà bà nhập vào. Dân trong bản khiếp sợ, đóng cửa, yểm bùa, trừ tà. Tuổi thanh xuân của bà trải qua muôn vàn đắng cay, đẫm nước mắt. Chẳng chàng trai bản nào dám yêu và cưới bà, dù bà là cô gái giỏi giang, xinh đẹp.
Rồi bà mang thai, không ai biết cha đứa bé trong bụng kia là ai. Chịu mọi lời cay nghiệt của người dân mấy bản xa gần, đứa bé ra đời trong tiếng nấc thầm của người mẹ trẻ.
Dồn hết tình thương yêu vào nuôi con nhưng thấy con có khuôn mặt đẹp như trăng rằm, làn da trắng hồng, cặp môi mọng đỏ, đôi mắt trong veo, lấp láy… bà lại run sợ. Bà chỉ muốn Nhình (tên cô bé) đừng xinh đẹp và mãi bé nhỏ.
Lúc nhỏ, Nhình không hiểu vì sao mọi người lại xa lánh mẹ. Lớn hơn một chút, cô lờ mờ hiểu vì mẹ đẹp nên bị “ma gà” ám. Đến tuổi trăng rằm, người trong bản bắt đầu lảng tránh Nhình. Họ tránh không để Nhình nhìn vào con gái, đàn gà, con lợn... nhà họ. Họ cấm con trai không được chọc ghẹo Nhình. Thế nhưng trong số những bạn học thuở nhỏ, Luân - chàng trai nghèo mồ côi cha mẹ, sống ở bản bên - đã yêu thương Nhình tha thiết. Nhưng cũng chỉ đến lặn mặt trời Luân mới dám sang nhà Nhình chơi. Thế rồi chuyện cũng lộ. Ông chú Luân là trưởng họ, tuyên bố:
- Mày định rước con ma về bản ta gây họa à? Chừng nào tao còn sống thì không bao giờ cho mày cưới con ma ấy.
Luân cãi:
- Ma gà hại người, hại của chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng tồn tại bao đời nay thôi chú ạ. Bây giờ khoa học tiến bộ sẽ lý giải được hết.
- Tao không cần tin cái khoa học của mày. Lấy nó, chúng mày chỉ có thể vào rừng rậm mà ở.
Một đêm trời trở gió, muộn rồi mà chưa thấy Luân đến nhà Nhình như thường lệ. Bà Hoa thấy con gái ngồi im phăng phắc bên ngọn lửa nhìn chăm chăm ra cửa mà chạnh buồn. Nghe tiếng chó sủa, Nhình chạy vội ra cửa đón Luân. Xuất hiện với vẻ mặt thất thần, sau phút bối rối Luân run run nói với bà Hoa:
- Thưa bác, cháu không tin đâu, nhưng thím cháu từ tối đến giờ sốt cao nói lảm nhảm. Họ cho rằng bà ấy bị “ma gà” nhập. Mặc dù đã cho mời một thầy lang kiêm thầy mo nổi tiếng trong vùng tới làm lễ cúng trục nhưng không được. Họ nhất mực bắt cháu đến đây nhờ bác đến gọi con ma về.
Đau lòng lắm, nhưng thương bọn trẻ, bà Hoa lao ra đường trong đêm gió rét. Đến trước cửa nhà chú của Luân, bà lầm rầm nói trong nước mắt rồi nhọc nhằn lê bước chân về nhà. Họ tin bà đã gọi được con ma về.
Luân viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ, mang theo lời hẹn ước xong nhiệm vụ sẽ về cưới Nhình. Xuất ngũ về quê hương, giữ đúng lời hứa, Luân cưới Nhình. Có điều đám cưới không được họ nhà trai tác thành. Trình độ dân trí trong bản lúc này cũng đã tiến bộ hơn trước nhiều, nhưng tiềm ẩn trong tâm trí nhiều người vẫn chưa tan nỗi sợ thế lực vô hình của “ma gà”.
Khi Nhình mang thai, nghe lời xúi giục của thầy tào, dân bản họp và yêu cầu trưởng bản đuổi mẹ con bà Hoa ra cái chòi nhỏ nằm biệt lập với làng để sinh con. Sao - tên đứa cháu ngoại mà bà Hoa đặt cho sau này, cất tiếng khóc chào đời vang cả khu rừng vắng. Còn Nhình yếu ớt do mất nhiều máu đã không qua khỏi sau lần vượt cạn ấy. Định mệnh trái ngang, oan nghiệt một lần nữa không buông tha phận má hồng. Bà Hoa chắp tay lạy ông trời cho bé Sao thoát khỏi nỗi ám ảnh “ma gà”, vì bà nhận thấy khi lớn lên nó cũng sẽ xinh đẹp như bà và mẹ nó.
***
Sao trở về nhà khi gà đã eo óc gáy. Bước chân lên mấy bậc cầu thang, nhìn thấy bà ngoại đang ngồi ở bậc thang trên cùng, cô vội vàng hỏi:
- Bà ơi, bà không đi ngủ vẫn chờ cháu ư?
Không trả lời, bà Hoa vội vàng hỏi:
- Họ mẹ tròn con vuông chứ cháu?
Sao cười, trêu bà:
- Cháu bà là bác sĩ khoa sản giỏi đấy nhé. Bà lại không tin vào tay nghề cháu rồi!
Bà Hoa mắng yêu:
- Bố chị, cứ đi đỡ đẻ cho mọi người mãi. Mau cưới chồng rồi sinh cho tôi một đứa chắt.
- Đợi nhà trai đón danh hiệu “Gia đình văn hóa cấp tỉnh” về là sang dạm ngõ đấy bà ạ.
Mắng yêu cháu, nhưng thực tâm bà Hoa tự hào lắm. Vậy là “ma gà” không còn là lời nguyền truyền kiếp nữa. Trước đây bà và mẹ nó chẳng bao giờ được bồng bế đứa trẻ nào trong bản. Họ tin vào lời đồn rằng người có “ma gà” mà xoa đầu, khen trẻ ngoan xinh… thì đứa bé ấy sẽ dần bủng beo, không ăn, không ngủ. Nếu không sớm mời thầy mo cao tay về cúng trục, sớm muộn đứa trẻ cũng lìa đời. Vậy mà giờ đây những sinh linh bé nhỏ lại được chính tay đứa cháu của bà nâng đỡ. Cháu bà sau khi tốt nghiệp đại học y đã tình nguyện về địa phương công tác. Các cơ quan chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích nên lâu nay bà con nơi đây đã biết đưa người nhà đến trạm y tế khám chữa bệnh…
Bây giờ nhìn Sao tự tin trong cuộc sống mới, bà Hoa vừa mừng vừa tủi. Nhưng mỗi lần Sao đi đỡ đẻ, bà lại chạnh nghĩ đến Nhình mà thương đứa con gái xinh đẹp của vùng sơn cước đã từng phải làm bóng ma của một thời mông muội!