Đất thiêng
Tôi là một thạc sĩ hóa học nên sự hiểu biết về lịch sử quả là hạn chế. May mắn thay, tôi lại có ông Thành, chú ruột là Đại tá quân đội, một cựu chiến binh, đôi khi kể cho tôi nghe những kỷ niệm chiến trường vào những lúc tôi về chơi thăm ông. Lần này tôi đi công tác ở T.P Hồ Chí Minh, lại trùng dịp ông Thành cùng mấy đồng đội cũ vào miền Nam dự lễ kỷ niệm thành lập trung đoàn.
Thấy tôi năn nỉ cho cùng đi, ông bảo:
- Lần này cho cháu đến vùng “Đất thiêng”, cháu sẽ hiểu rất nhiều về mục tiêu, lý tưởng của nhân dân ta.
Nghe chú nói tôi thực sự háo hức, mong chờ từng phút để đi cùng chú.
Nhìn vào bản đồ thì vùng đất mà chú tôi nói chẳng có gì đặc biệt. Một vùng đất vài chục héc ta trồi ra trên vùng nước sình lầy tựa bán đảo. Ngày xưa chỉ có một con đường độc đạo, nay người ta làm thêm một cây cầu để khách vào tham quan. Dân số ở đây cũng chỉ vài nghìn người, chủ yếu làm nghề trồng cây hái quả và đánh cá. Đoán ý nghĩ của tôi, chú vỗ vai cười:
- Vào đó, nghe và xem thì biết cháu à.
Vừa bước chân qua cổng làng, một tốp nam nữ thanh niên vui tươi ra đón. Trên tấm ngực áo xanh của họ in đậm dòng chữ “Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xã Thủy Hồ”. Họ đưa chúng tôi đến thăm bảo tàng của xã. Bên ngoài bảo tàng là bức tượng đài Bác Hồ đứng giơ tay cao vẫy chào đồng bào. Trên cao là dòng chữ “CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH SỐNG MÃI TRONG SỰ NGHIỆP CỦA CHÚNG TA”. Thấy chúng tôi quá chú ý xem và đọc, cô thuyết minh giải thích:
- Vâng, chắc quý khách có ý muốn tìm hiểu thêm sự hiện diện của các hiện vật ở một bảo tàng cấp xã. Đó chính là khác biệt đã từng làm nên cái tên “Đất thiêng” một thời đánh Mỹ của làng chúng tôi.
Hướng vào một bức ảnh nhỏ, cô xúc động: - Thưa quý khách, đây là ảnh căn hầm của nhà má út Thân. Nó cũng giống như căn hầm làm nhà thờ Bác Hồ của tất cả các gia đình nơi đây được lập năm 1969 vào ngày Bác mất. Chiến đấu kiên cường bảo vệ mảnh đất này để bảo vệ sự nghiệp của cha ông, cũng là giữ gìn tấm lòng thiêng liêng của nhân dân ở đây với lòng tôn kính vô hạn của bà con với Bác Hồ. Đó cũng là sức mạnh vô song mà đạn bom của địch không thể khuất phục. Chúng chiếm rồi lại phải rút, nhiều trận địch phải chịu thất bại. Có một lần chúng cho tiểu đội thám báo đang đêm bất ngờ ập vào làng. Gặp quân ta phục kích, tổn thất quá nửa, chúng khiếp sợ từ đó. Trong một trận càn lớn chưa từng có, sau khi bắn pháo như vãi đạn vào làng, chúng cho trực thăng đổ quân xuống vì chúng nghe đâu có quân giải phóng về. Khi chúng đổ quân xuống, dân làng đã biến đi đâu hết. Chỉ còn bắt được má Thân. Má già lại bị gãy một chân. Tên sĩ quan gọi má vào nhà quát:
- Bà già mau khai ra. Quân giải phóng đến từ lúc nào, có đông không?
