Cùng ngẫm đời người như con nước
“Chỗ nước lặng nhất là chỗ nước sâu nhất”- cổ nhân đã đúc kết điều này. Đời người cũng vậy, đi qua năm tháng ồn ào mạnh mẽ, đến một lúc yên lặng mà nhìn vào chính mình, ấy là lúc con người đã trưởng thành nhất, từng trải nhất, chiêm nghiệm và bình thản nhất. “Trà lặng” của tác giả Minh Thắng (Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh) là tập thơ nói về nét tâm trạng ấy.
Trước “Trà lặng”, Minh Thắng đã xuất bản: Người đàn bà có đôi chân trần (thơ -2003), Rét ngọt (thơ - 2006), Giữ lửa (thơ - 2010), Nấc trầm (thơ - 2014), Cỏ mần trầu (tập truyện ngắn - 2020).
Nếu nói thơ chính là người, thật đúng với Minh Thắng. Chị trải lòng mình bằng thơ. Những câu thơ, bài thơ bật ra cho đêm bớt dài, cho lòng đỡ quạnh, xếp thành tập cùng nhiều kỷ niệm khó quên. Nhưng rồi như bát nước sôi nguội dần, cay đắng khiến con người cứng cỏi, ngọt ngào khiến con người nhân nghĩa. Đến một ngày, ngồi trước chén trà, chị thấy lòng mình như sông Cầu đi qua mùa mưa lũ, thanh thản êm trôi. “Trà lặng” ra đời từ đấy.
Ta thanh thản nhâm nhi cái lạnh giá/Cái đắng đót ngậm ngùi/Cho lòng ấm lại (Đêm Ba mươi); Trách làm chi? Giận làm chi? Lánh mình trong cõi lặng/Lòng thư thái nhẹ vơi/ Sáng sớm nghe chim hót/Đủng đỉnh pha ấm trà/Nhâm nhi câu thơ mới/Cùng sương khói bay lên (Cõi lặng)…
43 bài thơ trong “Trà lặng” hướng về chữ An nhiên. Chấp nhận buồn vui như là tất yếu của đời người. Trò chuyện về tập thơ, tác giả Minh Thắng cho biết: Tôi hướng đến chữ “buông” trong thơ cũng như trong đời. Buông mong cầu, buông ham việc, buông cả nghĩ. Buông để dễ chấp nhận khác biệt, kể cả đúng - sai, cũng là cách để sống vui hơn khi chặng đời đã ngả về chiều.
Tôi đồng tình với quan điểm này của chị. Sống vui và sâu từng giây phút, như lúc này đây, nhấp một ngụm trà và: Cùng ngẫm đời người như con nước/Chút bình yên sau bao ngả thác ghềnh (Trà lặng)…