LỜI CÂY ĐÀN TÍNH

Cập nhật: Thứ sáu 02/09/2022 - 17:20

Gửi xong lô hàng trà đinh, trà tôm nõn hảo hạng, Dũng đang định xem lại cách bài trí của văn phòng đại diện thì Giang, chủ cửa hàng đặc sản Thái Nguyên tại thành phố Hồ Chí Minh lại gọi điện đề nghị giao gấp số lượng lớn nếp vải Ôn Lương, nếp thầu dầu Phú Bình, miến Việt Cường. Anh đùa vui: “Khách hàng là thượng đế, khách có nhu cầu, bất cứ lúc nào chúng ta cũng đáp ứng”.

Thực ra Dũng không phải chuyên về kinh doanh, anh hiện là kỹ sư công nghệ của một nhà máy cơ khí. Mấy năm trước vào thành phố Hồ Chí Minh thăm anh trai làm việc tại Công ty Thép miền Nam, Dũng quen Giang, khi đó đang là kỹ sư xây dựng. Vợ chồng Giang thuê nhà trọ kế bên nhà người anh của Dũng. Một tối bất chợt từ nhà Giang vọng sang tiếng đàn tính cùng lời then tha thiết: “Chài ớ ới ơi/ Quên hương noọng núi biếc non xanh/ Ngập ngừng bước bàn chân lối nào/ Đợi chài thăm…”. Giữa nơi phồn hoa đô hội lại có tiếng tính tẩu, lời then của người Tày, Dũng không khỏi ngỡ ngàng.

Hàng xóm gần gạnh, lại cùng người miền Bắc, chỉ vài lần gặp gỡ hai người đã trở nên thân tình. Tiếp chuyện Dũng trong căn phòng trọ chật trội, Giang kể: Bố anh là người Tày, quê ở huyện Đại Từ, Thái Nguyên, ông đi bộ đội và tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Sau giải phóng ông công tác tại cảng Sài Gòn, lấy vợ và sinh sống tại thành phố. Giang tốt nghiệp đại học và làm việc tại đây.

Một lần về thăm quê nội, Giang quen Thảo, cô cũng là người Tày và hai người nên vợ nên chồng. Hồi mới lấy nhau, vợ chồng Giang ở chung với bố mẹ và phụ giúp ông bà bán hàng ăn sáng. Từ ngày vợ mang bầu, anh thuê tạm căn nhà này để gần nơi làm việc của vợ tại công ty may mặc. Giang học tính tẩu từ bố, tuy chưa thật giỏi nhưng tiếng đàn quấn quýt cùng lời then làm ai nghe cũng thực sự ấn tượng.

Trước khi Dũng ra Bắc, vợ chồng Giang sang chơi. Nói về công việc của vợ mình, Giang bộc bạch: “Em đang muốn cho vợ nghỉ việc tại công ty may mặc, ông bà tuổi cao sức yếu, chả rõ vợ em có “kế nghiệp” được không”. Cô vợ giãy nảy: “Món nấu nướng em chịu thôi”. Dũng buột miệng: “Nếu nhà cửa tiện cho mở cửa hiệu, hai vợ chồng kinh doanh hàng tạp hóa, hoặc làm đại lý gì đó có khi hay!”. Suy nghĩ một lát, Giang ngập ngừng: “Thái Nguyên ngoài trà, còn những sản vật gì nữa anh?” “Cũng khá nhiều đấy. Tôi không rành rẽ lắm, nhưng biết chắc có gạo bao thai, lạp sường Định Hóa, nếp thầu dầu, nham trám Hà Châu, tương nếp Úc Kỳ, nếp cẩm, nếp vải, miến măng, mộc nhĩ, rồi thì bưởi, cam… toàn là nông sản sạch”. “Ra ngoài đó, anh xem giúp em giá cả, chất lượng, khả năng cung ứng”. “Được! Tôi sẽ chắp mối cho chú trao đổi trực tiếp với một số cơ sở”.

Tưởng thuần túy chỉ là cuộc trò chuyện vui, không ngờ vừa ra Bắc, Dũng đã liên tục nhận được các cuộc điện thoại qua lại. Một tháng sau Giang ra gặp anh, hồ hởi: “Em định mở cửa hàng đặc sản Thái Nguyên. Ông bà em ủng hộ lắm. Anh giúp em hoàn tất các giao dịch - Giang quả quyết: - Người miền Bắc, trong đó có Thái Nguyên sinh sống khá đông. Hương vị quê nhà làm người đi xa ấm lòng…”.

Cửa hàng của vợ chồng Giang nhanh chóng được khai trương với các sản phẩm trà, gạo nếp, miến dong và một số nông sản chế biến khác của Thái Nguyên. Qua trang thương mại điện tử, Dũng thấy vợ chồng Giang làm ăn khá bài bản. Nói chuyện với anh qua điện thoại, Giang tỏ ý vui mừng: “Em giới thiệu rộng rãi sản phẩm quê mình nên hàng bán tốt. Chỉ tiếc nhiều mặt hàng khó bảo quản khi vận chuyển xa nên chưa thể nhập, như: Đậu phụ Bình Long, các loại bánh của Gò Chè…”.