Má bình tĩnh trả lời: - Họ đến bất ngờ rồi biến đi như thần. Sao tôi biết lúc nào, ai đếm được mà biết nhiều hay ít.
Tên sĩ quan lại tra hỏi: - Không biết nhiều nhưng bà biết ai chỉ huy chứ? Là người già hay trẻ, cao hay thấp, béo hay gầy?
Má cười khinh thường, bảo: - Là chỉ huy giải phóng tất nhiên to cao, có râu, tiếng nói như sấm, mắt sáng quắc. Ai cũng răm rắp nghe theo.
Bỗng có tên lính kêu lên: - Dạ thưa, nhà có hầm nhưng không có Cộng sản đâu ạ.
Tên chỉ huy túm tay, bắt má dẫn xuống hầm: - Đi, có phải hầm của chỉ huy không?
á dẫn chúng xuống hầm. Trong căn hầm chỉ có bàn thờ ảnh Bác Hồ với một bát hương, đĩa quả đơn sơ. Tên sĩ quan lắc đầu khó hiểu nhưng vẫn tra hỏi: - Đâu, chỉ huy ở đâu?
Má chỉ lên ảnh Bác hồ nói rành rọt: - Đó, Cụ chính là người chỉ huy vĩ đại của nhân dân, của quân giải phóng. Lời Cụ dặn chắc chắn sẽ thực hiện được. Chúng mày có sợ không, có dám động vào Cụ không?
Tên sĩ quan ra vẻ hùng hổ nhưng lại tái mặt quát đàn em quay ra.
* * * *
Chúng tôi ai cũng rưng rưng nước mắt trước câu chuyện của người thuyết minh. Rời nhà bảo tàng, chúng tôi đi đến một gia đình có nhà thờ Bác to nhất làng. Từ thuở nhỏ tôi chưa bao giờ nhìn thấy ở một gia đình riêng lại có một nhà thờ Bác diện tích rộng như vậy. Với kiến trúc mái cong cong tựa mái đình xưa nhưng lại rất chân phương giản dị. Tuy nhiên, bên trong lại vô cùng phong phú về tranh ảnh và các hiện vật được mô phỏng từ các mẫu vật của bào tàng Nhà nước. Đặc biệt các bức ảnh khi Bác gặp gỡ các cán bộ, chiến sĩ miền Nam được treo vô cùng trân trọng. Bức áp phích “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” trên bức tường giữa gian nhà lớn không ai không ngưỡng mộ. Chủ nhà là một bác nông dân có mẹ và hai em là liệt sĩ.
Ông bảo: - Chúng tôi, cả làng này, xã này đã đi theo Đảng, theo Bác, nay tiếp tục đi lên xây dựng nông thôn mới. Quý khách có biết sang năm xã sẽ tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ gặp đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc. Bác đặt tay lên ngực rồi cảm động nói: “Bác chẳng có gì tặng lại cả, chỉ có cái này. Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi”.
Mặc dù cho tôi đã nhiều lần được nghe câu nói của Bác nhưng cũng bị bất ngờ vì cái ý định có ý nghĩa lớn lao như thế.
Chú Thành nhìn sang tôi thốt lên:
- Cháu đã thấy chưa? Nơi đây mãi mãi là đất thiêng. Trong công cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, các chú đã qua vùng này, được bà con che chở, bảo vệ, nhưng mãi sau này mới biết chính tấm lòng kính yêu vô hạn của nhân dân với Bác Hồ chính là nguồn gốc sức mạnh của lòng yêu nước, sự hy sinh cao cả của họ.
Chuyến đi là một kỷ niệm đặc biệt hằn dấu trong trái tim tôi như làm bừng tỉnh một điều gì đó từ xưa vẫn mong mỏi nay mới tìm được cho cuộc đời. Phải chăng, trên đất nước này, mỗi mét vuông đều là những mảnh đất thiêng đã làm nên những kỳ tích hôm nay./.