Bẵng đi một dạo, đột nhiên Giang xuất hiện tại Thái Nguyên. “Em đưa ông bà về quê “dối già”, việc riêng của gia đình nên không báo anh trước. Cảm ơn anh đã giúp kết nối với các địa chỉ tin cậy. Em đang định mở thêm cửa hàng trong đó và lập văn phòng đại diện tại Thái Nguyên”.  

Giang cho biết các mặt hàng hiện có của Thái Nguyên trong Nam không hiếm. Tuy nhiên sản vật mỗi vùng miền có hương vị đặc trưng riêng, vấn đề là cách thức tiếp cận người tiêu dùng. Anh mở tập bản thảo đồ họa các mẫu bao bì sản phẩm trà với túi, hộp đa dạng như hộp lục giác, hộp vuông, hôp quai xách, hộp búp sen, hộp hoa sen, hoặc kiểu chĩnh, từ tốn bày tỏ:

- Không có văn phòng đại diện ngoài này, nhiều việc rất khó xử lý linh hoạt. Chất lượng là vấn đề sống còn, mẫu mã cũng phải bắt mắt. Hàng hóa lên kệ khác với bày tại sạp hàng chợ quê. Dịp Tết cần thiết kế hộp trà kèm kẹo, hoặc trà và mứt ngũ vị, giỏ xách đến bao gói thể hiện không khí xuân. Mùa vu lan báo hiếu hình thức giỏ quà tự nó phải biết nói lời tri ân bậc sinh thành. Từng mặt hàng đóng gói cũng cần có cách thức phù hợp. Đơn cử như gạo nếp, nên đóng túi lẻ hút chân không chống ẩm từng cân một. - Giang lấy từ túi xách ra gói kẹo lạc, kẹo dồi trà xanh đóng trong túi ni nông và tiện tay bóc mời Dũng: - Anh ăn thử đi, rất ngon. Nhưng nếu đóng trong hộp, hoặc lọ nhựa trang trí đẹp sẽ bắt mắt hơn nhiều. Sự sang trọng khiến người mua dễ sử dụng cho các mục đích.

Dũng ngắm chiếc kẹo, chậm rãi:

- Mẫu mã, chất lượng là quan trọng, người tiêu dùng luôn quan tâm đến an toàn, vệ sinh thực phẩm.

- Đúng thế! Hàng hóa tiêu thụ phải được cấp phép, có tem truy xuất nguồn gốc, mã số mã vạch trên từng sản phẩm, không thể tùy tiện gắn nhãn mác. Em mua trà Thái kết hợp với sen Tháp Mười làm trà sen cũng phải ghi rõ xuất xứ. Người mua hàng cần biết sản phẩm ấy ai sản xuất, nguyên liệu thế nào, thời hạn sử dụng ra sao. Xu thế tiêu dùng thông minh là điều bà con phải cập nhật. Khay bánh lá ngải, bánh dày, bánh chưng… cũng cần có các giải pháp để vươn xa, không thể mãi nổi tiếng trong “ao làng”.

- Người nông dân không dễ để tiếp cận nền tảng công nghệ số trong hoạt động thương mại. Mặt khác, chỉ khi có tư cách pháp nhân theo luật định mới thu hút được nhà đầu tư và kí kết hợp đồng kinh tế.

- Chính vì vậy em mời anh quản lý văn phòng đại diện tại Thái Nguyên. Chúng ta có trách nhiệm giúp bà con khẳng định giá trị chất lương sản phẩm của mình.

Giang trình bày khá cặn kẽ phương án đầu tư một số khâu về kỹ thuật sản xuất cho bà con nông dân và nêu ý tưởng về mở rộng quảng bá, xúc tiến thương mại, tăng cường khả năng đưa các mặt hàng nông sản, thực phẩm sạch đạt tiêu chuẩn OCOP của Thái Nguyên vào các trung tâm thương mại cả trong và ngoài nước. Giang bộc bạch: “Nhiều mặt hàng nông sản của Thái Nguyên rất có tiềm năng. Thị trường tiêu thụ là rất lớn. Làm được chút gì để góp phần phát triển quê hương, em luôn sẵn lòng”.

                                                    *  *  *

Chuyến hàng mới vào tới thành phố Hồ Chí Minh, Giang quay cảnh các sản phẩm đang được nhân viên xếp lên kệ và nói chuyện với Dũng qua tin nhắn video: “Em đã bố trí phòng trà, phát sóng trực tiếp tiết mục đàn tính hát then giới thiệu gian hàng đặc sản Thái Nguyên…”.

Dũng vui vẻ chuyển kết nối điện thoại sang màn hình lớn. Tiếng tính tẩu dập dìu, tiếng xóc nhạc rộn rã cùng lời then trong trẻo ngân lên lời yêu thương nồng nàn tha thiết. Bên các kệ hàng đầy ắp, khách tới thưởng trà và mua hàng tấp nập. Với sự năng động của người con xa quê, Dũng tin lời cây đàn tính của Giang sẽ mang thơm thảo của tình người xứ Thái bay xa.

Truyện ngắn: PHAN THÁI
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: